TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
GS Phan Trọng Luận: Tấm Cám là truyện cổ tích tiêu biểu nhất
Ngày cập nhật 12/11/2011

Trước dư luận nhiều chiều về việc chỉnh sửa đoạn kết của câu chuyện Tấm Cám trong sách giáo khoa, PV Báo SGGP đã trao đổi với GS Phan Trọng Luận (ảnh), Tổng Chủ biên cuốn sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 về vấn đề này.

PV: Nguyên nhân của việc sửa chữa đoạn kết là do sự đúc kết của cả một quá trình hay vì đâu thưa ông?

GS Phan Trọng Luận: Khi soạn cuốn sách này có hai bộ, bộ nâng cao do GS Trần Đình Sử và bộ SGK chuẩn là do tôi. Trở lại câu chuyện cổ tích Tấm Cám, chúng tôi cũng đã tính mãi. Nếu như cắt đoạn cuối, chỗ “làm mắm” thì có cái dở là sẽ phá vỡ truyện.

Chuyện cổ tích, thi pháp cổ tích là triệt để cái tận cùng. Ác, ác tận cùng; xấu, xấu tận cùng; trả thù, trả thù tận cùng; hạnh phúc, hạnh phúc tận cùng. Thi pháp của cổ tích là vậy. Bây giờ bỏ như vậy vô hình trung đã phá vỡ thi pháp cổ tích. Nhưng tính đi tính lại mãi, nếu để như thế thì trong hoàn cảnh bây giờ, sống bao dung, xóa thù hằn, giáo dục tính nhân ái, nhân văn, nếu đưa chi tiết đó vào sẽ không lợi.

Với đoạn kết của Tấm Cám, bạo lực như thế, hung dữ như thế, giờ nhà trường lại giáo dục việc trả thù man rợ như thế thì có nên không?

Việc sửa chữa này, Hội đồng có phải họp trao đổi nhiều lần không?

Có trao đổi nhiều lần, thậm chí giữa hai bộ sách cũng đã có sự trao đi đổi lại việc lấy dị bản của Chu Xuân Diên hay Nguyễn Đổng Chi. Truyện Tấm Cám có nhiều dị bản nhưng đều chung chi tiết trả thù, “làm mắm”. Sau khi trao đi đổi lại với GS. Trần Đình Sử và Chủ tịch Hội đồng biên soạn SGK là GS. Nguyễn Minh Thuyết cũng đã bàn bạc, tính toán thế nào có lợi và cuối cùng vẫn quyết định như vậy. Đối tượng giáo dục có những yêu cầu khác, phải có sự khúc xạ vì thế khi đưa tác phẩm vào trong nhà trường cần phải được điều chỉnh. Nhà trường phải có định hướng giáo dục. Nếu sau này, khi lựa chọn thay đổi thì có thể câu chuyện Tấm Cám vẫn có thể để nguyên đoạn kết để có những định hướng khác cho học sinh thảo luận.
 
 
 
Tấm gội đầu, Cám trút cá. (Tranh Dân gian)

Thay vì việc sửa đoạn kết, ta có thể lựa chọn một câu chuyện cổ tích Việt Nam khác phù hợp hơn?

Tấm Cám là truyện cổ tích tiêu biểu nhất.

Quyết định sửa là cả một quá trình xuất phát từ việc tiếp nhận phản hồi từ các giáo viên, học sinh hay do tự ý của những người biên soạn?

Việc sửa này là do ban soạn sách, do Chủ biên là GS Trần Đức Ngôn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa và PGS Lê Trọng Phát thực hiện. Nhưng tôi là người chịu trách nhiệm, tôi là Tổng Chủ biên. Có quyết định để hay không để thì chúng tôi đã bàn bạc, xin ý kiến của nhau và thống nhất đành chấp nhận bớt nghệ thuật đi chút để thêm tư tưởng.

Hiện đang có bao nhiêu dị bản về truyện Tấm Cám thưa ông?

Về cơ bản truyện Tấm Cám có hai dị bản được sử dụng nhiều là của Nguyễn Đổng Chi và Chu Xuân Diên. Về cơ bản, kết cấu của cả hai đều không khác nhau về cốt truyện nhưng như chủ đề tư tưởng của tác phẩm, đều có chi tiết “làm mắm”.

Việc sửa chữa cắt đi tình tiết này ở đoạn kết của Tấm Cám có làm thay đổi nguyên tắc về tính tận cùng của thi pháp cổ tích?

Về tổng thể của truyện thì không thay đổi, nhưng phải thừa nhận rằng tính “tận cùng” của thi pháp cổ tích cũng không giữ được nguyên vẹn, nó phá vỡ tính điển hình của thể loại này.

Vậy đây có phải là dị bản mới?

Nhà trường có quyền riêng. Thực tế nhiều tác giả nổi tiếng có mong muốn được đưa tác phẩm nổi tiếng của mình vào SGK, nhưng sách trong nhà trường khác với sách ngoài đời và độc giả, đối tượng tiếp nhận cũng hoàn toàn khác nhau vì thế cần có sự cân nhắc, lựa chọn và điều chỉnh cho phù hợp.

Dường như việc biên soạn lựa chọn tác phẩm đưa vào SGK phụ thuộc nhiều vào tư duy của người làm sách? Và nội dung trong sách thay đổi không phải là do xã hội thay đổi mà tư duy chủ quan của người làm sách thay đổi?

Điều này cũng không sai. Song cần khẳng định đội ngũ biên soạn sách luôn là những người được lựa chọn kỹ, có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong giảng dạy, trong nắm bắt tình hình của học sinh và giáo viên.

Việc thay đổi đoạn kết trong sách từ năm 2006. Nếu tính cả thời gian thí điểm là từ năm 2005. Nhưng các cuộc họp tổng kết sau thời gian thí điểm chủ biên không nhận được bất cứ thắc mắc nào về sự thay đổi này. Tuy nhiên, trong quá trình bồi dưỡng giáo viên, chúng tôi cũng giải thích cho giáo viên về sự thay đổi để giảm bớt tính bạo lực này.

Người biên soạn SGK dường như phải chịu nhiều sức ép từ dư luận. Liệu có khi nào có tình trạng đẽo cày giữa đường?

Đôi lúc cũng xảy ra tình trạng như vậy. Song người biên soạn SGK phải có chính kiến và đôi lúc có sự bảo thủ riêng của mình. Sau những lần biên soạn, chỉnh sửa lớn, trong quá trình sử dụng sách mỗi năm chúng tôi đều có họp xem xét để chỉnh sửa cho phù hợp nhưng luôn tuân thủ nguyên tắc việc chỉnh sửa chỉ vài từ, vài câu, nói chung là không lớn để tránh việc phải mua sách mới.

Nguồn SGGP
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.305.796
Truy câp hiện tại 48