Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.865.755
Truy câp hiện tại 3.833
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
MỘT VÀI Ý KIẾN TRAO ĐỔI TRONG CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIÁM SÁT VIỆC XỬ LÝ ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Ngày cập nhật 13/12/2016

Tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được xem là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Thường trực HĐND tỉnh, là bước đầu tiên để Thường trực HĐND thực hiện quyền giám sát đối với cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Làm tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân là thể hiện bản chất của Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân. Thông qua việc tiếp công dân, Thường trực HĐND và đại biểu HĐND sẽ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến, kiến nghị của nhân dân, trên cơ sở đó Thường trực HĐND sẽ xem xét, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trả lời cho công dân biết. Khi Thường trực HĐND và đại biểu HĐND làm tốt vấn đề này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, đồng thời thể hiện rõ vai trò của HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương.

Hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của HĐND được quy định tại  Điều 95 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015; Luật Tiếp công dân ngày 25 /11/2013 và được cụ thể hoá tại Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/ 06/ 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân; Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 ngày 15/ 5/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Trong đó, đã quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND trong việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân trong đó đã đề cao vai trò của Thường trực HĐND tỉnh từ khâu tiếp công dân, đến tiếp nhận đơn, chuyển đơn, đôn đốc, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13, ngày 15 tháng 05 năm 2014 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.Thường trực HĐND tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực thực hiện chức năng, nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cán bộ làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã tham mưu, đề xuất được nhiều giải pháp giải quyết có hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, đông người. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có bước chuyển biến rõ rệt, từng bước đi vào nề nếp. Chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo được nâng cao dần lên, do đó đã hạn chế được một phần đơn thư vượt cấp và không phát sinh những vụ việc phức tạp hoặc những điểm nóng mới. Cụ thể, nhờ làm tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo nên Từ đầu nhiệm kỳ của HĐND tỉnh khóa VI đến tháng 4/2016, Thường trực HĐND tỉnh đã nhận được 450 đơn, trong đó đơn khiếu nại, kiến nghị là 371 và đơn tố cáo là 79. Sau khi nghiên cứu, Thường trực HĐND tỉnh đã chuyển 202 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn trực tiếp hoặc bằng văn bản cho hơn 200 trường hợp thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định; có 35 văn bản trả lời, giải thích đối với công dân, còn lại là đơn trùng lắp hoặc đơn không đủ điều kiện để xem xét. Đa số các đơn thư chuyển cơ quan có thẩm quyền giải đều được theo dõi, đôn đốc giải quyết; khi hết thời gian quy định mà các cơ quan, đơn vị chưa giải quyết thì có văn bản đôn đốc để giải quyết theo đúng thời gian quy định và báo cáo kết quả giải quyết đến Thường trực HĐND tỉnh. Đến nay, số lượng đơn thư tồn đọng kéo dài thuộc thẩm quyền của tỉnh đã được giải quyết xong.
Tuy đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả nhất định nhưng trong thực tế, hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc như có lúc chưa bố trí được buổi tiếp theo lịch đã ban hành; việc theo dõi xử lý kiến nghị, khiếu nại của công dân chưa thường xuyên; chưa thiết lập được cơ chế để công dân phản ánh, kiến nghị, đề xuất thường xuyên đến cơ quan dân cử. Vì vậy dẫn đến việc tham mưu phục vụ HĐND tỉnh chưa đạt hiệu quả, đó là:
- Nhiều công dân vẫn chưa hiểu đúng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của đại biểu HĐND, Thường trực HĐND; dẫn đến việc công dân yêu cầu đại biểu HĐND, Thường trực HĐND khi tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo phải có trách nhiệm trực tiếp giải quyết và trả lời người có đơn, thư hoặc chỉ đạo cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết. 
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhất là về lĩnh vực đất đai và khiếu nại, tố cáo còn chồng chéo, luôn thay đổi và có nhiều bất cập chưa đáp ứng được các nhu cầu phát sinh trong xã hội. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai còn nhiều bất cập, việc giải quyết khiếu nại tố cáo chưa đảm bảo công khai, dân chủ và còn nhiều lúng túng, đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành, các cấp.
- Một số  cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo khi nhận được đơn, thư Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến chưa nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của mình theo Luật định. Pháp luật hiện hành cũng chưa quy định các chế tài đủ mạnh đối với các cơ quan, thủ trưởng các cơ quan, các đơn vị chậm giải quyết hoặc không trả lời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân do Hội đồng nhân dân tỉnh chuyển đến.
- Lãnh đạo một số địa phương trong quá trình chỉ đạo, điều hành có lúc chưa tập trung, thiếu kiên quyết khi giải quyết khiếu nại, tố cáo; một số cơ quan chức năng còn chậm trễ trong tham mưu kết luận vụ việc, chưa có kế hoạch cụ thể trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết, xử lý vụ việc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp.
- Công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật nói chung và các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiếp công dân nói riêng còn hạn chế.
- Một số công dân không hiểu rõ các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các pháp luật khác có liên quan nên dẫn đến khiếu nại, tố cáo chưa đúng quy định; có trường hợp cố tình liên tục khiếu nại các quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng, nhưng không đưa ra bằng chứng mới; việc khiếu nại đòi lại đất có nguồn gốc cũ và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phát sinh ngày càng nhiều; thái độ của người khiếu nại hết sức gay gắt, nhưng thiếu nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu chứng lý để chứng minh việc khiếu nại là có cơ sở.
Những hạn chế, vướng mắc nêu trên đòi hỏi Thường trực HĐND tỉnh cần phải có những giải pháp tích cực và đồng bộ để có thể nâng cao được hiệu quả tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, từ đó nâng cao hiệu quả tham mưu, phục vụ HĐND tỉnh trong công tác này.
Trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến từng người dân theo hình thức lồng ghép với các chương trình khác, phù hợp với từng thời điểm, từng đối tượng, có nhiều nội dung phong phú, thiết thực để thu hút được nhiều người nghe nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đầu tư tủ sách pháp luật đến từng xã, phường, thị trấn đảm bảo có báo Pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật, sách tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ đối với chính quyền cơ sở.
Thứ hai, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND tỉnh với lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan để nắm chắc kết quả xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo để thống nhất trong việc trả lời đơn cho công dân.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, HĐND không có chức năng xem xét, thụ lý giải quyết đơn mà chỉ thực hiện chức năng chuyển đơn yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét theo luật định. Qua thống kê cho thấy, số đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi tới Thường trực HĐND chủ yếu đều qua đường bưu điện, số lượng công dân đăng ký gặp Thường trực HĐND tỉnh, trình bày tâm tư, nguyện vọng chưa nhiều. Do vậy, hoạt động tiếp công dân của Thường trực HĐND tỉnh chủ yếu thông qua việc tiếp công dân theo lịch của Ban Tiếp công dân tỉnh theo định kỳ. Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động phối hợp với UBND bố trí nơi tiếp công dân thuận tiện, đảm bảo các điều kiện cần thiết để công dân đến phản ánh, kiến nghị, trình bày khiếu nại, tố cáo được dễ dàng, thuận lợi; Niêm yết lịch, nội quy tiếp công dân, quy trình, hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; Duy trì và thực hiện nghiêm túc lịch tiếp công dân, nội quy tiếp công dân; Chủ động phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh định kỳ nghe UBND tỉnh, cơ quan, các sở, ban, ngành của địa phương báo cáo về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do ĐBQH, Đoàn ĐBQH, đại biểu HĐND, Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến.
Mỗi khi có đơn thư của công dân chuyển tới, nhất là đơn thư khiếu nại, tố cáo nhiều lần, Thường trực HĐND tỉnh cần liên hệ tới các cơ quan hữu quan, Thanh tra tỉnh để nắm được tiến độ giải quyết đơn thư đã đến đâu, từ đó có hướng chuyển đơn hợp lý theo luật định.
Thứ ba, lựa chọn cán bộ làm công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo phải có phẩm chất đạo đức, có trách nhiệm cao và am hiểu pháp luật...Khi tiếp công dân phải có thái độ đúng mực, tạo sự gần gũi, kiên trì lắng nghe để người dân tin tưởng trình bày và cung cấp đầy đủ các tài liệu phục vụ cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Cán bộ tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo là những người trực tiếp tiếp xúc với nhân dân, đại diện cho Thường trực và HĐND tỉnh tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng của công dân. Điều này đòi hỏi họ phải có đủ phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, như vậy mới có thể tận tình giúp đỡ nhân dân, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho nhân dân cũng như giải thích cho nhân dân hiểu quy trình, thủ tục khiếu nại, tố cáo để thực hiện cho đúng. 
Thứ tư, việc theo dõi giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân phải được thực hiện khoa học và có hệ thống, lập sổ sách theo dõi chặt chẽ, bao gồm sổ tiếp công dân; giấy tiếp nhận đơn thư của công dân; Bản tiếp nhận ý kiến khiếu nại, tố cáo của công dân; Sổ theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Đồng thời phải thường xuyên tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp thời đôn đốc và đề xuất các giải pháp giải quyết hiệu quả.
Thứ năm, tăng cường tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng dân nguyện nói chung và lĩnh vực tiếp công dân nói riêng cho Thường trực HĐND, đại biểu HĐND và cán bộ, chuyên viên Văn phòng HĐND tỉnh.
Hàng năm, Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, Hội thảo nâng cao nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cho các đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu các sở, ngành, cán bộ và chuyên viên Văn phòng HĐND tỉnh. Tại đây, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong việc tiếp công dân gắn liền với giải quyết khiếu nại, tố cáo từ thực tiễn tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của các ngành chức năng. Thông qua lớp tập huấn, góp phần nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai; hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp, kịp thời phát hiện và giải quyết ngay từ cơ sở. Sau Hội nghị tập huấn, các đại biểu cần được tổ chức đi học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh bạn.
Thứ sáu, tập trung nghiên cứu chuyên sâu đối với một số vụ việc phức tạp, nổi cộm, công dân khiếu nại với thái độ bức xúc để tham mưu cho Thường trực có ý kiến với cơ quan thẩm quyền đề nghị giải quyết hoặc tổ chức giám sát.
Trên cơ sở nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo và tình hình thực tế, Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn nội dung để tổ chức giám sát hoặc giao Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo do Thường trực HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh chuyển tới; thường xuyên đôn đốc các cơ quan, tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong trường hợp đã quá hạn giải quyết, Thường trực HĐND tỉnh cũng tổ chức giám sát việc thực hiện các kiến nghị của cử tri nhằm đảm bảo các kiến nghị được các cơ quan thực hiện như đã “hứa”. Đồng thời tăng cường giám sát theo từng chuyên đề tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp dễ nảy sinh khiếu nại, tố cáo như quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản; ô nhiễm môi trường; chế độ, chính sách đối với người có công…
Thứ bảy, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tăng cường tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân. 
Bên cạnh việc tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Thường trực HĐND tỉnh còn tiếp nhận các kiến nghị của cử tri thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND tỉnh và tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Các ý kiến, kiến nghị của công dân được tổng hợp thành báo cáo trình tại kỳ họp, và yêu cầu UBND tỉnh giải trình, làm rõ và báo cáo HDNĐ tỉnh tại kỳ họp sau. Đối với các ý kiến, kiến nghị có thể giải đáp được ngay, đại diện Tổ đại biểu HĐND tỉnh sẽ giải trình cụ thể để nhân dân được biết. Ngoài ra, đối với những vụ việc phức tạp, khiếu nại tố cáo nhiều lần, Thường trực HĐND tỉnh cần  phối hợp với UBND tỉnh mời đại diện các cơ quan, đơn vị chưa có liên quan đến dự tiếp công dân để giải trình trước Hội đồng và đối thoại với người dân khiếu nại.
Tóm lại, tiếp dân và giám sát xử lý việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là bước đầu tiên để Thường trực HĐND thực hiện quyền giám sát đối với cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết KNTC của công dân. Qua tiếp dân, Thường trực và đại biểu HĐND nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Trên cơ sở đó, xem xét yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trả lời cho công dân biết. Làm tốt nội dung này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND; đồng thời thể hiện rõ vai trò của HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương ./.
Th.s Nguyễn Thị Châu - Phó Hiệu trưởng Trường CT Nguyễn Chí Thanh
Các tin khác
Xem tin theo ngày