Đã được một năm Đảng ta ban hành và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở và đảng viên trong toàn Đảng đã tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Nhưng so với yêu cầu, kết quả còn có khoảng cách xa.
Năm 2013 là năm thứ ba Đảng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Cơ hội mới, thuận lợi mới đan xen với những khó khăn, thách thức lớn. Một trong những thách thức vẫn là giải quyết một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, nổi bật là “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”. Những yếu kém, hạn chế trên đây không được sửa chữa sẽ “thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Cho đến nay, thách thức đó vẫn hiện hữu và là thách thức lớn nhất. Năm 2013, làm sao để vượt qua thách thức này?
Thứ nhất, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết cần thật sự có hiệu quả. Có thể nói, công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng, của các chi bộ và của đảng viên trong thời gian qua chủ yếu chạy theo vụ việc mà chưa kiểm tra việc thực hiện nghị quyết, Điều lệ Đảng - một biện pháp phòng ngừa quan trọng. Công tác kiểm tra quá trình tự phê bình và phê bình thời gian qua như thế nào vẫn là câu hỏi chưa hoàn toàn sáng tỏ. Bởi vì, khi tự phê bình và phê bình càng thiết thực, cụ thể, đề ra được phương pháp sửa chữa hợp lý những thiếu sót, khuyết điểm sẽ là cơ sở, tiền đề cho khắc phục, sửa chữa đạt kết quả cao. Nếu trong những bước chuẩn bị tự phê bình và phê bình từ khâu lựa chọn những vấn đề, những nội dung thiết thực, cụ thể, làm rõ những vụ việc bức xúc, nổi cộm, được cán bộ, đảng viên, quần chúng quan tâm thì khi sửa chữa khuyết điểm, thiếu sót càng thuận lợi, dễ dàng. Ngược lại, nếu công tác kiểm tra khâu tự phê bình và phê bình thời gian qua rơi vào hình thức, qua loa, được “đóng dấu” đạt chất lượng, đạt yêu cầu thì khi sửa chữa khuyết điểm càng khó khăn, vướng mắc. Bác Hồ đã yêu cầu trong công tác kiểm tra phải nghiêm ngặt, kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, chống thói “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”. Các tổ chức, cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp ủy làm thế nào để kiểm tra, giám sát được sự khắc phục, sửa chữa yếu kém, khuyết điểm? Nếu khi tự phê bình càng chung chung, đại khái thì khi khắc phục, sửa chữa cũng lúng túng, không đi vào đúng trọng tâm, trọng điểm. Đó là chưa kể có những khuyết điểm rất khó định lượng như như thế nào là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ủy ban kiểm tra các cấp có đủ bản lĩnh để kiểm tra cấp ủy cùng cấp có dấu hiệu vi phạm không? Đây là thách thức không nhỏ tồn tại bấy lâu nay. Một thách thức nữa là trong thời gian qua, chúng ta mới chỉ quan tâm công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức, cấp ủy đảng mà sao nhãng việc xây dụng cơ chế, quy chế về sự kết hợp, đẩy mạnh công tác giám sát của quần chúng, nhân dân đối với các hoạt động của tổ chức, cấp ủy đảng, đóng góp ý kiến phê bình, xây dựng cán bộ, đảng viên. Tháo gỡ được "nút thắt” này sẽ mở ra nhiều cơ hội và hy vọng công tác xây dựng đảng có nhiều chuyển biến tích cực hơn.
Thứ hai, làm thế nào để phát huy được sức mạnh của quần chúng, nhân dân, thật sự dựa vào dân để xây dựng Đảng? Nguyên tắc dựa vào dân để xây dựng Đảng nói thì dễ nhưng làm thì khó. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, nhiều tổ chức, cấp ủy đảng chưa hỏi ý người dân về công tác của cấp ủy, tổ chức đảng; người dân ở nhiều nơi chưa được trực tiếp đóng góp ý kiến phê bình cán bộ, đảng viên, thậm chí không ít người dân cho rằng mình còn “đứng ngoài cuộc”. Đảng phải gắn bó máu thịt với nhân dân, dựa vào dân đề xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân. Nhưng khi quần chúng yêu cầu được tham gia ý kiến xây dựng Đảng thì có nơi vẫn viện dẫn lý do chưa có cơ chế, quy định cụ thể, đang chờ Trung ương ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội… Trong thời gian tới, khi Bộ Chính trị thông qua Quy chế này thì việc thực thi như thế nào cho nhanh chóng, hiệu quả đang là câu hỏi lớn, không dễ trả lời. Kinh nghiệm từ việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo theo Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị khóa VIII cho thấy, cần phải qua nhiều khâu, mất nhiều thời gian chờ chỉ thị, nghị quyết, quyết định, nghị định, hướng dẫn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của Ban chỉ đạo... thì Chỉ thị mới từng bước đi vào đời sống.
Từ năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu Đảng “tin vào dân chúng; đưa mọi vấn đề ra cho dân thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”; “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Bởi vì “Dân chúng đồng lòng thì việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Kinh nghiệm vô cùng quý báu của Bác Hồ là “muốn dân chúng thành thật, bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo léo khơi cho họ nói”. Hiện nay, cán bộ, đảng viên của ta mấy người làm được như thế? Đây cũng chính là thách thức không nhỏ với không ít cán bộ, đảng viên quen thói quan cách, mệnh lệnh, xa dân, coi thường quần chúng... tích tụ lâu ngày mà không phải một lúc có thể vượt qua.
Thứ ba, phải tạo những đổi mới, chuyển biến tích cực, cụ thể trong công tác này hằng ngày, hằng giờ ở các tổ chức, cấp ủy đảng và từng cán bộ, đảng viên. Kết quả tự phê bình và phê bình của các tổ chức, cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên của Đảng phải được thể hiện rõ trong công tác, hoạt động, trong việc làm hằng ngày như: phương thức lãnh đạo, trong công tác tổ chức - cán bộ, tư tưởng chính trị, công tác kiểm tra, giám sát, quan hệ với quần chúng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, những vấn đề nổi cộm, bức xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân được chỉ ra trong quá trình tự phê bình và phê bình phải được khắc phục, như: tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, tệ nạn chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, chạy tuổi, chạy huân chương, bệnh hình thức, thói vô tránh nhiệm, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân v.v. Người dân ở nhiều nơi mong đợi từng tổ chức đảng chỉ ra được “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” là những ai? Nhân đây, xin trích một đoạn trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rất chí lý và sâu sắc rằng: “Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh. Họ so sánh bây giờ và họ so sánh thời kỳ đã qua. Họ so sánh từng việc và họ so sánh toàn bộ. Do so sánh họ thấy chỗ khác nhau, họ thấy mối mâu thuẫn. Rồi lại do đó, họ kết luận, họ đề ra cách giải quyết. Dân chúng so sánh đúng và giải quyết đúng, là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe cũng thấy”...; “Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lỗi lầm mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy cũng do cách so sánh đó, mà họ biết rõ ràng. Vì vậy, để cho dân chúng phê bình cán bộ, dựa theo ý kiến họ mà cất nhắc cán bộ, nhất định không xảy ra thiên tư, thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng”. Bác nói thế là quá rõ, quá đúng với công tác xây dựng đảng hiện nay. Do vậy, chúng ta hãy chịu khó đến với dân chúng, thành tâm và cầu thị để nghe dân chúng so sánh những gì diễn ra trước và sau công tác tự phê bình và phê bình của các cấp ủy, tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên.