TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Bài dự thi đạt giải 3 cuộc thi “Dùng hàng Việt Nam là yêu nước”
Ngày cập nhật 28/03/2014

  Ba tôi là người Nghệ Tĩnh, hồi ấy ông đi thi được giải Nhất văn huyện. Đôi lần tâm trạng, ông ngồi một mình rít điếu thuốc làm thơ. 

Cái máu văn thơ nó chảy sẵn trong người rồi lại muốn truyền cho con cho cái. Hồi nhỏ, cái hồi con nít chơi trò nghịch dại bị mẹ đánh đòn, ba gọi tôi lại, nhẹ nhàng đưa tập thơ “Quê hương – nhiều tác giả” bảo tôi học thuộc. “Một bài năm nghìn, học thuộc đi rồi ba đưa cho tiền tươi luôn”. Ngày ấy kinh tế không khá giả cho lắm. Năm nghìn đối với đứa con nít nó to biết đến chừng nào. Bì yaourt lạnh ở cô hàng xóm có hai trăm đồng, bim bim cũng hai trăm. Tôi lẩm nhẩm đếm “Hai nhân năm là mười, mười nhân năm là năm mươi, vậy tổng cộng là hai mươi lăm bì yaourt, có mà gặm cả tháng ấy nhỉ”. Thế rồi ngồi học, làm xong bài tập là lôi thơ ra học, đọc ê a như thuộc bài:

 

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

 

Yêu quê hương qua từng trang sách vở

Ai bảo chăn trâu là khổ

 

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

 

Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm

 

Có những ngày trốn học bị đòn roi

 

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

 

Có một phần xương thịt của em tôi”

 

(Quê Hương – Giang Nam)

Nhớ cái lúc dò bài, tôi lại đùa đùa với ba “Ai bảo chăn trâu là khổ. Tôi chăn bò còn sướng hơn chăn trâu” rồi lăn ra cười. Hồi ấy tôi chăm học bài ở lớp, tối tối đi chơi với mấy đứa trong xóm bộ đội, rồi rảnh rảnh mới lấy thơ ra học. Bốn năm ngày học được một bài. Mỗi lần ba rút tiền nhìn ông hơi tiếc nhưng chẳng bao giờ lộ vẻ buồn ra, chỉ thấy đôi lần đứng sau cánh cửa nghe lỏm ba nói với mẹ “Con bé nó học nhanh thật. Nhìn nó học bài lại nhớ quê. Mong sao cho nó yêu quê như mình vậy. Mỗi lần dò bài lại thấy vui. Cái niềm vui con cái nó to và đặc biệt hơn mấy niềm vui khác nhiều”.

Lên lớp mười hai, thi tốt nghiệp phổ thông. Đề bài Việt Bắc, phần mở rộng ý, tôi bê nguyên mấy trang thơ trong tập hồi nhỏ hay học thuộc ra. Chẳng hiểu sao chữ nó cứ tuôn tuôn trong đầu, ngồi viết một mạch không nháp. Lúc mẹ đón, tôi bảo làm cũng tạm tạm, mong sao kết quả không quá tệ. Hôm nhận kết quả, tôi đạt 9,5 môn văn. Mẹ cười, ba cũng cười. Tôi thầm cảm ơn mấy cuốn thơ ba đưa.

Thi đại học xong, tôi lên đường. Sống xa nhà, lâu lâu đạp xe ra sông Sài Gòn ngồi một mình. Cái nỗi nhớ nhà nó trào lên, mấy câu thơ ngày xưa cũng trào lên nốt:

 

Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc

 

Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc

 

Hai tiếng thiêng liêng hai tiếng miền Nam”…

Đúng là khi lớn, cái nghĩ suy nó khác hẳn so với hồi bé. Mấy bịch yaourt và bim bim chẳng thể nào thay thế được tình yêu quê, cái máu mủ ruột rà nó hằn sâu trong tâm thức. Bây giờ lớn rồi, gia cảnh không còn khốn khó như trước nữa, cũng chẳng thèm ăn đồ ngọt như hồi bé, vẫn quen tìm đọc vài trang thơ, đôi tác phẩm truyện ngắn, rồi cảm giác như đang sống dậy một thời nào đó, một mảng ký ức nào đó, về gia đình, quê hương. Người cha một thời mong con mình đi xa nhưng không mất gốc, mong con hiểu được cái nghĩa nặng tình thâm của người Nghệ Tĩnh, khúc hát sông quê được cất lên ngày nào nằng nặc đòi con học thuộc cho bằng được hát cho ba nghe. Người mẹ mong con hiểu cái vất vả một nắng hai sương của người miền Trung khốn khó, nhưng vẫn giữ cái cần cù chất phác chịu thương chịu khó không lẫn vào đâu… để hôm nay con được hình thành nhân cách một cách toàn diện nhất, không chỉ là tri thức ở trên ghế nhà trường, mà còn là đạo lý, cách sống, cách làm người và cả tình yêu quê hương đất nước.

Chuyện ngày ấy đã hơn mười năm trôi qua. Anh chị trong nhà đều đi làm cả. Ba mẹ nuôi mỗi mình tôi nên cuộc sống khá hơn, cũng có của ăn của để. Nhưng mỗi lúc về nhà, vẫn thấy ba 5 giờ sáng mò dậy nấu cơm cho cả nhà. Dưa cải mẹ muối để sẵn, mâm cơm không lúc nào thiếu chén cà pháo. Mấy ngày lụt bão có thêm mì tôm. Nhưng chẳng phải mì Hàn, mì Nhật, mà là mì két. Ba mẹ bảo ngày xưa ăn quen rồi, giờ không đổi được. Chả biết cái mì nước ngoài nó thế nào, chỉ thấy quen cái vị này rồi, khổ hay sướng cũng chỉ thèm mỗi mì này. Có năm Huế hứng mấy cơn bão liền, ngoài kia trời mưa gió giật tầm tã, cả nhà quây quần bên nồi mì tôm két ấm bụng ấm lòng. Dần dần những đứa con đi xa cũng quen hơi nhà, đi siêu thị cũng chỉ lựa mỗi một loại mì tôm, vừa rẻ vừa đậm tình quê.

 

Ngày 20 tháng 10, tôi bấm bụng ăn uống tiết kiệm mua được cái áo len Hàn Quốc gửi về cho mẹ. Qua điện thoại tôi nghe giọng mẹ vui lắm, tôi cũng vui, nghĩ mình là đứa con có hiếu, và phải cố gắng học hành hơn nữa phụng dưỡng ba mẹ. Mấy tháng trôi qua, lên chuyến tàu về Tết, trong lúc cùng mẹ dọn nhà, thấy chiếc áo len tôi tặng vẫn còn nguyên mác để trong bịch ni-lon ở góc tủ, tôi thoáng buồn. Mẹ nhìn thấy, hơi bối rối, ậm ừ vài câu “Mẹ xin lỗi, không phải mẹ không thích quà con tặng, nhưng mẹ quen mặc áo len đan tay mua ngoài chợ rồi”. Lúc ấy tôi chẳng nghĩ được gì nhiều, để mọi thứ dang dở, bỏ lên phòng nằm khóc. Công sức nhịn ăn mấy tháng, tôi cũng thích mua áo quần lắm chứ. Dành dụm tiết kiệm mua cho mẹ cuối cùng như thế. Mẹ không thương mình, hay mẹ ghét mình rồi. Tối đó tôi giận mẹ. Ăn cơm xong, mẹ lấy gối sang phòng tôi ngủ. Mẹ nhẹ nhàng ngồi bên, vuốt tóc, ôm tôi từ đằng sau. Mẹ bảo “Ngày xưa khổ lắm, làm gì có cái này mà mặc. Mẹ học đan len cũng vì muốn may áo cho cả nhà. Sau bận rộn quá cũng quen mua áo quần ngoài chợ, làm sao dùng được mấy thứ đắt tiền này. Thích thì thích, nhưng không hợp cũng vậy con à. Con mặc một chiếc áo cũng là khoác lên mình một sự tự tôn, cái niềm tự hào dân tộc. Tôi là người Việt và tôi thích dùng hàng Việt. Dù chiếc áo ấy có không đẹp bằng của nước khác, không mô-đen bằng Nhật Bản, Hàn Quốc, thì cũng là chiếc áo do tự tay đồng bào của con làm ra. Con tự tay làm ra đồng tiền, lấy tiền ấy mua chiếc áo, rồi người bán áo len lại dùng đồng tiền ấy nuôi con cái ăn học nên người. Chiếc áo chỉ là một phần nhỏ thôi, còn bao thứ khác nữa. Đất nước mình còn nghèo, mà cứ mắc bệnh sính ngoại, chạy theo mấy thứ thời trang xa xỉ ấy thì biết làm sao cho khá lên được. Con thấy không, vì nhịn ăn nhịn tiêu mà trông con ốm hẳn so với trước lúc mẹ đưa con ra ga”. Tôi quay người, cố cãi “Đâu, con mập mà”. Nhưng lúc ấy, một giọt nước trào ra từ khóe mắt. Tôi đã hiểu sai cho mẹ. Tôi cũng tiếc mấy lần nhịn ăn tụt huyết áp phải uống nước đường để mua cái áo đắt tiền. Nhưng hơn cả là cái suy nghĩ sai lệch về việc dùng đồ của nước ngoài. Tôi lên Sài Gòn, thấy bạn bè sành điệu, giày dép áo quần sặc mùi hàng hiệu, nước hoa cũng là đồ ngoại. Bất giác nhiều lúc cũng muốn có. Nhớ lại lúc mẹ tiễn tôi ra ga, cùng với lời dặn “Ráng học nghe con. Ở thành phố nhiều cám dỗ, cố gắng giữ mình. Đừng quên mình là người Việt, là người miền Trung chịu thương chịu khó, là con gái ngoan của mẹ nữa”.

 

Bữa cơm hôm sau, ba biết chuyện chiếc áo, ngồi ăn cơm, ba kể vài câu chuyện về đất nước Hàn Quốc mà ba từng đọc ở đâu đó. Hồi thập niên 60-70, Hàn Quốc nghèo, nghèo hơn cả miền Nam Việt Nam. Tinh thần dân tộc họ mạnh mẽ đến mức, cứ vào lớp học, cô giáo sẽ kiểm tra cặp học sinh, những dụng cụ học tập nếu không phải của Hàn Quốc sản xuất sẽ bị phê bình, gửi thư về phụ huynh góp ý. Một thế hệ lớn lên trong sự quyết tâm cao độ rằng sẽ thoát nghèo, sẽ cho thế giới biết trí tuệ dân tộc, sẽ trở nên văn minh... nên cái gì họ cũng xài của nội địa. Lòng dân thì quyết tâm nên các doanh nghiệp cũng quyết tâm không kém. Họ lùng sục đi mua các thiết bị, các sản phẩm của Nhật hay Âu Mỹ về, lục tung hết, nghiên cứu ngày đêm không ăn không ngủ để sản xuất y chang cho bằng được, thậm chí tốt hơn, rẻ hơn. Chỉ trong mười mấy năm, một kỳ tích sông Hàn ra đời, một Hàn Quốc kiêu hãnh với ô tô, xe máy, điện tử, hóa chất, đóng tàu, phim ảnh, thời trang... không thua một quốc gia tiên tiến nào. Thế vận hội năm 1988, Seoul đã trình cho thế giới thấy, với sự quyết tâm, không có gì là không thể. Cứ như một ngôn ngữ bất thành văn, một quốc gia phát triển kinh tế sẽ ra thế giới đệ trình bằng một cái Olympic. 20 năm sau, đến lượt người Trung Quốc với Olympic Bắc Kinh. “Đấy, đất nước mình còn nghèo, chiến tranh đi qua, liệu có làm được như nước bạn, hay cả một thế hệ trẻ chỉ biết xài đồ của nước họ, xuýt xoa hàng của nước bạn mà không lấy lòng tự tôn dân tộc đặt lên hàng đầu, không biết rằng đằng sau vị thứ kinh tế cao của đất nước Hàn Quốc trên trường thế giới bây giờ là bao nhiêu sự nỗ lực của rất nhiều thế hệ. Vậy thì những người Việt trẻ, những thanh niên thế hệ Bác Hồ, có hiểu và nhận ra được điều đó để cố gắng hay không, hay chỉ là những thành phần dùng tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ mua những món đồ nhập khẩu với giá trên trời.”

Mẹ tôi là người Huế, đặc sệt Huế. Tôi quen món ăn mẹ nấu, vào Sài Gòn người ta nấu ngọt ngọt thế nào ăn không quen. Điện về nhà tôi rên, mẹ bảo người Huế nấu đậm đà, ăn vào cảm giác khó quên ở vị đầu lưỡi, cũng như người miền Trung nặng tình nặng nghĩa, nghèo khó từ độ nào. Nấu cái gì cũng cho thật nhiều muối, nước mắm và đường để ăn cho được nhiều cơm, cho có sức mà làm, mà học. Mẹ bảo “giấy rách phải giữ lấy lề”. Nghèo cũng phải giữ cái đức, cái nhân nghĩa con người, đi đâu cũng phải nhớ mình đi lên từ cái nghèo cái khổ. Không được quên. Đến cả quê hương còn quên thì đừng về cái nhà này làm gì nữa. Tôi nhớ như in mấy câu ấy trong lòng…

Tôi tốt nghiệp đại học, số điểm khá cao cộng với trình độ Tiếng Anh tạm tạm nên xin được một suất học bổng thạc sĩ ở nước ngoài. Ngày tôi đi, mẹ tôi gói hai chiếc áo len vào hành lý. Mẹ tuổi đã cao, mắt không còn tinh như trước nên không đan áo được cho tôi. Mẹ đã lặn lội mấy tuần trời mới mua được hai cái áo vừa dày vừa ấm đủ để tôi vượt qua được mùa đông khắc nghiệt bên ấy. Mẹ gói thêm vài cái bánh chưng Nhật Lệ để tôi gửi vào hành lý, sợ sang bên ấy không quen được đồ ăn. Ôm mẹ khóc ròng ở sân bay, tôi bước lên máy bay, lòng nặng trĩu.

 

Paris một ngày lạnh, run run đưa hai tay đút vào túi áo len, tay cầm cặp bánh chưng mua ở cửa hàng đồ ăn Việt Nam. Tôi lại thói quen tự kỷ nhớ quê như hồi còn là cô nhóc năm một bên sông Sài Gòn. Thời gian đổi nhưng lòng người không thay. Đứa con xa quê càng đi càng thấm những lời ba mẹ dạy. Cố gắng học hành, tôi vượt qua những ngày lạnh giá bằng đôi áo len và khăn tay mẹ đan hồi còn đại học, vượt qua sự khắc nghiệt của nỗi nhớ bằng đôi câu thơ ngày ấy, bằng vài bức thư tay ba mẹ gửi đường dài nhòe nhoẹt nước mắt, và hơn hết, bằng niềm tin và sự tự hào của những người con xa nhà nơi đây: Con là người Việt Nam – đất nước đã sản sinh ra biết bao anh hùng, người tài, người giỏi. Con sẽ cố gắng, ba mẹ hãy tin ở con…

Đứa con xa nhà của đất nước Việt đang mong từng ngày được trở về quê hương, được cống hiến và góp chút sức mình cho sự phát triển của đất nước. Yêu quê hương không chỉ qua từng trang sách vở, mà qua bài học của mẹ, lời dạy của cha. Yêu quê hương là dùng chính những món đồ gắn với quê hương, do chính tay đồng bào mình làm ra, cho dù ấy có là cơm canh muối mặn, là chiếc áo len bạc màu hay gói mì tôm két. Có như vậy thì một ngày nào đó mới mong đồng bào thoát cảnh nghèo, đất nước mình hết khổ, tự hào một dân tộc Việt Nam kiên cường đi qua hai cuộc chiến tranh và vươn lên phát triển kinh tế, dựng xây một chủ nghĩa xã hội mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

                                                                                                                 Trần Thị Hương Giang – DOCX

                                                                                                           Đại học Kinh tế Thành phố Hồ CHí Minh

 

Trần Thị Hương Giang.docx
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.296.442
Truy câp hiện tại 347