TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Chuyện kể dưới tán rừng thiêng (bài 1)
Ngày cập nhật 21/12/2009

Bài 1: Bác Hồ và Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

Khi đặt chân tới Cao Bằng, nơi từng được gọi là “ngôi sao cách mạng” của Việt Nam, nơi có khu rừng đã khai sinh Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay, tôi cứ suy nghĩ rất nhiều về tên gọi của khu rừng này: Rừng Trần Hưng Đạo! Có phải vì ra đời từ “rừng thiêng” mang tên vị Anh hùng dân tộc, một võ tướng lẫy lừng từng nhiều lần đánh bại những đội quân hùng mạnh nhất thế giới mà Quân đội nhân dân Việt Nam cũng luôn bách chiến bách thắng...?

Từ những cuộc duyệt binh, diễn tập trong rừng...

Bức phù điêu Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại rừng Trần Hưng Đạo.

Cái tên rừng Trần Hưng Đạo, theo các nhà nghiên cứu, được hình thành khi ánh sáng cách mạng rọi tới vùng đất u buồn, huyền bí đã từng đi vào ca dao: Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non/ Cò về nuôi cái cùng con/ Ðể anh đi trẩy nước non Cao Bằng. Kể từ khi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên về đất nước để lãnh đạo cách mạng Việt Nam, ngày 28 tháng 1 năm 1941, Bác về/ Im lặng/ Con chim hót/ Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ! (Tố Hữu), Cao Bằng có thêm nhiều địa danh mới mang tên những người anh hùng như Hưng Đạo, Hoa Thám... Trong tài liệu viết về sự kiện này năm 1948, đồng chí Hoàng Văn Thái có dẫn bài diễn văn đọc tại Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của chính đồng chí Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Con cháu của Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, chúng ta sẽ giải phóng cho đất nước chúng ta, sẽ xứng đáng với tổ tiên ta. Và hẳn không phải là một sự ngẫu nhiên mà ngày hôm nay Đội Tuyên truyền chúng ta lại thành lập ngay giữa tổng Trần Hưng Đạo-Hoàng Hoa Thám”.

Nằm chỉ cách thị xã Cao Bằng chừng 50km nhưng rừng Trần Hưng Đạo (thuộc huyện Nguyên Bình) vẫn là khu rừng nguyên sinh, ẩn mình giữa một vùng núi non, đèo dốc, thung lũng trùng điệp. Cách đây 5 năm, nhân kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, rừng đã được đầu tư, tôn tạo thành di tích lịch sử  cách mạng. Đường từ huyện lỵ vào đến tận cửa rừng đã được trải nhựa, xe chạy êm ru nhưng phải qua nhiều dốc cua tay áo, nhiều núi đèo khúc khuỷu khiến những ai lần đầu tới nơi đây cũng đủ hình dung ra một địa thế hiểm trở, theo kiểu “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” mà năm xưa các thế hệ cha anh đã lựa chọn làm nơi xây dựng những đội quân áo vải đầu tiên. Cuốn sách “Lịch sử LLVT huyện Nguyên Bình” viết: “Địa hình huyện Nguyên Bình có vị trí chiến lược quân sự quan trọng, núi rừng hiểm trở, liên hoàn, nhiều hang động, tiện cho việc trú quân, cất giấu lương thực an toàn, bí mật. Hệ thống giao thông cơ động thuận lợi đi nhiều hướng…”. Cánh rừng Trần Hưng Ðạo thuộc núi Dền Sinh, dãy Khau Giáng, xã Tam Kim trước đây là khu rừng già âm u, ít người lui tới, có ngọn Slamcao, đứng trên đỉnh có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn. Rừng Trần Hưng Đạo nằm cạnh những cánh đồng nhỏ hẹp dọc theo hai bờ sông Nhiên, bắt nguồn từ chân núi Phia Oắc. Cái âm u, huyền bí dường như vẫn còn lắng đọng tới tận hôm nay, khi tôi đặt chân lên rừng thiêng, trong một buổi sáng cuối thu yên lành. Rừng vắng không một bóng người.

Theo công trình nghiên cứu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà xã Tam Kim lại được lựa chọn trở thành nơi “chôn rau cắt rốn” của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nằm ở phía Nam huyện Nguyên Bình, những năm 40, xã Tam Kim được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Tam Long và Kim Mã, dân số chỉ chừng hơn 1.000 nhân khẩu nhưng lại là những xã có phong trào cách mạng phát triển mạnh nhất huyện.

Nhiều năm nay, khi nói về Bác Hồ đối với quân đội ta, chúng ta thường dùng cụm từ “Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân”. Có ngược về những ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân mới hiểu hết những nghĩ suy, trăn trở của Người khi gieo hạt giống vũ trang. Trong cuốn hồi ký “Từ nhân dân mà ra”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói về sự ra đời của những đội quân vũ trang đầu tiên: “Đồng thời với việc chuẩn bị chính trị (để tạo ra nước cho cá bơi) thì công việc chuẩn bị quân sự vẫn tiến hành (để tạo ra những con cá ở địa phương như đội du kích Pác Bó, do Bác Hồ đích thân tổ chức). Chính đội này đã tổ chức ra ba đội vũ trang châu và một số đội vũ trang tổng ở các châu Hà Quảng, Hòa An và Nguyên Bình”.

Theo Đại tướng thì trước khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập ba năm, một số giáo viên tự vệ đã đi khắp các địa phương có tổ chức rộng rãi để thành lập các đội tự vệ và giúp các nam nữ đội viên luyện tập. Dần dần, việc huấn luyện quân sự đã trở nên bắt buộc cho các đội tự vệ. Đến cuối 1942, Việt Minh còn tổ chức Trường Cán bộ quân sự, mỗi kỳ học một tháng, bí mật ở trong rừng. Khi trường học đến khóa thứ 3 ở trong rừng thì bị lộ. Lúc này, kẻ địch khi nhìn thấy những dấu vết đã phải bàng hoàng kinh ngạc: Mấy ngôi nhà lợp lá cọ chứa hàng trăm người, nào giảng đường, nào nơi ăn ngủ, giá để súng, sân tập, lại có cả những đường bậc thang cao đến 50, 60 bậc… Chúng không thể ngờ Việt Minh dám làm những “chuyện lớn” ngay trước mũi chúng. Vậy mà chúng vẫn không ngăn nổi sự phát triển của lực lượng vũ trang khi đến cuối năm 1943,  đã có lúc trường tổ chức những cuộc duyệt binh ban ngày, giữa cánh đồng và có cả những cuộc tập trận giả huy động hàng 400-500 người trong phạm vi mấy tổng liền…

...Đến đội quân đàn anh của đoàn quân “Nam Tiến”

Trước cửa rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh: ĐOÀN HOÀI TRUNG.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Daniel Roussel vào năm 1992, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại những ngày đầu đến với việc… nhà binh: “... Tôi được gặp Hồ Chủ tịch lần đầu tiên ở Trung Quốc năm 1940. Chính ở đó, một hôm Người đã đề nghị tôi nghiên cứu vấn đề quân sự. Tôi đã trả lời Bác là tôi quen cầm bút hơn cầm kiếm. Tôi đã nói nguyên văn như vậy... Sau này trở về Việt Nam, ở Pác Bó, khi chúng tôi thảo luận về sự cần thiết chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, một đồng chí đã nói: "Khởi nghĩa vũ trang ư? Nhưng chúng ta làm gì có vũ khí?". Hồ Chủ tịch trả lời cần ưu tiên vấn đề con người: "Con người trước đã, vũ khí tính sau. Nếu quần chúng ủng hộ, chúng ta sẽ có tất cả”. Sau đó, Người nói thêm: "Đồng chí Văn (tức là tôi) cùng các đồng chí khác sẽ làm công tác vận động quần chúng". Hồ Chủ tịch trao cho tôi nhiệm vụ phát triển phong trào Việt Minh ở vùng Cao Bằng. Và người nhắc lại, tôi phải chịu trách nhiệm về vấn đề tổ chức quân sự. Vì vậy, tôi đã phát triển các tổ chức quần chúng, trước hết là các tổ chức chính trị, sau đó là các đội tự vệ. Tôi phải cho họ tập trận, nhưng lúc đó chúng tôi chỉ có sách bằng tiếng Pháp để dùng. Để đi đều bước chẳng hạn, tiếng Pháp là "un, deux, un, deux". Chúng tôi dịch ra tiếng Việt là "một, hai, một, hai" (cười). Kẻ thù bắt đầu mở chiến dịch càn quét. Tôi được giao nhiệm vụ lãnh đạo các nhóm vũ trang được thành lập ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Sau đó, Hồ Chủ tịch đề nghị tôi thiết lập một tuyến liên lạc từ Cao Bằng đến tận Thái Nguyên, gồm các tổ chức quần chúng và các đơn vị vũ trang. Chúng tôi đã tạo lập chừng 20 tổ chức và đơn vị trên toàn tuyến có tên là "Nam tiến".

Ý đồ Nam tiến mang tầm chiến lược cao, nhưng thực hiện không hề dễ dàng. Con đường Nam tiến bị gián đoạn vì kẻ thù khủng bố gắt gao, bắt bớ, chặt đầu những người theo cách mạng. Nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo khi Bác Hồ vừa trở về nước sau thời gian bị Tưởng Giới Thạch giam cầm, Người đã nhận định: “Phong trào lên, địch khủng bố là chuyện tất nhiên, nhưng có phần vì ta bộc lộ lực lượng”. Bác nhắc lại những cuộc duyệt binh huy động đến hàng ngàn người. “Quân khởi nghĩa Cao-Bắc-Lạng đơn độc dấy lên, nhất định đế quốc sẽ mau chóng tập trung lực lượng đàn áp. Riêng về mặt quân sự, thì cũng không theo đúng nguyên tắc tập trung lực lượng; cán bộ, vũ khí đều phân tán, thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt”-Người khẳng định.

Bác nhận định: “Bây giờ thời kì cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kì toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải là hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay, chính trị vẫn còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên. Nếu phát động đấu tranh mà mỗi khi địch đến, nhân dân lại phải tản cư cả vào rừng núi thì sẽ  gặp rất nhiều khó khăn. Phải làm sao, cứ hoạt động vũ trang mà dân ở đâu cứ ở đấy sản xuất, chỉ cần tăng cường canh gác đề phòng, không để địch bắt, hại những người hoạt động…”.

Rồi Bác đề ra một cách giải quyết: “Lực lượng vũ trang của ta hiện nay đã ít lại quá phân tán. Bây giờ nên tập trung những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Tác chiến phải nhằm gây được ảnh hưởng tốt về chính trị, do đó mà mở rộng cơ sở, phát triển lực lượng vũ trang”.

Chỉ thị thành lập quân đội trong... vỏ bao thuốc lá

Một đêm cuối mùa đông, Bác Hồ, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ nằm bàn bạc để thành lập đội vũ trang mới. Trong căn lều lạnh giá trên núi cao, mỗi người nằm gối đầu lên một khúc gỗ cứng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Bác phác ra những nét chính về Đội Việt Nam giải phóng quân, từ tổ chức đến phương châm hành động, và vấn đề cung cấp lương thực, đạn dược. Bác hướng dẫn cho tôi làm một bản kế hoạch. Bác dặn đi dặn lại nhiều lần: “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Tổ chức của đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo”.

Khi đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo lại bản kế hoạch thành lập đội vũ trang đã dự thảo, Bác nói:

- Được, tình hình quốc tế đang có nhiều điều kiện thuận lợi. Trong vòng một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi.

Như vậy, Người đã “phê chuẩn” kế hoạch về cơ bản. Chỉ có thêm một chi tiết mới là việc Bác đề nghị thêm hai chữ “tuyên truyền” vào tên đội.

Thế là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời.

Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn tiết lộ một chi tiết thú vị: “Một ngày trước lễ thành lập đội, chúng tôi nhận được một bức thư nhỏ của Bác đặt trong một bao thuốc lá. Giở ra, đó là chỉ thị của Bác về việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân...”.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN MINH

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 2.267