Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 5.253
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Các giá trị di sản Huế phải được gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ hôm nay và mai sau
Ngày cập nhật 30/09/2013

 Sáng nay (22/9/2013), tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (11/12/1993 - 11/12/2013), 10 năm Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được vinh danh là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (07/11/2003 - 07/11/2013).

 Tới dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương; bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; đại diện các tổ chức quốc tế và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành trong nước.

Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong TVTU, TT.HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và thành phố Huế.

Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài diễn văn nêu bật giá trị di sản văn hóa và kết quả thực hiện công tác bảo tồn và phát huy những giá trị vật thể và phi vật thể của quần thể di tích cố đô Huế.

Tồn tại trong gần 160 năm (1788-1945), với tư cách là Kinh đô, Phú Xuân - Thừa Thiên Huế là điểm hội tụ tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Dưới những bàn tay tài hoa, những khối óc đầy sự sáng tạo của các nghệ nhân, của các thợ lành nghề và công sức, trí tuệ, tài năng của cả dân tộc Việt Nam đã để lại hàng trăm công trình kiến trúc tiêu biểu, nhiều di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng, có giá trị, mà đỉnh cao là quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam. Tổng thể di tích còn lại hiện nay là sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và thiên nhiên, là bức tranh rõ nét về chân dung kinh đô xưa của Việt Nam. Bên cạnh đó, các di sản văn hóa phi vật thể của vùng đất Cố đô Huế mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống của Việt Nam, chứa đựng những sắc thái văn hoá rất riêng của vùng đất Thuận Hoá - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cộng với thiên nhiên khắc nghiệt, gần 2/3 số công trình của quần thể di tích Huế đã trở thành phế tích. Số còn tồn tại cũng ở trong tình trạng bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng, một số di sản văn hóa phi vật thể bị lãng quên….Bằng sự giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, của Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, các địa phương trong cả nước và cộng đồng quốc tế, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, quần thể di tích Cố đô Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp, không ngừng thay đổi, hồi sinh từ trong hoang tàn, đổ nát, dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử... và Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước có 2 di sản (vật thể và phi vật thể) được UNESCO vinh danh.

 

 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm

 

Sau khi quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, từ năm 1996 đến nay, với tổng kinh phí gần 800 tỷ đồng, đã có gần 100 công trình được phục hồi, trùng tu tôn tạo; hàng trăm công trình được bảo quản chống xuống cấp, nhiều công trình có giá trị tiêu biểu đã được tu bổ như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, Thế Miếu, Duyệt Thị Đường, Trường lang, đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, Lăng Gia Long,  Lăng Tự Đức, Lăng Minh Mạng, 10 cổng Kinh Thành... Song song đó, các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng hoạch định và từng bước được bảo tồn, phát huy. Hàng chục nhạc chương, nhạc khúc, vũ khúc cung đình, tuồng cổ đã được chọn lọc và phục hồi. Nhiều hội thảo quốc gia, quốc tế về bảo tồn Tuồng Cung đình, Nhã nhạc, Di sản văn hoá Hán Nôm... ở Thừa Thiên Huế đã được tổ chức, góp phần bổ sung thêm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể của Thừa Thiên Huế.

Có thể nói rằng, việc UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới cho các di sản Huế đã trở thành những sự kiện quan trọng để Thừa Thiên Huế mở rộng giao lưu, hợp tác, quảng bá văn hóa với các nước, qua đó chọn lọc, bổ sung những yếu tố thích hợp để làm phong phú bản sắc văn hoá dân tộc, tạo điều kiện phát huy tài năng sáng tạo của các nghệ nhân, nghệ sỹ, các nhà nghiên cứu khoa học, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cuộc vận động toàn cầu về bảo vệ di tích văn hóa  do UNESCO phát động. 

Trong thời gian tới, định hướng công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế là tỉnh sẽ tập trung thúc đẩy mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, nhất là UNESCO nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ cho di sản Huế trên nhiều phương diện, tranh thủ quảng bá hình ảnh Huế thông qua công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản....Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 818/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Dự án điều chỉnh Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế, giai đoạn 2010-2020. Trong quá trình thực hiện vừa làm tốt công tác bảo tồn, vừa khai thác, phát huy các giá trị di sản để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mà trọng tâm là ngành du lịch, dịch vụ. Chú trọng công tác bảo tồn di sản kết hợp chỉnh trang đô thị; hoàn thành việc xây dựng chương trình quản lý tổng thể cho khu di sản Huế. Tiếp tục nghiên cứu để hình thành một mô hình quản lý phù hợp, hiệu quả với bảo tồn di sản đa năng nhằm mở rộng quy mô, chất lượng và nâng cao vị thế của tầm vóc các di sản...

 

 

Bà Katherine Muller, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại lễ kỷ niệm

 

Bà Katherine Muller, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác bảo tồn di sản của Huế trong thời gian qua, đồng thời đề nghị Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch quản lý di sản thế giới một cách hiệu quả và thiết thực hơn; đặc biệt là khắc phục một cách hệ thống những ảnh hướng đối với di sản do tác động của con người và thiên nhiên gây ra.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định giá trị trường tồn của các Di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam cũng như đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

 

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm

 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Cố đô Huế cần phải được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trên cơ sở tiếp nối những thành tựu đã được trong 20 năm qua, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế. Bên cạnh đó, cần xây dựng một kế hoạch quản lý tổng thể đối với khu di sản Huế phù hợp với quy hoạch chung của địa phương, nhằm bảo đảm sự phát triển hài hòa với yêu cầu bảo tồn bền vững những giá trị giá trị nổi bật về cảnh quan của khu di sản Huế. Với kinh nghiệm, bản lĩnh cùng những nỗ lực to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế, sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương, sự giúp đỡ nhiệt thành của bạn bè quốc tế, các giá trị di sản Huế sẽ mãi mãi được giữ gìn, trao truyền cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau và là nền tảng, là hạt nhân cho sự phát triển toàn diện, bền vững của một điển hình kiến trúc “đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường”.

 

 

 

 

 

 

Dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 5 tập thể, 8 cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa cố đô Huế được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh (ảnh trên).

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày