Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 702
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Châu Á trở thành chiếc neo ổn định kinh tế toàn cầu?
Ngày cập nhật 10/07/2012

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, nền kinh tế toàn cầu chỉ khôi phục trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á tuy có giảm đôi chút, song năm 2012 được dự báo vẫn sẽ đạt 6,5%.

Những điểm sáng châu Á
Theo báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á năm 2012” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khu vực này đang chuyển hướng sang “Con đường tăng trưởng bền vững hơn trong dài hạn dựa trên nhu cầu nội địa, thay vì xuất khẩu thường dễ bị ảnh hưởng bởi các thị trường bên ngoài”. Đồng thời, các nền kinh tế mới nổi ở khu vực này sẽ lấy lại mức tăng trưởng cân bằng trong năm nay và sẽ hồi phục vào năm 2013.
Báo cáo của ADB cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu và sự phát triển còn bấp bênh, không chắc chắn của Bắc Mỹ đã ảnh hưởng không nhỏ tới mức tăng trưởng khu vực châu Á. Theo dự báo gần đây nhất của ADB, mức tăng trưởng chung của châu Á trong năm 2012 sẽ giảm xuống còn 6,5%, so với mức 6,8% của năm 2011, nhưng sẽ tăng lên mức 7,3% vào năm 2013. Như vậy, dù sao mức tăng trưởng này vẫn cao hơn nhiều so với các châu lục và khu vực khác trên thế giới. Bởi thế, người ta cho rằng “châu Á sẽ trở thành chiếc neo ổn định và cực năng động mới của kinh tế toàn cầu”. Chính nhu cầu nội địa của các nước trong khu vực đã và đang trở thành động lực rất quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Yếu tố này sẽ ngày càng gia tăng trong bối cảnh tiếp tục cải thiện kim ngạch xuất khẩu tới các thị trường công nghiệp chủ chốt như Bắc Mỹ, Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) và Nhật Bản.
Mức tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng lên 5,2% trong năm nay, so với mức 4,6% năm 2011, chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của Thái Lan sau trận lụt tồi tệ năm 2011. Trong khi đó, nền kinh tế Nhật Bản sau thảm họa kép động đất - sóng thần cũng đã gượng dậy nhanh chóng, nên khu vực Đông - Bắc Á vẫn bảo đảm mức tăng trưởng cao và bền vững: Trung Quốc sẽ đạt mức 8,5%, Nhật Bản - 4,5%, Hàn Quốc - 3,2%. Ấn Độ, quốc gia có dân số lớn thứ hai thế giới (gần 1,2 tỉ người), một trong 5 nền kinh tế mới nổi (BRICS), cũng bảo đảm mức tăng trưởng cao, trong khoảng từ 6,9% đến 7,5%. Tỷ lệ lạm phát hằng năm của cả khu vực châu Á sẽ giảm từ 6,1% xuống còn 4,8%.
Năm 2012, nền kinh tế Trung Quốc có sự phát triển chậm lại, mức tăng trưởng dự báo chỉ đạt 8,5% so với mức 9,2% năm 2011, nhưng năm 2013 sẽ lại hồi phục ở mức tăng trưởng 8,7%. Điều đáng chú ý là mức tăng trưởng tiêu dùng nội địa của đất nước có dân số lớn nhất thế giới này (gần 1,4 tỉ người) vẫn khá ổn định - năm nay là 9,7% và năm tới là 9,2% so với năm 2011. Tuy nhiên, do hai thị trường lớn nhất và quan trọng nhất của ngoại thương Trung Quốc là châu Âu và Bắc Mỹ tái lâm vào khủng hoảng, nên kim ngạch xuất - nhập khẩu của Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong năm 2012. Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu năm nay chỉ có thể đạt 5,7%, trong khi năm ngoái là trên 20%; tăng trưởng nhập khẩu năm nay là 8,9%, trong khi chỉ số này của năm 2011 là trên 24%. Dự báo, cán cân trao đổi hàng hóa cũng sẽ giảm dần theo các năm, đặc biệt là năm 2013.
Thảm họa kép động đất - sóng thần ngày 11-3-2011 đã đẩy Nhật Bản vào tình cảnh như đứng trước một đống đổ nát, bế tắc. Một năm sau thảm họa, giờ đây Nhật Bản đã gượng dậy và nỗ lực vượt qua khó khăn. Bức tranh kinh tế ở xứ sở “Mặt trời mọc” đã nổi bật gam màu tươi sáng. Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản giảm 1%; riêng quý I, GDP giảm gần 7%. Thiệt hại của thảm họa đối với nền kinh tế lên tới con số 300 tỉ USD. Chính phủ Nhật Bản đã phải đầu tư 258 tỉ USD để tái thiết khu vực Đông Bắc, trước hết là xây dựng và củng cố những công trình hạ tầng cơ sở. Vấn đề lớn nhất và nan giải nhất mà đất nước này phải đối mặt chính là những hệ lụy liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân. Sau một thời gian dài gắng gượng, kiên trì khắc phục, nhưng bế tắc, cuối cùng Chính phủ Nhật Bản đã phải quyết định đóng cửa toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân.
Mặc dù vậy, ngành công nghiệp Nhật Bản vẫn bảo đảm đủ điện để sản xuất, các nhà máy nhanh chóng khôi phục và đến nay đã trở lại gần như bình thường. Quý I năm nay, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 4,1% so với cùng kỳ năm 2011 và tăng 1% so với quý IV-2011. Đây là quý thứ ba liên tiếp, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng và mức tăng trưởng cao hơn mọi dự báo. Theo báo cáo sơ bộ do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 17-5, trong quý I năm nay, chi tiêu tiêu dùng chiếm tới 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng 1,1% và là quý thứ tư tăng liên tiếp. Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,9% nhờ đồng yên giảm giá, sau khi đạt mức cao kỷ lục vào cuối năm 2011, trong khi đầu tư của lĩnh vực công tăng 5,4%, chủ yếu là nhằm tái thiết hạ tầng cơ sở, khắc phục hậu quả thảm họa động đất và sóng thần.
Hàn Quốc luôn tự hào là một nền kinh tế năng động. Tiềm năng tăng trưởng của nước này được các chuyên gia kinh tế xếp ngang với các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Mới đây, nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á - Thái Bình Dương của Morgan Stanley công bố báo cáo về triển vọng toàn diện của nền kinh tế Hàn Quốc trong năm 2012 và 2013. Theo các nhà phân tích, tuy nhu cầu nội địa có thể giảm do áp lực lạm phát tương đối cao, nợ công cao, các điều kiện tín dụng thắt chặt và niềm tin tiêu dùng thấp, nhưng sức cạnh tranh cao trong lĩnh vực xuất khẩu làm cho kinh tế Hàn Quốc phát triển khá ổn định: tăng trưởng GDP năm 2011 đạt 3,4%, năm 2012 có thể giảm đôi chút, đạt 3,2%; nhưng từ năm 2013 sẽ tăng mạnh (4,0%) và từ năm 2014 đến năm 2018 sẽ tăng dần lên, tới 4,5%.
Ấn Độ, với vị thế là một trong năm nền kinh tế mới nổi (nhóm BRICS), năm 2012 cũng có bước phát triển chậm lại, GDP chỉ có thể tăng khoảng từ 6,9% đến 7,2%, nhưng năm 2013 sẽ phục hồi ở mức 7,5% và từ năm 2014 đến năm 2018 có mức tăng trưởng dần lên 8,5%. Trong khi đó, mức tiêu dùng nội địa tăng đều, năm nay tăng 6,3% và sang năm tăng 7,6%. Ngược lại, chỉ số lạm phát đạt lộ trình giảm đều, năm ngoái ở mức 9%, năm nay chỉ còn 6,5%, sang năm 2013 sẽ là 5,9% và từ năm 2014 đến năm 2018 tiếp tục giảm xuống còn 5,5%. Theo Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI), đồng thời với lộ trình giảm lạm phát, Chính phủ Ấn Độ đã có cơ hội nới lỏng chính sách tiền tệ và thúc đẩy đầu tư công. Từ năm 2012, Ấn Độ chủ trương khuyến khích đầu tư tư nhân để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát và đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh.
Thách thức và rủi ro tiềm ẩn
Thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế châu Á là những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, hoặc sự tan vỡ của Eurozone. Nếu kịch bản xấu nhất này xảy ra, nó có thể làm cho kim ngạch xuất khẩu chung của châu Á giảm tới 390 tỉ USD mỗi năm. Với những nước châu Á kém phát triển và nằm sâu trong đất liền sẽ còn bị ảnh hưởng mạnh hơn nữa, mất tới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của họ. Mặc dù khả năng này khó xảy ra, nhưng một kịch bản như vậy có thể khiến cho tỷ lệ tăng trưởng của khu vực châu Á giảm đi 1,3% và ngăn cản hơn 20 triệu người thoát khỏi nghèo đói trong năm 2012.
Thách thức lớn thứ hai đối với sự tăng trưởng của khu vực châu Á trong năm 2012 là sự biến động tăng giá hàng hóa có xu hướng kéo dài. Các nền kinh tế của từng nước và khu vực cần phải thích ứng với thực tế giá cả đang leo thang và biến động liên tục. Cơn sốt hàng hóa vừa là rủi ro, vừa là cơ hội, trong khi sự biến động giá cả đang làm thay đổi những ưu đãi. Bởi vậy, các nền kinh tế kém phát triển cần phải thích nghi bằng cách hướng tới chuyên môn hóa sản xuất. Bài học rút ra từ vòng toàn cầu hóa đầu tiên của phương Tây là việc chuyên môn hóa các nguồn tài nguyên (nhất là tại các nước nghèo nhất), có thể trì hoãn tiến trình công nghiệp hóa, đa dạng hóa kinh tế và tạo ra năng lực sản xuất.
Một biện pháp quan trọng đối với các nền kinh tế châu Á là phải kiên quyết thực thi các chính sách nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội. Việc này yêu cầu một tiến trình tái cơ cấu dần dần, từng bước, hỗ trợ tiêu dùng trong nước để tạo ra động cơ tăng trưởng và kích thích năng suất, tạo việc làm và bình đẳng thu nhập. Ngoài ra, cần duy trì cán cân giữa tăng trưởng và ổn định giá cả, thực thi các biện pháp chống lạm phát; đối phó với các luồng vốn, nhất là việc tăng các khoản nợ ngắn hạn; xử lý sự biến động hối đoái và giải quyết ảnh hưởng của các thảm họa thiên tai và thời tiết.
Tăng trưởng quá nhanh có thể dẫn đến hệ lụy xấu
Không phải sự tăng trưởng nhanh, tăng trưởng nóng bao giờ cũng tốt. Trong một số trường hợp, việc tăng trưởng quá nhanh sẽ làm nảy sinh hệ lụy không mong muốn. ADB mới đây đã cảnh báo, tăng trưởng kinh tế nhanh tại khu vực châu Á có thể sẽ tác động xấu tới tình hình ổn định xã hội, do khoảng cách giàu - nghèo (hay còn gọi là chỉ số bất bình đẳng) đang ngày càng mở rộng.
Theo báo cáo mới nhất của ADB, chỉ số bất bình đẳng ở châu Á đã tăng lên tới con số 38. Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia là những quốc gia tiêu biểu có chỉ số bất bình đẳng cao nhất. ADB sử dụng hệ số Gini (dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) để đo khoảng cách bất bình đẳng; chỉ số càng cao, hệ quả càng lớn. Theo đó, hệ số Gini tại Trung Quốc đã tăng từ mức 32 trong những năm đầu thập kỷ 1990 lên mức 43 trong năm 2010; Ấn Độ tăng từ 33 lên 37 trong cùng thời gian và Indonesia tăng từ 29 lên 39. Như vậy, sự bất bình đẳng ở châu Á đã gia tăng đáng kể.
Theo ông Changyong Rhee, chuyên gia kinh tế của ADB, châu Á đã từng chứng kiến một sự thay đổi trong dài hạn mà khoảng cách giàu - nghèo vẫn được quản lý. Suốt thời gian 10 năm, từ năm 1960 đến năm 1970, châu Á đã bảo đảm tăng trưởng khá cao mà không gây ra những vấn đề về dân số, trong khi trên thực tế còn có thể rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo. Nhưng một thập kỷ gần đây thì đã khác. Sự bùng nổ tăng trưởng đã làm cho khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn. Thực tế cho thấy, ở hầu hết các nước châu Á, 5% người giàu nhất chiếm tới 20% tổng số tiêu dùng. Trong khi đó, đối với người nghèo và cận nghèo chiếm từ 60% đến 80% dân số, thì việc tiếp cận giáo dục, y tế, nhà ở…, nghĩa là những nhu cầu tối thiểu nhất của con người, vẫn trở thành những vấn đề khó khăn.
Từ bài học thực tế, người ta có thể ngộ ra rằng, một trong những biện pháp vô cùng quan trọng trong việc chống sốc cho các nền kinh tế châu Á trước hết phải là giải quyết vấn đề giảm tỷ lệ thất nghiệp và bất bình đẳng. Điều này yêu cầu một tiến trình tái cơ cấu dần dần, hỗ trợ tiêu dùng trong nước cao hơn, như là một động cơ tăng trưởng và tăng năng suất lao động, tạo việc làm và bình đẳng thu nhập. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hỗn loạn và bất ổn, việc lựa chọn những chính sách đúng đắn, tạo môi trường pháp lý lành mạnh, để có thể làm cho khu vực châu Á ngày càng phát triển và hưng thịnh, đó là điều không chỉ các nước châu Á đang hướng tới, mà cả thế giới đều mong muốn./.

Quỳnh Anh (Nguồn :Tạp chí Cộng Sản)
Các tin khác
Xem tin theo ngày