Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 548
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Tìm hiểu Hội nghị Trung ương 9 (Phần 2)
Ngày cập nhật 25/02/2009

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 đã họp và quyết định nhiều vấn đề về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng từ nay cho đến hết nhiệm kỳ Đại hội X, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XI. 

2. Tư tưởng xuyên suốt, tinh thần cơ bản của Hội nghị Trung ương 9

Hội nghị lần này tập trung đánh giá một cách khách quan công việc nửa đầu nhiệm kỳ; dự báo những yêu cầu mới, những điều kiện mới để tìm chọn những giải pháp mới với quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội X.

2.1. Về đánh giá tình hình cần chú ý 5 điểm sau đây:

Một là, phân tích bối cảnh từ sau Đại hội X cho đến nay.

Hai là, đánh giá những kết quả chủ yếu nhất thực hiện trong nửa đầu nhiệm kỳ.

Ba là, đánh giá những yếu kém, khuyết điểm cơ bản nhất trong nửa đầu nhiệm kỳ.

Bốn là, những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn nửa đầu nhiệm kỳ.

a. Phân tích bối cảnh sau Đại hội X cho đến nay:

Về cơ bản, các dự báo được thể hiện trong các văn kiện Đại hội X là sát đúng. Tuy nhiên trong thực tế, gần 3 năm qua đã xuất hiện những yếu tố mới, những vấn đề mới mà chúng ta chưa lường hết được. Về tình hình khu vực, tình hình thế giới, dự báo ở Đại hội X rất nhấn mạnh tác động của cách mạng khoa học - công nghệ, tác động của toàn cầu hoá, vấn đề xung đột cục bộ, những vấn đề, vấn nạn có tính chất toàn cầu.

Nhưng chúng ta chưa lường hết diễn biến rất phức tạp, rất nhanh chóng trong đời sống kinh tế thế giới, cũng chưa thấy hết tính chất 2 mặt và đặc biệt là những mặt tiêu cực của toàn cầu hoá. Nhìn lại, năm 2006 kinh tế thế giới lúc đó có khó khăn, đến 2007 thì dự báo của các nhà kinh tế có tên tuổi là khả năng kinh tế giới phục hồi và một số nền kinh tế lớn trước đây khó khăn (kinh tế Mỹ, kinh tế Nhật) có khả năng phục hồi tốt. Không ngờ đến cuối năm 2007, bắt đầu xuất hiện những nhân tố bất ổn của kinh tế thế giới, nhất là ở một số nền kinh tế lớn. Đặc biệt năm 2008, không ai ngờ hàng loạt ngân hàng có tầm cỡ thế giới bị phá sản. Cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ Mỹ, lan rất nhanh ra các nước, thúc đẩy, làm trầm trọng thêm sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Hiện tượng này, nằm ngoài dự báo, không phải chỉ của riêng chúng ta, mà của cả những nhà kinh tế có tiếng tăm ở nước ngoài. Nó diễn biến nhanh và tác động ghê gớm.

Tại Hội nghị thường niên diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức vào cuối tháng 01/2009 ở Thuỵ Sĩ, nguyên thủ của các nước và các chuyên gia kinh tế thế giới đã đánh giá: đây là cuộc khủng hoảng toàn diện trầm trọng nhất kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay. Nó tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế của nước ta. Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực làm lao đao các “con rồng” châu Á, nhưng tác động đến nước ta chỉ ở mức độ nhất định, bởi vì thời điểm đó, hội nhập kinh tế của nước ta với kinh tế thế giới, khu vực, cũng còn mức độ. Đến thời đến thời điểm hiện nay, đất nước ta đã hội nhập trực tiếp, ngày càng sâu vào kinh tế thế giới, cho nên mỗi chấn động của kinh tế thế giới, nhất là ở những nền kinh tế lớn, nó tác động đến nền kinh tế nước ta rất dữ dội, không thể lường trước được.

Nói về toàn cầu hoá chúng ta có thể thấy có cả mặt thuận và mặt không thuận. Ở thời điểm Đại hội X thì nhận thức về tính thuận của toàn cầu hoá đậm hơn, mà chưa thấy hết tính không thuận của toàn cầu hoá. Ngay cả khi chúng ta quyết định tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có nêu ra 5 thời cơ và 5 thách thức, song, lúc đó chúng ta cũng chưa thấy được, chưa lường hết được tác động dữ dội của toàn cầu hoá như thế nào.

Trong văn kiện của Đại hội X, Đảng ta có dự báo là ở một số nước trong khu vực, đang ẩn chứa những nhân tố mất ổn định. Từ thực tiễn sau Đại hội X đến nay, trong vòng hơn 2 năm qua chúng ta thấy ở khu vực, một số nước liên tiếp diễn ra những bất ổn về mặt chính trị, khủng hoảng về chính trị. Cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội tác động làm cho nhiều nước lao đao về kinh tế. Chúng ta cũng không lường hết nó diễn ra nhanh, dữ dội như thế.

Tình hình xung đột vũ trang, vấn đề tranh chấp tài nguyên… chúng ta cũng đã có dự báo, nhưng cũng không hình dung được mức độ lại diễn ra quyết liệt và gay gắt như thế. Quan hệ căng thẳng giữa Nga và Grudia, vấn đề ở dải Gaza, vấn đề dầu lửa, xung quanh vấn đề tranh chấp giữa Thái Lan và Camphuchia về ngôi đền Prechvihia… đã trở thành những vấn đề nóng bỏng. Những vấn nạn toàn cầu như: thiên tai, dịch bệnh cũng hết sức phức tạp. Vụ động đất ở Tứ Xuyên đã làm chấn động cả nhân loại; núi lửa, sóng thần, cháy rừng xảy ra liên miên.

Nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X đã diễn ra trong một bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều biến động phức tạp mà chúng ta cũng chưa tính toán hết, chưa lường đoán hết được.

Về tình hình trong nước, Đại hội X đã dự báo khá toàn diện, nhưng vì nó diễn biến với gia tốc quá nhanh cho nên có nhiều vấn đề Đại hội X cũng chưa dự báo trước được. Kinh tế nước ta năm 2006 - 2007 phát triển khá thuận lợi, ta đang ở thế thượng phong, liên tục phát triển với nhịp độ khá cao, tốc độ tăng trưởng GDP đều trên 8%. Đến cuối năm 2007, 2008 nền kinh tế đất nước ta lại gặp khó khăn lớn. Đầu năm 2008, lạm phát tăng cao, giá cả tăng dữ dội, đến cuối năm 2008 thì suy giảm kinh tế, làm cho cán cân cân đối kinh tế vĩ mô chao đảo. Điều này ta không lường trước hết được.

Chúng ta cũng đã có dự báo, nhưng cũng không hình dung sự biến động về khí hậu, về dịch bệnh lại khắc nghiệt đến như vậy. Thiên tai trong suốt mấy năm nay (giá rét, lũ quét, mưa đá…) xảy ra liên tục, gây thiệt hại vô cùng to lớn; dịch bệnh (lở mồm, long móng; tai xanh, H5N1, dịch tiêu chảy cấp…) diễn ra liên miên làm chúng ta phải xử lý và đối phó rất vất vả, tốn kém.

Chúng ta cũng đã lường trước sự chống phá của các thế lực thù địch, nhưng cũng không lường hết được mức độ chống phá quyết liệt, gay gắt và tinh vi đến như vậy. Đại hội X có nói là phải cảnh giác và đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, nhưng bây giờ trong đánh giá của Trung ương 9 (khoá X), bên cạnh “diễn biến hoà bình”, điều nguy hại mà chúng ta chưa lường đoán hết đó là vấn đề “tự diễn biến”. Các thế lực thù địch tiếp tục kích động nội bộ ta nhằm tạo sự chuyển hoá từ bên trong để thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”.

Có thể nói Hội nghị Trung ương 9 dành một thời gian để phân tích kỹ bối cảnh trong nửa đầu nhiệm kỳ và làm rõ thêm những điểm mới mà Đại hội X chưa dự báo hết. Phân tích bối cảnh phức tạp như vậy để chúng thấy hết được những cố gắng, những thành quả mà chúng ta đạt được, đồng thời phân tích bối cảnh trên để tiếp tục dự báo tình hình trong thời gian tới một cách chủ động hơn, toàn diện hơn, tránh để bị động và phải quyết tâm để vượt lên.

b. Đánh giá những kết quả chủ yếu thực hiện được trong nửa đầu nhiệm kỳ

Trong các báo cáo trình Hội nghị lần này, đều khẳng định những thành tựu quan trọng mà chúng ta đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ. Trong Báo cáo chung có khẳng định các kết quả đạt được trên 5 lĩnh vực: Phát triển kinh tế; Phát triển giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá xã hội; bảo vệ tài nguyên môi trường; quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát huy dân chủ. Trong từng lĩnh vực chúng ta đều khẳng định những thành tựu, kết quả quan trọng. Trong Báo cáo về Chiến lược cán bộ; về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đều khẳng định những kết quả đạt được. Những đánh giá đó đã được nêu lại trong các tài liệu. Chốt lại là, cần tập trung làm rõ những thành tựu quan trọng có tính chất bao quát toàn bộ hoạt động của Đảng, của đất nước trong nửa đầu nhiệm kỳ. Tiêu chí của đánh giá này dựa vào chủ đề, hoặc là tư tưởng định hướng của Đại hội X: nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Hội nghị Trung ương đã tập trung đánh giá việc thực hiện 3 tư tưởng chỉ đạo trên.

Thứ nhất, nói về công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng chúng ta có thể kiểm điểm trên những nét chính như sau:

Một là, xây dựng Đảng về chính trị. Cái mới là, nửa đầu nhiệm kỳ, Trung ương đã tập trung cụ thể hoá một cách chủ động, sáng tạo những tinh thần và tư tưởng cơ bản của Đại hội X. Nếu nhìn lại từ Hội nghị Trung ương 3 đến Trung ương 7 thì chúng ta thấy trong các kỳ hội nghị đó, các vấn đề cơ bản được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội X đã lần lượt được tập trung, cụ thể hoá một bước. Một cố gắng nữa về mặt chính trị của nhiệm kỳ này là ở chỗ, một số vấn đề lâu nay chưa giải quyết được thì lần này chúng ta đã cố gắng tập trung trí tuệ của toàn Đảng để giải quyết một bước, như: vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân; xây dựng, phát triển giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; vấn đề trí thức, “tam nông”...

Như vậy, về mặt chính trị, nửa đầu nhiệm kỳ, trên cơ sở kế thừa các thành tựu, kinh nghiệm và trí tuệ đã có từ trước đây, chúng ta đã tiến lên một bước giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Đôi khi chúng ta chưa thấy hết những giá trị mà chính chúng ta đã làm được. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu là một tấm gương phản chiếu, giúp chúng ta tự tin hơn khi nhìn nhận lại mình. Nếu không có cuộc khủng hoảng này, đôi khi chúng ta đánh giá chúng ta không hết.

Hai là, về mặt tư tưởng, nửa đầu nhiệm kỳ này cũng có những chuyển biến mới chúng ta đã cố gắng tập trung suy nghĩ đổi mới từng bước công tác học tập, triển khai, quán triệt các nghị quyết. Điểm mới lần này là sau mỗi một nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị đặc biệt coi trọng vấn đề chỉ đạo để cụ thể hoá thành các cơ chế, chính sách. Sau Hội nghị Trung ương 5, riêng Ban Tuyên giáo Trung ương được giao xây dựng 18 quy chế, quy định. Ở các địa phương rất coi trọng việc xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện. Học tập nghị quyết không phải là học các quan điểm chung, mà là vận dụng và soi vào để hoàn thiện, bổ sung, xây dựng mới các chương trình, kế hoạch hành động thiết thực. Một điểm mới nữa là trong công tác tư tưởng, chúng ta kiên trì phát động và tổ chức thực hiện Cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cho đến bây giờ, dù có những ý kiến đánh khác nhau, nhưng tuyệt đại bộ phận đánh giá đây là Cuộc vận động đúng và trúng. Thực tiễn gần 2 năm qua, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu có ý nghĩa. Tháng 01/2009, Viện Nghiên cứu dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương có tiến hành 3 cuộc điều tra quan trọng: Một cuộc điều tra phục vụ sơ kết nửa đầu nhiệm kỳ; một cuộc điều tra về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008; một cuộc điều tra về kết quả thực hiện các giải pháp về kinh tế - xã hội trong sáu tháng cuối năm 2008. Điều đáng phấn khởi, trong kết quả phân tích điều tra dư luận xã hội năm 2008, trả lời câu hỏi là trong số 32 sự kiện được liệt kê diễn ra trong năm, thì sự kiện triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được xếp số 1 (với kết quả 74% người được hỏi đánh giá đây là sự kiện có hiệu quả). Năm 2007, Viện Nghiên cứu dư luận xã hội có tiến hành điều tra thì trong các sự kiện nổi bật được thì Cuộc vận động cũng được xếp thứ nhất với tổng số người được hỏi trả lời là 72%; (Ban Tuyên giáo thành uỷ ở Tp. Hồ Chí Minh cũng tiến hành điều tra dư luận xã hội trong 2 năm 2007, 2008, Cuộc vận động được xếp hàng đầu trong các sự kiện được xem là có hiệu quả với tỷ lệ phiếu rất cao trên 90%. Đó là những nét mới trong đời sống tư tưởng của Đảng và xã hội).

Ba là, về tổ chức cán bộ, nhìn lại nửa đầu nhiệm kỳ thấy rất rõ, đây là nhiệm kỳ đã làm được một số việc có ý nghĩa như đã sắp xếp lại một cách tinh gọn bộ máy của Đảng, bộ máy của Nhà nước. Thực tiễn cho thấy, hợp nhất nhưng hoạt động không khó khăn và có những mặt tốt hơn, gọn hơn, thông suốt hơn. Vấn đề này trước đây có nêu, nhưng chưa làm được bao nhiêu, nửa nhiệm kỳ này chúng ta tập trung làm được.

Về quy hoạch, luân chuyển cán bộ, nhiệm kỳ IX, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 11-NQTW trên thực tế chưa làm được bao nhiêu, trong nửa đầu nhiệm kỳ này, công tác luân chuyển cán bộ được thực hiện khá mạnh, khá đồng bộ.

Vấn đề thể chế hoá, xây dựng các quy định, các văn bản liên quan đến công tác tổ chức cán bộ được quan tâm đầu tư xây dựng, ban hành thực hiện nhiều hơn, tốt hơn. Vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị được quan tâm, Trung ương đã bàn và có một nghị quyết riêng về vấn đề này.

Bốn là, đánh giá công tác kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã thu được những kết quả bước đầu.

Như vậy trong nửa đầu nhiệm kỳ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng đã có những chuyển biến tích cực. Theo kết quả điều dư luận xã hội phục vụ sơ kết giữa nhiệm kỳ, xoay quanh công tác xây dựng Đảng, cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá công tác xây dựng Đảng theo thứ tự những công việc đã làm tương đối tốt như sau: Thứ nhất, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực sức chiến đấu của Đảng được xếp là nhân tố đầu tiên; hai là, đổi mới, nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị, đặc biệt là của Mặt trận, hệ thống đoàn thể; ba là, đổi mới công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát; bốn là, việc rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên; năm là, việc quan tâm đến tổ chức cơ sở đảng; sáu là, đổi mới công tác lý luận và công tác tư tưởng.

- Thứ hai, về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Hội nghị Trung ương đã đánh giá một cách tổng quan là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được cũng cố và phát huy.

- Thứ ba, đánh giá về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, Trung ương đã đánh giá sự nghiệp đổi mới tiếp tục được đẩy mạnh trên mọi lĩnh vực, trong đó có kiểm điểm trên 6 lĩnh vực chính sau đây: Một là, chính trị - xã hội ổn định; hai là, cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao; ba là, an sinh xã hội được chăm lo nhiều hơn; bốn là, hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, uy tín của nước ta trong khu vực và trên thế giới tiếp tục được nâng cao (nhìn lại nửa đầu nhiệm kỳ này chúng ta thấy có những sự kiện rất rõ: Chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới; ta trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và có những đóng góp cụ thể thiết thực, có uy tín với cộng đồng quốc tế; chúng ta tham gia các diễn đàn kinh tế khu vực và thế giới lớn, uy tín tục được củng cố và nâng cao…); năm là, quốc phòng và an ninh được tăng cường, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; sáu là, nhiều chỉ tiêu của Đại hội chúng ta đã đạt hoặc là cơ bản đạt. Lấy một vài ví dụ để minh hoạ: Tốc độ tăng trưởng GDP nếu tính trong 3 năm 2006 - 2008 thì chúng ta đạt tốc độ bình quân là 7,6% so với kế hoạch của Đại hội X xác định là 7,5% - 8%. Về thu hút vốn đầu tư của toàn xã hội, chỉ tiêu Đại hội xác định là 40% thì trong 3 năm qua chúng ta đạt 42,3%. GDP đầu người dự kiến của Đại hội là đến 2010 chúng ta đạt khoảng 1.050 - 1.100 đôla/đầu người; hiện nay (năm 2008) đạt 1.047 đôla/đầu người. Tỷ lệ giảm hộ nghèo, dự kiến của Đại hội là sẽ giảm còn từ 10 - 11% hộ nghèo, thì đến cuối năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo còn 12,1%. Như vậy, trong nửa đầu nhiệm kỳ đã thực hiện đạt và vượt một số chỉ tiêu Đại hội đã đề ra. Đó là 3 đánh giá căn cứ vào các tư tưởng chỉ đạo cơ bản của Đại hội X.

Đánh giá của Trung ương, về cơ bản trùng hợp với đánh giá của cán bộ, nhân dân. Theo kết quả thăm dò dư luận xã hội phục vụ sơ kết 2 năm, cán bộ, đảng viên đánh giá những công việc sau đây trong nửa đầu nhiệm kỳ này được thực hiện tốt: Một là, mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế đất nước được đánh giá cao nhất; hai là, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, kinh tế - xã hội; ba là, quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; bốn là, quan tâm hơn đến việc khuyến khích làm giàu một cách hợp pháp, phát huy được các tiềm năng trong nhân dân; năm là, xoá đói, giảm nghèo được thực hiện tốt; sáu là, việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc được quan tâm và có kết quả; bảy là, có bước phát triển mới về xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tám là, quan tâm đến giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, phát huy các nguồn lực xã hội. Những thành quả trên được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận là khá rõ nét.

c. Đánh giá những yếu kém, khuyết điểm cơ bản

Có thể nói, tinh thần tự phê bình trong việc chỉ ra những khuyết điểm thiếu sót là tinh thần quán xuyến trong các báo cáo trình Trung ương.

Trong Báo cáo sơ kết nửa đầu nhiệm kỳ, trong từng lĩnh vực đều kiểm điểm rất kỹ những mặt còn hạn chế, yếu kém. Trong Báo cáo về thực hiện Chiến lược cán bộ, kiểm điểm rất sâu, rất cụ thể, rất thẳng thắn không né tránh, có những vấn đề nhạy cảm lâu nay chỉ râm ran trong dư luận xã hội, nhưng lần này được đưa vào trong báo cáo, kiểm điểm rất nghiêm túc (Ví dụ: Vấn đề chạy chức, chạy quyền…). Những yếu kém trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng được nghiêm khắc chỉ ra một cách rất thẳng thắn.

Với tinh thần chung đó, sau khi kiểm điểm kỹ những hạn chế, khuyết điểm ở từng lĩnh vực, ở từng mảng công việc, Hội nghị đã tập trung làm rõ những yếu kém và khuyết điểm cơ bản trên 3 mặt: kinh tế, xã hội, chính trị.

- Về mặt kinh tế, Hội nghị đánh giá, mặc dù chúng ta có nhiều cố gắng như trên đã khẳng định, nhưng kết quả đạt được còn thấp so với khả năng và tiềm năng. Cũng có đồng chí Trung ương nói là còn thấp so với đầu tư. Chúng ta đầu tư nhiều, nhưng hiệu quả thu được chưa tương xứng. Kinh tế vĩ mô của chúng ta chưa vững chắc, còn tiềm ẩn các nhân tố bất ổn. Yếu kém nhất trong kinh tế mà lâu nay chúng ta nói là chậm được khắc phục, đó là chất lượng tăng trưởng và vấn đề năng suất, vấn đề chất lượng, vấn đề hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế, của sản phẩm hàng hoá của chúng ta. Nếu mổ xẻ cho thật kỹ thì thấy nhiều vấn đề chưa yên tâm: hệ số ICO của chúng ta cao quá so với hệ số ICO của các nước trong khu vực, chúng ta cao gấp rưỡi, thậm chí có những sản phẩm, có những lĩnh vực cao gấp đôi. Bởi vì đầu vào cao, cho nên giá thành sẽ rất cao, và vì thế khả năng cạnh tranh của chúng ta là hạn chế. Đánh giá thực chất của nền kinh tế là đánh giá năng suất, là giá trị tăng thêm chứ không phải chỉ là đánh giá chỉ số tuyệt đối. Đi sâu phân tích cho thấy, xung quanh vấn đề chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của chúng ta rất nhiều vấn đề, chúng ta đã nhận thức ra nhưng khắc phục chậm. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động còn khá chậm, giữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch lao động không tương thích với nhau (Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp đã giảm xuống còn khoảng xấp xỉ 20% GDP, trong khi đó, lao động nông nghiệp nông thôn vẫn chiếm tới trên 60%).

- Về xã hội, Hội nghị đánh giá: Giáo dục – đào tạo còn nhiều hạn chế, có mặt yếu kém kéo dài, gây bức xúc xã hội nhưng chậm được khắc phụ. Đầu tư cho khoa học – công nghệ còn thấp. Chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt là ở cơ sở còn thấp; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn bị coi nhẹ. Sự phát triển và chất lượng các hoạt dộng văn hoá, thông tin và thể thao còn nhiều mặt yếu kém kéo dài. Chính sách tiền lương, thu nhập chưa hợp lý; quản lý nhà nước về lao động còn lỏng lẻo; chấp hành pháp luật về lao động của một số chủ doanh nghiệp chưa nghiêm; cuộc sống nhân dân còn nhiều khó khăn, mức sống của một bộ phận nhân dân bị giảm sút. Một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết. Quản lý tài nguyên, môi trường lỏng lẻo; tình trạng khai thác tài nguyên và cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiếm môi trường diễn ra phổ biến, một số trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.

- Về chính trị, Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới còn hạn chế. Việc kết hợp việc phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng và an ninh có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Công tác bảo vệ an ninh trên một số lĩnh vực còn sơ hở, tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về đối ngoại còn hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. Sự phối hợp hoạt động đối ngoại trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng, an ninh có lúc, có nơi chưa nhịp nhàng, đồng bộ.

Trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X, các vấn đề văn hoá, giáo dục - đào tạo chưa được quan tâm đúng mức. Vấn đề tập trung chỉ đạo, điều hành còn phân tán, thiếu dứt điểm và trong quá trình điều hành, cái yếu là kỷ cương, phép nước không nghiêm. Hiện tượng trên nói dưới không nghe, trên nói một đằng dưới làm một nẻo còn khá phổ biến, hạn chế hiệu quả trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, các quan điểm, đường lối. Khâu yếu nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện nghị quyết. Chúng ta nói đổi mới học nghị quyết gắn với việc xây dựng chương trình, kế hoạch, nhưng một số nơi, việc xây dựng chương trình, kế hoạch cũng là đối phó, cũng là hình thức, chung chung, không sát thực tế đời sống nên hiệu quả triển khai rất hạn chế.

d. Về kinh nghiệm

Từ thực tiễn của nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X, Trung ương rút ra 4 kinh nghiệm cơ bản sau:

Một là, phải tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội mà cụ thể là phải nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dự báo, công tác xây dựng và thực hiện qui hoạch, kế hoạch. Xây dựng và thực hiện quy hoạch nếu không khoa học, thiếu khách quan sẽ dẫn đến lãng phí rất lớn. Dự báo sai, dự báo thiếu chuẩn xác là rơi vào bị động, lúng túng.

Thứ hai, phải tăng cường nội lực, xem đây là yếu tố quyết định. Coi trọng ngoại lực, xem đó là yếu tố quan trọng. Kiên trì và nhất quán xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đẩy mạnh CNH, HĐH theo định hướng XHCN.

Kinh nghiệm này càng thấm thía hơn trong bối cảnh hiện nay. Không phải không có ý kiến chập chờn: Hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hoá là nói đến phân công, hợp tác quốc tế; không nên nhấn mạnh xây dựng kinh tế độc lập tự chủ. Bây giờ suy thoái, khủng hoảng kinh tế toàn cầu mình thấy rất rõ, nếu không phát huy nội lực, không có nền kinh tế độc lập tự chủ có thể dẫn đến đổ vỡ nặng nề.

Thứ ba, phải biết kết hợp chặt chẽ mấy “cặp” nội dung: Một là, tăng trưởng kinh tế; hai là, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; ba là, tăng trưởng quốc phòng, an ninh; bốn là, bảo vệ môi trường, giải quyết an sinh xã hội. Bốn “cặp” nội dung này phải gắn liền với nhau, kết hợp chặt chẽ với nhau. Nặng mặt nào, nhẹ mặt nào tất yếu sẽ phát sinh hậu quả. Kinh nghiệm giải quyết sao cho hài hoà, chặt chẽ, hiệu quả tăng trưởng, công bằng, tiến bộ xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, môi trường, văn hoá là những vấn đề sống còn.

Thứ tư, nhân tố cuối cùng rất kinh điển, rất nguyên lý nhưng rất “thực tiễn” vẫn là, phải tập trung tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Đây là bốn bài học thấm thía. Nói câu chữ không thấy hết nhưng đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp, thì bốn bài học trên là xương máu, là thành công hay thất bại.

Theo Tạp Cchí Ban Tuyên giáo TW
Các tin khác
Xem tin theo ngày