TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 4.013
Bài 3: Phát huy hệ giá trị văn hóa để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Ngày cập nhật 30/01/2023

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, những trầm tích văn hóa kết tinh ở hệ giá trị đã tạo nên sức mạnh nội sinh, giúp dân tộc ta giành được những thắng lợi trong quá trình dựng nước và giữ nước. Chính bởi vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc phát huy các hệ giá trị văn hóa là yếu tố quan trọng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Hệ giá trị văn hóa không mới nhưng chưa bao giờ cũ

Khẳng định tầm quan trọng của văn hóa, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Hệ giá trị văn hóa là một phương diện quan trọng của một nền văn hóa và thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa.  

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, hệ giá trị văn hóa là vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ mà luôn được đề cập tới trong các văn bản, nghị quyết, trong các diễn đàn thảo luận về các vấn đề văn hóa- xã hội, trong các công trình nghiên cứu văn hóa và trên truyền thông.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm cho rằng, hệ giá trị văn hóa là một phương diện quan trọng của một nền văn hóa và thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa. Hệ giá trị văn hóa đã và đang được thực hành đa dạng, sống động trong đời sống xã hội, việc gọi tên, đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa là vô cùng quan trọng, giúp cho chúng ta có những nhìn nhận bao quát hơn, đầy đủ hơn và phát huy được hiệu quả hơn chức năng định hướng, đánh giá, điều chỉnh của hệ giá trị văn hóa. Hơn nữa, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa còn thể hiện mong muốn, khát vọng của chúng ta về những hệ giá trị tốt đẹp.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (1998) đã ghi dấu mốc quan trọng khi đề cập giá trị văn hóa, khẳng định sự cần thiết phải “sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới”. Từ đây, vấn đề giá trị, hệ giá trị văn hóa luôn được đề cập trong các văn kiện của các kỳ Đại hội. Qua văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước qua các thời kỳ, Đảng ta đã từng bước định hình rõ nhiệm vụ sáng tạo, hoàn thiện, đúc kết nghiên cứu, triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa. Theo đó, hệ giá trị văn hóa mang tính khái quát được đề cập là: Dân tộc, Nhân văn, Dân chủ, Pháp quyền và Khoa học và 7 đặc tính cơ bản được xác định là những chuẩn mực giá trị của con người Việt Nam: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

 Hệ giá trị văn hoá truyền thống tạo nên tinh thần lạc quan Việt Nam, tạo cho con người Việt Nam một sức sống mãnh liệt vượt qua những khó khăn, nguy hiểm của bom rơi đạn lửa, những vất vả, gian nan.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Nghĩa, Viện Triết học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, hệ giá trị văn hoá là sản phẩm của con người và sự phát triển xã hội. Hệ giá trị văn hoá được định hướng bởi hệ chuẩn mực con người Việt Nam truyền thống, có một năng lượng rất to lớn thể hiện ở lòng yêu nước, yêu làng xóm, quê hương yêu người thân thuộc như một cộng đồng bền chặt. Hệ giá trị văn hoá truyền thống tạo nên tinh thần lạc quan Việt Nam, tạo cho con người Việt Nam một sức sống mãnh liệt vượt qua những khó khăn, nguy hiểm của bom rơi đạn lửa, những vất vả, gian nan của những mùa bão lũ, hạn hán và thiên tai. Hệ giá trị văn hoá truyền thống tạo nên tinh thần đoàn kết cộng đồng làng xã. 

“Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các giá trị trong hệ giá trị văn hoá Việt Nam đã vận động theo những định hướng gắn văn hóa với chính trị, kinh tế và văn hóa nằm trong chính trị và kinh tế, bảo vệ phẩm giá dân tộc, xây dựng một xã hội mới giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hệ giá trị văn hóa dưới sự định hướng của Đảng đã khẳng định những giá trị chân - thiện - mỹ, dân tộc - dân chủ - nhân văn - khoa học” - PGS.TS Nguyễn Thu Nghĩa nhận định.

GS.TS Bùi Thanh Quang, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, cho rằng, bên cạnh những giá trị chung mang tính phổ quát mà nhân loại hướng tới như chân - thiện - mỹ vốn đã được giới khoa học xã hội và nhân văn quan tâm nghiên cứu sâu sắc, nhận diện được vai trò trụ cột cơ bản trong nền văn hóa thế giới, cũng như vai trò định hướng chung cho các nền văn hóa khác nhau thì còn có những giá trị văn hóa và hệ giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc, tộc người, được sản sinh ra từ đặc trưng lịch sử sinh kế, sinh tồn, điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử - xã hội cụ thể của từng dân tộc. Từ đó, trong mỗi dân tộc, tộc người luôn tồn tại một cách tự nhiên hệ giá trị văn hóa tổng quát và những hệ giá trị văn hóa bộ phận. Các giá trị và hệ giá trị văn hóa đó cũng luôn ẩn chứa những yếu tố, thành tố có sự tiếp biến, biến đổi tùy theo mức độ và cấp độ cũng như phạm vi hội nhập, giao lưu giữa các dân tộc, tộc người trong những không gian cư trú, sinh kế và sinh hoạt văn hóa nhất định, hay trong những điều kiện phát triển của khoa học - công nghệ và phương tiện truyền thông nhất định.

GS.TS Bùi Thanh Quang nhận định, giá trị văn hóa và hệ giá trị văn hóa Việt Nam mang bản sắc dân tộc, tộc người, vừa giữ nét riêng vừa mang đặc trưng văn hóa chung của cộng đồng quốc gia đa dân tộc trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Một mặt, giá trị văn hóa và hệ giá trị văn hóa Việt Nam trải qua hàng nghìn năm được các thế hệ sáng tạo, bồi đắp, lưu truyền và bảo vệ đã luôn tàng ẩn trong hệ thống di sản văn hóa dân gian, thông qua hàng loạt các hệ thống truyện kể, các sinh hoạt thực hành tín ngưỡng, lễ hội, các di tích lịch sử-văn hóa và được tổng kết, trao truyền qua kho tàng tri thức địa phương.

 Các giá trị/hệ giá trị văn hóa hàm chứa đã và đang là nguồn lực mang năng lượng quan trọng giữ vai trò chủ đạo cho chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. 

Từ đó, các giá trị văn hóa và hệ giá trị văn hóa được kết tinh, đọng lại trong các biểu tượng văn hóa vốn được nhận diện từ các kho tàng truyền thuyết, từ thực hành tín ngưỡng, lễ hội, mỹ thuật, điêu khắc dân gian… Mặt khác, hệ thống các giá trị văn hóa được sinh thành, tôn tạo, bồi đắp và lưu truyền qua các thế hệ chính là bệ đỡ cho các giá trị truyền thống được lan tỏa, nhân rộng tới các thời đại của các thế hệ hậu sinh.

Giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam

Trên đà giao lưu và hội nhập văn hóa trong bối cảnh sôi động và phức tạp của môi trường văn hóa toàn cầu, văn hóa Việt Nam với hạt nhân là các giá trị/hệ giá trị văn hóa hàm chứa đã và đang là nguồn lực mang năng lượng quan trọng giữ vai trò chủ đạo cho chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong nước cũng như tạo nên “sức mạnh mềm” thu hút và thúc đẩy phát triển du lịch ở hầu khắp các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước.

Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và hội nhập, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.

 Hội thổi cơm thi ở thôn Lương Quy (xã Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội).

Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước ta đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đang có những tác động lớn lao tới hệ giá trị con người Việt Nam. Bên cạnh những giá trị tốt đẹp tiếp tục được củng cố và phát huy, thì cũng có không ít biểu hiện “lệch chuẩn”, hành vi “phản giá trị”, ứng xử vô văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống.

Theo GS.TS Bùi Quang Thanh, quá trình đô thị hóa bên cạnh việc tạo ra xung lực tích cực cho phát triển kinh tế và nâng cao mức sống, tạo công ăn việc làm cho người dân, mang lại sự thay đổi mạnh mẽ đời sống văn hóa ở các làng quê; nhưng đồng thời cũng dẫn tới những thay đổi sâu sắc về nếp sống, quan niệm đạo đức, thuần phong mỹ tục, cũng như cách thức quan hệ truyền thống của cộng đồng vốn đã và đang định hình một cách cố hữu với văn hóa làng, bản. Sự tác động sâu rộng và toàn diện vào đời sống cộng đồng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở các vùng, miền là tác nhân tạo ra sự biến đổi của văn hóa truyền thống các dân tộc, tộc người, đặc biệt là các không gian gắn với đô thị, thị tứ và hoạt động công nghiệp, thương nghiệp.

 Tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ môi trường văn hóa, tạo cơ sở môi sinh cho sự tồn tại của các không gian văn hóa, nơi thực hành và nuôi dưỡng các giá trị, hệ giá trị văn hóa cho cộng đồng.

Trong bối cảnh phát triển của xã hội như vậy, các chuẩn mực của giá trị văn hóa, hệ giá trị văn hóa ở từng cộng đồng, dân tộc, tộc người tất yếu sẽ bị tác động và ảnh hưởng sâu sắc. Thực tế cho thấy, hầu hết các cặp quan hệ từ phạm vi không gian văn hóa gia đình đến không gian văn hóa nhà trường và rộng hơn là không gian văn hóa xã hội đã bị tiếp biến hoặc biến đổi. Nhiều cách sống, cách sinh hoạt mới lạ trong giới trẻ đã phát sinh. Không ít quan niệm, lối sống đã đi ngược với những chuẩn mực văn hóa - đạo đức của cộng đồng, gây ra những ảnh hưởng phản giá trị, phản văn hóa, đã và đang bị cộng đồng phản ứng ở những cấp độ và mức độ khác nhau. Một bộ phận lớn giới trẻ vô cảm hoặc chưa nhận thức về giá trị di sản văn hóa truyền thống, hướng đến những thứ văn hóa ngoại lai xa lạ, gây ra những tác hại xâm phạm đạo đức, nhân cách của người khác...

Cũng từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các sản phẩm hàng hóa công nghiệp là tác nhân dẫn đến sự thu hẹp hoặc triệt tiêu các sản phẩm thủ công truyền thống, dẫn đến sự khan hiếm trang phục các dân tộc, tộc người, các nghề thủ công ở các làng bản và các dấu ấn mang bản sắc dân tộc, từ mỹ thuật dân gian, kiến trúc nhà ở đến các vật dụng gắn với các biểu tượng văn hóa và đặc trưng văn hóa tộc người.

Trong quá trình xây dựng giá trị/hệ giá trị văn hóa hiện nay, GS.TS Bùi Quang Thanh lưu ý hướng tới việc xây dựng cơ chế, chính sách gắn kết với quá trình bảo vệ môi trường văn hóa, tạo ra không gian văn hóa nuôi dưỡng các giá trị văn hóa và hệ giá trị văn hóa trong từng cộng đồng dân tộc nhất định.

Tạo ra không gian văn hóa nuôi dưỡng các giá trị văn hóa và hệ giá trị văn hóa trong từng cộng đồng dân tộc nhất định. 

Xây dựng một cách bài bản, đúng chuyên môn đội ngũ nhân lực thực thi công tác quản lý nhà nước về văn hóa; xây dựng bộ công cụ phục vụ nội dung, cách thức quản lý.

Nghiêm túc thực thi nhiệm vụ xây dựng hương ước, quy ước văn hóa làng, bản song hành với phổ biến pháp luật, tuyên truyền các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, nuôi dưỡng các giá trị, hệ giá trị văn hóa, cũng như đáp ứng lợi ích, phúc lợi văn hóa của cả cộng đồng, phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của toàn xã hội. Đồng thời, tiến tới xây dựng hệ thống các chế tài phù hợp theo hệ thống các chính sách để làm công cụ hữu hiệu cho đội ngũ chính quyền và bộ máy quản lý văn hóa.

Theo GS.TS Bùi Quang Thanh, để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa cũng như hệ giá trị văn hóa đáp ứng nhu cầu của cộng đồng xã hội trong phát triển, điều cấp thiết phải thực thi là tập trung mọi nguồn lực xây dựng và bảo vệ môi trường văn hóa, tạo cơ sở môi sinh cho sự tồn tại của các không gian văn hóa, nơi thực hành và nuôi dưỡng các giá trị, hệ giá trị văn hóa cho cộng đồng, của cộng đồng và bởi cộng đồng là chủ thể vĩnh cửu qua các thế hệ.

Kho tàng di sản văn hóa Việt Nam luôn trở thành một trong những yếu tố quan trọng của giao lưu văn hóa và sức mạnh mềm để thúc đẩy quá trình phát triển văn hóa Việt Nam đương đại.  

Nhằm giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần phải xác định nội hàm cụ thể của hệ giá trị. Bên cạnh đó là hoàn thiện thể chế, chính sách. Do văn hóa là lĩnh vực rộng lớn và có quan hệ mật thiết với tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội nên việc hoàn thiện thể chế, chính sách chính là cách chúng ta đưa hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn bộ xã hội.

Cùng với đó, cần phải tiến hành đồng thời với đổi mới phương thức lãnh đạo văn hóa, đổi mới tư duy quản lý văn hóa dựa trên tư tưởng về quyền văn hóa và tinh thần xây dựng hệ thống hành chính công hiện đại; từng bước xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mới theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hệ thống thể chế, đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng chủ chốt, phát triển nguồn nhân lực cao, tổ chức một số hoạt động và sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, cần đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội đồng thời giữ nghiêm kỷ cương, phép nước; nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ văn nghệ sĩ; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị và hệ giá trị; phát huy vai trò của các thiết chế gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng hệ giá trị; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần hình thành và củng cố các giá trị tốt đẹp; phát huy sứ mệnh của văn học, nghệ thuật trong xây dựng hệ giá trị.

Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội được tiếp thu những giá trị từ nhiều nền văn hóa như hiện nay. 

Có thể nói, trong lịch sử dân tộc, Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội được tiếp thu những giá trị từ nhiều nền văn hóa như hiện nay. Nhưng đồng thời cũng phải khách quan để nhận thấy rằng, Việt Nam cũng chưa bao giờ phải thường trực nhiều nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc và chịu sự tác động của không ít yếu tố văn hóa tiêu cực đến môi trường văn hóa của các vùng miền hiện nay.

Đứng trước sứ mệnh hội nhập to lớn trong bối cảnh lịch sử toàn cầu như vậy, kho tàng di sản văn hóa Việt Nam luôn trở thành một trong những yếu tố quan trọng của giao lưu văn hóa và sức mạnh mềm để thúc đẩy quá trình phát triển văn hóa Việt Nam đương đại.

Cũng nhờ đó, thông qua giao lưu và hợp tác văn hóa mà Việt Nam tiếp thu, nắm bắt được những thành tựu văn minh, những giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại để hướng tới mục tiêu “phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, tự chủ, tự quyết, phù hợp với lợi ích và luật pháp quốc tế.

Hà Vương (Nguồn: https://dangcongsan.vn/)
Các tin khác
Xem tin theo ngày