TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 2.815
Đồng chí Tố Hữu với Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 06/09/2023

Là một người con của quê hương Thừa Thiên Huế, trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, đồng chí Tố Hữu (1920 - 2002) đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của quê hương. Nổi bật là trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí chính là hạt nhân quan trọng, là người dẫn dắt phong trào đấu tranh giành thắng lợi ngay ở trung tâm đầu não của chế độ thực dân phong kiến.

Được tin phát xít Nhật có nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 10/8/1945, Thường vụ Việt Minh tỉnh họp thảo luận kế hoạch khởi nghĩa ở Thừa Thiên Huế. Trên cơ sở tổng hợp, đánh giá tình hình, so sánh lực lượng giữa ta và địch, căn cứ nghị quyết hội nghị Cầu Hai và khí thế cách mạng sôi sục của quần chúng trong tỉnh, Ban Thường vụ đã nhất trí quyết định phải chớp thời cơ ngay sau khi Nhật đầu hàng. Phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.

Đây thực sự là quyết định táo bạo, bởi Thừa Thiên Huế là một địa bàn khá phức tạp. Khởi nghĩa đánh đổ chính quyền về tay nhân dân là một việc làm rất lớn, khởi nghĩa giành chính quyền ở một thành phố là Thủ đô của Chính phủ Nam triều phong kiến được quân đội phát xít Nhật che chở như thành phố Huế lúc bấy giờ lại càng khó khăn, phức tạp. Ở đây, ngoài bộ máy chính quyền của tỉnh, của thành phố Huế, còn có một bộ máy chính quyền được coi là Chính phủ Trung ương. Bên cạnh Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, có bộ máy cai trị của phát xít Nhật với danh nghĩa là Tòa án tối cao cố vấn, dưới tay có gần 5.000 quân Nhật, Đảng bộ Thừa Thiên Huế lại chưa liên lạc được với Trung ương.

Ngày 14/8/1945, nhận được thông tin phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị và đã quyết định chủ trương khởi nghĩa và quyết định chọn Phú Lộc để phát động giành chính quyền trước nhằm rút kinh nghiệm cho các huyện khác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Huế tiến hành khởi nghĩa.

Giữa lúc công cuộc Tổng khởi nghĩa đang được chuẩn bị sôi động, khẩn trương thì ngày 20/8/1945, đoàn cán bộ của Trung ương gồm các đồng chí Tố Hữu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh mang theo chỉ thị của Trung ương đến Huế tham gia chỉ đạo khởi nghĩa.

Nhận thức được tầm quan trọng của Huế, đồng chí Tố Hữu xác định: “Mục tiêu quan trọng nhất lúc này là Huế, bởi đây là Kinh đô cuối cùng của triều Nguyễn, là chỗ dựa của bọn xâm lược Nhật. Nếu không kịp lật đổ cái ngai vàng Bảo Đại và “Chính phủ” bù nhìn này, trước khi quân Đồng minh (Anh, Pháp, Mỹ, Hoa) vào và công nhận nó là đại diện hợp pháp của Việt Nam, thì tình hình sẽ phức tạp”.  

Tối ngày 20/8, đồng chí Tố Hữu tổ chức cuộc họp với Thường vụ Việt Minh tỉnh. Đồng chí đã nghe báo cáo tình hình chung trong tỉnh, thái độ của quân đội Nhật và chính phủ Trần Trọng Kim, dự kiến của Thường vụ Việt Minh tỉnh về kế hoạch khởi nghĩa ở Huế. Các đồng chí trong đoàn hoàn toàn thống nhất kế hoạch đó và đã quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Tố Hữu làm Chủ tịch.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tố Hữu, công tác vận động Bảo Đại thoái vị, vận động nội các Trần Trọng Kim từ chức, vận động bảo an binh theo cách mạng được xúc tiến khẩn trương. Đặc biệt, tin tức khởi nghĩa nổ ra và giành thắng lợi ở các huyện trong tỉnh và các tỉnh Bắc Kỳ, Trung Kỳ, nhất là tin Hà Nội giành chính quyền thành công dồn dập truyền đến Huế làm cho không khí cách mạng ngày càng sôi sục.

Ủy ban khởi nghĩa tỉnh nhận được tin vào ngày 23/8 nội các Trần Trọng Kim sẽ tổ chức một cuộc mít tinh lớn ở sân vận động Huế để mừng việc Nhật trả quyền cai trị Nam Kỳ cho triều đình Huế. Ủy ban khởi nghĩa tỉnh dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tố Hữu đã tương kế, tựu kế, biến âm mưu của địch thành hành động của ta, lấy ngày 23/8 làm ngày khởi nghĩa tại thành phố Huế. Đồng chí chỉ đạo tất cả các huyện nổi dậy trước để giành chính quyền ở nông thôn; đồng thời, huy động các lực lượng khởi nghĩa không chỉ ở thành phố mà cả các đội tự vệ và hàng vạn đồng bào các huyện trong tỉnh tập trung về Huế đúng ngày 23/8.

Nhân danh Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Tố Hữu đã viết một tối hậu thư cho Bảo Đại. Nhận được tối hậu thư, trước tình hình không thể đảo ngược, Bảo Đại liền triệu tập “Nội các lâm thời” để bàn việc thoái vị. 

Sáng ngày 23/8, cả thành phố Huế rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, quần chúng nhân dân đã tiến hành chiếm các cơ sở còn lại rồi kéo về dự cuộc mittinh khổng lồ tại sân vận động thành phố, mừng cách mạng thành công.

Chiều ngày 23/8, tại sân vận động Huế, hàng vạn nhân dân Thừa Thiên Huế đã tập trung hàng ngũ chỉnh tề dưới rừng cờ đỏ sao vàng phấp phới. Đồng chí Tố Hữu - Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa tỉnh tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến phản động, thành lập Chính quyền cách mạng. Đồng chí giới thiệu Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh do đồng chí Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế thắng lợi nhanh chóng. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của tỉnh điện ra Hà Nội báo cáo với Trung ương và đề nghị Trung ương cử phái đoàn vào tiếp nhận thoái vị của vua Bảo Đại. Được tin, phái đoàn của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Trần Huy Liệu dẫn đầu vào Huế để tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại.

Chiều ngày 30/8, hàng vạn nhân dân Huế tụ họp tại Ngọ Môn chứng kiến một sự kiện lịch sử trọng đại: Bảo Đại đọc chiếu thoái vị “nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho một chính phủ cộng hòa” và tuyên bố “lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập”, rồi trao ấn kiếm cho đại diện của Chính phủ cách mạng lâm thời.

Sự kiện Bảo Đại thoái vị có một ý nghĩa quan trọng, chính thức đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền phong kiến lỗi thời, nhân dân ta đã hoàn thành một bước quan trọng trong đường lối cách mạng dân chủ mà Đảng ta đã đề ra từ năm 1930. Với sự kiệm này, đã mở ra bước ngoặt lớn đối với cách mạng Việt Nam, đưa dân tộc Việt Nam từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước độc lập; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, “lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Thừa Thiên Huế, thủ đô phong kiến, đầu não của chính quyền bù nhìn cả nước, nơi đóng quân và bộ máy tối cao của cố vấn Nhật đã đóng góp một phần quan trọng trong thắng lợi chung của cả nước. Mặc dù phải chịu đựng ách cai trị nặng nề nhất tại một trong những trung tâm chính trị của chủ nghĩa thực dân, phong kiến nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, sự đồng lòng, đoàn kết, nhất trí của quân và dân trong tỉnh, đặc biệt là vai trò lãnh đạo trực tiếp của những người đứng đầu, trong đó có đồng chí Tố Hữu trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung trong sự nghiệp cách mạng của cả nước.

Sau Cách mạng Tháng Tám, trên cương vị là Phó Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Tố Hữu tiếp tục tham gia lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng trong giai đoạn đầu vô cùng khó khăn, gian khổ. Tuy chỉ gắn bó với Huế trong một thời gian ngắn nhưng đồng chí đã góp phần quan trọng, chuẩn bị tinh thần và lực lượng để Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế vững vàng bước vào cuộc đấu tranh cách mạng chống lại chủ nghĩa thực dân và đế quốc xâm lược, giải phóng quê hương, đất nước.

--------------------- 

Tài liệu tham khảo:

1. Hoàng Anh: Quê hương và cách mạng, NXB Thuận Hóa, Huế, 2001.

2. GS. TS Trịnh Nhu, TS. Trần Trọng Thơ: Cách mạng Tháng Tám 1945 - Thắng lợi vĩ đại đầu tiên của cách mạng Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012.

3. Ban Chấp hành Đảng bộ Thừa Thiên Huế: Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế, tập I, (1930 - 1945), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.

4. Hồi ký Nhớ lại một thời của đồng chí Tố Hữu.

5. Hồi ký Tình dân biển cả của Trung tướng Lê Tự Đồng.

Đồng Thị Ly (Chi bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Các tin khác
Xem tin theo ngày