1.1. Đảng lãnh đạo, đề ra đường lối giải phóng dân tộc, khơi dậy, nhân lên sức mạnh của cả dân tộc, giành thắng lợi trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám (1945), thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1930 - 1945):
- Quá trình vận động thành lập Đảng từ những năm 20 của thế kỷ XX cho đến sự kiện ngày 03/02/1930. Dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản họp ở bán đảo Cửu Long, Hồng Kông (Trung Quốc), quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản ở nước ta thành một Đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Quá trình phát triển của phong trào cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng gắn bó máu thịt với Nhân dân, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ và tin tưởng. Chỉ trong vòng 15 năm, Đảng ta đã tiến hành ba phong trào cách mạng lớn: Phong trào cách mạng 1930 - 1931, tiêu biểu là cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh; Phong trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939); Cuộc vận động giải phóng dân tộc (1939 - 1945), đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám (1945), Đảng lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 02/9/1945.
- Đảng lãnh đạo Nhân dân xây dựng chính quyền non trẻ, vượt qua tình thế khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”; tích cực chuẩn bị mọi mặt, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính”; lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.
1.2. Đảng lãnh đạo Nhân dân cả nước tiếp tục sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân:
Thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam; lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ: Chiến tranh một phía (1954 - 1960); Chiến tranh đặc biệt (1961 - 1965); Chiến tranh cục bộ (1965 - 1968); Việt Nam hoá chiến tranh (1969 - 1975) và chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc.
Hiệp định Pari được ký kết (tháng 01/1973), buộc đế quốc Mỹ và quân chư hầu phải rút quân về nước, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta tiến lên Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng miền Nam mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là thắng lợi vang dội của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
1.3. Đảng ta lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước và tiến hành công cuộc đổi mới đất nước:
1.3.1. Tiến hành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước (1975 - 1976), khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước; thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1976 - 1980, 1981 - 1985, từng bước khôi phục kinh tế-xã hội.
1.3.2. Tiến hành công cuộc đổi mới (từ 1986 đến nay). Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là đổi mới về tư duy nhận thức, hội nhập quốc tế, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
- Đảng đã từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa đường lối đổi mới mà nội dung cơ bản, cốt lõi được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện quan trọng của Đảng qua các kỳ Đại hội.
- Thành tựu về lý luận, hình thành nhận thức tổng quát: Xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Trong đó, đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta là phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Thành tựu về thực tiễn, công cuộc đổi mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, thực sự đem lại những thay đổi lớn lao, rất tốt đẹp cho đất nước trong gần 40 năm qua, góp phần làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
- Ý nghĩa lịch sử to lớn của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo tổ chức thực hiện. Khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.
1.4. Giá trị truyền thống cách mạng cần phát huy:
- Trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối; nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế để đề ra đường lối đúng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cách mạng.
- Gắn bó máu thịt giữa Đảng và Nhân dân, luôn luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu.
- Đoàn kết thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí.
- Đoàn kết quốc tế thuỷ chung, trong sáng dựa trên những nguyên tắc và mục tiêu cao cả.