TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Sốt vó lo tiền lì xì Tết
Ngày cập nhật 29/01/2011

Năm ngoái chơi sộp lì xì cho con cháu mỗi đứa 100.000 đồng, năm nay công việc làm ăn gặp nhiều khó khăn, song bà Hoa vẫn cố gắng chạy tiền mừng tuổi không hơn thì cũng phải bằng năm trước để "sắp nhỏ" khỏi chê trách.

"Tết này, ngay tiền lì xì cũng ngót vài triệu chứ chả ít. Tôi đã gom hết tiền trong nhà mà vẫn sợ không đủ. Con cháu đông thì vui nhà vui cửa thật nhưng cứ mấy ngày Tết này là lo lắm", bà Hoa (quận Bình Thạnh, TP HCM) than.

Còn chị Thắm (quê Đồng Nai) thì cứ đến cuối năm lại phải nhờ vả hết người này đến người khác để đổi tiền lẻ mới dành riêng cho khoản mừng tuổi. Chị dự định sẽ đổi khoảng 2 triệu đồng các loại tiền mệnh giá 5.000, 10.000, 20.000 đồng. Tất cả được cho sẵn vào bao đỏ để mừng tuổi anh em, con cháu đến chúc tết 3 ngày đầu năm. Tuy nhiên cho đến giờ này mối mà chị nhờ vả vẫn chưa có tin tức gì khiến chị càng lo lắng.

Người mẹ của 2 đứa con này cũng cho biết, chị để ý thấy bọn trẻ con sau khi nhận bao lì xì thường bóc ra xem tại chỗ rồi bình phẩm người này "rộng rãi", người kia "keo kiệt", nên chị luôn cân nhắc khi cho tiền để không bị mang tiếng.

"Trước hết là tùy vào mối quan hệ với người đó. Rồi đề phòng khi khách ghé nhà chơi lì xì cho con mình thì một đồng cũng phải trả lại cho con họ gấp đôi mới được. Ngại nhất là cảnh trẻ con đến nhà mà không có lì xì thì chúng hậm hực trách móc mãi", chị Thắm tính toán.

Một số giáo viên cũng than thở, với đồng lương công chức ít ỏi của họ thì khoản tiền lì xì đầu năm tưởng chừng là nhỏ nhặt nay lại trở thành nỗi ám ảnh.

Cô Trang, giáo viên lớp 5 một trường tiểu học tại TP HCM tâm sự, dịp Tết muốn đến thăm bạn bè, người thân và học trò, song đến nhà họ có con nít và người già lại không thể làm lơ cái khoản mừng tuổi. Năm nay nhắm chừng túi tiền không nhiều nên cô phải tính toán sàng lọc rất kỹ các mối quan hệ, ai thực sự thân thiết mới đến thăm để khỏi tốn kém.

"Ngày Tết muốn có những giờ phút vui vẻ cùng bạn bè cũ lâu rồi không gặp mặt nhau, nhưng lại mặc cảm khoản tiền nong mừng tuổi. Nhìn mấy đứa trẻ háo hức chào đón mà mình không có gì cho thì ngại, còn nếu chỉ cho vài nghìn thì chúng buồn ra mặt cũng tội", cô giáo thở dài.Điều mà cô Trang băn khoăn nhất là hiện nay tập tục lì xì dường như bị thực dụng hóa, người ta đang dần quên đi ý nghĩa ban đầu của hai tiếng "mừng tuổi". Nếu như ngày xưa người lớn thưởng bao lì xì cho con cháu tức là chúc phúc cho chúng học hành giỏi giang, ngoan ngoãn thì bây giờ đứa trẻ nào cũng săm soi chờ đến Tết để được bóc bao lì xì để xem tiền nhiều hay ít.

Trò chuyện với VnExpress.net, Tiến sĩ Nguyễn Đệ, Giảng viên khoa Văn hóa học, Đại học Văn hóa TP HCM cho biết, phong tục lì xì cũng như tết Nguyên đán ở nước ta chịu ảnh hưởng bởi văn hóa của người Trung Hoa. Xung quanh tập quán này có nhiều giả thiết khác nhau. Tương truyền vào thời nhà Đường, buổi sáng mồng một Tết, tất cả vương tôn công tử và quan lại trong triều đình tập trung lại chúc thọ nhà vua. Sau đó vua sẽ thưởng tiền cho mỗi người gọi là tiền "áp tuế". Hoặc có thể xuất phát từ việc Dương Quý Phi (đời Đường) tặng tiền cho ai sinh được con trai được gọi là "tiền tắm trẻ". Dần dần về sau tục lệ này không còn giới hạn trong phạm vi triều đình nữa mà dân chúng học tập theo.

Còn ở Việt Nam, tục lì xì trong ngày Tết mang ý nghĩa là ông bà, cha mẹ chúc phúc cho con cháu làm ăn phát đạt, may mắn, sức khỏe và sung túc "đầu năm có tiền thì cả năm cũng có tiền".

Ngày xưa các cụ thường chọn những tờ tiền có màu đỏ tươi đựng trong chiếc bao đỏ để cho trẻ bằng thái độ trân trọng với lời nhắn nhủ, dặn dò ân cần. Bao lì xì được dán kín đáo vừa để tạo sự kín đáo, vừa không gây so bì dẫn đến xích mích, hơn thế màu đỏ ở đây còn tượng trưng cho sự may mắn, tốt đẹp, phát tài. Ngày nay lì xì không chỉ giới hạn là người lớn dành cho người nhỏ mà con cái cũng có thể biếu cha mẹ hay bạn bè, đồng nghiệp trao cho nhau kèm theo lời chúc tốt đẹp ngày đầu năm mới. Theo Tiến sĩ Đệ, đó là nét truyền thống quý báu của dân tộc cần được giữ gìn.

Tuy nhiên thời gian gần đây, tập tục này đã phần nào bị biến tướng, trở nên thực dụng do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường và sự giáo dục từ gia đình dẫn đến thay đổi trong quan niệm của người dân. Thực tế, người ta thường tận dụng nó như cơ hội để trả nợ, trả ơn hoặc hối lộ cho cấp trên để được thăng quan tiến chức, còn trẻ con xem đó là một dịp để "kiếm chác".

Vì thế để trả lại ý nghĩa cho tục lì xì tốt đẹp trong ngày sum họp đầu năm, ông Đệ cho rằng, ngay từ trong gia đình, cha mẹ cần dạy cho trẻ hiểu ý nghĩa của những đồng tiền mừng tuổi, là thể hiện tình cảm yêu thương, quan tâm giữa những người trong gia đình với nhau. Vì thế phải biết quý trọng và giữ gìn những đồng tiền được tặng như một điều may mắn trong năm mới chứ không phải ở mệnh giá của nó. Ngoài ra phụ huynh không nên đem số tiền con cháu mình được lì xì ra làm đề tài bình phẩm, khen chê vì sẽ vô tình làm cho trẻ hiểu sai về mục đích tốt đẹp của văn hóa chúc Tết.

Người lớn cũng cần nói với trẻ về kế hoạch sử dụng khoản lì xì vào những mục đích tốt đẹp như nuôi heo đất, mua dụng cụ học tập, quần áo, đồ dùng trong nhà... Ở đây không nên tịch thu toàn bộ tiền lì xì của trẻ mà hãy giải thích để các em tự nguyện và vui vẻ đưa cho cha mẹ giữ giùm.

"Để trẻ không coi lì xì là cơ hội kiếm tiền, người lớn không nên cho trẻ tiền mệnh giá cao. Bởi khi có tiền nhiều, trẻ sẽ mua sắm xả láng những thứ không cần thiết và vô tình tạo cho các em thói quen phung phí", ông Đệ khuyên.

Theo VnExpress, tác giả Thi Trân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.305.796
Truy câp hiện tại 453