Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.696.540
Truy câp hiện tại 2.837
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Một nhân cách hoàn hảo
Ngày cập nhật 20/06/2012

Nhân dân Việt Nam gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác Hồ, là vị cha già dân tộc. Người là thành viên của mỗi gia đình, được mọi người kính yêu và tuyệt đối tin tưởng. Tên tuổi và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người luôn được nhắc đến với một niềm tôn kính, thiêng liêng. Người dân đất Việt đều coi Bác Hồ là hiện thân của một “ông tiên”, “vị thánh” của Á Đông.

Nhà báo Giắc-cơ Đơ-cooc-noi từng viết trên tờ báo Thế Giới (Pháp): “Cụ không thích người ta sùng bái Cụ... Cụ không cần phải có những chuyên gia về quảng cáo để tô điểm cho Cụ. Nhân dân thế giới sẽ còn nhớ mãi đến Cụ, khi mà chẳng còn ai chú ý đến tên tuổi Giôn-xơn và Nich-xơn trên danh sách các tổng thống Mỹ. Nhân dân Việt Nam yêu mến Cụ vì những gì Cụ đã làm cho họ và vì những gì mà Cụ là hiện thân”.
Thủ tướng Ấn Độ J.Nê-ru cũng nhận xét về Người tương tự như bài viết của Đơ-cooc-noi trên tờ Thế Giới: “Người không phải chỉ là một người yêu hòa bình mà còn là một nhân vật đặc biệt đáng yêu và hữu nghị, một con người không nghĩ gì đến mình, giản dị và khiêm tốn. Là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người không tự giam mình trong tháp ngà. Về cơ bản, Người là một con người của quần chúng, một lãnh tụ có sự kết hợp hiếm có giữa lòng khoan dung tột độ và ý chí kiên quyết nhất, xét theo bất cứ tiêu chuẩn nào, Người cũng là một nhân vật nổi bật nhất trong thời đại chúng ta”.
“Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại ngày nay, hơi giống Găng-đi, một chút Lênin và hoàn toàn Việt Nam. Có lẽ hơn bất kỳ một người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc của ông và đối với cả thế giới, ông là hiện thân của một cuộc cánh mạng. Ông là một người Bôn-sê-vích kỳ cựu và một thành viên sáng lập của Đảng Cộng sản Pháp (có điều gì xa lạ hơn đối với nông dân bình thường?). Thế nhưng đối với hầu hết nông dân Việt Nam, ông là biểu tượng của đời sống, hy vọng, đấu tranh, hy sinh và thắng lợi của họ...” (Hồ Chí Minh, NXB Sơi, Pa-ri, 1967).
Đúng như tướng P.Va-luy (Pháp) trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí Hành Tinh - Hành Động đã khẳng định: “Người tỏ ra có quyền lực lãnh đạo đối với mọi người bằng tấm lòng nhân hậu, chí công vô tư, bằng tuổi tác, bằng trí thông minh và trình độ học thức, nói chung bằng tất cả vốn văn hóa cách mạng đã tích tụ được ở Pháp, ở Nga và có thể ở nhiều nơi khác. Đó là một nhân vật trung tâm điều hành công việc hoàn toàn xả thân vì nhiệm vụ không một chút lợi riêng tư. Trong ánh mắt những người xung quanh và người đối thoại, Hồ Chí Minh là một người vô cùng đức độ”.
Trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh có một sức mạnh khiến người ta vững tin rằng có Người ở Việt Nam thì không có chuyện gì xảy ra, rằng không bao giờ vắng Người ở Việt Nam và vì thế Việt Nam mãi mãi có Người, Việt Nam mãi mãi là của Người, kể cả những khi Bác ở xa Tổ quốc. Đúng như đạo diễn E-ca-tê-ri-na Véc-ni-sê-va trên Tạp chí Tổ Quốc (Liên Xô) số 9-1985 đã đánh giá: “Mối liên hệ giữa đồng chí Hồ Chí Minh với đất nước và đồng bào mình là mối liên hệ thường xuyên và vững chắc. Trong nhiều năm Người sống xa Việt Nam nhưng không bao giờ mối liên hệ đó suy giảm đi, đó là nguồn sức mạnh và là chỗ dựa vững chắc của Người trong những năm khó khăn nhất. Làm cách mạng, tìm kiếm con đường đi đến tự do, đó là tính chất chủ yếu trong nhân cách của đồng chí Hồ Chí Minh”.
Năm 1966, tại Nhà sách Viện Hàn lâm Béc-lin (Đức), trong cuốn Trở thành người Bác như thế nào?, Ê-len Tuôc-me-rơ đã tổng kết con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa của tinh hoa nhân loại và thế giới: “Nếu so sánh với vũ khí thì điều đó quan trọng không kém tất cả vũ khí của Hạm đội 7...  Hình ảnh của Hố Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên. Có thể nói vận mệnh của hành tinh chúng ta nằm trong tay Hồ Chí Minh nếu không phải là suy diễn quá xa”.
Ngày 2-9-1969, thế giới nghiêng mình, loài người tiếc thương khi trái tim của Người ngừng đập. Trong thời khắc thiêng liêng ấy, ngay cả kẻ thù của Người cũng tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ đến Người. “Người ta kể lại rằng trong những ngày này, khi gặp người Việt Nam trên đường phố Sài Gòn, lính Mỹ sợ không dám ngước mắt lên. Để tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ đồng chí Hồ Chí Minh, nhiều người dân Sài Gòn đã đóng cửa hàng và tiệm cà phê. Mặc dù bị cấm, một số tờ báo vẫn đăng chân dung Hồ Chủ tịch trong khung tang, một tờ báo khác còn đăng cả một bài xã luận dài nêu bật hình ảnh vị lãnh tụ vừa từ trần là “một nhân vật truyền thuyết trong lịch sử Việt Nam” (Trích Tạp chí Thời Mới số 38, ngày 24-9-1969).
Chính tấm gương của con người mới này, một con người xa lạ với mọi thứ của chủ nghĩa cá nhân, con người không thể thiếu được, hiện thân của mọi cái là xã hội chủ nghĩa, đó là hình ảnh của con người tương lai. Xã luận Báo Chiến Đấu của Trung ương Mặt trận Dân tộc An-giê-ri ngày 6-9-1969 cũng đã nói về nhận thức của phe đối lập, những kẻ thù của Người, rằng: “Những kẻ thù xấu xa nhất cũng bắt buộc phải tôn trọng Người. Những nhà văn, nhà báo dù có ác ý nhất cũng không thể tìm thấy một chút thiếu sót nhỏ nhặt nào trong cuộc đời gần 80 năm của Người. Đây cũng là một trong những bài học mà chúng ta có thể rút ra từ cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: người ta không thể là nhà cách mạng trong những việc lớn mà lại thiếu sót trong những việc nhỏ”.
Đến thăm ngôi nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị khách quốc tế được hiểu biết thêm và khắc sâu lòng kính yêu Người. Từ cách sinh hoạt, cách bài trí các đồ dùng trong nhà của Người... Tất cả đều toát lên Bác Hồ kính yêu là một tấm gương tuyệt đẹp trong cuộc đời khiêm tốn, giản dị của mình. Đồng chí Xa-phích Ho-rê-hơ Ha-đen, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản En Xan-va-đo đã cảm nhận: “Ngôi nhà nhỏ bé giản dị của Bác Hồ chứa đựng một bài học hùng hồn và rõ ràng về đức tính khiêm tốn cách mạng, trí thông minh, bình tĩnh phục vụ nhân dân và sự nghiệp giải phóng, kiên quyết lên án mọi biểu hiện sùng bái cá nhân...”. (Trích Sổ ghi cảm tưởng khu di tích Hồ Chí Minh ngày 1-6-1980).
“Đối với những người Xô Viết, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quý giá và gần gũi, bởi vì Người là người bạn lớn của Liên Xô. Tên tuổi của Người được yêu mến và kính trọng sâu sắc trên Tổ quốc của Cách mạng Tháng Mười” (Thông tấn xã Liên Xô, ngày 17-5-1989).
Còn Thủ tướng ấn Độ In-đi-ra Gan-đi đã khẳng định: “Đức độ lượng, tính giản dị, tình yêu nhân loại, sự tận tụy hy sinh và lòng dũng cảm của Người sẽ cổ vũ thế hệ mai sau”. Chủ tịch Đảng Cộng sản cộng hòa Liên Bang Đức Hơ-bớt Mi-sơ cũng phát biểu: “Có biết bao nhiêu tấm gương cổ vũ lớp người trẻ đứng vào hàng ngũ của phong trào cộng sản. Hồ Chí Minh đã và đang là những tấm gương như vậy. Bởi vậy đồng chí Hồ Chí Minh đã dựng nên một đài kỷ niệm sống vĩ đại ở nước Cộng hòa Liên bang Đức”.
Cách xa nước ta nửa vòng trái đất, tác giả Đây-vít Hên-bớc-xtơn trong cuốn sách Hồ, NXB Ran-đôm Hao-sơ, Niu-Oóc năm 1971, đã khái quát: “Ông Hồ không cố ý tìm kiếm những cái trang sức cho quyền lực, vì ông tự tin ở mình và ở mối quan hệ của ông với nhân dân và với lịch sử đến nỗi không cần những pho tượng, những cái cầu, những pho sách và những tấm ảnh để chứng tỏ điều đó cho mình và cho thiên hạ thấy. Người ta cảm thấy ở ông Hồ một niềm tự tin: mình là ai, cái mình đã làm, một niềm tin sâu sắc đến nỗi không khó khăn gì mà không làm cho nhân dân thấy được điều đó. Việc ông từ chối sự sùng bái cá nhân là đặc biệt đáng chú ý trong cái xã hội kém phát triển, nơi mà trong một thời gian ngắn từ một nông dân nghèo lên địa vị một người đứng đầu nhà nước thường làm đề tài cho người ta bàn tán xôn xao và gây ảnh hưởng nhiều hơn là những vật kỷ niệm tự mình xây dựng lên”.
Thái độ ân cần, niềm nở với bất kì ai: gái, trai, trẻ, già, do đó Bác Hồ đã gây được thiện cảm của họ ngay từ lúc ban đầu gặp gỡ. Người tiếp xúc với Bác Hồ thấy được vốn sống dồi dào, một sự hiểu biết rộng lớn, với trình độ văn hóa của một người mà không ai quên rằng người đó đã là nhà báo, một nhà văn và một nhà thơ trong số những nhà báo, nhà văn, nhà thơ ưu tú nhất ở Việt Nam. Vì: “Từ con người của Chủ tịch còn tỏa ra ánh sáng của người chiến sĩ cách mạng đã hoạt động tích cực ngay từ những ngày còn nhỏ tuổi, của nhà yêu nước, yêu dân tộc, yêu xứ sở mình và suốt đời chỉ có một mục đích là làm sao cho dân tộc mình được tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh không muốn ai sùng bái mình, nhưng hiếm có một lãnh tụ lại được người ta tôn kính như Người. Đó là lòng yêu mến tuyệt đối của cả một dân tộc đối với Người, khi cả dân tộc đó đều thấy có mình trong con người đó và con người đó đã hy sinh tất cả cho dân tộc mình” (Hồ Chí Minh, NXB Sơi, Pa-ri 1967, tác giả Lê-ô Phi-ghê).
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được một tờ báo của Cộng hòa Liên bang Đức ngày 4-9-1969 đặt trong "Khung vàng - thước ngọc”, trong đền thờ của các bậc vĩ nhân: “Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng được đặt vào đền thờ những anh hùng của thời đại, hay nói một cách mạnh hơn, đúng với ảnh hưởng của Cụ thì xứng đáng được đặt vào đền thờ những bậc vĩ nhân”.
Hiện nay, toàn Đảng ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần lấy “hình mẫu nhân cách hoàn hảo của Bác Hồ” làm thước đo cá nhân mình, noi gương Bác sống giản dị, trong sáng, có nghĩa có tình, trọn đời vì dân vì nước, không ngừng chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần để nhân dân được ấm no, hạnh phúc, “quốc thái dân an”.

Lương Duy Niệm (Nguồn: TC Xây dựng Đảng)
Các tin khác
Xem tin theo ngày