TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Huế - 45 năm nhìn lại
Ngày cập nhật 30/01/2013

Cách đây tròn 45 năm, quân dân ở mặt trận Huế đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của một trong những trọng điểm Tổng tiến công - nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 (Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng), góp phần thực hiện Nghị quyết 14 của Trung ương Đảng (tháng 01/1968) là “phải tạo ra một bước nhảy vọt bằng chọn chiến lược hiểm và dùng cách đánh mới, giáng một đòn bất ngờ thật mạnh vào ý chí xâm lược của Mỹ”.

Để thực hiện được yêu cầu trên, trong quá trình lãnh đạo, cuộc chiến đấu ở chiến trường, Khu ủy Trị Thiên - Huế đã tổ chức tiến công và nổi dậy liên tục trên cả ba mũi giáp công, ba vùng chiến lược, ba thứ quân, liên tục giành thắng lợi vẻ vang trong chống "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ", nhất là những năm 1966 - 1967 khi Trung ương mở Mặt trận Đường 9 và đã xây dựng được lực lượng vũ trang, chính trị ở nội thành Huế, đưa chiến tranh vào vùng ven đô. Dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, căn cứ vào nhiệm vụ được giao trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Khu ủy Trị Thiên - Huế đã sớm tổ chức hội nghị chuẩn bị phương hướng tiến công địch ở TP Huế, chuẩn bị lực lượng, tổ chức chiến trường. Theo đó, ta hình thành lực lượng lớn ở hai cánh Nam - Bắc sông Hương, từ vùng núi vượt qua làng mạc, sông suối đồn bốt địch phục kích dọc đường, tiến công mục tiêu đúng giờ quy định, tạo yếu tố bất ngờ với địch. Đây là một thành công lớn của chiến dịch Huế Tết Mậu Thân 1968.
Đồng chí Thân Trọng Một (bìa phải), Thành ủy viên, Chỉ huy trưởng Đoàn 5 (Thành đội Huế), Chỉ huy trưởng cánh Nam cùng các đồng chí Nguyễn Chi (giữa), Võ Hạp (trái), trong chiến dịch Huế - Xuân 1968. Ảnh: TL
Ở hai cánh Bắc - Nam mặt trận Huế, ta đã tiến công, tiêu diệt nhiều sinh lực quan trọng của địch, đánh mạnh vào cơ quan đầu não Mỹ - ngụy, đập nát hệ thống chính quyền Sài Gòn từ thôn đến tỉnh, đánh nát các đường giao thông chiến lược của địch. Lực lượng cách mạng nhất là lực lượng vũ trang phát triển nhanh và được tôi luyện trong cuộc chiến đấu, trưởng thành dày dạn thêm nhiều. Đêm 15/2/1968, Quân ủy Trung ương điện cho mặt trận Huế: "Phải giữ thành để phục vụ nhiệm vụ chính trị chung cho cả nước". Tình hình lúc này rất khó khăn, ác liệt. Địch phản kích chiếm lại thành phố. Ta thương vong nhiều. Một số đơn vị đã rút ra ngoại thành. Nhưng để phục vụ nhiệm vụ chính trị, mặt trận Huế kiên quyết bám trụ, tiến công địch, chiếm giữ thành phố 26 ngày đêm kiên cường, oanh liệt.
Thắng lợi ở mặt trận Huế bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương. Với chỉ đạo là trọng điểm cuộc tiến công - nổi dậy, Trung ương và Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo cụ thể và hết sức chi viện cho mặt trận Huế. Về mục tiêu, bất ngờ nhất với địch là ta tổ chức lực lượng đánh chiếm Huế nhanh gọn. Quân dân ta đã chuyển chiến tranh vào thành phố, dinh lũy cuối cùng của Mỹ - ngụy, biến hậu phương địch thành nơi tranh chấp và từng bước trở thành tiền phương của cách mạng.
Cùng với việc tổ chức lực lượng nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố, Khu ủy Trị Thiên - Huế còn biết kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn. Thắng lợi to lớn của đòn tiến công quân sự đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh nổi dậy của quần chúng đứng lên phá tan ách kìm kẹp của bộ máy chính quyền địch, thiết lập chính quyền cách mạng, huy động sức mạnh quần chúng tham gia chiến đấu bảo vệ thành phố, chi viện tiếp tế kịp thời cho bộ đội. Do đó, ta đã giữ được thành phố gần một tháng.
Về nổi dậy của nhân dân, chúng tôi xin được trích dẫn ý kiến Thượng tướng Trần Văn Quang: "Chúng tôi ví quá trình tiến công và nổi dậy cũng như quả bom nguyên tử. Nếu là bom khinh khí thì tốt hơn. Trong quả bom nguyên tử có một quả bom làm mồi, quả bom mồi nổ gây đến nhiệt độ nhất định, quả bom nguyên tử nổ đạt đến hàng triệu độ làm cho bom khinh khí nổ. Chúng ta đánh cũng phải theo kiểu đó. Bộ đội ta là quả bom mồi, quần chúng là bom nguyên tử, khi bom nguyên tử nổ tức là quần chúng nổi dậy tạo thành sức mạnh tổng hợp. Nếu bộ đội chỉ làm quả bom thường, không phải bom mồi thì kết quả không lớn".
Theo chúng tôi ở mặt trận Huế, quả bom mồi nhiệt độ cao tác động mạnh bom nguyên tử nổ tạo sức mạnh tổng hợp chiến đấu, phục vụ chiến đấu mà đỉnh cao của nó là đánh đổ chính quyền địch, thiết lập hệ thống chính quyền cách mạng ở xã, huyện, tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương lập chính quyền cách mạng đầu tiên trong chống Mỹ cứu nước, thành lập Liên minh các lực lượng Dân tộc và dân chủ TP Huế mở rộng Mặt trận đoàn kết dân tộc chống Mỹ, cứu nước.
Do phát huy được sức mạnh của quần chúng, tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân nên khi địch tập trung lực lượng đánh phá, quân dân mặt trận Huế vẫn anh dũng kiên cường chiến đấu trở thành một điểm nóng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước. Báo Nhân Dân số ra ngày 27/2/1968 viết: "Cả nước ta tự hào về Thừa Thiên Huế, mảnh đất yêu thương của Tổ quốc đã góp phần rất vẻ vang vào thắng lợi mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của miền Nam anh hùng". Còn tờ Thế Giới ngày 13/02/1968 dưới đầu đề "Một thành phố bị hạ sát" đã viết: "Nếu Việt Nam cần có một tượng trưng, nó đã có ngay đó là Huế, Huế sẽ ở lại như một Ghéc-ni-ca của Việt Nam".
Với thắng lợi to lớn và toàn diện trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân - Xuân 1968, Đảng bộ TP Huế được Trung ương điện biểu dương: "Đảng bộ kiên cường về tư tưởng, vững mạnh về tổ chức, trong sạch nội bộ, đoàn kết nhất trí". Giữa cuộc chiến đấu ngày 21/02/1968, Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam nhiệt liệt hoan nghênh và ghi nhớ công ơn của đồng bào và các lực lượng vũ trang nội ô và ngoại ô TP Huế đã hết lòng giúp đỡ bộ đội, phục vụ tiền tuyến, cùng chiến đấu với các lực lượng vũ trang giải phóng, góp phần quyết định vào những thắng lợi đã giành được. Ngày 01/3/1968, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tuyên dương công trạng về cuộc tiến công toàn diện đầu Xuân 1968, trong đó có tuyên dương công trạng của quân và dân Trị Thiên - Huế, tặng danh hiệu "Tấn công - Nổi dậy - Anh dũng - Kiên cường" cho quân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tết Mậu Thân - Xuân 1968, một dấu son đỏ thắm trong lịch sử Thừa Thiên Huế, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung. Trang sử vẻ vang đó đang được viết tiếp trong thời kỳ xây dựng thành phố văn minh, hiện đại trên Cố đô có hai di sản văn hóa nhân loại, trên TP Huế anh hùng.

Ngô Kha - Báo Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.292.205
Truy câp hiện tại 930