TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Sống giữa sách
Ngày cập nhật 15/04/2010

Sống giữa sách, trước tiên, cũng có hai loại. Sống giữa những cuốn sách là kiểu của Don Kihote nhà quý tộc tài ba xứ Mantra, còn sống giữa những quyển sách là kiểu của Mendel người bán sách cũ của Stefan Zweig. Như bạn cũng đã nhận ra, sống giữa những cuốn sách là sống trong bầu không khí, trong không gian vô hình, tưởng rằng những câu chuyện trong sách là có thật. Còn sống giữa những quyển sách, là sống trong không gian vây quanh là nhiều quyển sách thực, có thể sờ mó, động chạm được.

Sau nữa, sống giữa sách kiểu một thường thường liên quan tới một chứng bệnh vĩ đại của con người, đặc biệt phổ biến ở con người và ngày càng được coi trọng: bệnh điên. Những con thú vật mà bị điên thì chỉ có một giải pháp: hạ sát, như hành động mang tính anh hùng của luật sư Atticus trước con chó điên trong “Giết con chim nhại”, được đạo diễn Robert Mulligan cho diễn lại y chang trong bộ phim cùng tên. Bệnh điên ở con người trước đây cũng bị ghê sợ và khinh rẻ lắm, nhưng Freud, rồi Foucault mở mắt cho chúng ta thấy rằng cứ nhảy cẫng lên mà khinh thường người điên là sai lầm lắm, bởi điên rồ chẳng qua cũng chỉ là một biểu hiện mà người bình thường không hiểu nổi mà thôi. Nói một cách vắn tắt, bởi vì không điên nên ta tưởng người khác là điên, và ngược lại, rất có thể vì điên nên ta cứ tưởng người không điên bị điên. Điên và bình thường thật khó biết đâu là ranh giới.

Van Gogh lên cơn điên thì được coi là đẹp, Don Kihote bây giờ trở thành một mẫu hình tuyệt đối lung linh, không nhà phê bình nào ngày nay dám nói chàng hiệp sĩ mặt buồn điên vớ điên vẩn, điên lẩn thẩn nữa. Bởi vì nguồn gốc cơn điên của Don Kihote cao quý lắm: chàng điên vì đọc quá nhiều sách, vì chàng thực tâm và hào hùng cả gan sống trong những gì tưởng tượng ra, không mặc cảm, không dồn nén, không ẩn ức. Người như thế mới là hùng mạnh.

Hoặc là giáo sư Peter Kien của cuốn tiểu thuyết kỳ thú nữa về thế giới sách vở mang tên “Die Blendung” của văn hào Đức gốc Bun, Elias Canetti: là một chuyên gia về Trung Quốc, Kien sống giữa đám sách, lấy bà giúp việc làm vợ cũng chỉ vì muốn có người nhiệt tình phủi bụi cho đống sách của ông. Kien thuộc loại sống giữa sách loại một pha với loại hai.

Lại có những người thuần túy sống giữa sách theo kiểu số hai: mấy tay chơi sách. Đợt trưng bày vừa rồi tại Hà Nội mang tên “Nét xuân trên những trang sách xưa” (trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây) làm người ta ngã ngửa ra vì khám phá dân chơi sách cũ ngày nay lắm người đến là trẻ, và phát hiện té ra đến nhiều người thích sách cũ, có khi còn hơn sách mới. Từ điển Taberd, Bonnet, Huỳnh Tịnh Của thuộc quyền sở hữu của những người chưa tới tuổi ba mươi, sách in của nhà xuất bản Mai Lĩnh, nhà xuất bản Tân Việt, nhà xuất bản Sông Nhị, vân vân và vân vân do mấy bạn trẻ rút từ túi đựng máy tính xách tay ra trao đổi cho nhau, rồi thì người đến xem tha hồ ngắm thủ bút của Nguyễn Tuân, Trần Trọng Kim, Lê Văn Hòe bày đơn giản trong mấy tủ kính mỏng manh. Cũng như đọc thơ ngày nay khỏi cần kèm với “mùi hương trầm thơm lắm”, ngồi vào mâm khỏi phải mời vòng quanh, sách vở cũng dần dà đâm ra giống như mớ rau, quả trứng.

Công việc của người sống giữa những quyển sách có thật, đầy đủ thành phần về mặt vật chất nằm ở tìm kiếm và lọc lựa. Tìm kiếm để có những bản sách cũ, nhưng sau đó phải lọc dần theo thời gian để tìm đến được bản đẹp nhất, rồi không những đẹp mà còn cần phải là bản đặc biệt, in giấy khác, có đánh số, nếu có thêm cả chữ ký của tác giả, rồi lời đề tặng do chính tác giả viết tặng cho một tác giả khác cũng nổi danh không kém… thì mới là hàng cực phẩm.

Mà muốn làm được như vậy, ngây thơ như Don Kihote là không có được, mà phải khôn ngoan, phải quan hệ rộng, bặt thiệp, biết nở nụ cười trìu mến, biết thả mồi thả thính đúng lúc đúng chỗ. Những người sống giữa sách kiểu như thế này, ta không thể gọi họ là “Đông Ki-sốt”, mà phải gọi họ bằng đúng tên: nhà sưu tầm.

Nhị Linh (Thể thao văn hóa đàn ông)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.310.748
Truy câp hiện tại 272