TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Cách mạng Tháng Mười thắng lợi mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại
Ngày cập nhật 07/11/2014

Gần một thế kỷ đã đi qua Cách mạng Tháng Mười vẫn toả sáng, khẳng định sức sống, giá trị thời đại và ý nghĩa lịch sử toàn thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã “mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”(1).

Từ công xã Pa-ri đến Cách mạng Tháng Mười Nga

Năm 1848, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do C.Mác và Ph.Ăng-ghen soạn thảo ra đời, chỉ rõ sứ mệnh lịch sử vẻ vang của giai cấp công nhân là “thủ tiêu” chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Có lý luận tiền phong hướng dẫn, giai cấp công nhân thế giới bước lên vũ đài lịch sử. Công xã Pa-ri nổ ra và giành thắng lợi, mặc dù chỉ tồn tại 72 ngày (18-3-1871 - 28-5-1871) nhưng là bước khởi đầu một sự nghiệp vinh quang, biểu tượng của tinh thần chiến đấu quả cảm và thắng lợi tất yếu của giai cấp công nhân và lao động quốc tế vì sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ Công xã Pa-ri là vô cùng quý giá, góp phần làm giàu chủ nghĩa Mác, cung cấp luận cứ khoa học để các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế xác định đường lối chiến lược, sách lược cách mạng đúng đắn. 

Sau Công xã Pa-ri, đầu thế kỷ XX, nước Nga trở thành tâm điểm của cách mạng thế giới. Tháng 02-1917, cuộc Cách mạng Nga lần thứ nhất đã nổ ra và giành thắng lợi, chế độ Nga hoàng bị lật đổ, nhưng cuộc cách mạng vẫn chưa kết thúc. Nước Nga đã trải qua một thời kỳ lịch sử đặc biệt - hai chính quyền cùng tồn tại. Giai cấp tư sản nắm quyền lãnh đạo Chính phủ lâm thời Trung ương, còn ở các địa phương do các Xô-viết công - nông - binh điều hành với vai trò chủ đạo thuộc về Đảng (B) lãnh đạo. Chính phủ tư sản dần bộc lộ bản chất phản động và tính chất cải lương trong giải quyết các vấn đề cốt tử của đất nước về chiến tranh, ruộng đất và quyền tự quyết của các dân tộc. Điều đó đã thúc đẩy tinh thần cách mạng của quần chúng nhân dân ngày càng lên cao. Các đảng phái chính trị cải lương khác thái độ ngày càng ngả theo xu hướng thoả hiệp với giai cấp tư sản, phản bội lợi ích quần chúng nhân dân. Khi đó, chỉ có Đảng (B) đề ra được cương lĩnh đúng đắn đáp ứng nguyện vọng của quần chúng nên đã thu hút được đông đảo các tổ chức và quần chúng công nhân, binh lính, nông dân tham gia. Tình thế và thời cơ cách mạng đã chín muồi, các lực lượng sẵn sàng bước vào trận chiến quyết định giành chính quyền ở Thủ đô. 

Đêm 24 sáng 25-10-1917 (tức đêm 06 sáng 07-11-1917), Cuộc khởi nghĩa nổ ra và nhanh chóng giành thắng lợi, công nhân và quân đội cách mạng đã chiếm giữ hầu hết thành phố Pê-tơ-rô-grát; Uỷ ban quân sự - cách mạng ra lời kêu gọi: “Chính phủ lâm thời đã bị lật đổ. Chính quyền nhà nước đã chuyển qua tay cơ quan của đại biểu Xô-viết công nhân và binh sĩ Pê-tơ-rô-grát; cơ quan đó là Ủy ban quân sự - cách mạng, đứng đầu giai cấp vô sản và đội quân bảo vệ Pê-tơ-rô-grát”(2). Cùng ngày, Đại hội II toàn Nga các Xô-viết đại biểu công nhân và binh lính đã khai mạc, thông qua những nghị quyết lịch sử, quyết định: “Toàn bộ chính quyền ở các địa phương đều chuyển về tay các Xô-viết đại biểu công nhân, binh lính và nông dân. Các Xô-viết sẽ bảo đảm trật tự cách mạng thật sự”(3). Đại hội thông qua: Sắc lệnh về hoà bình, Sắc lệnh về ruộng đất, Sắc lệnh về tổ chức chính quyền. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại xuất hiện một Nhà nước kiểu mới, trong đó giai cấp vô sản trở thành giai cấp thống trị. Chính phủ mới thực thi cương lĩnh đáp ứng những khát vọng sâu sắc của người lao động về hoà bình, ruộng đất và Chính quyền Xô-viết. “Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc nước Nga”, khẳng định quyền bình đẳng và chủ quyền của các dân tộc, tự do tự quyết. Các sắc lệnh và tuyên ngôn hợp lòng dân có sức mạnh lan toả nhanh chóng khắp nước Nga. Từ thắng lợi ở Thủ đô Pê-tơ-rô-grát, Cách mạng đã nhanh chóng giành toàn thắng trên cả nước Nga vĩ đại. 

Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, một thời đại mới đã mở ra - Thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới

Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lê-nin đã khẳng định rằng, “chúng ta có quyền tự hào và quả thật chúng ta tự hào là đã có cái hân hạnh được bắt đầu việc xây dựng Nhà nước Xô-viết và do đó mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản và ở khắp nơi đều đang tiến tới một cuộc đổi mới, tới chỗ chiến thắng giai cấp tư sản, tới chỗ thành lập chuyên chính vô sản, tới chỗ giải phóng nhân loại khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc”(4). Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng sâu sắc nhất trong lịch sử nhân loại, lần đầu tiên trên thế giới chính quyền đã từ trong tay thiểu số người bóc lột chuyển sang tay đa số người lao động bị bóc lột vươn lên làm chủ. Khác với tất cả các cuộc cách mạng xã hội từng diễn ra trong lịch sử loài người chỉ nhằm thay thế một phương thức bóc lột này bằng một phương thức bóc lột khác, Cách mạng Tháng Mười chứa đựng nội dung vô cùng sâu sắc nhằm thủ tiêu mọi hình thức bóc lột giai cấp và áp bức dân tộc, mở đường thắng lợi cho độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Với ý nghĩa đó, Cách mạng Tháng Mười mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại. Khẳng định tầm vóc, giá trị to lớn của nó, Hồ Chí Minh đã viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(5). 

Từ sau Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa xã hội được biết đến không chỉ là một học thuyết mà còn là một chế độ xã hội mới tốt đẹp. Cách mạng Tháng Mười thực hiện công cuộc giải phóng triệt để những người vô sản và nông dân nghèo khổ khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, của chế độ phong kiến, nâng họ lên hàng những người chủ thực sự của chế độ xã hội mới. Sức sáng tạo của hàng triệu triệu quần chúng cách mạng là cội nguồn sức sống của Cách mạng Tháng Mười, của chủ nghĩa xã hội hiện thực và những biến đổi căn bản lịch sử phát triển của nhân loại trong thế kỷ XX. Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, còn làm xuất hiện những khả năng mới về sự phát triển không ngừng của cách mạng ở các nước thuộc địa, các dân tộc chậm phát triển tự quyết định con đường phát triển đất nước gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và “sự phát triển rút ngắn” của học thuyết Mác đã được Đảng (B) và V.I.Lê-nin vĩ đại sáng tạo và thể nghiệm thành công qua Chính sách kinh tế mới (NEP) trong những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, cung cấp những bài học kinh nghiệm quý báu cho các nước chậm phát triển quá độ gián tiếp lên chủ nghĩa xã hội với những bước “quá độ dần dần”; biết “lợi dụng chủ nghĩa tư bản” để xây dựng chủ nghĩa xã hội... Nước Nga Xô-viết và sau này là Liên Xô chỉ sau mấy chục năm, từ một nước tư bản phát triển trung bình đã trở thành cường quốc đứng hàng đầu thế giới; xác lập một kiểu tổ chức xã hội mang lại cho quảng đại quần chúng lao động nhiều quyền lợi. Sức sống, triển vọng và xu thế phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực chính là sự khẳng định, tôn vinh những giá trị của Cách mạng Tháng Mười. 

Trong nhiều thập niên, Liên Xô từng là chỗ dựa vững chắc cho các phong trào cách mạng trên thế giới đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống họa phát xít, vì hoà bình, dân chủ, chủ nghĩa xã hội và tiến bộ xã hội. Cách mạng Tháng Mười “là thắng lợi vĩ đại nhất của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức do giai cấp công nhân và đội tiền phong của nó là Đảng Bôn-sê-vích lãnh đạo. Cách mạng Tháng Mười đã dùng bạo lực cách mạng đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên chính quyền của những người lao động, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, một xã hội không có người bóc lột người”(6). 

Noi gương Cách mạng Tháng Mười, các dân tộc bị áp bức trên thế giới đã vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc và lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa để xây dựng đất nước. Chủ nghĩa xã hội hiện thực từ thắng lợi ở một nước đã phát triển trở thành hệ thống thế giới. Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc (1945), thắng lợi thuộc về các lực lượng dân chủ, cách mạng thế giới bước vào một thời kỳ phát triển mới. Phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa gắn kết chặt chẽ với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân ở các nước tư bản làm nên sức mạnh to lớn của ba dòng thác cách mạng trên thế giới trong nhiều thập niên qua. Chủ nghĩa xã hội là xu thế phát triển tất yếu của thời đại, nhưng với những hình thức và bước đi rất khác nhau như chỉ dẫn của V.I.Lê-nin: “Tất cả các dân tộc đều đi đến xã hội xã hội chủ nghĩa, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ”(7). Điều này còn góp phần bác bỏ những quan niệm sai lầm về tính vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản và quan điểm cải lương chủ nghĩa về “sự chuyển hóa dần dần” từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng Tháng Mười tiếp tục soi sáng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong sự nghiệp cải cách, đổi mới, cổ vũ các phong trào đấu tranh cách mạng trên thế giới

Sau sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô những năm cuối thập niên 80, đầu 90, thế kỷ XX, thì sự chống phá của các thế lực thù địch đối với chủ nghĩa xã hội càng trở nên quyết liệt hơn. Một mặt, chúng lớn tiếng công kích, bôi nhọ, phủ nhận ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười. Mặt khác, chúng tung ra nhiều lý thuyết về cái gọi là “Chủ nghĩa xã hội dân chủ”, “Chủ nghĩa xã hội phi mác-xít”..., ra sức khuyếch trương cho “tính đúng đắn” của đường lối cải lương tư sản. Chúng ra sức cổ suý cho cái gọi là “đa nguyên, đa đảng”, phủ nhận các nguyên tắc mác-xít về Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa. Các phần tử chống cộng với vẻ đắc thắng đã lớn tiếng tuyên bố về “hồi kết thúc”, sự “cáo chung” của chủ nghĩa xã hội hiện thực; sự “lạc hậu, lỗi thời” của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chúng cố tình đồng nhất sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô với sự thất bại của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. 

Trên thực tế, cả lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội đã bác bỏ những luận điệu thù địch đó. Cách mạng Tháng Mười không phải là một hiện tượng thuần Nga, càng không phải là sản phẩm được tạo ra từ sự cuồng nhiệt của ý chí chủ quan, không tưởng của một cá nhân nào đó, như kẻ thù thường rêu rao, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, mưu toan xoá bỏ ảnh hưởng, tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười. Hơn nữa, trước sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế tri thức, xu hướng toàn cầu hóa, giai cấp tư sản tận dụng sự phát triển đó để nâng cao năng suất lao động, phân hóa giai cấp công nhân thành các tầng lớp “công nhân cổ xanh”, “công nhân cổ trắng”... có mức sống chênh lệch nhau ngày càng lớn. Từ đó dẫn đến sự phân hóa sâu sắc nội bộ giai cấp công nhân, bộ phận công nhân có thu nhập cao dễ thỏa hiệp với giới chủ, giảm nhiệt tình đấu tranh cách mạng. Tuy vậy, bán sức lao động vẫn là phương thức tồn tại và đặc điểm cơ bản của giai cấp công nhân và chiếm đoạt giá trị thặng dư vẫn là nguồn sống cơ bản của giai cấp tư sản. Điều đó, chứng thực quan điểm của Mác rằng, xác thịt của tư bản có thể thay đổi nhưng bản chất bóc lột giá trị thặng dư của nhà tư bản thì không hề thay đổi. Chừng nào xã hội còn áp bức, bóc lột, bất công, chừng đó nhân loại còn phải tiếp tục đấu tranh cho một xã hội tự do, dân chủ, không còn áp bức, bóc lột, bất công. 

Sức sống, giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười vẫn tiếp tục được khẳng định trong sự nghiệp đổi mới, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa, kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Những thành tựu to lớn ở các nước xã hội chủ nghĩa đang làm nức lòng nhân dân thế giới, đồng thời là tác nhân thúc đẩy nhanh chóng sự phục hồi, phát triển của phong trào cách mạng trên thế giới như phong trào cánh tả ở Mỹ La-tinh. Chính phủ nhiều nước do các đảng cánh tả cầm quyền đã tuyên bố quyết tâm “vượt qua chủ nghĩa tư bản”, xây dựng đất nước theo mô hình “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” vì lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân lao động. Cách mạng là sáng tạo. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin xa lạ với những lý thuyết xơ cứng, giáo điều, thoát ly cuộc sống. Để lý luận cách mạng được vận dụng thắng lợi vào cuộc sống trong điều kiện mới, nhất thiết cần đến tinh thần nỗ lực, sáng tạo cách mạng của khối quần chúng đông đảo dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Muốn vậy, Đảng phải luôn tự đổi mới, có đường lối đúng đắn, sáng tạo, chống trì trệ, bảo thủ như V.I.Lê-nin đã chỉ dẫn: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đó xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(8). Hơn nữa, những người cộng sản cũng cần tự tu dưỡng, rèn luyện hoàn thiện mình, chống nguy cơ thoái hóa biến chất của Đảng cầm quyền như V.I.Lê-nin đã sớm cảnh báo rằng, không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta. 

Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua đã giành được những thắng lợi to lớn mang tính bước ngoặt lịch sử. Hiện nay, cục diện thế giới đang có những biến động sâu sắc, tác động mạnh mẽ tới sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta kiên trì sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để đạt tới mục tiêu cao cả đó, tất yếu phải trải qua nhiều chặng đường khó khăn, gian khổ với những bước đi, hình thức phù hợp trong suốt thời kỳ quá độ. Tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy nhân tố con người, chăm lo tới lợi ích, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thấm nhuần sâu sắc bài học “lấy dân làm gốc” của Đảng, mỗi tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên trong Đảng, bộ máy Nhà nước, cần tích cực tu dưỡng, rèn luyện trở thành những đảng viên, cán bộ gương mẫu, thực sự là “công bộc” của nhân dân; ghi nhớ và thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(9). Sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong Đảng, bộ máy Nhà nước, nhất là số có chức, có quyền trong những năm qua là nguyên nhân làm suy giảm lòng tin của quần chúng vào Đảng, Nhà nước, làm tăng nguy cơ sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa từ bên trong, đòi hỏi chúng ta phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ. Kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc với cuộc chiến chống giặc “nội xâm”, nảy sinh “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” ở một bộ phận đảng viên, cán bộ trong Đảng, bộ máy Nhà nước trong tình hình hiện nay./. 

---------------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 12, tr.301

(2) V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, 1981, tập 35, tr.1

(3) Các sắc lệnh của Chính quyền Xô-viết, Tiếng Nga, Mát-xcơ-va, 1958, tập 1, tr.8

(4) V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 44, tr.184-185

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 12, tr.300-301

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 12, tr.300, 301

(7) V.I.Lê-nin Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, 1981, tập 30, tr.160

(8) V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, 1974, tập 4, tr.232

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 12, tr.510

(Nguồn: TC Cộng sản)

Đại tá, PGS, TS. Phạm Văn Nhuận Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.288.695
Truy câp hiện tại 221