Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 4.527
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Việt Nam với chiến lược xây dựng hai nền kinh tế
Ngày cập nhật 09/03/2009
Xây thị trường nội địa từ hàng hoá "Made in VietNam"

Trong tình hình khó khăn hiện nay, khi khủng hoảng kinh tế thế giới đang đi đến giai đoạn khốc liệt nhất, hàng loạt vấn đề đang đặt ra cho các nhà điều hành vĩ mô. Tuỳ thuộc vào đặc điểm của mỗi quốc gia mà các vấn đề được đặt ra có ý nghĩa quan trọng khác nhau. Đối với Việt Nam, việc xác định lại mục tiêu phát triển là vấn đề quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của dân tộc chúng ta.

Con người là mục tiêu của mọi chương trình phát triển

Hiện nay, trong xã hội đang có những thảo luận về việc xác định mục tiêu trong giai đoạn hiện tại để từ đó có những giải pháp thích hợp nhằm thoát ra khỏi khủng hoảng. Có một luồng ý kiến cho rằng, Việt Nam cần gạt bỏ mục tiêu tăng trưởng như một yếu tố tiên quyết và bắt buộc, chỉ nên dùng nó như một chỉ số để tham chiếu. Thay vào đó, quan trọng hơn, cao hơn là mục tiêu về việc làm, đây cũng là xu thế chung thể hiện trong gói giải pháp chống khủng hoảng của các nước.

Trong quá trình nghiên cứu về các vấn đề phát triển, từ lâu tôi đã thấy rằng việc đặt tốc độ tăng trưởng thành mục tiêu chủ đạo quyết định toàn bộ thái độ của xã hội đối với phát triển là sai. Cái sai này không phải là sai về kinh tế học mà là sai về xã hội học, về chính trị học. Tăng trưởng chỉ là một tham số để xét một khía cạnh chứ không phải là toàn bộ đời sống phát triển.

Vấn đề trung tâm của mọi chương trình phát triển là con người, một chỉ tiêu phiến diện như tốc độ tăng trưởng không đủ năng lực để phản ánh con người được gì trong quá trình ấy. Hơn nữa, trong chỉ tiêu tăng trưởng tổng hợp của bất kỳ quốc gia nào đều có sự chen vào của một khái niệm hết sức ghê gớm là khoảng cách giàu nghèo.
Nếu lấy tăng trưởng là mục tiêu chính thì khoảng cách giàu nghèo vốn phản ánh sự phân bố tự nhiên về mặt năng lực sẽ được nới rộng thêm bằng sự phân bố phi tự nhiên về mặt tiền vốn và đào tạo.

Về vấn đề việc làm, nếu nói như một số chuyên gia coi việc làm như là một mục tiêu thì rất dễ phạm phải một sai lầm là không quan tâm đến việc làm với chất lượng như thế nào. Nếu xem việc làm là chủ yếu và đi theo lối phát triển việc làm thì chúng ta sẽ đẩy xã hội vào một trạng thái gọi là trạng thái tồn tại vất vả. Việc làm mang lại ổn định tối thiểu nhưng không hẳn đã mang lại hạnh phúc. Phát triển việc làm và chất lượng của nó để tác động một cách tích cực vào sự tiến bộ của đời sống con người mới là mục tiêu lâu dài.

Cho nên, tôi cho rằng lấy tăng trưởng GDP hay lấy tăng trưởng việc làm làm mục tiêu đều phiến diện cả. Việc xây dựng các chính sách vĩ mô phải dựa trên mục tiêu dài hạn và ổn định chứ không phải là dựa vào những điều kiện của năm nay hoặc sang năm. Mục tiêu phát triển có thể có thêm các tham số phản ánh tình thế của từng thời điểm, của từng giai đoạn, nhưng hạt nhân của nó phải là con người. Chừng nào không đạt được đến những tác động có lợi cho sự phát triển đời sống của con người thì có nghĩa là hoạt động điều chỉnh vĩ mô không thành công

Từ chỗ xác định được mục tiêu lâu dài là con người và sự phát triển đời sống của con người, chúng ta sẽ có những thái độ xã hội, thái độ chính trị thoả đáng và những chiến lược kinh tế phù hợp để đạt được mục tiêu ấy.

Xây dựng đồng thời hai nền kinh tế - Một nhiệm vụ chiến lược

Để đạt được mục tiêu lâu dài như đã phân tích ở trên, về mặt kinh tế, chúng ta phải có chiến lược thích hợp. Vậy chiến lược nào là phù hợp trong bối cảnh hiện nay? Quan sát những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chúng ta có thể thấy rằng, nếu một nền kinh tế cụ thể trở thành yếu tố vãng lai thuần tuý đối với nền kinh tế thế giới thì toàn bộ lý thuyết phát triển nền kinh tế ấy là sai. Các nền kinh tế vẫn phải giữ được địa vị độc lập của nó khi tham gia vào quá trình toàn cầu hoá. Những người ra trận bao giờ cũng phải có hậu phương.

Trong kinh tế cũng vậy, để tồn tại được trong tất cả các điều kiện, kể cả những điều kiện khó khăn nhất của thế giới, mỗi một quốc gia đều phải xây dựng nền kinh tế có cấu trúc cân đối chia ra làm hai mảng rất rõ ràng mà tôi tạm gọi là kinh tế bản thể và kinh tế phát triển. Kinh tế phát triển là bộ phận tiên phong, nó gắn liền với việc tạo lập các tổ chức kinh doanh và các cấu trúc hàng hoá có thể tham gia vào quá trình cạnh tranh toàn cầu.

Còn kinh tế bản thể là bộ phận có chất lượng bảo hiểm đời sống xã hội, nó giải quyết các vấn đề cốt yếu của đời sống hàng ngày, do đó, nó gắn liền với thị trường nội địa và lực lượng chủ yếu của nó là khu vực kinh tế tư nhân, khu vực vừa và nhỏ. Đây là nền kinh tế cơ bản mà mỗi một không gian kinh tế cần phải có.

Củng cố nền kinh tế bản thể như một yếu tố độc lập với tất cả các biến động, các khủng hoảng của thế giới là việc mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải làm. Và càng toàn cầu hoá bao nhiêu thì yêu cầu củng cố nền kinh tế bản thể càng lớn bấy nhiêu, bởi nếu tỷ trọng của nền kinh tế bản thể không đủ nặng thì quá trình toàn cầu hoá sẽ hút tuột nền kinh tế của chúng ta, làm chúng ta biến mất trong vòng xoáy của nền kinh tế toàn cầu. Hiện tượng khủng hoảng kinh tế vừa rồi của thế giới chính là hiện tượng mà các nền kinh tế bản thể bị hút, bị nhổ rễ ra khỏi lợi ích của những con người cư trú trong các vùng lãnh thổ.

Với thực trạng của Việt Nam, tôi cho rằng việc xây dựng nền kinh tế Việt Nam phải là kết quả của việc xây dựng đồng thời cả nền kinh tế bản thể và nền kinh tế phát triển, và vai trò của nhà nước là phải cân đối tỷ lệ hợp lý của hai nền kinh tế này. Từ việc xác lập tỉ lệ hợp lý của hai nền kinh tế, chúng ta sẽ thấy rất nhiều vấn đề đặt ra, chẳng hạn như: phải cân đối tài nguyên như thế nào, phân bố tín dụng như thế nào, phân bố giáo dục đào tạo như thế nào. Tuy nhiên, bên trên tất cả những chuyện ấy, chúng ta cần phải thấy được vai trò chính trị của hai nền kinh tế này.

Chúng ta đang cắt xén kinh tế bản thể để bù đắp cho kinh tế phát triển

Trong những nghiên cứu gần đây, tôi phát hiện ra một khía cạnh là sự phát triển của các tập đoàn kinh tế lớn, đặc biệt là các tập đoàn nhà nước (lực lượng chủ yếu của nền kinh tế phát triển) không phải là yếu tố cơ bản tạo ra sự ổn định chính trị. Chính nền kinh tế bản thể với hạt nhân của nó là khu vực tư nhân, khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là nơi cấu tạo ra toàn bộ sự yên tĩnh xã hội mà tôi cho rằng, nếu diễn tả bằng thuật ngữ thì đấy chính là sự ổn định chính trị.

Nếu không xây dựng được kinh tế bản thể thì chúng ta sẽ phải đối mặt với một rủi ro là chúng ta không có nền kinh tế của mình. Đôi khi những con chim di cư bay trên bầu trời kinh tế có thể được tính như là một yếu tố thuộc về nền kinh tế Việt Nam, nhưng nó chỉ là yếu tố vãng lai chợt đến rồi đi. Không thể thay thế việc nuôi đàn vịt nhà bằng cách đếm vịt trời. Chúng ta phải tự gây dựng nền kinh tế của mình bằng cách chăm sóc, củng cố khu vực kinh tế tư nhân, khu vực vừa và nhỏ. Chăm sóc khu vực kinh tế này chính là chăm sóc đời sống của nhân dân lao động. Đây là một trong những cách thức quan trọng nhất tạo ra ổn định chính trị và nó hoàn toàn phù hợp với đặc điểm chính trị của một quốc gia được dẫn dắt bởi một đảng chính trị đại diện cho công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động.

Đáng tiếc là hiện nay chúng ta chưa có một thái độ đúng đắn đối với kinh tế bản thể. Chúng ta vẫn đang cắt xén những nguồn lực cần thiết cho việc xây dựng kinh tế bản thể để bù đắp cho kinh tế phát triển. Toàn bộ sự chú ý xã hội và chú ý chính trị của chúng ta là tập trung vào xây dựng địa vị của Việt Nam trên trường quốc tế mà quên mất rằng địa vị của Việt Nam với chính người dân của nó là quan trọng hơn nhiều.

Các tập đoàn kinh tế của chúng ta hiện nay đang chiếm khoảng 80% lượng tín dụng phát triển. Rót vào một khu vực kinh tế một lượng tín dụng lớn như vậy với hiệu quả đầu tư rất thấp được phản ánh bằng chỉ số ICOR tới 6-7 thì đấy không phải là phát triển. Chính sự mất cân đối như vậy sẽ dẫn tới nguy cơ tạo ra trạng thái bất ổn xã hội.

Nhìn vào thực tế chúng ta có thể thấy rất rõ rằng, các lực lượng của nền kinh tế bản thể là khu vực vừa và nhỏ, khu vực tư nhân không đủ tiềm năng cũng như quan hệ để có thể vận động chính trị cho các quyền ưu tiên của mình.

Trong khi đó, lực lượng chủ yếu của nền kinh tế phát triển là các tập đoàn lại có đầy đủ cả tiềm năng, cả quan hệ lẫn sự ưu tiên chính trị để có thể hiện thực hoá các quyền ưu tiên của mình. Điều đó tạo ra một cuộc cạnh tranh rất không lành mạnh.

Nó không phải là cuộc cạnh tranh giữa các công ty theo luật cạnh tranh thông thường, mà là sự cạnh tranh chính trị giữa các khu vực kinh tế khác nhau của một nền kinh tế, và trong khi cạnh tranh, các khu vực kinh tế đã tự triệt tiêu sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế Việt Nam.

Phải nói rằng, nếu nhà nước không nhận ra ảnh hưởng của sự mất cân đối ấy đến toàn bộ cấu trúc chính trị - xã hội thì không có ai có thể khắc phục được. Xác lập sự cân đối giữa hai nền kinh tế không phải là công việc của các nhà hoạt động kinh doanh hay các nhà kinh tế mà là hoạt động của các nhà chính trị, là trí tuệ của hệ thống chính trị.

Chính việc xác lập tỉ lệ hợp lý của hai nền kinh tế tạo ra bản chất nhân văn của khái niệm điều hành vĩ mô. Nếu không làm được điều này thì cho dù là nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc hay nền kinh tế trung bình như chúng ta đều có vấn đề.

Để ý đến tăng trưởng quá nhiều, để ý đến địa vị quốc tế của nền kinh tế Việt Nam quá nhiều thì chúng ta không thể yên ổn được. Nhìn sang Nhật Bản, có thể thấy nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu khủng hoảng từ những năm 1991 trở đi, khi cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất xảy ra. Cuộc khủng hoảng ấy kéo dài tới gần 20 năm nhưng xã hội Nhật Bản vẫn yên ổn, bởi vì thái độ của họ đối với thị trường nội địa, đối với nền kinh tế bản thể là khá chính xác. Họ đã tạo ra được những tích luỹ trong nhân dân đủ dầy để không đẩy người dân đến tình trạng đói kém, thiếu thốn, cùng quẫn, và do đó người dân có thể chịu đựng được tất cả các cơn khủng hoảng, kể cả khủng hoảng kinh tế quốc tế.

Xây thị trường nội địa từ hàng hoá "Made in Vietnam"Thị trường nội địa là thị trường ít bị biến động, nó là nhu cầu hàng ngày của đời sống con người. Nếu chúng ta không xây dựng được thị trường nội địa thì chúng ta không thường xuyên có việc làm. Trong những nỗ lực kích cầu nhằm khắc phục khủng hoảng, chúng ta đang đưa ra nhiều chính sách trong đó có chính sách bù lãi suất. Chúng ta hoàn toàn có thể hướng chính sách ấy vào khu vực sản xuất hàng hoá tiêu dùng trên thị trường nội địa, nhưng chúng ta không để ý đến những việc như vậy.

Chúng ta có tám mươi triệu dân Việt Nam là một trong những điểm thu hút đầu tư nước ngoài mà ai cũng thấy, ai cũng ca ngợi nhưng chính chúng ta lại không tự thấy điều ấy, tức là chúng ta có một bản thể để thu hút tất cả các thứ ở bên ngoài nhưng nó lại không thu hút chính mình. Trong một thời kỳ dài chúng ta chỉ để ý đến xuất khẩu mà bỏ rơi thị trường trong nước. Tại sao lại có tình trạng đó? Bởi vì lâu nay chúng ta chỉ xem nhân dân là một lực lượng kinh tế mà quên mất rằng nhân dân còn là một lực lượng thị trường. Chúng ta có một nhân dân sẵn sàng mua hàng hoá của Trung Quốc mà chúng ta không xem là thượng đế, đấy là một điều vô lý. Khi nào chúng ta không nhận ra điều đấy thì không thể nói đến chuyện phát triển hai khu vực kinh tế.

Chúng ta có thể có rất nhiều cách để xây dựng thị trường nội địa. Ví dụ, thay vì duy trì những chính sách buộc người Việt phải nhập ô tô lắp ráp từ nước ngoài như hiện nay, chúng ta cần đề ra những chính sách như giảm thuế để làm giảm giá ô tô trong nước, hoặc đề ra những chính sách để buộc ô tô lắp ráp tại Việt Nam phải đạt chất lượng chuẩn. Về vấn đề này chúng ta nên học tập Nhật Bản. Chất lượng của sản phẩm nội địa Nhật Bản bao giờ cũng cao hơn sản phẩm xuất khẩu. Người làm ra sản phẩm mà không quen sử dụng cái tốt nhất thì không thể sản xuất ra cái tốt nhất được.

Quan sát thị trường hiện nay có thể thấy một trong những chuỗi các cửa hàng đắt khách nhất trên thị trường Hà Nội là các cửa hàng "Made in Vietnam". Người ta đi tìm mua hàng Made in Vietnam bởi vì đấy chính là những hàng hoá thừa ra hoặc đánh tháo ra từ các hợp đồng gia công giữa các hãng quốc tế đối với các công xưởng Việt Nam. Như vậy có nghĩa là nếu hàng hoá được sản xuất bởi người Việt Nam nhưng theo đòi hỏi chất lượng quốc tế thì có ưu thế hơn hẳn những hàng hoá sản xuất từ những nền công nghiệp hương trấn của Trung Quốc.

Chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao chất lượng hàng hoá, tạo cho xã hội có kinh nghiệm tiêu dùng những hàng hoá chất lượng cao với một chế độ nội địa khác thì tự nhiên chúng ta khuyến khích được nền kinh tế bản thể phát triển. Và nếu chúng ta tạo được thói quen tiêu dùng những hàng hoá như vậy ở cả những khu vực xa đô thị thì sẽ ngăn chặn được một trong những cơn dịch khổng lồ nhất đối với các nước có thu nhập thấp như chúng ta đó là dùng hàng hoá rẻ tiền từ Trung Quốc.

Nói tóm lại, theo quan điểm của tôi, nền kinh tế bản thể là thành tố quan trọng nhất để tạo ra ổn định chính trị. Nhiệm vụ hiện nay của chúng ta là phải xây dựng bằng được nền kinh tế bản thể để cho bếp lửa kinh tế của chúng ta luôn luôn ấm, luôn luôn nóng, bất chấp bão to, gió lớn, và đấy được xem như bước tiến quan trọng nhất trong quá trình phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chờ đợi xây dựng xong kinh tế bản thể rồi mới chú ý tới kinh tế phát triển mà phải đồng thời xây dựng hai nền kinh tế này để đến một lúc nào đó chúng gặp nhau, hoà hợp với nhau và tạo ra địa vị thực sự của nền kinh tế Việt Nam ở trong nước cũng như trên trường quốc tế.

Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
(Theo TuanVietNam)

Các tin khác
Xem tin theo ngày