TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Những tác động tích cực của hệ thống ISO trong hoạt động cải cách hành chính năm 2014
Ngày cập nhật 20/01/2015

Trong thời gian qua, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương thực hiện sớm, đồng nhất và hiệu quả Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/ 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 (ISO) vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Hiện nay đã có 100% sở, ban ngành, huyện, thị xã và thành phố Huế đã áp dụng ISO 9001:2008 trong hoạt động hành chính của đơn vị mình. 

Để có cái nhìn rõ hơn trong việc triển khai áp dụng ISO, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở KH&CN về những thành công trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Phóng viên (PV): Thưa ông Trần Quốc Thắng, ông có thể cho biết những kết quả đạt được trong việc triển khai áp dụng ISO trên địa bàn tỉnh năm 2014 là gì?

Ông Trần Quốc Thắng: Năm 2014, Ban chỉ đạo ISO đã phân công cho các thành viên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn cho các CQHCNN của tỉnh xây dựng, áp dụng, công bố, duy trì và cải tiến ISO; đồng thời hàng tháng tổ chức kiểm tra đánh giá tình hình áp dụng ISO trong các đơn vị theo Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg và Kế hoạch số 04/KH-UBND để tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời giải quyết vướng mắc của các cơ quan trong quá trình triển khai.

Đến nay, đã có 48 CQHCNN xây dựng và áp dụng, duy trì và cải tiến ISO, đó là UBND tỉnh; Văn phòng HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; 19 cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc UBND tỉnh; 09 UBND cấp huyện; 15 đơn vị trực thuộc các sở, ngành; 03 cơ quan ngành dọc. Trong đó có 43 cơ quan đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp Giấy chứng nhận phù hợp Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008. Tuy nhiên, mới chỉ có 08 cơ quan đã công bố ISO theo Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2014 cũng đã phối hợp với Công ty TNHH Chứng nhận DAS Việt Nam tổ chức đánh giá chứng nhận việc xây dựng và áp dụng ISO cho UBND các huyện Quảng Điền, Phú Vang và thị xã Hương Trà và đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp Giấy chứng nhận phù hợp ISO; Xây dựng Đề án “Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 cho xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” và được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 2485/QĐ-UBND ngày 24/11/2014; Xây dựng dự thảo Quy định về việc xây dựng, áp dụng, công bố, duy trì, cải tiến ISO và hoạt động kiểm tra tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay đang gửi Sở Tư pháp thẩm định để trình UBND tỉnh ban hành; Tổ chức thẩm định Đề án “Xây dựng và áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008” cho 02 đơn vị và đã được UBND tỉnh phê duyệt; Xây dựng dự thảo đề tài “Nghiên cứu đồng nhất ISO và hệ thống quản lý hành chính nhà nước tại các CQQLNN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”; Tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo ISO, thư ký ISO của cơ quan; Tổ chức tập huấn các sở, ngành, UBND các huyện về việc xây dựng hệ thống văn bản để đáp ứng việc xây dựng mở rộng ISO theo nhu cầu thực tế của các cơ quan...

PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn công tác triển khai việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn ISO trong các CQHCNN của tỉnh Thừa Thiên Huế?

Ông Trần Quốc Thắng: Qua công tác triển khai, hoạt động này đã đạt được một số kết quả nhất định, đặc biệt là tác động tích cực của hệ thống ISO đối với công tác cải cách hành chính. Việc áp dụng các quy trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với xu thế xây dựng nền hành chính hiện đại theo hướng công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính của tỉnh; góp phần tích cực trong giải quyết các công việc chuyên môn của cơ quan; các quy trình được cụ thể hoá, xác định rõ trách nhiệm của các phòng, ban, cơ quan; từng bước nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức. Hệ thống ISO đã xác định khi giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân phải công khai các yêu cầu về hồ sơ, tài liệu phải nộp, thời gian hoàn thành, từ đó đưa ra biện pháp giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giúp vận hành cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” có hiệu quả hơn, đó là khi giải quyết công việc, tiêu chuẩn ISO yêu cầu các khâu phối hợp phải được kết nối với nhau hợp lý, từ đó có thể thấy rõ khâu nào bị chồng chéo, bất hợp lý để cải tiến cho phù hợp, phục vụ các tổ chức và người dân tốt hơn.

Đối với các phòng, ban, cơ quan và cán bộ, công chức, hệ thống ISO đã từng bước cải tiến phương pháp làm việc, tạo điều kiện cho từng phòng, ban và CBCC giải quyết công việc thông suốt, kịp thời, hiệu quả; hạn chế tác động tiêu cực trong thực thi công vụ. Các phòng, ban, cơ quan có ý thức hơn trong tổ chức thu thập, sắp xếp, lưu trữ các loại văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền làm căn cứ xử lý công việc và để tham chiếu khi cần; hồ sơ tài liệu được sắp xếp ngăn nắp và có hệ thống theo từng lĩnh vực, tránh được tình trạng để lộn xộn, dễ bị thất lạc. Vận hành ISO còn là phương pháp để kiểm tra, giám sát trên thực tế việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Vì với quy định về thời gian, các biểu mẫu… trong quá trình áp dụng thực tế sẽ phát hiện các bất cập, từ đó sẽ giúp cho việc nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với thực tế địa phương. Một số quy trình đã kết hợp khá tốt với ứng dụng công nghệ thông tin nên việc cập nhật tiến độ về quá trình giải quyết công việc luôn nhanh chóng.

Đối với các tổ chức, công dân, hệ thống ISO của các CQHCNN chủ yếu tác động đến các tổ chức, công dân; việc áp dụng ISO đối với công tác liên quan trực tiếp đến giải quyết thủ tục hành chính đã thực sự đem lại hiệu quả; các thủ tục hành chính đều có quy trình xử lý công khai; quy định rõ các loại giấy tờ cần có trong hồ sơ; thời gian trả kết quả, làm cho tổ chức, công dân không phải mất nhiều thời gian đi lại, chờ đợi, sự hài lòng ngày càng cao hơn.

PV: Trong quá trình triển khai thực hiện có những khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?

Ông Trần Quốc Thắng: Cùng với những thuận lợi trong công tác triển khai thì hoạt động này cũng đã gặp phải những khó khăn, đó là các văn bản quy phạm pháp luật thay đổi, bổ sung, điều chỉnh nhiều nên dẫn tới việc các cơ quan hành chính phải thường xuyên soát xét các quy trình tác nghiệp để ban hành, áp dụng; các biểu mẫu tại các quy trình ISO của các sở, ban, ngành chưa thống nhất theo quy định hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và giao trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa (do việc triển khai, áp dụng ISO trước khi có Quy định này). Ngoài ra, nhân sự cho công tác tham mưu, tổ chức thực hiện và theo dõi, kiểm soát ISO của các cơ quan hành chính là cán bộ, chuyên viên kiêm nhiệm nhưng lại có sự thay đổi, luân chuyển nhiều trong quá trình công tác nên có ảnh hưởng đến công tác áp dụng, duy trì, cải tiến ISO. Quá trình triển khai mở rộng ISO đáp ứng, phụ thuộc nhiều vào việc phê duyệt, ban hành, sửa đổi, bổ sung Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nên dẫn đến việc tiến độ triển khai chậm và hiệu quả chưa cao.

Hiện nay, tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực của lãnh đạo các cơ quan hành chính trong công tác chỉ đạo tổ chức áp dụng và duy trì, cải tiến thường xuyên hệ thống ISO, nhưng vẫn còn một số ít các cơ quan chưa chỉ đạo kịp thời nên công tác cập nhập, sửa đổi, soát xét hệ thống tài liệu, tiến độ triển khai còn chậm và hiệu quả chưa cao. Một số hồ sơ thuộc cấp xã, cấp huyện vẫn còn chậm do một số thủ tục hành chính liên thông nhưng hiện nay chưa xây dựng quy trình liên thông để phân định rõ thời gian và phân công trách nhiệm giải quyết cụ thể để hạn chế việc giải quyết hồ sơ trễ hẹn cho tổ chức, công dân...

PV: Ông có thể cho biết công tác trọng tâm năm 2015 của hoạt động này là gì?

Ông Trần Quốc Thắng: Trong năm 2015, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện các công việc trọng tâm, đó là xây dựng Kế hoạch triển khai xây dựng và áp dụng, duy trì cải tiến ISO năm 2015; Hướng dẫn các cơ quan thực hiện Quy định về việc xây dựng, áp dụng, công bố, duy trì, cải tiến ISO và hoạt động kiểm tra tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Xây dựng Kế hoạch kiểm tra về việc xây dựng, áp dụng, công bố, duy trì, cải tiến ISO tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trình UBND tỉnh phê duyệt; Tổ chức kiểm tra tại các cơ quan theo kế hoạch do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hoặc đột xuất khi có yêu cầu...

Đặc biệt chúng tôi tập trung tiếp tục triển khai đề án “Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 cho xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”. Đề án này đã được UBND tỉnh phê duyệt vào cuối tháng 11 vừa qua.

Xin thông tin thêm rằng là đến nay, một số nội dung của đề án đã được xây dựng mô hình khung, hệ thống tài liệu, 79 quy trình mẫu giải quyết 174 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND và Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; trình UBND tỉnh ban hành quyết định để tất cả UBND các xã, phường và thị trấn trên địa bàn tỉnh thống nhất áp dụng... Năm 2015 chúng tôi sẽ triển khai áp dụng ISO tại 75 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh và năm 2016 sẽ triển khai ISO với các xã, phường, thị trấn còn lại.

PV: Xin cám ơn ông về buổi nói chuyện này.

Diệu Hà (thực hiện)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.305.796
Truy câp hiện tại 176