Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 10.009.215
Truy câp hiện tại 153
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Nhớ ơn Thầy
Ngày cập nhật 21/11/2011

Khi bắt đầu viết những chữ đầu tiên về thầy – Giáo sư, Tiến sĩ Mai Quốc Liên lòng học trò miên man nhớ về những tháng ngày được thầy hướng dẫn làm Luận án Tiến sĩ và trong nỗi nhớ đó đã có chút ngại ngùng, sợ rằng câu chữ mình viết lên không xứng với tầm cỡ của thầy

Nhưng rồi, lòng tự dặn lòng cứ viết từ những gì thật nhất, dẫu có vụng dại, thì đó vẫn là tấm chân tình của một học trò nơi miền Trung bão lụt, miền Trung nắng gió, miền Trung nghèo khổ… Tình cảm kính trọng, biết ơn thầy trong tôi không bị bào mòn qua năm tháng mà ngày càng thắm mãi với thời gian.

Mới đó mà đã mười bảy năm (1994 - 2011), cái ngày khăn gói vào Thành phố Hồ Chí Minh thi Nghiên cứu sinh qua lời giới thiệu của thầy giáo quá cố Trẫn Hữu Duy là ngày đầu tiên, lần đầu tiên tôi biết đến thành phố mang tên Người. Vẫn biết đây là Hòn ngọc Viễn Đông, là nơi đô hội, là thành phố 300 năm… nhưng tôi chưa một lần dám nghĩ đến chuyện đi du lịch nơi này, cái thời đó làm gì có tiền mà đi xa đến như thế. Vậy là nhờ đi thi tôi mới biết cái thành phố đông đúc, tấp nập đó…
Lần đầu tiên gặp thầy, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Quốc Liên, lòng tôi đã ước chi được thầy Hướng dẫn làm Luận án. Chỉ dám ước ao thôi, vì lớp tôi có nhiều người, không biết thầy chọn ai? Vừa nghe tên thầy, nghe thầy giáo quá cố Trần Hữu Duy giới thiệu là bạn đồng môn, tôi đã nhớ ra bài báo tôi đã đọc (Nhà thơ – cơn bão và những cánh hoa - đăng vào năm 1980) khi làm Luận văn Thạc sĩ về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm; lúc đó, tôi hình dung tác giả bài viết này có bút lực rất dữ dội…
Nhớ cái lần làm Luận văn Thạc sĩ ở Hà Nội (1982) được Giáo sư, Tiến sĩ Phương Lựu (Bùi Văn Ba) hướng dẫn, tôi đã ngầm tự hào là mình được rất nhiều so với các bạn. Lần đó Giáo sư Phương Lựu đã chỉ bảo cặn kẽ cho tôi cách làm Lịch sử vấn đề nghiên cứu, đó chính là thao tác khoa học quan trọng nhất trong quy trình làm nghiên cứu…
Và rồi, sau khi thi tuyển xong, tôi được Giáo sư, Tiến sĩ Mai Quốc Liên hướng dẫn. Lúc ao ước thì không suy nghĩ nhiều, khi được chính thầy lựa chọn thì bắt đầu lo, vì trong quá trình ôn luyện và thi tuyển, tôi đã kịp đọc thêm những bài viết của thầy trên các sách báo. Bài viết nào của thầy cũng sắc sảo, trí tuệ, uyên bác… âm vang và đẹp như cái tên của thầy vậy.
Thời gian làm Luận án với thầy tôi thường rụt rè, mỗi lần được thầy hẹn làm việc vừa mừng vừa lo. Mừng là tranh thủ thu nhận được những chỉ dẫn quý giá của thầy, lo là sợ thầy hỏi điều gì đó mà mình không biết, không trả lời được thì thầy sẽ coi thường… Tôi rất thích cách thầy đánh giá về việc làm của tôi, mỗi công đoạn công việc, mỗi bài báo viết ra, thầy chưa hề có lời khen nào mà chỉ nói một câu: Cô thì biết cái gì… Câu nói đó đã khiến cho tôi phải biết khiêm tốn, và cũng phải biết vươn lên. Cũng nhiều lần tôi bị thầy mắng vì tìm kiếm tài liệu hay triển khai vấn đề nghiên cứu chưa đạt yêu cầu, thầy lúc nào cũng nhắc là phải đọc, đọc làm sao mà “người ta đâm dùi vào chân không thấy đau”…
Người ta thường nói đi học tốn kém lắm, nào là trăm này, triệu nọ… Tôi không nói là không tốn, “sẩy nhà sa nghiệp”, nhưng sự tốn kém đó là tất nhiên, đi lại, ăn ở ở thành phố Hồ Chí Minh đương nhiên là đắt đỏ hơn nơi khác. Nhưng nếu nói rằng tốn kém vì quà cáp cho thầy, hay dùng tiền chạy chọt cho Hội đồng chấm Luận án thì đó là điều vu khống.
Hôm bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp Cơ sở, tôi từ Huế vào mang theo một số tiền (bạn bè, gia đình và nhà trường nơi tôi công tác hỗ trợ), thế nhưng vừa đến Phòng Khoa học ở trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, tôi được các thầy cô, các anh chị và bạn bè dặn dò là không được phong bao, phong bì, hay ăn uống gì cả. Tôi rất ngỡ ngàng, sau buổi bảo vệ cùng bạn bè đi uống cà phê chuyện trò thì nghe bạn Khanh nói rằng, thầy Mai Quốc Liên rất quan tâm đến các Nghiên cứu sinh, thầy nghiêm cấm chuyện tiền nong và quà cáp nên học trò không phải lo lắng, chạy chọt… Sau khi bảo vệ xong, tôi đến chào thầy, thầy tặng tôi cả bộ, 3 tập, cuốn Nguyễn Trãi toàn tập tân biên. Nhận 3 tập sách, lòng tôi vô cùng cảm động. Ở các trường Cao đẳng, Đại học, các Thư viện Tỉnh cũng chỉ có một bộ sách này mà thôi, nay tôi được sở hữu bộ sách quý giá đó do chính Giáo sư, Tiến sĩ Mai Quốc Liên ký tặng. Nhận quà của thầy mà lòng rưng rưng, một tấm lòng nhân hậu, bao dung với học trò biết bao. Học trò được thầy giáo giúp đỡ, hướng dẫn tận tình thì biết lấy gì mà đền đáp đây.
Thầy không chỉ tặng sách cho tôi một lần mà rất nhiều lần, đến hôm nay tôi vẫn được nhận sách của thầy, thầy vừa gửi cho tôi cuốn Tiểu luận và phê bình văn học (xuất bản năm 2011), giờ trong tủ sách của tôi đã có mười mấy cuốn sách của thầy, cuốn nào cũng giá trị, cũng bảo lưu cả một di sản văn học, văn hóa uyên thâm. Mỗi lần nhận sách của thầy là một lần tôi tự dặn lòng mình hãy cố gắng lên đừng để mình trở thành kẻ có bằng cấp mà không làm được việc gì có ích.
Có lần đến nhà thầy, gặp vợ của thầy, cô có dặn tôi, nếu có bị thầy mắng thì đừng có buồn, thầy tuy thế mà “khẩu xà tâm Phật”. Cô nói rất đúng. Chúng tôi học với thầy, được thầy hướng dẫn, không chỉ là vinh dự lớn khi được học với Giáo sư uyên bác mà còn được đón nhận tấm lòng nhân hậu, thương yêu của thầy.
Trong đợt học đó, lớp chúng tôi có mấy suất học bổng do thầy xin được ở một mạnh thường quân nào đó. Ở Huế, được nhận một suất học bổng như thế thì mừng vô cùng. Cứ nghĩ học trò nghèo vượt khó mới có học bổng tài trợ, nay Nghiên cứu sinh mà cũng có học bổng tài trợ. Rồi cái lần tôi sinh con, tôi nhận được bức thư của thầy, trong đó có câu: chúc mừng cô đã sinh cho đất nước này một công dân tốt… tôi vô cùng biết ơn thầy, với câu chúc mừng này của thầy tôi đã cố gắng nuôi dạy công dân nhỏ bé đó thành một người có ích cho xã hội.
            Rồi cái hôm bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp Nhà nước, tôi không chỉ mang ơn thầy hướng dẫn, tôi còn mang ơn toàn thể các thầy cô trong Hội đồng. Thầy Huỳnh Như Phương, thầy Mai Cao Chương, thầy Trần Ngọc Vương, thầy Lã Nhâm Thìn, thầy Lê Hoài Nam, cô Lê Thu Yến, cô Đoàn Thu Vân… không quà cáp, không phong bì… Chao ôi, những tấm lòng nhân ái, những người thầy nhân cách sáng ngời. Có lẽ, các thầy cô không kể với ai và cũng không ai nghĩ rằng chuyện đó là có thật. Ngay khi viết những dòng này, tôi cũng sợ bị người đời cho rằng tôi cố tình nói dối vì làm gì có chuyện đó. Vậy mà chuyện đó là có thật. Và còn thật hơn nữa là chính thầy giáo của tôi, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Quốc Liên mời cả Hội đồng, tôi - học sinh của thầy và người thân của tôi đi ăn bữa cơm thân mật để chúc mừng cho học trò của mình đỗ đạt; rồi thầy Lã Nhâm Thìn cũng mời chúng tôi ăn bữa cơm, mừng cho tôi đậu Tiến sĩ. 
             Không hiểu sao đến hôm nay tôi mới kể những chuyện này, có lẽ vì cuộc sống với những câu chuyện “phong bì, phong bao” đã ám ảnh và tác động đến nơi cất giữ những gì thiêng liêng nhất trong tâm hồn tôi, để đến hôm nay tôi đã viết ra những câu chuyện có thật trong chặng đường làm luận án Tiến sĩ của mình, nhiều khi sự thật khiến cho người ta khó tin vì không phải sự thật nào cũng tồn tại thường nhật.
                                                                                                                                                                                                                         Hoàng Thu Thủy
Nguồn "Trường CĐSP TTH"
Các tin khác
Xem tin theo ngày