Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.097
Truy câp hiện tại 699
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI MỤC TIÊU TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG TRƯỚC NĂM 2025
Lượt đọc 2745Ngày cập nhật 13/05/2024

Để thực hiện quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huê trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025, trong thời gian tới Thừa Thiên Huế xác định tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh toàn dân, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

 

1. Tăng tốc, tập trung hoàn thành và triển khai hiệu quả các quy hoạch, đề án

Tập trung huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình 12-CTr/TU, ngày 13/5/2022 của Tỉnh ủy (khoá XVI) thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội; Nghị định 84/2022/NĐ-CP của Chính phủ; Thông báo Kết luận 137/TB-VPCP, ngày 18/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế. Thực hiện tốt thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây để huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển[1].

2. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế

Tập trung cơ cấu lại theo hướng phát triển nhanh và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh các dịch vụ có lợi thế như: Du lịch, thương mại, y tế, giáo dục, logistics gắn với công nghệ số. Huy động các nguồn lực, thành phần kinh tế phục hồi nhanh ngành du lịch, tạo bước phát triển đột phá, đưa du lịch, dịch vụ xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn, đón khoảng 3,5-4 triệu lượt khách. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, du lịch đặc sắc, có lợi thế và giá trị gia tăng cao để kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách. Tăng cường truyền thông, quảng bá và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Tăng cường xúc tiến các đường bay nội địa, quốc tế đi và đến Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án phát triển du lịch, thương mại và hạ tầng kết nối các điểm du lịch. Khuyến khích phát triển hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm cao cấp, khu dịch vụ đa chức năng.

Cơ cấu lại ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp - xây dựng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao gắn với phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh và lợi thế so sánh của tỉnh. Tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tăng cường hỗ trợ, giám sát tiến độ triển khai các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp có quy mô đầu tư lớn như: Dự án Nhà máy Kanglongda Huế, sản xuất ô tô Đăng Kim Long, Khu Công nghiệp Phú Bài IV...

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch. Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, VietGap, nông nghiệp sinh thái. Tập trung phát triển những sản phẩm đặc sản, có lợi thế của mỗi địa phương thành các sản phẩm OCOP. Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bền vững. Hình thành các khu nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu. Tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC; phát triển trồng dược liệu dưới tán rừng; trồng rừng ven biển, đầm phá, rừng ngập ngọt. Có chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao thông nông thôn. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện gắn với đô thị hóa.

Tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển, nhất là các ngành như du lịch và dịch vụ biển. Khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển, trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước. Phát triển kinh tế hàng hải, nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới... Phát triển hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành “Công viên đầm phá Quốc gia”. Đẩy mạnh gắn kết phát triển loại hình du lịch biển, đảo, đầm phá của tỉnh với vùng Duyên hải miền Trung; phối hợp chặt chẽ với các địa phương thuộc vùng để phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung Bộ với khu vực trọng điểm phát triển ở Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á.

3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quy hoạch; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển đô thị và phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh theo kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, thành phố Huế mở rộng đạt chuẩn đô thị loại I; xây dựng huyện Phong Điền đạt chuẩn đô thị loại IV, đô thị Chân Mây đạt tiêu chí đô thị loại III; nâng cấp và hình thành các đô thị mới: Vinh Hiền, Vinh Hưng, Vinh Thanh, Vinh Xuân, Thanh Hà, Phú Mỹ, Phong An, Điền Lộc đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.

Tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên đầu tư xây dựng phát triển khung hạ tầng, phát triển đô thị[2]. Tiếp tục đầu tư xây dựng các khu đô thị kiểu mẫu; đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại hạ tầng cấp điện, nước, chiếu sáng, viễn thông, thoát nước, xử lý nước thải... phục vụ tốt dân sinh và chức năng đô thị hiện đại, thông minh.

Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính trên cơ sở thực hiện tốt công tác chuyển đổi số của tỉnh và Đề án 06 của Chính phủ. Triển khai các giải pháp duy trì và nâng cao xếp hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, DTI.

Nâng cao tính sẵn sàng đối với các dự án kêu gọi đầu tư. Đôn đốc các nhà đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các khu công nghiệp. Xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng vào các khu công nghiệp[3]. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư dự án logistic và cảng biển để tăng tính chủ động trong việc lưu thông hàng hoá và góp phần hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài; huy động nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Khai thác, sử dụng có hiệu quả các dự án cảng biển: Bến số 1, 2, 3 cảng Chân Mây; nâng cấp cảng nước sâu Chân Mây thành cảng Container, cảng du lịch; xây dựng Bến số 4, Bến số 5, Bến số 6 cảng Chân Mây; Khu dịch vụ Logictis cảng Chân Mây.

Hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, quy mô lớn[4]. Tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội hóa thông qua hình thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT), kêu gọi các nhà đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để thực hiện đầu tư, hoàn thiện hệ thống giao thông đối ngoại của Khu kinh tế, kết nối với các tuyến quốc lộ, trục giao thông kết nối từ Khu kinh tế đến cao tốc La Sơn - Túy Loan.

Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng. Rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật theo đúng quy định.

4. Triển khai thực hiện có hiệu quả 4 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về xây dựng, phát huy vị thế 4 trung tâm: Văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước; y tế chuyên sâu; khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao

Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhất là các di sản văn hóa được UNESCO ghi danh. Phát triển thành phố Huế trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của Vùng. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di sản, di tích xuống cấp. Tập trung nhiệm vụ xây dựng văn hóa cơ sở. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch với văn hoá. Tiếp tục xây dựng Huế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Lễ hội Điện Huệ Nam là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; đề nghị UNESCO công nhận Ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại gắn với tăng cường công tác quản lý, phát huy giá trị di sản. Xây dựng hồ sơ để thành phố Huế gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Lan tỏa và thực hành văn hóa Huế trong toàn tỉnh.

Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là Trung tâm Y tế chuyên sâu của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên Huế là Trung tâm Y tế chuyên sâu, kỹ thuật y học cao cấp, trung tâm đào tạo thực hành nhân lực y tế chất lượng cao, có cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phát triển Bệnh viện Trung ương Huế, cùng với Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, là trung tâm y học cao cấp, bệnh viện hạt nhân, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của vùng và cả nước. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống y tế tỉnh. Đầu tư hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh, đồng bộ. Tăng cường nhân lực y tế cho nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục đẩy mạnh sự phối hợp, liên kết chặt chẽ Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Y Dược Huế và hệ thống y tế địa phương.

Tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện gắn với chuyển đổi số trong Ngành Giáo dục. Xây dựng môi trường giáo dục thông minh, trường học kiểu mẫu. Phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng; phát triển Trường Đại học Sư phạm trở thành Trường Đại học Sư phạm trọng điểm Quốc gia. Xây dựng Trường THPT chuyên Quốc Học Huế trở thành trường Trung học phổ thông nhóm đầu quốc gia.

Thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ gắn với sản xuất và dịch vụ. Triển khai thực hiện Đề án “Phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030”. Tập trung hoàn thành Đề án thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia khu vực miền Trung. Tăng cường công tác chuyển đổi số, dịch vụ đô thị thông minh.

5. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội

Thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Tập trung thực hiện tốt các chính sách xã hội, quản lý phát triển xã hội, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, bảo đảm ổn định và phát triển xã hội bền vững. Tiếp tục thực hiện các chương trình giải quyết việc làm gắn với phát triển ngành nghề nông thôn và giảm nghèo bền vững. Hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2023 còn 2,79%, đến năm cuối năm 2024 còn 2,2% và đến cuối năm 2025 còn 1,84%; đồng thời, tập trung huy động, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”, gắn với huy động nguồn lực để hỗ trợ giảm nghèo bền vững và xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh.

Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động. Thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách. Triển khai quyết liệt 3 chương trình mục tiêu quốc gia gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ các chương trình, dự án; thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững. Quyết tâm đưa huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo Quốc gia, hoàn tất các tiêu chí, thủ tục trước quý III/2024; Triển khai thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Quan tâm chăm lo các gia đình chính sách và đối tượng xã hội; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội.

6. Bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; bảo vệ tài nguyên, môi trường và phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu

Củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; chủ động nắm chắc tình hình cơ sở, không để bị động, bất ngờ, tuyệt đối không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn. Đấu tranh chống các hành vi sai trái, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch có hiệu quả. Mở các đợt cao điểm tấn công, kiềm chế các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là ma túy, cờ bạc tín dụng đen. Bảo vệ an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, đối ngoại, văn hóa, xã hội của đất nước, địa phương. Thực hiện hiệu quả các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông; tăng cường công tác, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội về bảo vệ tài nguyên, môi trường. Chú trọng công tác phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị, lan tỏa mạnh mẽ và đi vào chiều sâu phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, “xây dựng Thừa Thiên Huế xanh - sạch - sáng”; “Ngày Chủ nhật xanh”...

7. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số

Tiếp tục đổi mới sắp xếp, kiện toàn, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính; xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Tăng cường chỉ đạo gắn với giám sát việc thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vụ việc nổi lên. Thực hiện tốt quy định về tiếp dân; xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo bảo đảm đúng thời gian, quy định, không để tồn đọng kéo dài và khiếu kiện vượt cấp.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số các lĩnh vực hành chính công, y tế, giáo dục, văn hóa… Phấn đấu cải thiện, nâng cao vị trí xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số PAPI và Chỉ số sẵn sàng và ứng dụng CNTT (ICT) của tỉnh trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

8. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội

Ban hành và sớm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới phương thức lãnh đạo của Các cấp ủy đảng đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2028. Tăng cường phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, trên cơ sở phối hợp tiếp tục đẩy mạnh, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế giai đoạn 2, triển khai Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế...

Tăng cường phối hợp thực hiện có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động đi vào chiều sâu, thực chất và lan tỏa mạnh mẽ như phong trào “Xây dựng Thừa Thiên Huế xanh - sạch - sáng”; “Ngày Chủ nhật xanh”; “Nói không với túi nilông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”; “Mai vàng trước ngõ”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

9. Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh

Tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng trên cơ sở bám sát thực tiễn và hướng mạnh về cơ sở, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới hình thức, phương pháp, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch học tập chuyên đề toàn khóa và Kế hoạch 161-KH/TU, ngày 11/01/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 và những năm tiếp theo.

Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn đã được đề ra tại Nghị quyết 54-NQ/TW, Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI… Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện các chủ trương, đề án, dự án trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tăng cường quảng bá về hình ảnh của Thừa Thiên Huế trong tiến trình xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Triển khai cụ thể hóa và thực hiện tốt các chủ trương, quy định mới của Trung ương về công tác cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ… Chỉ đạo các Cấp ủy, địa phương làm tốt công tác sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư do sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; chuẩn bị bộ máy cho việc hình thành các đô thị trong tương lai.

Tăng cường nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Đề án 15-ĐA/TU, Chương trình 17-CTr/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI). Ban hành quy chế làm việc mẫu của Cấp ủy cơ sở xã, phường, thị trấn và chi bộ thôn, tổ dân phố. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên; tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề về công tác phát triển đảng viên từ trong khu dân cư, trong học sinh, sinh viên, trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong các khu công nghiệp... Tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và phát huy vai trò, trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Tăng cường chỉ đạo các Cấp ủy xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn phức tạp, dễ phát sinh vi phạm để kịp thời phát hiện, uốn nắn, khắc phục; tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc từ khi mới manh nha.

Phát huy hơn nữa hiệu quả công tác dân vận; nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới. Huy động sự vào cuộc, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình trọng tâm về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 và những năm tiếp theo. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh.

Chỉ đạo các Cấp ủy Đảng, người đứng đầu Cấp ủy, chính quyền phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện nghiêm túc quy chế, chương trình làm việc, gắn với phân công, phân nhiệm và tiến độ hoàn thành cụ thể. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển công việc đối với cán bộ năng lực yếu, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Đổi mới tư duy, sáng tạo trong giải quyết công việc, gắn chỉ đạo, điều hành với kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc thực hiện.

 


[1]. Tập trung hoàn thành các quy hoạch, đề án quan trọng: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế (dự kiến trình các cơ quan Trung ương trong Quý I/2024); Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế; Đề án phân loại đô thị loại IV đối với đô thị Phong Điền; Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế; Đề án phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia. Tiếp tục chủ động rà soát, triển khai thực hiện quyết liệt nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về xây dựng tỉnh trở thành trung tâm y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo; văn hóa - du lịch, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, giảm nghèo bền vững; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

[2]. Tuyến đường bộ ven biển, Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương, đường vành đai 3, đường Mỹ An - Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2, hạ tầng Khu đô thị mới Thuận An theo chương trình phát triển đô thị của tỉnh. Hoàn thiện hạ tầng đô thị thành phố Huế; ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Phong Điền, nâng cấp đô thị thị xã Hương Trà và Hương Thuỷ theo định hướng phát triển của tỉnh.

[3]. KCN Phú Đa, Quảng Vinh và KCN trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; cụm công nghiệp Thuỷ Phương 2, cụm Công nghiệp Điền Lộc...

[4]. Như: Laguna Lăng Cô giai đoạn 2, Minh Viễn Lăng Cô, dự án Bến số 2 - Cảng Chân Mây, dự án Bến số 3 - Cảng Chân Mây, dự án Khu công nghiệp Gilimex, dự án hạ tầng Khu công nghiệp - Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây, dự án Khu phức hợp du lịch dịch vụ Đăng Kim Long...

(Trích Chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh toàn dân; quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025”)

 

Ban Tuyên giáo ĐUK (tổng hợp)
    gửi mail   in
Các tin khác
Xem tin theo ngày