Thanh niên luôn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Trần Quốc Toản, Trần Nhật Duật, Lê Lợi, Nguyễn Huệ,... đều là những người chí lớn, tài cao, lập công khi đang ở tuổi thanh niên. Hồ Chí Minh đã khái quát truyền thống đó trong cuốn “Lịch sử nước ta”:
"Thiếu niên ta rất vẻ vang,
Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời".
Những năm tháng tuổi trẻ, được hòa mình vào cuộc sống lao động, đấu tranh của nhân dân nhiều nước trên thế giới, Hồ Chí Minh có điều kiện tìm hiểu thêm về vai trò của thanh niên trong sự phát triển của lịch sử nhân loại. Nhờ có phương pháp luận mác xít và những hiểu biết thực tiễn phong phú, Người càng phát hiện tiềm năng to lớn của lực lượng này trong cuộc đấu tranh cách mạng và sự phát triển xã hội. Người nhận thấy thanh niên có những ưu điểm nổi trội: trẻ, khỏe, chiếm số đông trong xã hội, hăng hái, nhiệt tình, nhanh nhạy tiếp thu cái mới, giàu ước mơ ... Đó là lứa tuổi ham hiểu biết, giàu niềm tin, tự thể nghiệm mình, có khả năng tiềm ẩn trong việc thực hiện lý tưởng, mục tiêu cao quý... Do vậy, nếu biết định hướng, động viên đúng thì thanh niên sẽ say sưa với lý tưởng sống cao đẹp, phát huy tài năng, tính sáng tạo, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa.
Nhìn thấy rõ vai trò rất to lớn của thanh niên trong cách mạng văn hóa, Hồ Chí Minh cho rằng muốn vận động nhân dân đứng lên làm cách mạng, trước hết phải làm cho tầng lớp thanh niên của dân tộc giác ngộ. Nếu họ không được giác ngộ, không đủ nghị lực, không còn sức sống, chỉ chạy theo “rượu cồn và thuốc phiện” thì dân tộc có nguy cơ diệt vong. Thanh niên phải khẳng định vai trò của mình trước vận mệnh của dân tộc. Và chính Hồ Chí Minh đã thức tỉnh được lực lượng quan trọng này. Khi thanh niên Việt Nam có lý tưởng cách mạng soi đường, họ đã hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, cùng với Đảng, với dân tộc làm nên thắng lợi cách mạng tháng Tám năm 1945. Chỉ trong vòng 15 năm ấy đã có hàng nghìn thanh niên trở thành cán bộ trung kiên của Đảng như Lý Tự Trọng, Trần Phú, Châu Văn Liêm, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai...
Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước độc lập, tiền đồ rạng rỡ của dân tộc được mở ra trước mắt thế hệ trẻ. Trong điều kiện mới, Hồ Chí Minh khẳng định: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà... nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Khi miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người đã nhìn thấy thanh niên là lực lượng nòng cốt để xây dựng xã hội mới, bởi:
- Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ cách mạng đi trước đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thiếu niên nhi đồng - thế hệ thanh niên tương lai.
- Thanh niên là người xung phong vươn lên phía trước trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội;
- Thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và quân dân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự, trị an, bảo vệ Tổ quốc;
- Trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu: Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm.
Hồ Chí Minh khẳng định: thanh niên có sứ mạng lịch sử vẻ vang đối với cách mạng nước mình và cách mạng thế giới, đó là thanh niên trong giai cấp công nhân, giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất tiến bộ nhất trong lịch sử, là người xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trên thế giới. Người cho rằng: Thanh niên các nước đoàn kết với nhau, tin tưởng vào khả năng đấu tranh của mình để giữ gìn hòa bình thế giới, thực hiện hợp tác cùng nhau để xây dựng đời sống hạnh phúc tươi vui.
Bên cạnh việc khẳng định những ưu điểm của thanh niên, Hồ Chí Minh cũng luôn chỉ ra những mặt yếu, những nhược điểm của họ, đó là sự thiếu từng trải trong cuộc sống, một số chưa chịu khó học tập, mắc bệnh hình thức, bệnh cá nhân, tự cao, tự đại... Hồ Chí Minh chỉ rõ: phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt yếu là con đường để tự hoàn thiện nhân cách của thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải không ngừng rèn luyện tinh thần và lực lượng cho mình, phải làm những việc chuẩn bị cái tương lai đó.
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của thanh niên, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên. Nghị quyết khẳng định: “Đảng ta tiếp tục đề cao vai trò, vị trí quan trọng của thanh niên; xác định thanh niên là lực lượng xung kích trong giai đoạn cách mạng mới”; “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người”. Đồng thời nêu rõ “thanh niên nước ta đang đứng trước những cơ hội, thuận lợi lớn, nhưng cũng phải đương đầu với những khó khăn, thách thức không nhỏ…”.
Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người “vừa hồng, vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng đề ra đường lối, chủ trương định hướng cho thanh niên hành động, xác định các chuẩn mực cho thanh niên phấn đấu; xây dựng các tấm gương điển hình tiêu biểu cho thanh niên học tập và noi theo. Bên cạnh đó, sự nỗ lực học tập, rèn luyện và phấn đấu không ngừng của thanh niên theo tấm gương Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng để xây dựng thế hệ thanh niên thời kỳ mới.