TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 1.346
Có khó khi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh?
Ngày cập nhật 11/05/2012

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh có khó lắm không? Tôi xin thưa ngay rằng: Không khó. Muốn học và làm theo được tấm gương của Bác, thì điều đầu tiên là tâm phải trong sáng, thực sự muốn làm theo.

Cha tôi hoạt động cách mạng từ trước 1930, vào Đảng tháng 3-1930 và chính thức tháng 9-1930, bị Pháp bắt vào tù ở nhà lao Nam Định, Hỏa Lò - Hà Nội, đày lên nhà tù Sơn La và Hòa Bình. Năm 1945 cha tôi tham gia khởi nghĩa ở Nam Định. Do ốm đau, thủng dạ dày, cha tôi mất năm 1961 khi 64 tuổi, nhưng trông già và yếu như người 80 tuổi. Khi mất cha tôi nói rằng: “Cha chỉ mong nhìn thấy nước nhà thống nhất”.
Theo gương cha và lớp người làm cách mạng như cha tôi, suốt cuộc đời gần 50 năm tận tụy đi theo cách mạng, mặc dù có điều kiện nhưng tôi chưa hề tranh giành quyền lực, chưa hề lấy một đồng xu hối lộ. Tôi khâm phục chú tôi, bác Se Bân (Nguyễn Văn Bân) người đảng viên 1930 làm kinh tài cho Đảng - người đã từng mang cơm nắm đi ăn đường, khi ông là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Được Trung ương giao cho 2 bao tải tiền chuyển từ miền Nam ra Bắc mà không suy suyển 1 đồng. Những tấm gương ngay trong gia đình tôi và tấm gương tư tưởng, đạo đức cách mạng của Bác đọng mãi trong tôi, soi sáng đường tôi đi cho đến nay tôi đã 76 tuổi.
Bác Hồ, tấm gương sáng, vĩ đại, trong Bác kết đọng những tinh hoa của dân tộc Việt Nam và của nhân loại. Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc ngày 3-9-1969 tại Ba Đình lịch sử khi tiễn Bác đi xa, khẳng định: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại. Và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”. Ngày nay, thế giới, nhân loại tôn vinh người là danh nhân văn hóa.
Đảng phát động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng quan sát thực tế, lãnh đạo phát động để cấp dưới làm là chủ yếu, mấy ai ở cấp cao làm theo Bác? Thậm chí gần đây có cán bộ cao cấp còn nêu gương xấu trong Đảng và nhân dân. Ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác, trước khi mất đã nói: “Tiếc rằng nhiều đảng viên nói một đằng, làm một nẻo. Họ rao giảng về tấm gương đạo đức của Bác Hồ nhưng không làm theo”.
Lòng tham của con người, đồng tiền đã chi phối hành vi của cán bộ, đảng viên, đẻ ra tệ tham nhũng, hối lộ, tranh giành quyền lực, mua bán chức quyền, giành giật đất đai, mưu cầu lợi ích cá nhân khá phổ biến, tinh vi và giảo quyệt. Lòng tham vốn là con yêu nấp sẵn trong mỗi con người, chỉ chờ có dịp là lộ diện.  Ấy là khi cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hành thì nảy sinh lòng tham, tham nhũng. Có cán bộ đã rất giàu, nhưng họ muốn giàu thêm, tìm đủ mọi cách để nếu đã có 1 miếng đất, họ lại muốn có 5-10 miếng ở những vị trí “hái ra tiền”. Họ sẵn sàng nhận phong bao đầy tiền, sẵn sàng đi ăn nhậu với các đại gia, quên cả vai trò vị trí của mình là cán bộ lãnh đạo, quản lý, là công bộc của dân. Là người cộng sản-công bộc của dân mà lúc nào cũng tự cho mình đứng trên dân, thiếu tôn trọng ý kiến của dân, hoặc có nghe chỉ là dân chủ hình thức. Ngay ở cơ sở mà hàng tháng, hàng quý cũng không một lần gặp cán bộ hưu, gặp dân, huống chi cán bộ lãnh đạo cao cấp sáng ra xe đến cơ quan, chiều lại ra xe về nhà, quan sát xã hội qua kính xe trên đường phố thì làm sao sát dân, biết cuộc sống của người dân đang xảy ra những gì? Những cán bộ ấy không thể không biết hình ảnh Bác ra đồng thăm lúa nói chuyện với bà con nông dân; Bác “sắn quần móng lợn”, áo nâu giản dị, lội ruộng thăm đồng; Bác lên guồng đạp nước tự nhiên; kéo lưới trên bãi biển với những ngư ông… Họ không thể không biết mỗi khi Bác đi cơ sở, xuống nhà máy, trường học, bệnh viện, Bác đều đi từ phía sau lên để xem xét nhà ăn, nơi ở, nhà vệ sinh có được sạch sẽ, gọn gàng không, v.v.
Những việc làm ấy, những cử chỉ ấy của Bác là lẽ sống đời thường mà người Việt Nam ai cũng có thể làm được. Học Bác không khó. Đến bây giờ ta vẫn như còn nghe vang bên tai lời Bác hỏi: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?” khi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập. Một câu hỏi bình thường mà vĩ đại. Bác thương dân, lo lắng cho cuộc sống người dân, ứng xử với dân như người thân thương trong gia đình, làm sao dân không thương Bác, kính Bác, làm theo Bác?
Từ tư tưởng đến hành động, từ thái độ ứng xử đến cử chỉ, ở Bác toát lên rất mộc mạc, dân dã, gần gũi quần chúng. Vậy học tập Bác có gì là khó? Ta hãy nhìn nhà Bác ở khi còn trong rừng và mái nhà sàn đơn sơ, với chiếc giường một gọn gàng, với bàn ăn, vài ba chén, bát đĩa cùng những món ăn thanh đạm khi Bác là Chủ tịch nước. Bác luôn giữ cuộc sống không cách biệt với mức sống của nhân dân. Liệu có khó quá không? Ta học được, miễn rằng lòng ta trong sáng, tâm niệm “lo trước dân, sướng sau dân”.
Bác nói: “Mỗi đảng viên là một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành. Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo.
Mà muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình, thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu. Thế là làm cho dân tin Đảng, phục Đảng, yêu Đảng và làm theo chính sách của Đảng và của Chính phủ”(1) và cả cuộc đời Bác đã làm như thế. Chính vì vậy mà dân tin Bác, tin Đảng, dù khó khăn, gian khổ không nản lòng. Tư tưởng đó, hành động đó, tác phong, ứng xử đầy tính nhân văn, giản dị, gần gũi với dân của Bác ai cũng có thể học và làm theo được. Học tập Bác, làm theo Bác thì lòng ta trong sáng hơn.
Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng  hiện nay” đã đưa ra biện pháp chỉnh đốn Đảng, để đảng viên trở lại đích thực người đảng viên chân chính, theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
------------------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.1995, tập 6, tr. 189-190.

Ngô Minh Giang (Nguồn: TC xây dựng Đảng)
Các tin khác
Xem tin theo ngày