Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.824.509
Truy câp hiện tại 666
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
HỒ CHÍ MINH, NGUỒN CẢM HỨNG LỚN CHO SÁNG TẠO MỸ THUẬT
Ngày cập nhật 02/11/2016

Cách mạng tháng Tám đã mở ra một chân trời xán lạn cho dân tộc Việt Nam, trong đó có các nghệ sĩ thuộc lĩnh vực mỹ thuật. Nhiều người trong số họ từng đi học và làm nghệ thuật từ trước cách mạng khá lâu nhưng dường như chỉ đến thời điểm ấy, họ mới thấu nhận được rõ ràng vai trò và ý nghĩa thực sự của sáng tạo mỹ thuật không chỉ đối với cá nhân họ mà còn với cả xã hội. Rất nhiều người đã theo tiếng gọi của cách mạng, trở thành một công dân - nghệ sĩ đồng hành cùng cả dân tộc bảo vệ độc lập, sự thống nhất đất nước qua hai cuộc kháng chiến. Trong hành trình dài dặc ấy, hình ảnh Hồ Chí Minh đã như một ngọn đuốc dẫn đường cho họ, như một động lực giúp họ vượt qua mọi khó khăn, gian nguy. Điều đó được thể hiện rất rõ trong những bài viết, hồi ký, nhật ký của các nghệ sĩ, nhất là những người từng một lần được trực tiếp gặp Người, sáng tác tại chỗ về Người (1).

Nữ nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Thị Kim (1917 - 2011) từng theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1939 - 1944). Thân phụ của bà cũng là một họa sĩ nhưng như bà từng viết, phải đến khi được "đắm mình trong nguồn ánh sáng trong trẻo" của Cách mạng tháng Tám, bà mới "nhận thấy nghề điêu khắc của mình đã đến lúc cần đến như một thứ vũ khí." Bà nhớ như in cái buổi sáng tháng 5 - 1946, khi bà nhận thông báo sẽ được vào Bắc Bộ phủ nặn tượng Hồ Chí Minh cùng hai họa sĩ vẽ chân dung Người là Tô Ngọc Vân và Nguyễn Đỗ Cung: "Niềm vui quá lớn khiến tôi lặng đi một phút. Anh Nguyễn Đỗ Cung thì cuống quýt đi mượn dây lưng để ăn mặc tề chỉnh hơn...". Khi đó, đất nước vừa được độc lập. Cách mạng Việt Nam đang còn rất non trẻ nhưng vẫn luôn phải chống đỡ với thù trong giặc ngoài. Các nghệ sĩ đặc biệt cảm kích bởi trong hoàn cảnh của một vị thuyền trưởng đang phải chèo lái con thuyền dân tộc vượt qua bão tố như vậy, song vẫn dành cho họ "đặc ân" được trực tiếp nhìn ngắm Người khi làm việc để sáng tác. Qua những trang hồi ký nóng hổi cảm xúc, bà Kim thể hiện ấn tượng sâu đậm về sự giản dị, gần gũi của một nhân cách lãnh tụ vĩ đại. Bà nhớ lại: "...Buổi đầu tiên, Bác mời thuốc lá thơm các anh Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung. Bác cười bảo tôi: "Ngày mai, sẽ mời cô ăn kẹo". Vào ngày thứ mười, trái với lệ thường, ba nghệ sĩ chúng tôi được vượt giờ quy định khoảng 20 phút. Bác cười vui vẻ bảo ba người: "Hôm nay tôi làm thêm giờ, phải có bồi dưỡng đấy nhé".

Sau những vui mừng vì được trực tiếp gặp Hồ Chí Minh và nặn tượng về Người, nữ nghệ sĩ trẻ không khỏi lo lắng với suy nghĩ rằng "tài năng nghệ thuật nhỏ bé của mình" "liệu có đủ sức miêu tả một phần nào cái vĩ đại của Bác" trong bức tượng chân dung Người hay không... Nguyễn Thị Kim là nghệ sĩ điêu khắc đầu tiên có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với Hồ Chí Minh để sáng tác. Kỷ niệm thiêng liêng ấy đã tiếp thêm cho bà nhiều cảm hứng nghệ thuật để sau đó, bà còn sáng tác được thêm 5 bức điêu khắc khác về Hồ Chí Minh ở nhiều hoàn cảnh lịch sử và cuộc sống khác nhau, đặc biệt có cả bức tượng bán thân Bác Hồ năm 1930, hoàn toàn dựa vào suy cảm cá nhân của bà về Người.

Có thể nói, dù chỉ một lần được trực tiếp làm việc cùng Hồ Chí Minh trong thời gian ngắn ngủi nhưng nhân cách cách mạng, trí tuệ và phong thái ung dung tự tại của Người đã im đậm trong tâm hồn nhạy cảm với cái đẹp, cái thiện của các nghệ sĩ. Nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm, dù sống xa quê hương hàng chục năm nhưng khi nghe tin Hồ Chí Minh đến Pháp dự hội nghị Fotainebleau tháng 7-1946, đã tìm mọi cách xin được gặp Người để chụp ảnh và mong sẽ nặn được một bức tượng chân dung Người thật hoàn chỉnh. Và ông đã làm được. Ông là nhà điêu khắc thứ hai, sau bà Nguyễn Thị Kim, sáng tác về Hồ Chí Minh, với lòng ngưỡng mộ, kính trọng dù tâm thế và điều kiện sáng tác hoàn toàn khác nhau. Bức chân dung nguyên bản bằng thạch cao đã được gia đình ông chuyển đổ đồng năm 1996, và nay trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (2).

Trong số hàng vạn, hàng triệu người đã hy sinh để bảo vệ độc lập dân tộc, có không ít những chiến sĩ lặng thầm sử dụng tài năng mỹ thuật của mình phụng sự cách mạng mà chưa một lần được vinh danh họa sĩ. Họ có năng khiếu vẽ, và đảm nhận công việc vẽ tranh chân dung Hồ Chí Minh cho đồng bào địa phương vùng tạm chiếm, góp phần giúp nhân dân giữ vững tinh thần cách mạng và chiến đấu trước những âm mưu tung tin đồn hiểm độc của kẻ thù về Người. Họ khảng khái gật đầu trước trước câu hỏi điên cuồng của kẻ thù: "Có phải chính mày đã vẽ chân dung Hồ Chí Minh cho khắp vùng này?". Họ sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cách mạng, cho dù giấc mơ được gặp lại mẹ, được đi học vẽ, được trở thành họa sĩ không bao giờ thành hiện thực. Có thể nói, hình ảnh Hồ Chí Minh trong lòng những người lính nghệ sĩ quả cảm ấy không đơn thuần chỉ là hình ảnh một vị lãnh tụ, mà còn là hình ảnh của một lý tưởng sống mà họ theo đuổi với tâm hồn trong sáng nhất. Bởi thế, trước khi tắt thở, người lính nghệ sĩ Nguyễn Văn Tý của Trung đoàn Thăng Long còn cố nói với đồng đội hãy lấy tấm ảnh Hồ Chí Minh, tấm ảnh mà nhờ đó anh đã vẽ được hàng trăm bức chân dung Người cho đồng bào Thái Ninh, tỉnh Thái Bình, đem về đưa lại cho mẹ anh như kỷ vật thiêng liêng nhất của anh còn lại... Câu chuyện ấy xảy ra từ năm 1952 và nay, nhiều họa sĩ còn kể lại cho nhau nghe để không chỉ thương, nhớ về một con người mà còn để thêm nhiều lần chiêm nghiệm lại những giá trị của cuộc sống, của lý tưởng nghệ thuật.

Có lẽ, cũng bởi chung lý tưởng ấy mà dù chưa một lần được gặp Hồ Chí Minh, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, năm 1947, đã trích máu mình để vẽ chân dung Người cùng hình ảnh ba thiếu nhi Bắc, Trung, Nam đang xúm quanh Người. Bởi chỉ một ý nghĩ chiếm giữ trí óc ông: "Tôi khâm phục đạo đức của những cán bộ của Đảng trong bộ máy lãnh đạo cuộc kháng chiến Nam bộ và nghĩ một cách đơn giản: Những người học trò của Bác còn tốt như vậy thì Bác phải tốt đến mức nào nữa...". Sau này, khi có tới sáu tháng được sống cạnh Người ở chiến khu để sáng tác, ông đã có dịp chiêm nghiệm và vô cùng cảm kích trước sự giản dị và nhân cách lớn của Hồ Chí Minh. Người không lo gì cho bản thân, sốt rét cũng không dám nằm nghỉ vì "nằm là không dậy được nữa trong khi bao công việc đang chờ"... Bận thế nhưng có lúc, Người vẫn dành thời gian cho nghệ sĩ, sẵn sàng ngồi vuốt ve chú chó nhỏ cả giờ đồng hồ để "làm mẫu", hay tranh thủ trồng cái cây quýt cho người đến sau, vì ngày mai Người đã rời lán trại chuyển đến nơi ở khác,... Để có được những tác phẩm hội họa giàu tính nghệ thuật về Hồ Chí Minh thì những kỷ niệm chưa thể quyết định tất cả, nhưng giữa cuộc đời rộng lớn và nhiều thử thách, những kỷ niệm về Người nhiều khi lại là động lực lớn cho những nghệ sĩ sáng tạo. Chỉ một câu nói động viên với giọng nói ấm áp, thấm tình của Người: "Đã có cố gắng, cần luôn luôn cố gắng hơn nữa" cũng trở thành ngọn đuốc tinh thần, soi sáng cho người lính Trường Sơn. Họa sĩ Đặng Trường Lưu, một mình giữa hang đá u tối mà khắc đục được chân dung Bác trước sự ngưỡng vọng của bà con Vân Kiều. Ông viết: "Họ (bà con Vân Kiều) kinh ngạc và thán phục, họ dành cho tôi sự chăm sóc đặc biệt với những quả chuối hiếm hoi còn lại. Họ giúp tôi khiêng đá, buộc cây làm giá đứng. Họ tìm lá rịt xoa vết phồng rộp trên hai bàn tay tôi... Còn tôi, mỗi lần nhớ về Bác, mỗi khi nhìn vào bao ánh mắt của những người dân tộc tự nguyện lấy họ Hồ làm họ của mình, đang nhìn theo từng vết đục, tôi cảm thấy mình khỏe lên, dù đôi tay nhiều lúc tưởng chừng không nâng lên được nữa...". Với ông, cho đến bây giờ, dù đã có hàng trăm sáng tác về Hồ Chí Minh, nhưng bức chân dung Người đục trong hang đá giữa Trường Sơn ngút ngàn ấy vẫn có ý nghĩa nhất, bởi như ông thấm thía: "Chính từ những ngày đạn bom sinh tử ấy, tôi hiểu thêm về sức mạnh của nghệ thuật và vai trò người nghệ sĩ trước tất thảy những biến thiên thời cuộc."

Còn rất nhiều câu chuyện, kỷ niệm trực tiếp hoặc gián tiếp về Hồ Chí Minh vẫn luôn được khắc ghi trọng tâm hồn nhiều thế hệ nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, làm xao động tâm hồn chúng ta khi được nghe kể lại. Chỉ có thể là một nhân cách lớn mới làm rung động lòng người lâu bền đến thế. Chắc chắn đó sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng lớn cho các lớp nghệ sĩ tạo hình đi trước, đồng thời là động lực để họ tiếp tục sáng tạo và truyền cảm hứng sáng tạo cho thế hệ mai sau.

_______________

1. Toàn bộ trích dẫn trong bài này được lấy từ cuốn Mỹ thuật một thời để nhớ, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2007.

2. Theo Bảo Minh Châu, Chuyện kỳ diệu về bức tượng Bác Hồ, báo Quân đội Nhân dân, ngày 30-9-2009.

Tác giả : Hoàng An Đông

Nguồn : Tạp chí VHNT số 360, tháng 6-2014
Các tin khác
Xem tin theo ngày