Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư từ Đại hội XI của Đảng (tháng 01/2011), trong bối cảnh đất nước ta vừa mới thoát ra khỏi tình trạng nước có thu nhập thấp (từ 2008), nhưng phải đối mặt với khó khăn, thách thức rất lớn do những hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ (2008 - 2009) gây ra. Tình hình trong nước rất khó khăn, đời sống nhân dân chịu nhiều tác động tiêu cực. Nghiêm trọng nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có không ít là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng đứng trước thử thách rất lớn. Và trong những khúc quanh của lịch sử như vậy, sự xuất hiện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một hồng phúc của Đảng ta, dân tộc ta. Bằng tâm huyết, trí tuệ và đạo đức của mình, Tổng Bí thư cùng với những người đồng chí và cộng sự của mình, đã đề ra và triển khai quyết liệt nhiều chủ trương, giải pháp để ổn định và phát triển đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và uy tín quốc tế như ngày nay" - điều mà không chỉ Đảng ta, nhân dân ta khẳng định mà còn được thừa nhận rộng rãi bởi nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được Đảng ta và Tổng Bí thư hết sức chú trọng, các nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII sẽ được ghi vào lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam như là những dấu son cực kỳ quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Một trong bốn nguy cơ lớn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ là tình trạng tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên cũng như những biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hóa" tuy đã được nhận diện từ rất sớm và cũng đã có nhiều chủ trương, giải pháp để đấu tranh, ngăn chặn, nhưng trong một thời gian dài trước đây, nó vẫn là vấn đề gây rất nhiều nhức nhối, bức xúc trong cán bộ, đảng viên. Với cái tâm và cái tầm của một nhà lý luận xuất sắc, một nhà hoạt động thực tiễn dày dặn kinh nghiệm, Tổng Bí thư và tập thể lãnh đạo Đảng ta đã đánh giá đúng và trúng tình hình, có phương pháp phù hợp, để đưa cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực "trở thành một xu thế, một phong trào không thể đảo ngược". Vai trò cá nhân của Tổng Bí thư trong cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt này là hết sức nổi bật, được cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân đồng lòng ủng hộ, tin tưởng rất cao.
Công lao, cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc là hết sức to lớn, đặc biệt là trong thời gian hơn 13 năm Ông giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng. Những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư thông qua các bài viết, bài phát biểu, các tác phẩm được xuất bản không chỉ mang tầm cao lý luận mà còn thấm đẫm hơi thở của cuộc sống, của thực tiễn đất nước, nhờ vậy mà dễ đi vào lòng người, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận với sự tin tưởng cao độ. Những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đó vừa thể hiện tầm nhìn viễn kiến của một nhà lãnh đạo lỗi lạc, xuất sắc vừa là sự tổng kết, bổ sung về mặt lý luận của Đảng ta trong hoạch định đường lối xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn tới.
Song, điều đọng lại mãi mãi trong lòng cán bộ, đảng viên và người dân cả nước chính là cuộc đời, nhân cách trong sáng, cao đẹp, "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" của người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta từ thuở thiếu thời cho đến lúc từ giã cõi đời để về với "thế giới người hiền". Những câu chuyện kỷ niệm về Tổng Bí thư được kể lại từ những người bạn, của cô giáo dạy học tiểu học, của người dân quê hương làng Lại Đà, xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội và những người đã từng được tiếp xúc, gặp gỡ, làm việc với Ông đều toát lên nhân cách của một người thật sự công chính, thấm đẫm hồn cốt văn hóa, đạo đức dân tộc, một tấm gương người cộng sản tuyệt vời. Những phát biểu của Tổng Bí thư tại các hội nghị, hay trong các cuộc tiếp xúc với nhân dân đều rất mộc mạc, nhưng lại có sức lay động lòng người. Trong các phát biểu của mình, Tổng Bí thư thường trích dẫn, nhắc lại những câu Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, của Bác Hồ, nhà thơ cách mạng Tố Hữu... hay những ca dao, tục ngữ, thành ngữ quen thuộc với nhân dân. Và câu nói được Ông trích dẫn và nhắc lại nhiều nhất là của nhà văn Xô-viết Nikolai Ostrovsky trong tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy": “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Nhiều người đã rơi nước mắt nghẹn ngào khi biết rằng, Người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta từ khi được giao đảm nhiệm các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước cho đến lúc ra đi không có một căn nhà riêng mà Ông và gia đình đều ở nhà tập thể, sau là nhà công vụ do Nhà nước bố trí; hoặc suốt mấy chục năm qua, Ông chỉ dùng duy nhất một chiếc xe ô-tô cũ để đi làm việc, những bộ áo quần Ông mặc có cái đã sờn vai... Cả cuộc đời Tổng Bí thư là sự nhất quán, thống nhất giữa học tập, rèn luyện và thực hành đạo đức theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong tác phẩm nổi tiếng Truyện Kiều, Đại thi hào Nguyễn Du có viết: "... những đấng tài hoa/ Thác là thể phách còn là tinh anh". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một Con Người tinh anh của Đảng và dân tộc Việt Nam - một Con Người viết hoa.
Hoàng Ngọc Anh