Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.696.540
Truy câp hiện tại 4.751
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2005-2010
Ngày cập nhật 08/09/2012

Ngày 7/9/2012, Ban chỉ đạo Quốc gia xây dựng xã hội học tập đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2005-2010 với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo Sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính.
Ngày 18/5/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010” với mục tiêu tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục, học suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp, mọi trình độ…”.  Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 5 năm triển khai thực hiện, Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bước đầu tạo nền móng cho một xã hội học tập bền vững, theo đó nhận thức của toàn xã hội về vai trò và lợi ích của việc học tập suốt đời được nâng lên. Sau 5 năm thực hiện, cả nước đã huy động được 383.651 người theo học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Một số địa phương có tỷ lệ người biết chữ cao là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… Trong đó, số trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở ngoài nhà trường độ tuổi từ 6-10 đã đi học trở lại đạt tỷ lệ 33,15%; độ tuổi từ 11-14 đạt 34,19%. Tỷ trọng biết chữ giữa nam và nữ ở độ tuổi 15-35 là 1,01; độ tuổi từ 15 trở lên là 1,04. Công tác bồi dưỡng cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế và xã hội cho đội ngũ cán bộ cấp xã, cấp huyện được nhiều địa phương nghiêm túc thực hiện, đạt 64% (thấp hơn 16% so với mục tiêu của Đề án). Trong đó, 18 tỉnh, thành phố đạt được chỉ tiêu của Đề án; 20 tỉnh chưa đạt 50% mục tiêu của Đề án.
Cùng với lộ trình thực hiện Đề án, mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) đã tăng nhanh về số lượng, năm 2010 có 5.645 trung tâm, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2005. Các điều kiện cần thiết để tổ chức hoạt động của các TTHTCĐ từng bước được ổn định; mô hình và hình thức ngày càng đa dạng. Cả nước có 67 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh chiếm tỉ lệ 91,37% tổng số huyện/thị; 10.428 TTHTCĐ đạt tỷ lệ 93,82% xã/phường/thị trấn có TTHTCĐ; 1.889 trung tâm và cơ sở ngoại ngữ, tin học do sở GD&ĐT quản lý.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án, nhiều khó khăn, bất cập cũng dần được bộc lộ và cần được khắc phục: sự phát triển mạng lưới và hoạt động của TTHTCĐ vẫn còn những yếu kém, bất cập: mạng lưới phát triển nhanh về số lượng nhưng chưa mạnh về năng lực, hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; hệ thống cơ chế, chính sách về công tác xóa mù chữ chưa đầy đủ, chế độ chính sách cho giáo viên, học viên xóa mù chữ chưa hợp lý.

 

 

 
Để từng bước xây dựng phong trào "Cả nước trở thành một xã hội học tập", Thừa Thiên Huế cũng đã thực hiện một số giải pháp như: tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nhằm đẩy mạnh hơn phong trào; thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của phong trào "Cả nước trở thành một xã hội học tập" để mọi người dân, mọi cơ quan, mọi tổ chức nhận thức rõ, đồng tình, ủng hộ và có trách nhiệm tích cực tham gia xây dựng phong trào. Sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng và bằng nhiều hình thức tuyên truyền nhằm đẩy mạnh phong trào và duy trì phong trào; thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng và thực hiện công tác thi đua khen thưởng đối với các cơ sở giáo dục...
Tại Hội nghị, từ kinh nghiệm thực tiễn, các địa phương đã đưa ra những giải pháp khả thi, phù hợp nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả trong giai đoạn 2011 – 2020: Đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích ý nghĩa, vai trò và lợi ích của Đề án “Xây dựng xã hội học tập” tới đông đảo tầng lớp nhân dân; xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, đặc biệt là xây dựng được cơ chế phối hợp hài hòa giữa Nhà nước – chủ doanh nghiệp/chủ sử dụng lao động – người lao động; phát huy vai trò chủ động, tích cực của Hội trong việc liên kết, phối hợp thực hiện xã hội học tập… Đồng thời, cho ý kiến vào báo cáo dự thảo Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020.
Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh vai trò quan trọng của Đề án “Xây dựng xã hội học tập”, đồng thời yêu cầu chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm đạt mục tiêu đã đề ra của Đề án. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết tại Hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Tại Thừa Thiên Huế, sau 5 năm thực hiện Đề án, đến nay toàn tỉnh có 590 trường, trong đó có 24 trường ngoài công lập; với tổng số 8.584 nhóm, lớp và 265.595 học sinh trong đó có 15.562 học sinh dân tộc và 1.405 học sinh khuyết tật học hòa nhập. Cụ thể, đối với giáo dục mầm non có 196 trường trong đó ngoài công lập 18 trường với 1.628 nhóm, lớp gồm 50.043 cháu. Với giáo dục tiểu học có 237 trường trong đó có 2 trường ngoài công lập với 3.519 lớp gồm 96.594 học sinh. Với giáo dục trung học, cấp THCS có 117 trường trong đó có 4 trường ngoài công lập với 2.330 lớp gồm 75.059 học sinh; cấp THPT có 40 trường với 1.107 lớp gồm 43.897 học sinh. Với giáo dục thường xuyên, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên đạt 99,37% (theo chỉ tiêu đề ra trong đề án của Chính phủ đến 2010 đạt trên 98%); trong đó, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 đạt 99,05% (theo chỉ tiêu đề ra trong đề án của Chính phủ đến 2010 đạt trên 99%)... Về chất lượng giáo dục của các cấp, bậc học trong năm học 2011-2012, học sinh được công nhận hoàn thành chương trình bậc tiểu học là 19.389 học sinh đạt 99,9%; học sinh được xét công nhận tốt nghiệp THCS là 18.653 học sinh, đạt 99,39%; học sinh tốt nghiệp THPT là 14.561 học sinh, đạt 99,78%; học viên tốt nghiệp bổ túc THPT là 1.140 học sinh, đạt 96,86%.

 

 

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày