Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.861.433
Truy câp hiện tại 300
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Đức Thịnh - Chí Thịnh - Hồng Hải
Bài 2: Bài học về sự từ bỏ nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng
Ngày cập nhật 05/07/2023

Sự sụp đổ của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết gây nên những tổn thất nặng nề và trở thành bài học đắt giá trong công tác xây dựng đảng của phong trào Cộng sản thế giới và Việt Nam. Một trong những nguyên nhân sâu xa, chính là sự buông lỏng, đi đến từ bỏ nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng Cộng sản Liên Xô.

Sự kiện Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã đã trở thành “thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ XX” (1). Một trong những nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra, đó là Đảng Cộng sản Liên Xô đã coi nhẹ công tác xây dựng đảng, không xác lập đúng đắn sự lãnh đạo của mình. Trong đó, mấu chốt nhất là việc buông lỏng, đi đến từ bỏ nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Đây là nguyên nhân làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô từ một đảng chính trị hùng mạnh, dần trở thành một khối bàng quan, lỏng lẻo và tê liệt sức chiến đấu. Điều đó cho thấy, mọi sự chủ quan, dễ dãi trong thực hiện nguyên tắc sinh hoạt đảng đều sẽ dẫn tới sự tan rã, cho dù đảng đó có vị thế, vai trò và tầm cỡ tới đâu.

Thực tiễn lịch sử ghi nhận, từ năm 1952 Đảng Cộng sản Liên Xô đã xuất hiện các biểu hiện buông lỏng nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Đoàn Chủ tịch Đại hội XIX gồm 25 người, nhưng gần như mọi quyết định đều do Stalin cùng một, hai người định đoạt. Tình trạng cá nhân quyết định thay tập thể cũng diễn ra ở tổ chức đảng cấp dưới, bất chấp vai trò của đông đảo đảng viên và quần chúng. Các góp ý không được coi trọng, thậm chí bị trù dập đã làm cho cán bộ, đảng viên thờ ơ trước những vấn đề của Đảng, không còn nhiệt huyết với công tác phê bình.

Đến thời N. Khrushchev, cùng với phát động trào lưu xét lại lịch sử, ông ta mở chiến dịch công kích cá nhân Stalin dưới hình thức phê phán giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô do Stalin lãnh đạo. Sự biến tướng phê bình này đã vấp phải sự phản đối của các đảng viên, các tổ chức trong Đảng về nguy cơ tiềm tàng của nó. Tuy nhiên, trong khí thế của trào lưu xét lại, sự phản kháng này trở nên yếu ớt và không đủ mạnh để ngăn Khrushchev dấn bước với những cải cách sai lầm tiếp theo. Đặc biệt, dưới khẩu hiệu “nhà nước toàn dân”, “đảng toàn dân”, chương trình cải cách của Khrushchev đã vô tình hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Chính điều đó đã tạo cho phương Tây cơ hội tiến hành một cuộc chiến tranh tư tưởng chống phá chủ nghĩa xã hội và Đảng Cộng sản Liên Xô, tạo tiền đề cho cái gọi là “cải tổ 2.0” của M.Gorbachev sau này.

 Người dân Litva (nước thành viên của Liên Xô) tụ tập ở thủ đô Vilnius vào ngày 12/1/1990 để đòi tách khỏi Liên Xô. Litva là nước cộng hòa Xô viết đầu tiên tuyên bố độc lập. Ảnh: Getty.

Phê bình là vũ khí đấu tranh làm trong sạch Đảng. Nhưng khi nắm quyền, lợi dụng những sai sót trong bộ máy, Gorbachev ra sức phanh phui và phóng đại những tiêu cực trong Đảng, làm lý do để thẳng tay thay thế những cán bộ dám phê phán cái gọi là “cải tổ” - một kiểu dân chủ trá hình. Bị ru ngủ bởi luận điệu đổi mới để phá bỏ lề lối cũ, tư duy cũ, cách làm cũ, nhiều đảng viên và tổ chức đảng không còn mặn mà với những nguyên tắc sinh hoạt đảng vốn mang tính hành chính. Mặc định các quyết sách của tổ chức đảng đều do người đứng đầu định đoạt. Do đó, thói quen tự phê bình và phê bình lâu dần bị mai một, các đảng viên không còn quan tâm đến những nguy cơ của Đảng.

Đặc biệt, nhiều phiên họp Bộ Chính trị, Gorbachev không cần thảo luận, tự đề ra ý kiến rồi coi đó là chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Hơn thế, bất chấp ý kiến trong và ngoài Đảng, Gorbachev tự ý bổ sung 8 người vào các vị trí trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư; cách chức, thay thế hơn 20 bộ trưởng và hàng chục lãnh đạo cấp bộ. Năm 1989, Gorbachev tự quyết định đưa 115 Ủy viên Trung ương ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2)... mà không thông qua ý kiến lãnh đạo tập thể. Tất cả các việc làm vô nguyên tắc, vi phạm Điều lệ Đảng đều không gặp sự phê phán, phản bác của các Ủy viên Trung ương hay Ủy viên Bộ Chính trị. Dùng quyền uy cá nhân để gạt bỏ ý kiến dân chủ, bức hại những người bất đồng ý kiến trong Đảng, Gorbachev đã tước đoạt vũ khí chiến đấu quan trọng nhất của đảng viên và tổ chức đảng, gây ra sự hỗn loạn chưa từng có trong đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, quân đội Liên Xô, làm tổn hại to lớn uy tín của Đảng Cộng sản Liên Xô, khiến đông đảo cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân không tin vào Đảng, lạnh nhạt với cả các chỉ thị, mệnh lệnh của Đảng. Điều tất yếu phải đến, Đảng Cộng sản Liên Xô đã đánh mất địa vị cầm quyền sau 74 năm chỉ bằng một tuyên bố cá nhân của Gorbachev, vì một lẽ đơn giản: gần 20 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô đã “buông xuôi” và không có bất cứ một hành động để bảo vệ Đảng của mình.

Cần nhận thấy rằng, Đảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo, Liên Xô tan rã mà không thông qua một cuộc chiến tranh nào với chủ nghĩa đế quốc. Có thể thấy, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đều có một nguyên nhân chung nhất, cơ bản nhất và là gốc rễ xuất phát từ chính “kẻ thù nội tại”. Đó là sự vi phạm trắng trợn các nguyên tắc sinh hoạt đảng và sự từ bỏ nguyên tắc tự phê bình và phê bình - nói cách khác là từ bỏ vũ khí chiến đấu. Điều đó làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô không còn là một tổ chức thống nhất về ý chí và hành động; không còn là một tổ chức chiến đấu cho lợi ích của giai cấp mình và cũng không thể tự bảo vệ mình. Đây là bài học kinh nghiệm đắt giá cho các Đảng Cộng sản nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng trong vấn đề phải kiên định nguyên tắc tự phê bình và phê bình./.

-----------------------------
(1) Báo Lao động, “Tổng thống Putin giải thích lý do coi Liên Xô sụp đổ là thảm họa lớn nhất”, Ngày 13/6/2017.
(2) Báo Quân đội nhân dân, “30 năm Liên Xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam, Bài 2: Khi then chốt của then chốt bị… gài chốt”, Ngày 29/10/2021.

Đức Thịnh - Chí Thịnh - Hồng Hải

Nguồn: https://dangcongsan.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày