TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 1.131
HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN THỪA THIÊN HUẾ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Bài 1: Ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh đại đoàn kết - bài học lớn từ cách mạng tháng Tám năm 1945
Ngày cập nhật 09/09/2024

Lịch sử phát triển xã hội xã hội loài người đã chỉ ra rằng, bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào muốn đạt được mục đích đặt ra đều cần phải có trước tiên chính là khát vọng. Khát vọng được hiểu theo cách phổ quát nhất là mong muốn hướng tới những điều lớn lao, tốt đẹp và được thôi thúc bởi sự trỗi dậy mãnh liệt từ trong tâm thức, trái tim con người. Như vậy, khi nói đến khát vọng, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến yếu tố tinh thần, đó là những mong muốn, khao khát, quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ để đạt cho được mục tiêu đã đặt ra. Đối với cá nhân, khát vọng là động lực giúp con người vượt qua khó khăn trên đường đời và đưa họ đến tầm cao mới; đối với dân tộc thì khát vọng được hình thành dựa trên nhu cầu, ước vọng của đại đa số cộng đồng cư dân trong một quốc gia là nền tảng quan trọng để con người tạo lợi ích góp phần đưa xã hội chuyển biến theo hướng tích cực. Với một dân tộc có truyền thống đoàn kết, văn hiến, anh hùng như Việt Nam chúng ta thì khát vọng dân tộc chính là khát vọng phát triển đất nước, là thứ khát vọng cháy bỏng, thường trực trong tâm thức của các thế hệ người Việt Nam trong suốt tiến trình hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước; khát vọng đó thật sự đã trở thành sức mạnh nội sinh phi thường, là cội nguồn tạo nên những kỳ tích giúp Việt Nam chiến thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, giữ vững nền độc lập dân tộc, không phải chủ yếu bằng tiềm năng quân sự, bằng sức mạnh vật chất, mà chủ yếu bằng sức mạnh vĩ đại bắt nguồn từ khát vọng về chủ quyền quốc gia.

Một trong những minh chứng hùng hồn cho tinh thần quật khởi từ khát vọng về chủ quyền quốc gia đó chính là sự thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã trở thành một mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử để dẫn đến sự kiện trọng đại của cả dân tộc - khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi này đã chính thức chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp đối với nước ta, xóa nhòa danh xưng “Đông Dương thuộc Pháp”; là một trong những sự kiện, một bước ngoặt trọng đại nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20, lần đầu tiên tên nước Việt Nam có tên bản đồ thế giới; đồng thời đã mở ra mối quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới với tư cách và vị thế của một quốc gia - dân tộc có độc lập; đồng thời đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đó là biểu hiện đầy đủ nhất của khát vọng, ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của tư tưởng Hồ Chí Minh và của dân tộc Việt Nam.

Phải thấy rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khơi dậy, nuôi dưỡng, truyền cảm hứng về khát vọng phát triển đất nước cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà còn là hiện thân của tinh thần ấy thông qua việc đề ra các chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược phù hợp trong từng giai đoạn, từng thời kỳ phát triển của đất nước. Ngược dòng lịch sử, để có được một Cách mạng tháng Tám lẫy lừng khắp năm châu, bốn biển, dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao hy sinh, gian khổ đấu tranh chống lại ách thống trị của đế quốc, phong kiến. Với ý chí mãnh liệt về khát vọng độc lập dân tộc, bằng sức mạnh của sự tự lực, tự cường, nhân dân ta đã anh dũng đứng lên chống Pháp bằng nhiều phong trào đấu tranh. Cũng với ý chí đó và vì lợi ích chung của dân tộc mà người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức đầy đủ những đòi hỏi của thực tiễn để đứng ra tập trung lực lượng, thống nhất tổ chức và chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào Cộng sản ở Việt Nam và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trách nhiệm lịch sử này đã đưa cách mạng nước ta có bước phát triển mạnh mẽ mà cụ thể là Đảng đã lãnh đạo liên minh công nông, tập hợp quảng đại quần chúng tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc tạo thành lực lượng cách mạng to lớn, nòng cốt và là nhân tố quyết định để làm cuộc cách mạng long trời lở đất vào mùa Thu năm 1945.

Bằng sự ý chí tự cường và khát vọng phát triển của toàn dân tộc mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã nhận định đúng, quy tụ, khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết để đón trước thời cơ có lợi và thống nhất quyết định khởi nghĩa ngay trước sự kiện đầu hàng Đồng minh của phát xít Nhật. Việc Tổng Bí thư Trường Chinh ký Lệnh Tổng khởi nghĩa vào đêm 13/8/1945; tiếp theo là Quốc dân Đại hội đã họp, thay mặt cho đồng bào cả nước quyết nghị: Thống nhất với chủ trương khởi nghĩa của Đảng và Mặt trận Việt Minh; Thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa; đồng thời thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; quyết định lấy Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh, Quốc ca là bài Tiến quân ca; cử ra Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch vào ngày 16/8, đã cho thấy sự nhanh nhạy, khả năng phân tích chính xác tình hình quốc tế và trong nước, dự bảo đúng đắn về thời cơ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, và quan trọng nhất là bằng quyết tâm “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được tự do, độc lập”(1)  đã giúp nhân dân cả nước đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, kể cả một số địa phương chưa trực tiếp nhận được Lệnh khởi nghĩa. Đó là quyết tâm, là ý chí, là phương pháp thể hiện sâu sắc quan điểm tự lực, tự cường trong đấu tranh giành độc lập.

Ý chí tự lực, tự cường và khát vọng về quyền sống chân chính của dân tộc đã được bồi đắp lan tỏa trong mọi giai tầng xã hội Việt Nam khi Chủ tịch Hồ Chí minh gởi Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa trong cả nước: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta...”. Tại Huế, sau khi có Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Ủy ban Khởi nghĩa các huyện trong tỉnh Thừa Thiên Huế đã nổi dậy giành chính quyền từ ngày 18 đến 22/8/1945, tại thành phố Huế, ngày 22/8/1945, quần chúng nhân dân đã vùng lên biểu tình, chiếm lĩnh hầu hết các cơ quan, công sở và doanh trại lính bảo an; sau sự kiện Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh gửi tối hậu thư cho vua Bảo Đại phải thoái vị, đến chiều 23/8, hàng vạn người dân Thừa Thiên Huế và các đội cứu quốc quân tiến về sân vận động Huế hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam!”. Với khí thế cách mạng dâng cao, tại sân vận động Huế, cuộc mít tinh mừng việc Nhật trao trả quyền cai trị Nam Kỳ cho triều đình nhà Nguyễn đã trở thành cuộc mit tinh biểu dương lực lượng, giành chính quyền. Tại đây, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh - đồng chí Tố Hữu đã đọc diễn văn và tuyên bố, từ nay chính quyền về tay Nhân dân, đồng thời, giới thiệu UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên Huế. Tiếp theo đó là sự thoái vị của Bảo Đại đã góp phần làm nên giá trị nhân văn sâu sắc của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám.

Nếu chỉ dùng bạo lực cách mạng để tạo ra một cuộc đảo chính thì chưa chắc chúng ta đạt được khát vọng giải phóng dân tộc, mà chính nhờ tinh thần đoàn kết toàn dân để phát huy yếu tố chính trị, yếu tố chính nghĩa bằng lòng yêu nước của Nhân dân, khát vọng hoà bình, giải phóng bản thân, giải phóng gia đình và giải phóng quốc gia; xây dựng quốc gia độc lập, hoà bình(2) và nhờ có sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất xung quanh một chính đảng có tổ chức, có sự lãnh đạo và sự đồng lòng, đồng sức, đứng lên thành một đội ngũ, giành chính quyền (3) thì mới có một khởi nghĩa êm đẹp thành công trọn vẹn và không đổ máu khi quyền lực chính quyền chuyển về tay Nhân dân.

(Còn tiếp)

------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Trích Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký, Nhà xuất bản QĐND, Hà Nội, 2011, tr.129-130

(2), (3) Đỗ Trưởng: “Cách mạng Tháng 8 trên đất Cố đô Huế”, Tin tức Thông tấn xã Việt Nam điện tử, ngày 18/8/2020

Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày