1. Đà phục hồi kinh tế thế giới chậm lại
Hàng hóa từ Trung Quốc và các nước khác được xếp tại cảng Long Beach, Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Các định chế tài chính hàng đầu thế giới nhận định kinh tế thế giới tăng trưởng thấp hơn mức tăng 3,3-3,5% của năm 2022. Nguyên nhân do cơn "địa chấn" tài chính toàn cầu bắt nguồn từ khủng hoảng ngân hàng Mỹ và Thụy Sỹ, cùng cuộc khủng hoảng năng lượng, xung đột tại Ukraine và Trung Đông. Ngân hàng trung ương nhiều nước phải cân nhắc giữa tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và dừng tăng để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
2. Cơn “địa chấn” trên thị trường tài chính toàn cầu
Người dân tập trung bên ngoài trụ sở ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở bang California, Mỹ ngày 13/3/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Chỉ trong ba ngày 10-12/3, hai ngân hàng lớn của Mỹ là Silicon Valley Bank và Signature Bank đã ngừng hoạt động do mất thanh khoản khi khách hàng rút tiền ồ ạt. Ngày 1/5, First Republic Bank trở thành ngân hàng Mỹ thứ ba phá sản trong gần 2 tháng. Tại châu Âu, Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ, cũng có nguy cơ phá sản. Các gói hỗ trợ tài chính kịp thời của chính phủ, ngân hàng trung ương các nước đã ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng, có thể dẫn tới suy thoái kinh tế.
3. Hạn chế xuất khẩu gạo, biến đổi khí hậu đe dọa an ninh lương thực
Công nhân làm việc tại một nhà máy xay xát gạo ở Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 20/7, Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - đã bất ngờ thực hiện lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường. Nguồn cung gạo của Ấn Độ đột ngột bị cắt giảm cùng với tác động của biến đổi khí hậu và xung đột địa chính trị đã đẩy giá gạo Thái, loại gạo chuẩn châu Á, lên mức cao nhất trong 15 năm, tạo tâm lý tích trữ tại nhiều nước. Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến các nước tiêu thụ, nhất là các nước nghèo ở châu Á và phía Nam sa mạc Sahara. Hội nghị cấp cao An ninh lương thực toàn cầu tại Anh đã đề ra các giải pháp hướng tới hệ thống lương thực bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu.
4. COP28 đạt thỏa thuận lịch sử về hạn chế nhiên liệu hóa thạch
Sau 2 tuần đàm phán căng thẳng, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã khép lại ngày 13/12/2023. Hội nghị đã thông qua được thỏa thuận mang tính bước ngoặt về chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch, song các bên vẫn chưa thể đi đến đồng thuận về triển khai một thị trường giao dịch carbon. Ảnh: THX/TTXVN
Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ngày 13/12 đã tạo bước đột phá lớn khi lần đầu tiên đưa vấn đề cắt giảm nhiên liệu hóa thạch vào tuyên bố chung. Sau gần ba thập kỷ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, các nước này đã đạt được sự thống nhất về việc dần chuyển dịch khỏi các nguồn năng lượng hóa thạch, nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
5. Các ứng dụng AI tạo sinh trở thành hiện tượng của năm
Biển quảng cáo ứng dụng ChatGPT tại triển lãm công nghệ trí tuệ nhân tạo ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 10/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
AI tạo sinh trở thành một trong những xu thế công nghệ bùng nổ nhất trong năm, sau khi ChatGPT gây “cơn sốt” trên toàn cầu với việc cán mốc 100 triệu người dùng vào cuối tháng 1/2023 sau 2 tháng ra mắt. AI tạo sinh đã có một năm phát triển vượt bậc về tính năng sử dụng thông qua chatbot, nhân bản giọng nói, ứng dụng video. Công nghệ mang tính đột phá này đang cách mạng hóa cách thức hoạt động của các lĩnh vực kinh tế, làm thay đổi mạnh mẽ thị trường việc làm và định hình lại tương lai các ngành nghề.
6. Giá vàng thế giới phá đỉnh mọi thời đại
Trang sức vàng được bày bán tại cửa hàng ở Chennai, Ấn Độ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Giá vàng thế giới phiên 4/12 tăng lên mức cao kỷ lục 2.152,3 USD/ounce, và đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại. Nguyên nhân đẩy giá vàng "phá đỉnh" là do xung đột địa chính trị leo thang, lạm phát cao, vàng trở thành tài sản "trú ẩn" an toàn. Các ngân hàng trung ương đã mua vào một khối lượng vàng lớn chưa từng có. Các dòng vốn đổ vào vàng đã ảnh hưởng tới các thị trường toàn cầu, khiến chứng khoán giảm điểm và nối dài đà lao dốc của đồng USD.
7. EU đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu
Một nhà máy điện than tại Garzweiler, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Từ ngày 1/10, Liên minh châu Âu (EU) thực hiện giai đoạn thí điểm của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), bước đầu tiên để tiến tới áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ các nước không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường vào năm 2024. Đây là công cụ hiệu quả để khuyến khích các doanh nghiệp bên ngoài châu Âu giảm thải carbon. Họ sẽ mất lợi thế cạnh tranh, nếu không điều chỉnh giảm mức phát thải trong quá trình sản xuất để tuân thủ quy định về môi trường của EU.
8. Các ngân hàng trung ương hãm phanh đà tăng lãi suất
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell (ảnh) trong cuộc họp báo ngày 13/12/2023 công bố quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay chủ chốt ở mức từ 5,25% đến 5,50%, cao nhất trong 22 năm qua. Tuy nhiên, Fed cũng đưa ra tín hiệu sẽ 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 14/6, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Tiếp đó, ngày 26/10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tạm dừng chuỗi 10 lần tăng lãi suất. Tín hiệu tích cực hơn từ thị trường việc làm và lạm phát là những căn cứ đầu tiên để Fed, ECB và các ngân hàng trung ương hàng đầu khác dừng tăng lãi suất. Động thái này đã hỗ trợ các nước ngăn chặn xu hướng đồng nội tệ rớt giá mạnh so với đồng USD và kiểm soát nợ ngoại tệ.
9. EU, Mỹ ban hành luật chưa từng có để bảo vệ không gian mạng cho người dùng
Ngày 25/8, Liên minh châu Âu (EU) ban hành hai đạo luật kiểm soát công nghệ mang tên Đạo luật Dịch vụ số và Đạo luật Thị trường số. Tổng thống Mỹ ngày 30/10 đã ký sắc lệnh hành pháp toàn diện đầu tiên về trí tuệ nhân tạo để ngăn chặn rủi ro an ninh-kinh tế quốc gia. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, EU, Mỹ áp dụng luật để siết chặt kiểm duyệt nội dung trực tuyến và hoạt động của doanh nghiệp công nghệ. Những văn bản pháp lý mang tính đột phá trên buộc các công ty này phải triển khai phương thức mới để đảm bảo an toàn cho không gian mạng.
10. Nguy cơ khủng hoảng vận tải quốc tế từ tuyến hàng hải huyết mạch qua Biển Đỏ
Tàu chở hàng Galaxy Leader (phải), bị lực lượng Houthi bắt giữ hai ngày trước, về tới cảng tỉnh Hodeida, ngoài khơi Biển Đỏ. Ảnh: AFP/TTXVN
Các vụ tấn công của lực lượng Houthi (Yemen) nhằm vào tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ bắt đầu từ ngày 3/12 đã làm ngưng trệ hoạt động vận chuyển dầu mỏ và hàng hóa Á-Âu. Các công ty tàu biển đã chuyển hướng vận chuyển hơn 30 tỷ USD hàng hóa khỏi Biển Đỏ. Đây là tuyến hàng hải huyết mạch lưu chuyển khoảng 12% thương mại toàn cầu và là cửa ngõ dẫn đến kênh đào Suez. Vụ việc châm ngòi cho cuộc khủng hoảng vận tải biển và có nguy cơ làm đảo lộn chuỗi cung ứng, đẩy giá dầu, chi phí vận tải và lạm phát gia tăng./