|
Thống kê truy cập Tổng truy câp 9.871.386 Truy câp hiện tại 294
|
|
| |
Tư tưởng “tự chỉ trích” của đồng chí Nguyễn Văn Cừ với việc tự phê bình và phê bình trong Đảng hiện nay Ngày cập nhật 10/07/2012 Tư tưởng tự phê bình và phê bình trong tác phẩm“Tự chỉ trích” của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là mẫu mực về nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng ta, tinh thần kiên quyết đấu tranh chống lại mọi biểu hiện cơ hội chủ nghĩa, cả tả khuynh và hữu khuynh, bảo đảm tính đúng đắn, trong sáng và tất thắng của đường lối chính trị. Tư tưởng ấy vẫn tiếp tục chỉ đạo việc tự phê bình và phê bình trong Đảng hiện nay.
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đồng chí hoạt động cùng thời với Nguyễn Văn Cừ đã viết: “Điều trước tiên tôi muốn nói là thật tự hào cho Đảng ta đã có một đồng chí Tổng Bí thư rất trẻ mà đã có tài năng lãnh đạo xuất sắc – đồng chí Nguyễn Văn Cừ(1). Đồng chí Hoàng Tùng kể lại: Có người hỏi đồng chí Lê Duẩn vì sao đồng chí Nguyễn Văn Cừ trẻ thế, ít hơn các Ủy viên Thường vụ Trung ương khác khi đó những 5-6 tuổi mà lại được bầu làm Tổng Bí thư, đồng chí Lê Duẩn trả lời: Vì năng lực anh ấy thực sự hơn chúng tôi. Anh ấy rất sắc sảo về chính trị và là một đồng chí có đạo đức phẩm chất rất trong sáng”(2).
Quả thật, “Có những vĩ nhân mà cuộc đời đi qua lịch sử như một ánh chớp rực rỡ”. Giáo sư Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương khẳng định: “Nguyễn Văn Cừ của chúng ta đúng là một vĩ nhân như thế. Cuộc đời đồng chí quá ngắn ngủi, tiếc thay! Nhưng cống hiến của đồng chí thì sáng rực như một ánh sao băng trên bầu trời cách mạng Việt Nam ở một thời đoạn lịch sử mang tính bước ngoặt lớn, phức tạp”(3).
Hai mươi chín tuổi đời, hơn mười ba năm hoạt động cách mạng, vào Đảng lúc mới 17 tuổi, hai lần bị tù với bảy năm giam cầm trong nhà lao đế quốc, hơn hai năm làm Tổng Bí thư (làm Tổng Bí thư khi chưa đầy 26 tuổi), “đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã để lại cho Đảng và dân tộc ta một tấm gương vĩ đại về đạo đức cách mạng, về lòng tin mãnh liệt ở lý tưởng, lòng yêu thương quý mến giai cấp công nhân và nhân dân lao động, sống trong sạch, chan hòa cùng với nhân dân, vì nhân dân”(4). Tuy cuộc đời và sự nghiệp quá ngắn ngủi, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta những giá trị to lớn, tạc một dấu ấn lịch sử chói lọi không thể phai mờ. Trong những cống hiến to lớn về công tác xây dựng Đảng mà đồng chí Nguyễn Văn Cừ để lại có tư tưởng về công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng qua tác phẩm Tự chỉ trích vẫn còn nguyên giá trị chỉ đạo trên nhiều phương diện của công tác này đối với việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong Đảng khi tổ chức triển khai Nghị quyết Trung ương bốn, khóa XI: Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay.
2. Công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong Đảng theo lộ trình triển khai Nghị quyết Trung ương bốn, khóa XI, đang được tiến hành từ trên xuống, từ đồng chí đứng đầu Đảng tới đảng viên. Đây là cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, với đồng bộ các giải pháp. Việc tự phê bình và phê bình của đảng viên, nhất là đảng viên giữ các cương vị quản lý, lãnh đạo các cấp là bước khởi đầu có ý nghĩa quan trọng, mang tính quyết định: ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.
Mục tiêu xây dựng Đảng được Nghị quyết Trung ương bốn xác định: Phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi chủ trương, nghị quyết của Đảng. Phương châm thực hành Nghị quyết là: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh… Chỉ đạo, tổ chức thực hiện với trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao trong toàn Đảng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp trung ương, người đứng đầu làm trước và phải thật sự gương mẫu để cho các cấp noi theo. Phải làm kiên quyết, kiên trì, xác định rõ lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành, làm từng bước vững chắc, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ… Phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan; đồng thời không để rơi vào trì trệ, hình thức, không chuyển biến được tình hình; giữ đúng nguyên tắc, không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, đả kích gây rối nội bộ.
Trong Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên, Nghị quyết Trung ương bốn nêu 3 bước: 1. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương tập trung kiểm điểm, đánh giá làm rõ tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm; làm rõ nguyên nhân trở ngại trong việc lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng; 2. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tiến hành kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến một số vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết này, đề ra biện pháp khắc phục. Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống; 3. Các đồng chí ủy viên ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy các cấp nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế. Trong quá trình kiểm điểm cần liên hệ, gắn với xem xét việc thực hiện các quy chế, quy định; việc giải quyết những vấn đề về tổ chức, cán bộ; về giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành, cơ quan hoặc địa phương. Nhóm giải pháp thứ hai, về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm, liên hệ theo chức trách, nhiệm vụ được giao, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, dân chủ, nghiêm túc, chân thành, gắn với thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, theo cương vị công tác…
3. Để việc tự phê bình và phê bình trong lộ trình thực hiện Nghị quyết Trung ương bốn theo đúng phương châm và đạt được mục tiêu đề ra, cần thấm nhuần và thực hành một bài học lớn về tính Đảng, tính nguyên tắc, tính kiên định cách mạng và về đạo đức bônsơvích trong phê bình và tự phê bình theo tư tưởng tự chỉ trích của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ viết tác phẩm “Tự chỉ trích” làm tài liệu giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nêu cao vũ khí tự phê bình và phê bình, chống lại chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội dưới mọi màu sắc. “Tác phẩm đó có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn, chẳng những uốn nắn những lệch lạc trong phong trào dân chủ, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng”.
Đồng chí khẳng định cái tất yếu, sự cần thiết phải tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt của một Đảng mácxít chân chính. Đó là nguyên tắc thể hiện tính dân chủ, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng… Mỗi đảng viên có quyền nói lên ý kiến của mình, phê bình, đóng góp vào việc xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng… “cần làm cho các đảng viên giác ngộ, rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình…, biết tự chỉ trích đúng và kịp thời những khuyết điểm, sai lầm”.
Đặt vấn đề “thế nào là tự chỉ trích bônsơvích”, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chỉ rõ: “tự chỉ trích bônsơvích không phải là công kích Đảng, mạt sát Đảng, đặt danh dự cá nhân lên trên tất cả quyền lợi của Đảng, của cách mệnh”.
Mục đích của tự phê bình và phê bình là nhằm khẳng định, khích lệ, biểu dương cái tốt, cái đúng; phê phán cái xấu, cái sai, tạo sự đồng thuận trong Đảng và toàn xã hội. Chống để xây, xây dựng nhân cách người cách mạng hết lòng vì nước, vì dân, vì sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc. Với tư cách là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chỉ rõ: “Phê bình Đảng là để thống nhất tư tưởng, để rèn luyện mình, để đề cao uy tín và ảnh hưởng của Đảng nhằm làm cho Đảng ngày càng mạnh và cách mạng ngày càng phát triển”; “là để giải quyết đúng đắn mối quan hệ nội bộ Đảng theo quan điểm của một Đảng cộng sản kiểu mới”, “là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng...”.
Đồng chí nêu rõ yêu cầu khi tiến hành tự phê bình và phê bình: “Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận, tự do chỉ trích, miễn là sự thảo luận luôn theo tinh thần bôn-sê-vích, không làm giảm uy tín của Đảng”. Muốn vậy, trong phê bình phải nắm vững mục đích xây dựng đảng, xây dựng đồng chí mình, không được đả kích hoặc cường điệu những sai lầm khuyết điểm của đồng chí mình. Đảng “cần làm cho các đảng viên giác ngộ rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình…, biết tự chỉ trích đúng và kịp thời những khuyết điểm, sai lầm”.
Trong khi tiến hành tự phê bình và phê bình, đòi hỏi mỗi đảng viên, tổ chức đảng phải có nguyên tắc nhằm tăng cường sự thống nhất của Đảng, nâng cao tính giáo dục đối với đảng viên và quần chúng, thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên. Không đặt mình lên trên Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, làm tổn hại đến uy tín của Đảng, gieo mối hoài nghi trong quần chúng, gây bè phái, chia rẽ trong hàng ngũ Đảng. Khi tự phê bình và phê bình, bằng lòng trung thực, thành khẩn, dám nhìn thẳng vào sự thật, nói lên sự thật, bảo vệ sự thật và đấu tranh để mọi việc được xử lý theo sự thật trong khuôn khổ luật pháp và những giá trị đạo đức truyền thống để làm trong sạch từ tư tưởng, nhận thức đến hành vi của mỗi người và cả tập thể, tạo nên sự thống nhất theo Cương lĩnh, Điều lệ, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ yêu cầu: “công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi”. Đây chính là lập trường mácxít về xây dựng chính Đảng. Lênin đã nêu, việc một Đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao, tự đại, và không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình và sợ sệt, không dám nói lên những nhược điểm của mình.
Khi tiến hành tự phê bình và phê bình cần xuất phát từ tinh thần người cộng sản chân chính mà “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa chữa, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp”. Với tinh thần đó sẽ “không làm yếu Đảng mà làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ. Làm như thế, không sợ địch nhân lợi dụng, chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc”. Trái lại, nếu đóng cửa “bảo nhau”, giữ cái vỏ thống nhất mà bên trong thì hổ lốn một cục đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa, hơn nữa đó tỏ ra không phải là một đảng tiên phong cách mạng mà là một đảng hoạt đầu cải lương...”.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ rõ “chỉ trích cũng có nhiều thứ: có thứ chỉ trích theo kiểu tờrốtkít, nghĩa là chửi rủa, vu cáo để phá hoại phong trào; nhưng cũng có thứ chỉ trích của người cách mạng tìm tòi những lầm lỗi của mình, nghiên cứu phương pháp để sửa đổi, để tiến lên; có thứ chỉ trích của người cách mạng vạch mặt nạ bọn phản động; có thứ chỉ trích thân mật những chỗ nhu nhược của bạn đồng minh; có thứ chỉ trích nghiêm khắc kẻ long lay, dụ dự để mong kéo họ về mình. Chúng ta không vu cáo như bọn tờrốtkít. Chúng ta không cãi vã những chuyện nhỏ nhen. Chúng ta là người cách mạng, chúng ta đứng về lợi ích về công cuộc của dân chúng mà chỉ trích những khuyết điểm, những chỗ lừng chừng hoặc hèn nhát để đẩy phong trào phát triển rộng rãi mạnh mẽ hơn”. “Chúng ta đã phải chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ: xu hướng “tả” khuynh, cô độc nó muốn làm cho Đảng co bé, rút hẹp bởi biệt phái, cách xa quần chúng, và xu hướng thỏa hiệp hữu khuynh, lung lay trước những tình hình nghiêm trọng nhãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh”.
Tư tưởng “tự chỉ trích” của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đòi hỏi việc tự phê bình và phê bình trong Đảng hiện nay phải: công khai mạnh dạn và thành thực nói lên những khuyết điểm. Làm như thế Đảng sẽ không suy yếu, mà trái lại giúp cán bộ, đảng viên nhận rõ sai lầm, tìm đúng nguyên nhân làm cơ sở cho phương hướng sửa chữa, khắc phục đúng, để tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động trong từng tổ chức Đảng cũng như trong toàn Đảng. Chỉ có được sự thống nhất trong Đảng sau tự phê bình và phê bình một khi trong quá trình tiến hành tự phê bình và phê bình mỗi đảng viên, nhất là những đảng viên có chức, có quyền, càng ở cấp cao càng nghiêm khắc, chân tình, trung thực tự phê bình và phê bình một cách cụ thể theo chức trách, nhiệm vụ được giao, những công việc đã làm, những ý kiến của quần chúng nêu, chất vấn, dư luận quan tâm… Gương tự phê bình và phê bình của các đồng chí lãnh đạo vừa giúp đảng viên, cán bộ quần chúng soi, vừa tạo nên nguyên tắc và cả chế tài cho công tác này trong xây dựng Đảng. Nếu cấp trên không tỏ rõ vai trò nêu gương, không trung thực, không mạnh dạn công khai thì việc tự phê bình và phê bình sẽ rơi vào hình thức, sẽ không có tính chiến đấu, thì “bệnh” sẽ không được chẩn, và như thế, đúng như đồng chí Nguyễn Văn Cừ nói là “giữ cái vỏ thống nhất” mà “bề trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu”, thì điều đó chứng tỏ “không phải một đảng tiền phong cách mạng mà là một đảng hoạt đầu cải lương”, việc tự phê bình và phê bình dù có diễn ra cũng chỉ là hình thức, không có hiệu quả, nó đồng nghĩa với sự giảm sút uy tín của Đảng, thủ tiêu vai trò tiên phong, vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây sẽ là một sai lầm lớn của công tác xây dựng Đảng ở bất cứ thời đoạn nào của lịch sử cách mạng, đặc biệt là trong tình hình hiện nay ở nước ta.
Khi tiến hành tự phê bình và phê bình trong Đảng cần tuân thủ điều mà đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã nói: “Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chính ta gây ra, chính ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Cần sự thẳng thắn, dũng cảm tìm đến nguyên nhân đích thực của vấn đề, sự việc, trong đó cơ bản vẫn là những nguyên nhân chủ quan”. Đó là bản lĩnh của Đảng và mỗi đảng viên. Đảng sẽ không mạnh lên, trái lại sẽ càng suy yếu trước tình trạng, công thì thuộc về mình, lỗi thuộc về khách quan; né tránh trách nhiệm, nhận lỗi chung chung, hời hợt. Đó sẽ là sự không thành của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tự phê bình và phê bình thẳng thắn sẽ tìm được đúng “bệnh”, và như vậy, dù những người thiếu thiện chí cố tình lợi dụng để công kích nói xấu Đảng, đảng viên thì thực “bệnh” cũng đã được xác định đúng, ắt sẽ có “thần dược” đặc trị là lòng dân. Và như thế “Kẻ địch chớ vội hí hửng tìm ở đây một sự chia rẽ hay mầm bè phái gì giữa những người cộng sản mà uổng công. Vì sau khi thảo luận rõ ràng rồi, bao giờ trong hàng ngũ chúng tôi, thiểu số phục tùng đa số, chừng ấy chỉ có một ý chí duy nhất là ý chí của Đảng, nghìn người sẽ như một để thực hành ý chí ấy!”.
Vận dụng tư tưởng tự chỉ trích của đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng hiện nay, bên cạnh việc nêu cao tính tự giác, lòng trung thực, chân tình, thẳng thắn, ý thức xây dựng của cán bộ, đảng viên trong tự phê bình và phê bình, phải có chế tài nghiêm túc và cả nghiêm khắc đối với việc tự phê bình và phê bình thông qua những quy chế xử lý đối với việc tự phê bình và phê bình chưa đủ, chưa đúng sự thực, thậm chí sai sự thực và cả với những trường hợp dĩ hòa vi quý, không tự phê bình và phê bình, cần có xác minh để đối chứng.
Tư tưởng tự chỉ trích của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một cống hiến vô cùng to lớn, góp phần quan trọng vào kho tàng lý luận cách mạng của Đảng, trong đó có “vũ khí sắc bén” của Đảng là tự phê bình và phê bình. Vận dụng sáng tạo tư tưởng tự chỉ trích của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, nhất định việc tự phê bình và phê bình theo kế hoạch triển khai Nghị quyết Trung ương bốn khóa XI: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay sẽ đạt kết quả tốt đẹp./.
(1) Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Cừ, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, tr. 34
(2) Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Văn Cừ, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, tr. 58
(3) Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Văn Cừ, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, tr. 47
(4) Lê Khả Phiêu, Nguyễn Văn Cừ, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, tr. 22
Phạm Thị Hồng Trung (Nguồn Tạp Chí Cộng Sản)
|
|