Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.870.487
Truy câp hiện tại 328
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Khát vọng của dân
Lượt đọc 10060Ngày cập nhật 13/01/2011

Người dân mong muốn Đại hội thể hiện rõ tính chiến đấu và sự trung thực của người cộng sản, không tránh né những vấn đề có tính nguyên tắc, công khai và minh bạch trong tranh luận chứ không dễ dàng xuôi theo những vấn đề đã được chuẩn bị sẵn.

Tinh thần thời đại

Thế giới đã biến đổi quá nhiều đến mức những công thức để thành công trong ngày hôm nay hầu như chắc chắn sẽ là những công thức để thất bại trong ngày mai”. Ý tưởng ấy là của Rowan Gipson nói với các nhà doanh nghiệp về cuộc cạnh tranh khốc liệt trong thời đại chúng ta đang sống. Và chắc là ý tưởng ấy không chỉ dành riêng cho các doanh nhân.

Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI vừa kết thúc, chúng ta đang bước vào thập kỷ thứ hai. Những diễn biến của cuộc sống trong thập kỷ vừa qua cho thấy một điều tưởng như nghịch lý: chuẩn mực chính là sự thay đổi! Khái niệm đó diễn đạt một đặc trưng của nền kinh tế số: luôn tìm kiếm sự mất cân bằng trong phát triển.

Một hệ thống mạng phức tạp nếu đứng mãi ở trạng thái cân bằng và ổn định sẽ là nguy cơ đẩy tới sự đình đốn và suy thoái. Ở đây, người ta đã dùng một hình ảnh thú vị để nói về sự diễn tiến của nó: sự phá hủy sáng tạo. Nếu hiểu sự phá huỷ sáng tạo nhằm phá vỡ cái trạng thái cân bằng cũ nhằm tạo ra trạng thái cân bằng tương đối mới tạm thời trong cả quá trình vận động, thì đây không chỉ là đặc trưng của kinh tế số mà cũng là logic của phát triển nói chung. Đương nhiên, cần phải có một con mắt biện chứng để nhìn sự vật, thì mới thấy ra được sự phá huỷ sáng tạo nhằm vượt qua sự ổn định trì trệ để thúc đẩy những bước phát triển mới.

Đừng quên rằng “…trong quá trình phát triển, tất cả những gì trước kia là hiện thực thì hiện nay trở thành không hiện thực, mất tính tất yếu, mất quyền tồn tại, mất tính hợp lý của chúng; và hiện thực mới, đầy sinh lực, thay thế cho hiện thực đang tiêu vong*. Quan điểm biện chứng ấy của Hégel được Ăng-ghen dẫn ra cách đây gần 2 thế kỷ liệu có thể giúp làm sáng tỏ những ý tưởng vừa trình bày không? Với cái nhìn biện chứng đó mà dõi theo sự vận động của thế giới trong buổi bình minh của thiên niên kỷ mới, với những biến động dồn dập mà trước đó khó hình dung nổi, càng hiểu ra rằng sự biến đổi chính là một hằng số trong thế giới mà chúng ta đang sống và khái niệm “chuẩn mực chính là sự thay đổi” là logic mới do thời đại tạo ra. Thử thách lớn song cũng là hạnh phúc lớn cho chúng ta là chứng nhân của những sự kiện mang tầm vóc lịch sử làm thay đổi diện mạo chính trị của thế giới trong dòng chảy bất tận của cuộc sống.

Dòng chảy của cuộc sống ấy vẫn miệt mài không một phút giây ngừng nghỉ song không phải là cái trước tiếp cái sau theo trình tự tuyến tính mà luôn nảy sinh những nhân tố mới, những tương tác mới tạo ra khả năng nảy sinh những hợp trội không dự báo trước được. Trật tự mới, tổ chức mới là do các thành phần liên kết, tương tác với nhau mà cùng tạo thành, chứ không phải được lập nên do một mệnh lệnh nào từ bên ngoài, từ bên trên quyết định. Trong dòng chảy miệt mài với những đột phá những hợp trội ấy của cuộc sống, con người tịến vào những miền đất mới mà hành trang cần thiết nhất chính là đôi mắt mới của một tư duy mới. Không có một bản đồ vạch sẵn cho con đường phía trước. Những kinh nghiệm có sẵn, những phương pháp truyền thống không còn đủ cho hành trình của dân tộc đi về phía trước.

Cũng là một khuyến cáo với doanh nhân từ người được giải Nobel về kinh tế năm 2009 đại ý như sau: Câu hỏi chúng ta phải tự đặt ra là liệu chúng ta có đủ dũng khí để phá bỏ các trung tâm quyền lực truyền thống, nhờ đó quân lính sẽ được xem trọng hơn vị tướng không? Trong một trận bóng đá, có cả thảy 22 cầu thủ song vào mỗi thời điểm nhất định, chỉ duy nhất một cầu thủ có bóng. 21 người còn lại hình thành nên một cấu trúc. Cấu trúc mở mà chúng ta đang tham gia không đề cập đến cầu thủ đang có bóng mà là về cấu trúc của 21 cầu thủ còn lại. Mọi tổ chức hướng tới tương lai cần tiến hành kiểm nghiệm thực tế về thiện chí và khả năng phi cấu trúc hoá của mình để có thể thích ứng được với môi trường kinh doanh mới trong tương lai. Tầm nhìn của chúng ta đã đủ để hình dung tổ chức của mình dưới dạng các hình thái sinh tồn luôn cộng sinh và biến hoá cùng với thị trường chưa? Liệu chúng ta có dám hy sinh để bước ra khỏi cái tôi và cho nhân viên cấp dưới quyền được phát biểu ý kiến? Liệu chúng ta có đủ dũng cảm để phi cấu trúc hoá cơ chế cứng nhắc hiện tại dù biết nó từng vận hành tốt trong quá khứ? Đấy là chưa nói đến chuyện những sai lầm từng dẫn dắt sự vận hành cuộc sống trong quá khứ!

Là khuyến cáo với các nhà doanh nghiệp, nhưng có lẽ vấn đề được đặt ra có ý nghĩa rộng hơn nhiều. Sự sống không ngừng sinh sôi nảy nở. Màu xám của mọi lý thuyết đã có lúc trùm lấp lên vẻ non tơ của cây đời khiến cho tư duy của không ít người bị cầm tù quá lâu trong những giáo điều đã được học thuộc lòng. Vậy mà, có những thời điểm quyết định vào các bước ngoặt lịch sử có tầm quan trọng lớn lao hơn các thời điểm khác, bởi vì những thay đổi chúng tạo ra là cực kỳ sâu rộng, nhiều chiều và khó tiên đoán. Phải chăng thời điểm chúng ta đang sống cũng có dáng dấp của tầm vóc lịch sử ấy khi mà dân tộc ta đang đối diện với những câu hỏi lớn về sự tồn tại, hội nhập và phát triển trước những thách thức mới rất gay gắt, đồng thời cũng đứng trước vận hội mới đầy triển vọng nếu đủ bản lĩnh vượt qua những thách thức ấy.

Một panô chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng, Báo Tuổi trẻ

Mệnh lệnh của cuộc sống

Trước thềm của Đại hội XI của Đảng, vấn đề này đang đặt ra một cách bức xúc. Bức xúc vì nó thể hiện khát vọng mãnh liệt của nhân dân ta. Khát vọng ấy đang đặt ra với Đảng, một đảng chính trị từng gánh vác sứ mệnh lịch sử thật vẻ vang, kế tục một cách xứng đáng truyền thống quật khởi của ông cha ta, làm nên Cách mạng Tháng Tám, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta tiến hành những cuộc kháng chiến thần thánh đánh bại những kẻ thù xâm lược luôn lớn hơn mình gấp bội trong thế kỷ XX, đưa dân tộc ta bước lên vũ đài quốc tế với tư cách một dân tộc độc lập với bản lĩnh vốn có của mình để tồn tại và phát triển trong một vị thế địa-chính trị đặc thù, đầy thử thách cam go.

Trên bước đường gian nan của công cuộc dựng nước, hàn gắn những vết thương chiến tranh kéo dài non nửa thế kỷ mà ít dân tộc nào trên trái đất này phải gánh chịu kiên cường và khốc liệt đến vậy, những bước gập ghềnh va vấp là không thể tránh khỏi, thậm chí có lúc đứng bên bờ vực của sụp đổ, nhân dân ta vẫn đủ bản lĩnh cùng với Đảng của mình vượt qua hiểm nguy để có ngày hôm nay. Có được như vậy vì Đảng biết nghe dân, biết từ sáng kiến của dân mà đúc kết thành chủ trương, đường lối để lãnh đạo công cuộc Đổi Mới thắng lợi. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”. **

Quả thật, ý dân là ý trời. Xin chỉ gợi lại một cột mốc lịch sử. Dân đã tự mình cởi trói, bung ra trong sản xuất, đẩy tới chỉ thị 100 của Ban Bí thư ngày 13.1.1981 mở đường cho nông dân làm ăn để có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị ngày 5.4.1988, trả lại quyền tự chủ sản xuất và kinh doanh cho hộ kinh tế gia đình nông dân, tạo nên một chuyển biến quyết định về nông nghiệp, nông thôn, để từ đó thúc đẩy sự chuyển biến của công nghiệp và đô thị. Chỉ cần một tháo gỡ về đường lối, chưa đòi phải đầu tư vốn liếng và kỹ thuật gì phức tạp cả, mà từ chỗ phải nhập 199,5 ngàn tấn gạo năm 1988 và ở Miền Bắc lúc bấy giờ có khoảng 3,6 triệu người bị thiếu đói trầm trọng, thì sang đến năm 1999, cũng con người ấy, đồng ruộng ấy, sản xuất lương thực đã tăng vọt lên 21 triệu tấn, bình quân lương thực vượt qua ngưỡng trên 300kg/ người của thời kỳ 1955-1958, lại xuất khẩu được 1,4 tấn gạo!

Có lẽ phải nói thêm cách suy nghĩ thật giản đơn nhưng hết sức năng động và sáng tỏ của người nông dân, dám đương đầu với những áp lực của những lực cản của cái cũ, “đang suy tàn nhưng được tập quán thần thánh hóa” như Ph.Ăng-ghen đã từng chỉ ra. Trước những truy chụp nặng nề và quái ác về “lập trường, quan điểm”, có đảng viên đã phản ứng thẳng thừng: “hoặc là con cháu của Mác, hoặc là chú bác với bọn phản động, thế thôi, đói quá phải chui, còn đúng hay sai, hạ hồi phân giải*** (tưởng cũng nên nhắc thêm rằng, trên tivi đang chiếu cuốn phim “Bí thư tỉnh ủy“, có thể tìm thấy những hình ảnh thật sinh động cho chuyện này. Còn nếu muốn làm “con cháu của Mác” thì cũng xin dẫn ra nguyên văn ý của Mác: “không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển vẫn chưa phát triển”!).

Bài học của giáo điều, bảo thủ và đổi mới, sáng tạo thật là thấm thía. Nói chữ nghĩa to tát thì thế, nhưng thật ra, chân lý thật giản đơn, vì đó là cuộc sống. Biết bám vào cuộc sống của dân, dám nghe dân, hiểu được ý chí và nguyện vọng của dân thì mọi giáo điều sẽ như sương mù tan biến dưới ánh mặt trời!


Trang hoàng đường phố Hà Nội đón chào Đại hội Đảng XI
Ảnh: Quý Trung, Báo Tuổi trẻ

Học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ vào thời điểm nhạy cảm này chính là thực hiện lời căn dặn của Bác “phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Trước thềm Đại hội, thiết thực nhất là làm theo đòi hỏi của Bác: đừng “làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà làm kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo… làm theo cách quan liêu đó, thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công nhưng về mặt chính trị là thất bại”. **

Về nguyên tắc thì dân không được dự Đại hội Đảng, dân cũng không được bầu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là bầu Tổng Bí thư! Ở đây là một thực tế lịch sử, dân ta sẵn sàng chấp nhận thực tế lịch sử đó khi Đảng thực sự là Đảng của dân, biết “đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.**

Vậy là nguyên tắc thì như vậy, đồng thời về nguyên lý thì vừa qua, những Văn kiện sẽ đưa ra trình Đại hội XI thảo luận đã ít nhiều có sự đóng góp của dân, trong đó có sự đóng góp của nhiều đảng viên là cán bộ lão thành cách mạng, những người đã có trải nghiệm thành công và thất bại của Đảng, có đóng góp của những cựu chiến binh, những người đã từng cống hiến cuộc đời và một phần xương máu của mình cho sự nghiệp của dân tộc, có đóng góp trí tuệ và tâm huyết của nhiều trí thức chân chính, đã từng đúc kết những bài học của nước mình và của thế giới để đưa ra những kiến nghị có cơ sở khoa học và thực tiễn. Để chứng tỏ Đảng là Đảng của dân, Đảng biết trân trọng những đóng góp của dân, thì cần công khai toàn bộ những ý kiến đóng góp đó, ghi rõ những ý kiến nào Đại hội tiếp thu, đưa ra thảo luận để chuyển thành Nghị quyết, những ý kiến nào cần nghiên cứu để chỉ rõ đúng sai để trả lời thật minh bạch.

Một điều thiết thực và bức xúc nữa của dân, và cũng là của đông đảo đảng viên không phải là đại biểu Đại hội, nhưng thông qua đại biểu của mình, mong mỏi Đại hội đổi mới cách làm việc, đặc biệt là cách bầu BCHTƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là bầu Tổng Bí thư. Làm sao để Đại hội thực sự là cơ quan cao nhất của Đảng như Điều lệ Đảng đã quy định, nơi trực tiếp quyết định những vấn đề có ý nghĩa sống còn của Đảng, trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của dân.

Muốn thế, Đại hội phải thể hiện rõ tính chiến đấu và sự trung thực của người cộng sản, không tránh né những vấn đề có tính nguyên tắc, công khai và minh bạch trong tranh luận chứ không dễ dàng xuôi theo những vấn đề đã được chuẩn bị và sắp đặt sẵn. Đành rằng, bất cứ với cách thức nào thì sự chuẩn bị của Ban Tổ chức Đại hội là điều phải có. Song quyền quyết định phải là Đại hội, là sự tranh luận và biểu quyết của tất cả các đại biểu.

Hơn lúc nào hết, trước thềm của Đại hội XI, khí phách của dân tộc cần được khởi động. Những âm vang của lịch sử như giục giã mỗi chúng ta. Từ “Cương lĩnh dựng nước” của Khúc Hạo thế kỷ thứ X “Chính sự cốt chuộng sự khoan dung, giản dị để cho trăm họ được yên vui” đến bản lĩnh của Trần Hưng Đạo thế kỷ XIII “Bệ hạ muốn hàng xin trước hãy chém đầu tôi đã”, đến khí phách của người cộng sản Hoàng Văn Thụ thế kỷ XX trước giờ lên máy chém “Việc nước xưa nay có bại thành. Miễn sao giữ trọn được thanh danh”.

Người đảng viên của Đảng, những người gánh vác trọng trách của Đảng và cũng là của dân, trước hết phải là người yêu nước nhất, là người tỏ rõ khí phách trước kẻ thù, là người có bản lĩnh dám đương đầu trước mọi khó khăn, dám ở nơi đầu sóng ngọn gió để cùng dân tộc đi tới trong một thế giới đầy thử thách và đầy biến động khó lường của thế kỷ XXI. Đó chính là khát vọng của dân vào thời điểm nhạy cảm trước thềm Đại Hội XI của Đảng!

* C. Mác và Ph.Ăng-ghen Toàn tập. Tập 21. HàNôi 1995, tr. 393.

** Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 5. NXBCTQG, Hà Nội 1995. tr.295. tr.293, tr.297

*** Thái Duy. Đổi Mới ở Việt Nam. Nhớ lại và Suy Ngẫm. Chủ biên: Đào Xuân Sâm & Vũ Quốc Tuấn. NXB Tri thức. 2008. tr. 301.

GS. Tương Lai - Nguồn: TC Tia Sáng
    gửi mail   in
Các tin khác
Xem tin theo ngày