Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.986.813
Truy câp hiện tại 272
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Khẳng định giá trị hạnh phúc, thực hiện khát vọng phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới
Ngày cập nhật 31/08/2023

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang nghiên cứu, đề ra các giá trị quốc gia làm định hướng hành động. Ở Việt Nam, vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia là nhu cầu khách quan đã được đặt ra từ lâu trong sự nghiệp cách mạng, nhất là trong thời kỳ mới của sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh. Trong đó, hạnh phúc là một trong những giá trị quốc gia, biểu tượng chung được hướng đến.

Hạnh phúc - Mục tiêu cao cả của cách mạng

Giá trị là một phạm trù với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Quan niệm giá trị ở đây bao hàm những yếu tố tích cực, tiến bộ, phản ánh khát vọng hướng tới của con người và xã hội. Giá trị là phạm trù đối lập với phản giá trị. Như vậy, giá trị là tất cả những gì mang lại ý nghĩa cho cá nhân và xã hội, được xã hội thừa nhận, trở thành điểm tựa tinh thần, được con người khao khát hướng tới và hành động. Giá trị quốc gia là những giá trị có tính phổ quát, cốt lõi, tiêu biểu, phản ánh ý chí, khát vọng của quốc gia - dân tộc trên con đường thực hiện mục tiêu, lý tưởng cao đẹp. Những giá trị của một quốc gia bao gồm nhiều giá trị liên kết với nhau theo một hệ thống thứ bậc, hợp thành hệ giá trị quốc gia.

Hạnh phúc là những giá trị tốt đẹp nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất, tinh thần của con người, của nhân dân trong bất kỳ một quốc gia - dân tộc nào. Trong hệ giá trị quốc gia của Việt Nam, hạnh phúc là một giá trị cơ bản. Hạnh phúc là một phạm trù thống nhất giữa tính khách thể và tính chủ thể, giữa khách quan và chủ quan. Về mặt khách quan, hạnh phúc là những giá trị vật chất, tinh thần tốt đẹp, có ý nghĩa đối với cá nhân và cộng đồng mà quốc gia cần đạt tới, trở thành mục tiêu phấn đấu của quốc gia. Về mặt chủ quan, hạnh phúc là sự thỏa mãn trong hưởng thụ vật chất và hưởng thụ tinh thần của con người. Hạnh phúc với tư cách là một giá trị quốc gia là cái bao trùm, chi phối hạnh phúc với tư cách là giá trị cá nhân, giá trị gia đình. Nội dung của những giá trị hạnh phúc ở nhiều cấp độ có mối quan hệ biện chứng, bao hàm cả sự thống nhất và sự khác biệt.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời (năm 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định (và sau đó được Quốc hội thể chế hóa) ghi vào quốc hiệu Việt Nam là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Đến nay, hạnh phúc chính thức được coi là một giá trị cơ bản của quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Có thể nói, hạnh phúc là một đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, một chế độ xã hội vì con người, vì hạnh phúc của nhân dân. Hạnh phúc là một giá trị quốc gia, trở thành mục tiêu của cách mạng Việt Nam và đã được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khẳng định trong quá trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”(1). Người khẳng định: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là xây dựng đời sống no ấm và hạnh phúc cho nhân dân”(2).    

Hạnh phúc không chỉ là một giá trị của chủ nghĩa xã hội, mà còn là giá trị phổ quát, tốt đẹp nhất mà nhân loại tiến bộ hướng đến. Trong bài Thơ mừng năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Mừng năm mới, mừng xuân mới/Mừng Việt Nam, mừng thế giới/Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh... Hạnh phúc là những điều tốt đẹp, tràn đầy hy vọng và đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh là con đường mà cả nhân loại hướng đến. Chính vì vậy, mưu cầu hạnh phúc là một quyền cơ bản của con người, là yếu tố cấu thành giá trị của các học thuyết, các tư tưởng tiêu biểu trong lịch sử nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu một cách chọn lọc tư tưởng tiến bộ trong các cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789 và cách mạng Mỹ (1775 - 1783). Trong Tuyên ngôn độc lập (ngày 2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(3) và kết luận đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy sự tương đồng giữa các học thuyết, đó là đều vì hạnh phúc của con người: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo của Jêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Jêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có ưu điểm chung đó sao? Họ đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu hạnh phúc cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, tôi tin rằng họ nhất định sống chung với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm một người học trò nhỏ của các vị ấy”(4).

Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, hạnh phúc là một giá trị cốt lõi tinh hoa của văn hóa nhân loại và Người hướng vào việc khai thác ưu điểm chung của những học thuyết ấy là mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam phải trải qua là “để tranh lại thống nhất và độc lập cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân”(5), đó cũng là con đường của nhân loại tiến bộ “để đấu tranh cho độc lập, hòa bình, dân chủ và hạnh phúc cho cả loài người trên thế giới”(6). Để đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dâng hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”(7). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến sự nghiệp của mình cho những giá trị chung của nhân loại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Những mục tiêu đó chính là đem lại hạnh phúc cho con người, là đỉnh cao giá trị văn hóa của loài người. Chính vì vậy, nhân loại đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc” và “Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.

Như vậy, hạnh phúc là một giá trị quốc gia của Việt Nam vừa mang tính phổ quát của nhân loại, vừa mang tính đặc thù của chủ nghĩa xã hội. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hạnh phúc là những giá trị tốt đẹp, trước hết là nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất, tinh thần của đông đảo nhân dân lao động - các giai cấp cần lao, các tầng lớp đã chịu nhiều áp bức, bóc lột, lầm than. Có thể nói, hạnh phúc là một giá trị cao quý, trở thành lẽ sống, niềm tin và động lực để nhân dân ta nguyện một lòng đi theo Ðảng làm cách mạng và ngày nay tiếp tục sự nghiệp đổi mới xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hạnh phúc - Giá trị đặc trưng của chủ nghĩa xã hội

Trong hệ giá trị quốc gia, hạnh phúc là một giá trị nằm ở thang bậc cao nhất của chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội với hệ giá trị cốt lõi: “Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc” là lý tưởng và mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Trong quan hệ giữa độc lập - tự do - hạnh phúc, thì độc lập là tiền đề, điều kiện cho tự do, hạnh phúc; còn tự do, hạnh phúc là thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”(8). Người nhấn mạnh: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(9). Chỉ có đi tới chủ nghĩa xã hội thì mới có một nền độc lập dân tộc thật sự, hoàn toàn, gắn liền với hạnh phúc của nhân dân, trước hết và chủ yếu là đông đảo nhân dân lao động.

Hạnh phúc là thước đo về sự tiến bộ xã hội, là một tiêu chí của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập - tự do - hạnh phúc là hệ giá trị cốt lõi của quốc gia, của chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam cần xây dựng. Trong hệ giá trị đó, Người đặc biệt chú ý đến giá trị hạnh phúc của nhân dân và cụ thể hóa các tiêu chí của hạnh phúc phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể. Khi luận giải về chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, trong đó có hạnh phúc. Người viết: “Chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân sung sướng, ấm no”(10); “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân”(11), “Chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân(12). Người nhiều lần nhấn mạnh giải quyết vấn đề hạnh phúc cho nhân dân trong chủ nghĩa xã hội: “Chủ nghĩa xã hội là mọi người dân được áo ấm cơm no, nhà ở tử tế, được học hành”(13), “Chủ nghĩa xã hội nhằm làm cho đời sống nhân dân ngày càng sung sướng, ăn no, mặc ấm, được học hành, ốm đau có thuốc”(14), “Đảng và Nhà nước ta dùng lực lượng của nhân dân để xây dựng cho nhân dân một đời sống ngày càng sung sướng. Đó là chủ nghĩa xã hội”(15). “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”(16). Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, hạnh phúc là một tiêu chí của chủ nghĩa xã hội. Hạnh phúc là người dân phải được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do chủ nghĩa xã hội đem lại. 

Hạnh phúc là một giá trị mang tính lịch sử, cụ thể. Hạnh phúc là một lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội, nhưng không phải là cái gì xa vời không bao giờ đạt được. Hạnh phúc gắn với những gì cụ thể, thiết thực, gắn với đời sống con người, với nhân dân lao động. Nội dung của hạnh phúc phản ánh những giá trị khách quan và khát vọng của con người, định hướng cho hoạt động của con người nhằm đạt đến những mục tiêu cao cả. Song, hạnh phúc phụ thuộc vào những điều kiện lịch sử - cụ thể. Để đạt được hạnh phúc, đòi hỏi quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ trước sự phát triển của nhu cầu con người, của xã hội. Do vậy, phải từng bước xác định những tiêu chí của hạnh phúc và hiện thực hóa những giá trị đó trong đời sống xã hội, phù hợp với từng thời kỳ cách mạng, như thời kỳ đấu tranh cách mạng giành chính quyền, xác lập chế độ mới, thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thời kỳ đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội và hiện nay là thời kỳ đổi mới, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn thấy cách giải quyết vấn đề hạnh phúc của nhân dân phù hợp với điều kiện của lịch sử cách mạng nước ta. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Người đã đề ra chủ trương là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Như vậy, Người quan tâm đến vấn đề bảo đảm nhu cầu vật chất và văn hóa của nhân dân, đặt vấn đề ưu tiên diệt giặc đói và giặc dốt đồng thời với diệt giặc ngoại xâm phù hợp với điều kiện đất nước mới thành lập chính quyền cách mạng còn non trẻ, vừa thoát khỏi chế độ phong kiến, thực dân, vừa phải đương đầu chống thù trong, giặc ngoài.

Để hiện thực hóa giá trị hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng phải có trách nhiệm chăm lo đời sống cho nhân dân: “chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(17). Người nhấn mạnh: “Đảng ta đấu tranh để làm gì?- Là muốn cho tất cả mọi người được ăn no mặc ấm, được tự do. Mỗi một đảng viên đấu tranh để làm gì? - Cũng để mọi người được ăn no mặc ấm, được tự do. Chủ nghĩa xã hội là cái gì? Là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do”(18).

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân(19). Quan tâm chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân là bổn phận, trách nhiệm của Đảng, bởi Đảng ta không có lợi ích nào nằm ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Có như vậy, nhân dân mới có niềm tin vững chắc vào Đảng, một lòng một dạ đi theo Đảng, phấn đấu vì độc lập - tự do - hạnh phúc.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng Cộng sản Việt Nam xác định hạnh phúc là một đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; ... con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện...”(20). Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”(21). Đại hội XIII của Đảng khẳng định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phấn đấu đến năm 2030: “xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân”(22).

Trong hơn 35 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội luôn hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Từ một nước trong số nước nghèo nhất thế giới, kém phát triển, Việt Nam vươn lên nhóm nước đang phát triển, có mức thu nhập trung bình, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được kết quả tích cực; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, tuổi thọ trung bình của người dân tăng nhanh... Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; dân chủ trong Đảng và trong xã hội ngày càng được phát huy; sức mạnh tổng hợp của quốc gia được tăng cường, tạo thế và lực cho đất nước tiếp tục phát triển.

Đặc biệt, công tác xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam đạt những thành tựu to lớn, được thế giới đánh giá là một điểm sáng. Tỷ lệ nghèo trên đầu người (tính theo chi tiêu thu nhập) giảm mạnh từ trên 70% (năm 1990) xuống còn 58,1% (năm 1993), 28,9% (năm 2002), 14,5% (năm 2008) và 13,5% (năm 2014). Giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm một cách ấn tượng, từ 9,2% (năm 2016) xuống 6,8% (năm 2018) và xuống còn 2,75% (năm 2020). Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun từng đánh giá Việt Nam “là một trong những nước đi đầu thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ” (năm 2015).

Ngày 9-9-2022, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) công bố Báo cáo Phát triển con người (HDR) toàn cầu 2021/2022, trong đó Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,703 vào năm 2021 (tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, từ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2019 lên 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2021)(23). Trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới 2023 được công bố ngày 20-3-2023, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65(24).

Không chỉ vậy, an sinh xã hội và an ninh con người ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Nhà nước đã dành 21% ngân sách cho phúc lợi xã hội - mức cao nhất trong các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội được tăng cường và đạt nhiều kết quả lạc quan. Trong 5 năm qua, cả nước đã tạo được khoảng 8 triệu việc làm mới, với mức thu nhập tốt hơn. Đặc biệt, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã và đang trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội; chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng... Hiện nay, giáo dục, y tế, nước sạch, nhà ở, thông tin là các dịch vụ xã hội cơ bản được Nhà nước đẩy mạnh cung cấp, nâng cao chất lượng, trở thành những tiêu chuẩn trong chuẩn nghèo đa chiều. Nhà nước có nhiều chính sách phát triển hạ tầng dịch vụ xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp nâng cao khả năng tiếp cận trường học, trạm y tế, nước sạch và thông tin(25).

Tuy nhiên, việc giải quyết các vấn đề xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, những bức xúc xã hội có chiều hướng gia tăng. Một số chính sách xã hội chưa được quan tâm đúng mức, chậm đổi mới, chưa kết hợp đồng bộ, chặt chẽ trong phát triển kinh tế, văn hóa; còn thiếu chính sách đặc thù cho những vùng đặc thù; thiếu cơ chế, chính sách điều tiết hợp lý quan hệ lợi ích, điều hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội. Cải cách tiền lương tiến hành chậm, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề phân hóa giàu - nghèo, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập. Giảm nghèo chưa bền vững. Nhiều chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo chồng chéo nhau, một bộ phận nhân dân chưa được hưởng thụ một cách công bằng thành quả của công cuộc đổi mới. Chất lượng y tế, dịch vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập. Chính sách tiền lương, thu nhập, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội có mặt còn hạn chế; thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển đất nước chưa hài hòa; một số vấn đề mới nảy sinh liên quan đến giai cấp, dân tộc, tôn giáo, dân số, đất đai, lao động, việc làm, thu nhập,... chậm được giải quyết.

Bước vào thời kỳ mới, Việt Nam quyết tâm thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phấn đấu đến năm 2045 trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao, một quốc gia hùng cường, phồn thịnh, phát triển bền vững. Theo đó, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng hệ giá trị quốc gia, trong đó có hạnh phúc là một giá trị nằm ở vị trí cao trong thang bậc giá trị quốc gia. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(26). Hạnh phúc với tư cách là một giá trị quốc gia hiện nay cần tiếp tục được xác định bằng các tiêu chí cụ thể phù hợp với điều kiện mới - điều kiện của một nước phát triển, có thu nhập cao (tính đến năm 2045). Trong thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh con người; thực sự coi trọng, phát huy hiệu quả vai trò động lực của con người trong phát triển đất nước. Đồng thời, xác định những phương thức để hiện thực hóa giá trị hạnh phúc của quốc gia. Từ đó làm mục tiêu, phương hướng phấn đấu để thực hiện khát vọng phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc./.

-----------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 496
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 293
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 1
(4) Xem: Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Tam Liên, tháng 6-1949
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 272
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 339
(7), (8), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 272, 64, 175
(10), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 480, 604
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 387
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 490
(14), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 437, 432
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 415
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 518
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 593
(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 622
(20) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003
(21) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 336
(22) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, t. I, tr. 217
(23) “Chỉ số phát triển con người Việt Nam tăng hai bậc”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 10-9-2022, https://nhandan.vn/chi-so-phat-trien-con-nguoi-viet-nam-tang-hai-bac-post714578.html
(24) Nguyễn Đức: “Việt Nam tăng 12 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 22-4-2023
(25) “Dấu ấn an sinh xã hội”, Trang thông tin Tạp chí Bảo hiểm xã hội, ngày 30-4-2021, http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/dau-an-an-sinh-xa-hoi-63685.html
(26) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 143

 
 

 

GS, TS NGUYỄN VĂN TÀI - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Các tin khác
Xem tin theo ngày