TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.338.766
Truy câp hiện tại 921
Tư tưởng Hồ Chí minh về Xây dựng Hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh và phát huy sức mạnh toàn dân tộc (Phần 2: Về Xây dựng Hệ thống chính trị)
Ngày cập nhật 07/05/2024

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, mặc dù chưa có tác phẩm nào viết riêng hoặc bàn sâu về xây dựng hệ thống chính trị và các thành tố cấu thành hệ thống chính trị, nhưng qua các tư liệu, bài viết của Người, chúng ta có thể khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về các thành tố chính cấu thành hệ thống chính trị mới phải dựa trên ba trụ cột, đó là: Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các thành tố của hệ thống chính trị phải được kết hợp hài hòa, có cơ chế phối hợp hành động, kiểm tra và giám sát lẫn nhau hết sức chặt chẽ.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền

Thứ nhất, phải có nhà nước hợp pháp, hợp hiến.

Một nhà nước hợp pháp, hợp hiến là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu. Trong bản Tuyên ngôn độc lập - khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bằng những lý lẽ chắc chắn, thuyết phục, Người đã trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về địa vị hợp pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (ngày 03/9/1945), nhiệm vụ thứ ba trong sáu nhiệm vụ cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...”[1]. Ngày 17/9/1945, Người ký Sắc lệnh ấn định thể lệ Tổng tuyển cử. Ngày 20/9/1945, Người ký Sắc lệnh số 34-SL thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chuẩn bị đệ trình dự thảo Hiến pháp ra Quốc hội. Sự khẩn trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn bị tích cực cho sự ra đời của một nhà nước hợp pháp, hợp hiến.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, một nhà nước hợp pháp, hợp hiến phải được nhân dân thừa nhận thông qua Tổng tuyển cử, đồng thời phải có Hiến pháp và hệ thống pháp luật riêng, được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, sau khi chúng ta giành được chính quyền, mặc dù Chính phủ lâm thời được nhân dân ủng hộ và tin tưởng; trước sự chống phá quyết liệt của “thù trong, giặc ngoài”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương và kêu gọi nhân dân đi bầu cử để thành lập Nhà nước hợp hiến, hợp pháp. Điều này thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của một vĩ nhân, nhất là việc xử lý khéo léo, hiệu quả những vấn đề phức tạp, căng thẳng, những âm mưu phá hoại và can thiệp của cả bên trong và bên ngoài ở thời điểm lịch sử đó.

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 đã bầu ra một Chính phủ hợp hiến và cũng là cuộc phổ thông đầu phiếu nhanh nhất, sớm nhất (chỉ 4 tháng sau ngày giành được nền độc lập), đưa lực lượng chính trị của nhân dân lên cầm quyền. Trên thế giới, chưa có quốc gia nào làm được điều này ngay sau khi giành chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút kinh nghiệm từ thực tiễn các cuộc cách mạng trên thế giới, cùng với sự nhạy cảm và tư duy sắc bén đã hình thành nên một Nhà nước hợp hiến, hợp pháp đầu tiên ở Việt Nam do nhân dân bầu ra, có đủ tư cách và hiệu lực trong việc giải quyết các vấn đề của đất nước. Chính vì sớm có một Nhà nước hợp hiến, hợp pháp mà chúng ta đã ngăn chặn được những âm mưu nhằm can thiệp, lật đổ chính quyền còn non trẻ mà nhân dân ta mới giành lại được.

Thứ hai, Nhà nước có hệ thống pháp luật đồng bộ và hiệu quả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Nhà nước phải quản lý đất nước bằng pháp luật và làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế. Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, cùng với việc nỗ lực xác lập tính hợp hiến, hợp pháp của Nhà nước, Người đã dành nhiều tâm sức để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong 24 năm ở cương vị là người đứng đầu Nhà nước, Người đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, đã ký công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác[2] nhằm tạo lập cơ sở pháp lý để bảo vệ độc lập, tự do, cho cuộc sống độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.

Ngay sau khi nước ta giành được độc lập, khi chưa có Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 47/SL ngày 10/10/1945 để giữ lại mọi luật lệ của chế độ cũ, chỉ trừ những điều luật trái với nền độc lập, tự do. Người giải thích: “Một xã hội không thể sống một ngày mà không có pháp luật”. Người cũng ký một loạt các sắc lệnh, như Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân; tịch thu tài sản của thực dân và việt gian, tổ chức Tòa án “độc lập với hành chính”, “các vị thẩm phán chỉ xử trong vòng pháp luật và công lý. Các cơ quan khác không được can thiệp vào việc tư pháp”[3]. Để tăng cường hiệu quả của pháp luật và để pháp luật đi vào cuộc sống, Người cho rằng, cần phát huy quyền dân chủ của nhân dân để nhân dân tham gia phê bình, giám sát công việc của Nhà nước.

Thứ ba, Nhà nước phải có đội ngũ cán bộ tinh thông và vì dân, vì nước.

Khi xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến đội ngũ cán bộ nhà nước phải thực sự là “công bộc”, “đày tớ” của nhân dân. Người cho rằng cần phải nhanh chóng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức am hiểu về pháp luật, thành thạo nghiệp vụ hành chính, có trình độ văn hóa, có đức, có tài: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”[4]. Để vận động nhân dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, Người cho rằng trước hết cán bộ, công chức phải nêu gương tuân thủ Hiến pháp, pháp luật.

Về công tác đào tạo cán bộ, Người chủ trương mở Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, thành lập Ban Pháp lý học tại Trường Đại học Việt Nam theo Sắc lệnh số 197 ngày 11/10/1946... Để đảm bảo công bằng và dân chủ trong tuyển dụng cán bộ, Sắc lệnh số 76 ngày 20/5/1950 ban hành “Quy chế công chức”, quy định: “... công chức phải đem tất cả sức lực và tâm trí, theo đúng đường lối của Chính phủ và nhằm lợi ích của nhân dân mà làm việc. Đi đôi với nhiệm vụ trên, công chức Việt Nam cần có một địa vị xứng đáng với tài năng của mình...”. Trong việc sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ phát động “tìm người tài đức”, mà còn mạnh dạn sử dụng những viên chức, quan lại dưới chế độ cũ có tài, có đức. Trong việc sử dụng cán bộ, Người luôn nhắc nhở phải tẩy sạch óc bè phái, hẹp hòi; đặc biệt chú ý đến phẩm chất đạo đức và tinh thần phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, bởi vì đức là nền tảng của người cán bộ.

Xây dựng Mặt trận dân tộc và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh để bảo đảm dân chủ trong xã hội

- Đối với Mặt trận dân tộc

Hồ Chí Minh coi Mặt trận Tổ quốc là một khối đoàn kết vững chắc không gì lay chuyển nổi. Trong tổ chức Mặt trận phải biết giải quyết tốt, hài hòa về quyền lợi giữa các giai cấp, tầng lớp, đơn vị khác nhau, tức giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong tư tưởng của Hồ Chí Minh là có bảo đảm và phát huy dân chủ ở trong Đảng thì mới bảo đảm được dân chủ của toàn xã hội. Quyền lãnh đạo của Đảng được xuất phát từ sự ủy quyền của giai cấp công nhân, của dân tộc và của nhân dân. Đảng trở thành hạt nhân chính trị của toàn xã hội là nhân tố tiên quyết để bảo đảm tính chất dân chủ của xã hội. Dân chủ trong Đảng trở thành yếu tố quyết định tới trình độ dân chủ của toàn xã hội. Quan điểm này được Người thể hiện rõ: “Đảng ta có chính sách Mặt trận dân tộc đúng đắn, cho nên đã phát huy được truyền thống đoàn kết và yêu nước rất vẻ vang của dân tộc ta... Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam”[5].

Đối với xây dựng Mặt trận dân tộc, Hồ Chí Minh quan niệm, trong việc xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam, cần chú trọng việc xây dựng Mặt trận với vai trò là liên minh chính trị tự nguyện của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội vì mục tiêu chung của sự phát triển đất nước, xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi khác của nhân dân. Mặt trận dân tộc thống nhất đoàn kết lực lượng toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bởi “Mục đích phấn đấu của Mặt trận dân tộc thống nhất là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”[6]. Mặt trận dân tộc thống nhất là cơ sở chính trị - xã hội của Đảng, Nhà nước ta. 

Theo đó, Cương lĩnh của Mặt trận dân tộc thống nhất phải là Cương lĩnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận tập hợp, đoàn kết rộng rãi tất cả những người Việt Nam yêu nước, không phân biệt giai cấp, tầng lớp xã hội, đảng phái, xu hướng chính trị, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo... 

- Đối với các đoàn thể chính trị - xã hội

Đối với Thanh niên và tổ chức Đoàn

Với quan điểm và nhận thức thanh niên là lực lượng có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự phát triển hiện tại và tương lai của đất nước, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn coi trọng và hết sức quan tâm đến vấn đề thanh niên.

Nhiệm vụ vẻ vang nhất của thanh niên là ra sức giúp Đảng xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Song muốn làm tròn được nhiệm vụ vẻ vang ấy, trước hết Người yêu cầu mỗi thanh niên phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức của người cách mạng. 

Theo Người, mỗi người thanh niên trước hết cần phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang.

Về chức năng, nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đoàn Thanh niên là cánh tay và đội hậu bị của đảng, là người phụ trách dắt dìu các cháu nhi đồng”.

Đoàn Thanh niên cần phải thường xuyên củng cố tổ chức, nghiên cứu tìm ra nhiều hình thức và phương pháp thích hợp để đoàn kết và tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc. Người nói: “Tổ chức của đoàn phải rộng hơn Đảng”. Phải được tổ chức một cách chặt chẽ từ Trung ương xuống các cơ sở. 
Đoàn muốn củng cố và phát triển thì phải liên hệ rộng rãi với các tầng lớp thanh niên, phải quan tâm đến đời sống, công tác và học tập của thanh niên. Đồng thời, mọi đoàn viên phải gương mẫu giữ vững đạo đức cách mạng (khiêm tốn, cần cù, hăng hái, dũng cảm, không mắc tư tưởng kiêu ngạo, công thần, tự tư tự lợi), phải xung phong trong mọi công tác, cố gắng học tập chính trị văn hóa, nghề nghiệp để lôi cuốn quần chúng và để trở thành người cán bộ tốt.

Để Đoàn phát triển mạnh, Người yêu cầu lãnh đạo Đoàn cần phải chống cách lãnh đạo chung chung mà phải đi sâu đi sát điều tra nghiên cứu, cần phải khuyến khích thu góp bổ sung và phổ biến rộng rãi những sáng kiến hay, những kinh nghiệm tốt của quần chúng. Cần một chương trình hoạt động cụ thể thiết thực, lãnh đạo Đoàn phải đi sâu vào đời sống để hiểu rõ tâm lý của các tầng lớp thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết các vấn đề một cách cụ thể. Người luôn nhắc nhở Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam: “Nhiệm vụ của các bạn là phải tìm đủ mọi cách để gây một phong trào thanh niên to lớn và mạnh mẽ”. Vì theo Người, các phong trào thi đua yêu nước to lớn đó là điều kiện để nảy nở ra nhiều thanh niên tích cực và tiên tiến, đó chính là tiền đề cho Đoàn phát triển mạnh mẽ và vững chắc, đồng thời huy động được tất cả trí tuệ và lực lượng của tuổi trẻ góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

Đoàn Thanh niên Lao động phải là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc tổ chức và giáo dục thế hệ thanh niên và nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người cho rằng: “Đoàn là cánh tay đắc lực của Đảng để thực hiện những chủ trương, chính sách cách mạng”.

Đối với tổ chức Công đoàn 

Hồ Chí Minh là người luôn quan tâm, chăm lo xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam. Nguyên lý tổng quát được Người nêu lên để xác định sứ mệnh và nhiệm vụ của công đoàn Việt Nam là: “Công đoàn phải thật sự trở thành trường học quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế và văn hóa của giai cấp công nhân”[7]. Do đó, công đoàn phải vận động quần chúng lao động tham gia ngày càng rộng rãi vào toàn bộ sự nghiệp xây dựng nền kinh tế quốc dân, vào các kế hoạch kinh tế, sản xuất, phân phối.

Về sứ mệnh, nhiệm vụ của công đoàn, Người nêu tóm tắt: “Nhiệm vụ của công nhân và công đoàn hiện nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn thế, công đoàn phải tổ chức, giáo dục, lãnh đạo công nhân đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch của Đảng và Nhà nước đề ra”[8].

Đối với Hội Phụ nữ, Người luôn khẳng định: Hội Phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời của hệ thống chính trị, một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Hồ Chí Minh luôn quan tâm, nhắc nhở Đảng và Nhà nước cùng các tổ chức chính trị - xã hội phải tạo điều kiện để phụ nữ tham gia đóng góp sức nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công. Hội Liên hiệp Phụ nữ phải là lực lượng mạnh mẽ giúp Đảng động viên, tổ chức và lãnh đạo phụ nữ tiến lên chủ nghĩa xã hội”.[9]

Đối với Hội Nông dân có nhiệm vụ: “Làm cho nông dân hiểu rõ quyền lợi của dân tộc và của giới mình, làm cho nông dân vào Hội nông dân cứu quốc cho đông để phấn đấu cho mục đích của mình và tích cực tham gia công cuộc kháng chiến
kiến quốc”[10].

 


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.7.

[2]. Theo tài liệu của Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, xuất bản tháng 3/1993.

[3]. Trần Đình Huỳnh, Hồ Chí Minh - Kiến trúc sư lỗi lạc của nền hành chính Nhà nước Việt Nam, Nxb Lao động - xã hội, H.2005, tr.36.

[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.280.

[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.453.

[6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.452.

[7]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr 420.

[8]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr 119.

[9]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.420.

[10]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.249.

 

(Trích Chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh toàn dân; quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025”)

 

Ban Tuyên giáo ĐUK (tổng hợp)
Các tin khác
Xem tin theo ngày