TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
10 sự kiện nổi bật nhất thế giới năm 2009
Ngày cập nhật 31/12/2009

Năm 2009 ghi nhận đầu tiên là tin vui từ nền kinh tế thế giới, tiếp đến là của các nỗ lực ngoại giao để cải thiện những mối quan hệ có ảnh hưởng lớn tới cục diện toàn cầu và giải quyết một loạt khủng hoảng về chính trị, an ninh, năng lượng.

Năm nay cũng là năm thế giới phải đối phó với những những mâu thuẫn cũ với diễn biến mới. Sau đây là 10 sự kiện nổi bật nhất thế giới năm 2009:
1. Kinh tế thế giới từng bước thoát khỏi khủng hoảng: Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt nguồn từ sự sụp đổ của hệ thống cho vay thứ cấp ở Mỹ, đang dần bị đẩy lùi. Các nước giàu ở phương Tây đã thoát khỏi suy thoái từ mùa Hè, hoạt động kinh tế tốt hơn và dần đạt đến mức trước khi Ngân hàng Mỹ Lehman Brothers sụp đổ. Thương mại thế giới cũng đã phục hồi, thị trường chứng khoán tăng hơn 60% so với mùa Đông vừa qua, các ngân hàng đã cho vay trở lại với lãi suất hợp lý hơn. Đó là những tín hiệu đáng phấn khởi. Năm tới được các nhà phân tích nhận định là năm kinh tế phát triển mạnh hơn trong lúc chờ đợi sự phục hồi thật sự. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã gia tăng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2010 từ 2,5% lên 3,1%.
 

Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn: “Kinh tế thế giới đang thoát hiểm”

2. Cuộc gặp đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ với các nhà lãnh đạo ASEAN: Ngày 15/11, Tổng thống Barack Obama đã nối vòng tay thân hữu với 10 nhà lãnh đạo ASEAN, trong đó có cả Thủ tướng Mianma Thein Sein, công khai thừa nhận vai trò ''trung tâm'' của ASEAN trong khu vực. Trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị, Mỹ đã công nhận ASEAN là ''đối tác thiết yếu'' trong việc phát huy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đối với Mỹ, ASEAN đã giữ một vị trí ''trung tâm'' trong tiến trình xây dựng các cơ chế liên kết toàn khu vực. Cuộc gặp diễn ra sau khi ông Barack Obama dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) trong chuyến đi châu Á nhằm khẳng định sự trở lại của Mỹ ở khu vực.
 

Cuộc gặp giữa các lãnh đạo Mỹ và ASEAN tại Singapore

3. Đại dịch cúm A/H1N1: Được phát hiện đầu tiên ở Mexico vào tháng 4, cúm A/H1N1 đã nhanh chóng lây lan mạnh khiến chỉ 2 tháng sau đó và là đầu tiên trong 41 năm qua, WHO phải tuyên bố về một đại dịch trên quy mô toàn cầu. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 18/12, dịch bệnh đã xuất hiện tại 206 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 515.000 người nhiễm virút cúm A/H1N1 và 11.780 người đã tử vong.
 

206 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có dịch

4. Quan hệ Thái Lan – Campuchia: Vốn căng thẳng do tranh chấp biên giới quanh đền Preah Vihear từ năm ngoái, đến tháng 10 vừa qua lại “lời tiếng” sau việc Campuchia bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin làm cố vấn kinh tế của thủ tướng và chính phủ. Hai bên triệu hồi đại sứ của nhau về nước. Campuchia tuyên bố hủy bỏ tất cả các thỏa thuận vay tiền với Thái Lan. Thời gian gần đây, căng thẳng đã có dấu hiệu xuống thang và hai bên cam kết không để xảy ra xung đột vũ trang biên giới.
 

Thủ tướng Hun Sen tiếp Thaksin đến thăm Phnôm Pênh với tư cách cố vấn kinh tế chính phủ Campuchia

 
5. Chiến thắng vang dội của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ): Ngày 30/8, đảng Dân chủ Tự do (LDP), cầm quyền ở Nhật Bản trong hơn 50 năm qua, đã thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử Quốc hội, mang lại cho đất nước này cơ hội để thay đổi đường lối chính trị trong quan hệ với các quốc gia láng giềng. DPJ đã cam kết tăng cường các hoạt động ngoại giao với các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, và xây dựng một mối quan hệ Nhật-Mỹ "bình đẳng" hơn. Ngày 16/9, Chủ tịch DPJ Yukio Hatoyama được bầu làm thủ tướng mới.
 

Ông Hatoyama trở thành thủ tướng thứ 93 ở Nhật Bản

 
6. Triều Tiên thử hạt nhân lần 2 vào ngày 25/5, tiếp theo đó là loạt vụ tên lửa và đơn phương hủy bỏ tất cả các hiệp định ngừng đối đầu chính trị, quân sự với Hàn Quốc. Mỹ cảnh báo vụ thử này có thể tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước láng giềng châu Á và gây ra những hậu quả cho sự ổn định khu vực. Đến tháng 8, hai tuần sau ngày tiếp đón cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và trả tự do cho hai nhà báo Mỹ bị giam về tội xâm nhập lãnh thổ bất hợp pháp, Triều Tiên phát tín hiệu hòa giải với Mỹ.
 

Vụ thử hạt nhân lần 2 được Mỹ cho là mạnh hơn lần 1 năm 2006

7. Hiệp ước Lisbon có hiệu lực tháng 12/2009,chấm dứt 8 năm ròng tranh cãi liên quan đến quá trình thể chế hoá EU với 27 thành viên. Đây là sự kiện đầy ý nghĩa vì Hiệp ước Lisbon bị thất bại có thể đẩy EU rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử. Ngày 3/11, Tổng thống Séc Vaslav Klaus trở thành nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên minh Châu Âu (EU) ký thành luật văn kiện cải cách mang tính bước ngoặt này. EU đã bầu Chủ tịch và Ngoại trưởng đầu tiên của khối theo hiến pháp mới.
 

Tổng thống Séc Vaslav Klaus tuyên bố với báo giới sau khi ký Hiệp ước Lisbon

 
8. Quan hệ ấm lên giữa Mỹ và Nga: Trước hết đánh dấu bằng cuộc gặp thượng đỉnh Obama-Medvedev ngày 6/7 được Tổng thống Nga đánh giá là mang đến triển vọng mới cho quan hệ Nga - Mỹ, sau đó là tuyên bố của Mỹ ngừng triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại Trung - Đông Âu. Đây được coi là "điều chỉnh lớn" của chính quyền mới ở Washington so với chính sách của người tiền nhiệm cũ George Bush. Hai bên đang nỗ lực đạt được thỏa thuận về hiệp ước mới thay thế START-1 (đã hết hạn ngày 5/12). Quan hệ cải thiện giữa hai cựu đối thủ thời Chiến tranh Lạnh đồng nghĩa với việc mang đến cho thế giới một chìa khóa an toàn vì hai cường quốc này nắm trong tay hai kho vũ khí chiến lược lớn nhất hành tinh với sức hủy diệt 600 lần sự sống trên Trái Đất.
 

Nga vốn coi START-1 là một bước ngoặt trong việc kiểm soát vũ khí sau Chiến tranh Lạnh

 
 
9. Afghanistan đang ở thời điểm thử thách: Bầu cử tổng thống tại đây ngày 20/8 bị coi là gian lận trên quy mô lớn, dẫn đến khủng hoảng chính trị rất nghiêm trọng, đặt Afghanistan bên bờ vực của bạo lực và đổ máu và đặt Tổng thống Mỹ Barack Obama trong 2 gọng kìm áp lực: một mặt từ phía công luận không ủng hộ việc Mỹ can thiệp vào Afganistan; mặt khác, phía quân đội lại muốn chi viện ít nhất 40.000 binh sỹ Mỹ cho địa bàn này. Ngày 1/12, Obama tuyên bố chiến lược mới liên quan đến chiến trường Afghanistan.
 

Cuộc chiến Afghanistan, dấu hỏi lớn với Mỹ

 
 
 
10. Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại Copenhagen không đạt kết quả mong đợi: Hội nghị ở Copenhagen (Đan Mạch) – hội nghị về khí hậu lớn nhất trong lịch sử, đã kết thúc ngày 18/12 mà không đạt được thỏa thuận mới để thay thế Nghị định thư Kyoto, sẽ hết hạn vào năm 2012. Kết thúc các phiên họp căng thẳng với sự tham dự của hơn 15.000 đại biểu từ 193 nước và sau đó là hơn 100 nguyên thủ quốc gia, tuyên bố mang tính chính trị đưa ra tại phiên cuối cùng được đánh giá là chưa đủ, nhưng rõ ràng mang nhiều ý nghĩa khi thay đổi nhận thức của con người về hậu quả nghiêm trọng của tình  trạng biến đổi khí hậu trên thế giới. 
Nguyễn Viết
Tổng hợp

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.798.022
Truy câp hiện tại 2.252