TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 3.506
Lê Đức Anh, nhà lãnh đạo tầm cỡ thời kì đổi mới
Ngày cập nhật 08/12/2009

Ngày 1/12, Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh 90 tuổi. Đánh giá về ông, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng ông là một trong những người lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước. Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết về ông.

Nói về Đại tướng Lê Đức Anh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng viết: "Ngần ấy thời gian biết anh Sáu Nam - Lê Đức Anh, có lúc cùng chiến trường, có lúc ở cấp lãnh đạo Nhà nước, anh là một cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị tướng chỉ huy cương nghị, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm. Một Bộ trưởng Quốc phòng trong thời bình xây dựng có nhiều đổi mới trong tổ chức và bố trí lực lượng quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân; một trong những người lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước..." .

Trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc, có những người gắn liền cuộc đời mình với vận mệnh nhân dân, đất nước... Cuộc đời hoạt động của họ góp phần không nhỏ làm thay đổi thế cuộc mở ra một cách nhìn, cách nghĩ một cách làm với hướng đi mới.

Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những con người như thế!

Ông sinh ra và lớn lên ở làng Truồi - Huyện Phú Lộc - Tỉnh Thừa Thiên Huế. Quê ông nghèo lắm, dân quanh năm phải ăn khoai, sắn và đi làm thuê bởi thiên nhiên khắc nghiệt, đất toàn cát pha sét. Chỉ một trận dịch đậu mùa cũng đã cướp đi ba sinh mạng của anh, chị ông. Ông tuy bị nặng nhất, nhưng lại được "trời cứu" thoát khỏi tử thần. Nhưng từ đó, mắt trái của ông bị mờ, chân trái bị yếu hẳn đi.

Thế mà, ông đã có mặt ở những địa bàn khốc liệt nhất, trong những thời điểm gay go nhất, có thể nói là "nghìn cân treo sợi tóc" suốt những năm dài cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước.

"Ông là một cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị tướng chỉ huy cương nghị,
bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm".

90 năm tuổi đời, 71 năm tuổi Đảng, Đại tướng Lê Đức Anh đã đi suốt cuộc đời trên chiến trường (chống Pháp, chống Mỹ hơn 30 năm chiến tranh, 10 năm giúp bạn đánh bại bọn diệt chủng Polpot) và trong những năm đầu Đổi Mới bằng tấm lòng yêu nước, bản lĩnh và tinh thần dám chịu trách nhiệm như thế.

Ông, một con người dường như sinh ra để gánh vác trọng trách, có tầm nhìn chiến lược, thông minh, sắc sảo, thận trọng và quyết đoán, phải trái phân minh, trắng đen rõ ràng... nhưng lại đầy lòng nhân ái chân thành, độ lượng, luôn lắng nghe ý kiến mọi người, nhất là thế hệ trẻ, kể cả những lời "nghịch nhĩ".

Trong lời tựa của cuốn sách "Đại tướng Lê Đức Anh" do Nhà xuất bản QĐND, ấn hành tháng 9/2005, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười khẳng định: "Anh nắm chắc tình hình, trong ngoài nước và tình hình quân đội nên giải quyết chắc chắn. Sinh hoạt và lối sống giản dị, mẫu mực. Tôi cho rằng anh Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta".

Chính vì thế, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhận định: "Công bằng mà đánh giá, cũng không có nhiều tướng lĩnh như anh Lê Đức Anh".

Tỉnh táo trước thời đại, cương nhu đúng lúc

Trong bài viết Một vài kỷ niệm nhỏ về đồng chí Lê Đức Anh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết: Với vai trò của Bộ trưởng Quốc phòng, rồi Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh cùng với tập thể lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã có những đóng góp quan trọng. Anh là người có tầm nhìn sâu và rộng trong các vấn đề chiến lược của đất nước. Tham gia giải quyết các vấn đề lớn thuộc thẩm quyền Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương: nghiêng về phía "chắc", "cứng" trong chủ trương và giải pháp.

Thế nhưng, trong quan hệ đối ngoại, đặc biệt với các nước lớn, ông Lê Đức Anh, vị tướng lĩnh suốt đời trận mạc lại vừa mềm dẻo, khôn khéo, vừa rất kiên quyết giữ đúng lập trường, nguyên tắc.

Tháng 8/1991, Đại tướng Lê Đức Anh với tư cách là "đặc phái viên của Bộ Chính trị" sang thăm nội bộ Trung Quốc để bàn bạc những vấn đề cụ thể việc bình thường hóa quan hệ hai nước.

Trước khi Hội đàm, Tổng bí thư Giang Trạch Dân gặp riêng Đại tướng Lê Đức Anh nêu một vài vấn đề "khá hóc búa": "Tới đây lãnh đạo hai nước gặp nhau sẽ mở lại trang sử tốt đẹp quan hệ Trung- Việt. Nhưng có một vấn đề quan trọng phải họp riêng, vì ra họp chung khó nói. Tôi ở địa phương mới lên làm Tổng bí thư. Trước chưa biết nhưng sau này nghiên cứu lịch sử mới biết Trường sa là của Trung Quốc", ông Lê Đức Anh đáp: "Tôi cũng giống như đồng chí, tôi ở chiến trường mới về. Khi về Trung ương có dịp nghiên cứu về lịch sử, địa lí và pháp lí thì thấy rõ Hoàng sa và Trường sa là thuộc lãnh thổ Việt Nam". Bây giờ chúng ta nên cử các cơ quan chức năng nghiên cứu và xác định cụ thể. Nghe vậy, ông Giang không nói gì nữa, chỉ cười thôi" (Tr 222, sách "Đại tướng Lê Đức Anh", tác giả: Khuất Biên Hòa)

Sau khi ông Lê Đức Anh đi "tiền trạm" về. Từ ngày 3 đến ngày 10/11/1991, Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thăm chính thức Trung Quốc. Hai bên Hội đàm, ra thông cáo chung và kí kết Hiệp định chính thức quan hệ bình thường giữ hai nước trên cơ sở 5 nguyên tắc hòa bình, đồng thời kí cả quan hệ bình thường giữa hai Đảng, khép lại 15 năm đối đầu căng thẳng.

Song với tầm nhìn chiến lược, Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh bắt tay ngay vào điều chỉnh chiến lược quốc phòng Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng các khu vực phòng thủ trong thế trận chiến tranh nhân dân mà trước đó ông đã đề xuất được Bộ Chính trị nhất trí. Bởi vậy, những đơn vị chủ lực lớn lui về phía sau và nhất định không để "hở sườn", bỏ trống Tây Nguyên. Đồng thời, ông kiểm tra tình hình mọi mặt của bộ đội, mặc dù sức khỏe của ông lúc này rất yếu.

Ngày 7/5/1988, tại đảo Trường Sa giữa biển trời mênh mông, bên cột mốc biểu tượng chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam, ông đã cùng đơn vị bộ đội Hải quân long trọng làm lễ "tuyên thệ": "Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc. Xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau. Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta!".(Tr 230, sđd)

Khi Liên Xô sụp đổ, mặc dù "Hiệp định hợp tác toàn diện" ta đã kí với Liên Xô vẫn còn hạn đến năm 2004; nhưng Đại tướng Lê Đức Anh đã chỉ đạo rất sát sao và khôn khéo đàm phán với Cộng hòa Liên Bang Nga để họ trao trả ta Cảng quân sự Cam Ranh.

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười cho biết: "Giai đoạn tôi làm Tổng Bí thư, anh Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước, anh Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng, anh Đoàn Khuê làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đây là thời kỳ ta triển khai công tác đổi mới rất mạnh, mà trọng tâm là đổi mới về kinh tế...Khi anh Lê Đức Anh làm Chủ Tịch nước thì ta thật sự mở rộng quan hệ với nước ngoài" tr247...

Về việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, ông Anh cho biết:"Chủ trương này trước hết do một số các anh: anh Linh, anh Mười, anh  Kiệt, trong Bộ Chính trị và anh Tô, cố vấn đề ra". Song không thể không nói đến vai trò quan trọng của Chủ tịch nước Lê Đức Anh, người mở đột phá khẩu tài tình trong việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ bằng con đường tiếp cận khoa học.

Từ đó quan hệ Việt - Mỹ ngày càng được mở rộng... 10/1995 Chủ Tịch Lê Đức Anh là Nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam đặt chân tới đất Mỹ. Ông sang New York dự lễ "Kỷ niệm 50 năm Liên hợp quốc". Trong bài phát biểu của mình, ông nói:"Làm sao để trên thế giới không còn hận thù mà chỉ có hợp tác, giữa các dân tộc và các quốc gia".

Dân là gốc nước

Đối ngoại thì như thế, đối nội ông luôn coi dân là gốc nước, suốt cuộc đời ông canh cánh lo cho cuộc sống của nhân dân đặc biệt là nông dân. Ông lặn lội về vùng sâu của các căn cứ cách mạng thời chiến tranh thăm hỏi bà con và phát hiện ra bà con nông dân bị mất ruộng.

Vị Đại tướng già chưa bao giờ thôi ưu tư về thế cuộc,
về những vấn đề hệ trọng của đất nước và Dân tộc. Ảnh: PLTP

Khi ông làm việc với tỉnh Kiên Giang và Cần Thơ, ông nói thẳng với lãnh đạo cấp tỉnh:"Nay ta đã có chính quyền rồi, đã nắm quyền rồi thì cán bộ biến thành địa chủ, tư tưởng địa chủ đã xuất hiện, anh là cán bộ Đảng viên nhưng không chịu gột rửa tư tưởng tiểu nông trong con người anh, thì khi có quyền trong tay, hoặc anh sẽ trở thành địa chủ, hoặc anh sẽ vô cảm... Tôi biết, có người là Đảng viên lão thành trước làm tổ chức chính quyền, song về hưu làm chủ trang trại mấy chục héc ta. Mà làm thuê cho anh lại chính là những người nông dân nghèo khó mà anh vừa mới tham gia cách mạng để giải phóng họ. Với Bộ Chính trị tôi cũng nói nhiều lần, nói kiên trì lắm". (Tr 258).

Những điều trên, Chủ tịch Lê Đức Anh nói cách đây mười năm về các trang trại ngày nay đã thấy rõ.

Mười mấy năm lui về sống giản dị trong căn nhà công vụ của quân đội với đồ đạc đơn sơ, vị Đại tướng già chưa bao giờ thôi ưu tư về thế cuộc, về những vấn đề hệ trọng của đất nước và Dân tộc.

Nguồn: Tuần Việt Nam
Các tin khác
Xem tin theo ngày