TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Thả diều - Nét văn hóa đặc sắc của xứ Huế
Ngày cập nhật 16/07/2012

Chơi diều ở Huế là thú chơi thu hút được nhiều lứa tuổi tham gia từ người già, đến trẻ nhỏ với một niềm đam mê khó tả. Từ thú chơi dân dã của cha ông, các nghệ nhân xứ Huế đã nâng lên thành nét văn hóa đặc sắc của Huế.

Ở Huế hiện còn lưu giữ rất nhiều thú chơi đặc sắc, tao nhã có từ lâu đời trong dân gian, như chơi chim, chơi cá, chơi đá, thả diều… Đặc biệt, chơi diều ở Huế đã được bảo tồn và phát triển thành một thú chơi nghệ thuật mang đậm nét văn hóa đặc trưng riêng của người dân cố đô.
Thả diều là một thú chơi của trẻ mục đồng có từ xa xưa ở Việt Nam, nhưng để nâng cánh diều lên thành một thú chơi nghệ thuật, không phải nơi nào cũng làm được. Ở Huế, từ hơn 300 năm trước, thú chơi thả diều đã được các ông hoàng, bà chúa triều Nguyễn tổ chức thành những lễ hội hoành tráng trong các dịp lễ, tết… Thời vua Đồng Khánh, vua Bảo Đại, còn tổ chức các cuộc thi thả diều có giải thưởng.
Huế cũng là nơi có câu lạc bộ diều đầu tiên trong cả nước với tên gọi “Hội Cầu Phong”, được thành lập năm 1973 (thế kỷ 20), tập hợp những người yêu thích thả diều ở cố đô. Từ Câu lạc bộ này, rất nhiều nghệ nhân tài tử đã thành danh với nghệ thuật làm diều, thả diều còn lưu truyền đến nay ở Huế như: Đoàn Chước, Nguyễn Văn Bân, Ưng Hạng, Trần Văn Đông…
Tuy nhiên do chiến tranh, Hội Cầu Phong chỉ tồn tại được 2 năm. Sau một thời gian dài gián đoạn, năm 1983, những nghệ nhân tâm huyết với diều Huế tập hợp nhau lại và cho ra mắt Câu lạc bộ diều Huế với hơn 20 thành viên. Đến nay, sau gần 20 năm phát triển, Câu lạc bộ diều Huế đã có hàng trăm hội viên, với rất nhiều nghệ nhân tài tử nổi tiếng như Nguyễn Văn Bê, Nguyễn Văn Ry, Nguyễn Đăng Hoàng, Nguyễn Văn Cư… đã làm rạng danh cho diều Huế qua các cuộc liên hoan diều trong nước và quốc tế. Đặc biệt từ năm 1992 đến nay, Câu lạc bộ diều Huế đã 9 lần dại diện cho diều Việt Nam có mặt tại liên hoan diều Quốc tế được tổ chức 2 năm một lần ở Pháp - nơi được coi là thủ phủ của nghệ thuật thả diều thế giới.
Ai đã có dịp đến Huế, sẽ không lạ gì hình ảnh chiều chiều trên quảng trường Ngọ Môn (phía sau cột cờ Phu Văn Lâu) những cánh diều với đủ kiểu dáng, màu sắc tung lượn trên bầu trời. Nhiều người đã gọi nghệ thuật trình diễn diều Huế là “nghệ thuật múa rối trên không” quả không sai. Rất nhiều sự tích dân gian đã được các nghệ nhân diều Huế thể hiện qua những cánh diều như phượng hoàng đẻ con, đại bàng đánh cắp công chúa, Tấm Cám, Sơn Tinh Thuỷ Tinh, chèo bẻo đánh quạ, Thạch Sanh chém trăn tinh...
Để thực hiện được các màn trình diễn ngoạn mục trên không, những người chơi diều ở Huế ngoài sự đam mê, còn là cả một quá trình kế thừa và sáng tạo không ngừng về nghệ thuật thiết kế và trình diễn diều. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Cư, làm ra con diều phải qua nhiều khâu phức tạp, điều khiển được diều theo ý muốn càng đòi hỏi cao hơn về kỹ thuật và nghệ thuật.
Hiện nay, các loại diều Huế chủ yếu được làm bằng khung tre, dán vải xoa, sơn bằng sơn dầu và bột màu luy-mi-nơ (cho màu bền, đẹp). Mỗi con diều được làm ra là một tác phẩm nghệ thuật, là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố như kinh nghiệm, kiến trúc, khí động học, hội họa… qua rất nhiều lần thử nghiệm mới trình diễn trước công chúng.
Vất vả gian nan là thế, nhưng bằng sự đam mê và tài hoa của mình, các thế hệ nghệ nhân diều Huế đã làm nên một bộ sưu tập diều khồng lồ với hàng ngàn mẫu mã khác nhau trong hình dáng các loài chim, thú: long, lân, ly, phụng, công, bướm, quạ… Kể cả những con vật mà trước nay chưa từng được bay như mực ống, cá vàng; hay công chúa, hoàng tử… cũng được bay lên khi hóa thân thành diều.
Nhưng có lẽ, đặc biệt nhất trong nghệ thuật làm diều Huế là Long diều và Phượng diều - hai tác phẩm được coi là kỷ lục làm diều của Việt Nam và thế giới, với chiều dài Long diều gần 150m, Phượng diều 240m, nặng trên 7 kg, được các nghệ nhân diều Huế hoàn thành trong gần 2 tháng. Long diều và Phượng diều cũng đã có mặt trong các liên hoan diều thế giới ở Pháp, Canada trong sự ngạc nhiên và khâm phục của bạn bè quốc tế. Nhờ vậy, không ít nghệ nhân đã được tôn vinh là nghệ nhân bậc thầy trong làng diều quốc tế, được mời giảng dạy nghệ thuật chế tác và trình diễn diều ở Pháp, Algeria, Canada… như Nguyễn Văn Bê, Nguyễn Văn Ry, Nguyễn Văn Cư, Nguyễn Đăng Hoàng…
Có thể nói, chơi diều ở Huế đang là thú chơi thu hút được nhiều lứa tuổi tham gia từ người già, đến trẻ nhỏ với một niềm đam mê khó tả. Từ thú chơi dân dã của cha ông, các nghệ nhân xứ Huế đã nâng lên thành nét văn hóa đặc sắc của Huế. Ngày nay, Huế đang định hình là một thành phố Festival của Việt Nam, với rất nhiều lễ hội được tổ chức hoành tráng, đặc biệt qua các kỳ Festival được tổ chức hai năm một lần. Hoành tráng nhất là Festival 2010, 1.000 con diều được sắp đặt chao lượn trên cầu Trường Tiền làm nên ấn tượng đặc biệt đối với du khách gần xa. Đây cũng chính là món quà các nghệ nhân xứ Huế sẽ mang ra dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Diều Huế đã thực sự trở thành một thú chơi nghệ thuật, một đặc sản văn hóa của Cố đô cùng văn hóa Huế bay cao, bay xa ra với bạn bè trong nước và quốc tế./.

Nguồn: VOV
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.296.442
Truy câp hiện tại 811