Những ngày đó, trước vận mệnh dân tộc, với tinh thần trách nhiệm cao cả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: Phận sự của tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió mà an toàn đi tới bến bờ hạnh phúc của nhân dân. Người đã nhanh chóng đề ra những chủ trương sáng suốt về đối nội và đối ngoại nhằm giải quyết những yêu cầu cấp bách của tình hình lúc đó. Các tác phẩm viết trong thời kỳ này của Người đã phản ánh sâu sắc những quan điểm đúng đắn về chiến lược và sách lược, đồng thời thể hiện cụ thể sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tài tình của Người.
Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, ngày 3-9-1945, Bác Hồ triệu tập họp phiên đầu tiên của Hội đồng Chính phủ và nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng. Giữa lúc nạn ngoại xâm, nạn đói đang đe dọa dân tộc hằng ngày, hằng giờ, Bác đã sớm nhận ra nhiều loại giặc cũng cực kỳ nguy hiểm không kém, trong đó phải kể đến giặc dốt và giặc “nội xâm”. Với tầm nhìn văn hóa rộng lớn, Người chỉ rõ: Kẻ dốt là kẻ hèn, là kẻ nô lệ. Còn “giặc nội xâm” là kẻ thù còn nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm bởi không có sự phân biệt rạch ròi chiến tuyến để dễ bề nhận biết, mà lại nằm ngay trong hàng ngũ của ta, trong chính con người ta và được ngụy trang cực kỳ tinh vi, thủ đoạn.
Với các tầng lớp nhân dân, Người nhắc nhở, người làm chủ đất nước phải chứng tỏ tinh thần và sức mạnh của mình, thiết thực góp sức vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, xây dựng chính quyền vững mạnh. Điều đó chứng tỏ rằng, Người rất chú ý coi trọng sự tham gia của nhân dân vào công cuộc kiến thiết đất nước và quản lý Nhà nước. Người động viên: Đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó (tức kiến thiết ngoại giao, kiến thiết kinh tế, kiến thiết quân sự, kiến thiết giáo dục), lại sẵn sàng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chính phủ sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay…
Với cán bộ, đảng viên, Người dạy không được làm việc trái phép, cậy quyền cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Bởi mắc phải những lỗi lầm đó sẽ nảy sinh hiện tượng: Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ… lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm đạo đức; kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình không tài năng gì cũng chức này, chức nọ. Người có tài, có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài... Từ đó mà dẫn đến việc coi khinh nhân dân, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mệnh” lên. Thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ. Người cho rằng: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Ngoài ra, đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta. Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được” (Sao cho được lòng dân - Báo Cứu quốc, ngày 12-10-1945).
Người từng phê phán các ủy ban nhân dân làm việc chưa khoa học, chia công việc không khéo thành ra bao biện. Trong một ủy ban, có nhiều người rất rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra chạy vào cho có việc; có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc. Cán bộ nhiều người chưa có tính chủ động, sáng tạo trong công việc. Từ thực tiễn đó, Bác chỉ rõ rằng: Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp,... có mắt ta phải trông, có óc ta phải nghĩ, có tay ta phải làm... Phải biết rằng, tình hình khách quan thay đổi hàng giờ, hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không kịp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình hình, ta sẽ bị bỏ rơi … Muốn được thích hợp với tình thế, ta phải cần nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi.
Người chỉ rõ: “Chỉ có chế độ của chúng ta mới thật sự phục vụ lợi ích của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động, bảo đảm mọi quyền lợi của nhân dân, mở rộng dân chủ để nhân dân thật sự tham gia quản lý nhà nước. Vì vậy cho nên nhân dân ta đưa hết khả năng làm tròn nhiệm vụ người chủ nước nhà để xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho nước ta mạnh, dân ta giàu”. Hơn nữa, chính quyền nhà nước của ta là một chính quyền “phải nhằm vào mục đích duy nhất là mưu cầu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên hết thảy” (Báo Cứu quốc, số 46, ngày 19-9-1945). Đặc biệt, trong “Thư gửi các ủy ban nhân dân các bộ, tỉnh, huyện và làng”, Người đã nêu: “… Chính phủ và nhân dân phải đoàn kết thành một khối”; “… Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”; “ … Các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc cho đến các làng đều là đầy tớ của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân …”; “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Tư tưởng trên quán xuyết suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Không những thế, ngay trong những ngày đầu mới lập nước, Người đã nhận ra và nghiêm khắc cảnh báo cán bộ ta về những căn bệnh nguy hiểm mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải khắc phục để xứng đáng với vai trò và nhiệm vụ lịch sử của Đảng mình. Những việc làm và lời dạy của Bác lúc đó đều nhằm một mục đích duy nhất là kiến tạo nền móng của chính quyền nhân dân, tiến tới hoàn chỉnh việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN - một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Lời Người hôm nay vẫn nóng hổi tính thời sự đối với những “công bộc” của nhân dân.
Hiện nay, ở một số địa phương vẫn có những lời ca thán về thái độ phục vụ nhân dân của không ít cán bộ, đảng viên. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong buổi tiếp xúc cử tri hồi tháng 7-2007 cũng đã thẳng thắn phê phán rằng nhiều đơn thư của dân, trong đó có cả đơn do Chủ tịch nước chuyển về các cơ quan chức năng cũng bị “mất hút”, không thấy ai giải quyết, trả lời. Tại kỳ họp Quốc hội năm 2009, trong khi thảo luận ở tổ, có đại biểu Quốc hội bức xúc: Chính phủ luôn đánh giá bộ máy hành chính còn cồng kềnh, hiệu lực, hiệu quả còn thấp. Trong khi cải cách hành chính thực hiện hằng chục năm. Chúng ta đã cử nhiều cán bộ ra nước ngoài học tập, nâng cao trình độ. Nhưng kết quả vẫn vậy, cán bộ từ cơ sở đến trung ương vẫn có vấn đề về năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức.
66 năm qua, phần lớn cán bộ, đảng viên đã nghiêm túc thực hiện theo lời răn dạy của Người, nhưng cũng còn đó “những con sâu” đã và đang lợi dụng chức quyền để tác oai, tác quái bất chấp dư luận và luật pháp, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng và Chính phủ, “làm cho nền đoàn kết lay động”. Những kẻ đó, bất kể là ai và ở cấp bậc nào, “nếu không tự sửa chữa" thì cần "Chính phủ sẽ không khoan dung”.
Đọc lại lời Người, chúng ta cảm thấy như Người vẫn bên cạnh, ân cần chỉ ra những tồn tại, những thiếu sót trong vấn đề dân sinh, dân nguyện đang gây nên những bức xúc trong cuộc sống hôm nay. Đất nước đang từng bước phát triển và trưởng thành, thời cơ, thuận lợi có nhiều nhưng những khó khăn và thử thách phía trước cũng không phải là ít. Để đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới - giai đoạn hội nhập, phát triển, CNH và HĐH đất nước, việc lựa chọn những “công bộc” của dân, do dân, vì dân là vấn đề rất quan trọng. Theo tư tưởng, tiêu chí lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó phải là những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo nhân dân tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt… Lời Bác Hồ 66 năm trước, những người làm công tác tổ chức cán bộ hôm nay xin hãy khắc ghi!
Nguyễn Viết Chính, 64/6 Đặng Huy Trứ, phường Trường An, TP.Huế.