|
|
|
Thống kê truy cập Tổng truy câp 9.871.386 Truy câp hiện tại 128
|
|
| |
Phiên họp thường kỳ lần thứ 4 của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Ngày cập nhật 21/09/2012 Trong 2 ngày 20 và 21-9-2012, tại Hà Nội, phiên họp thường kỳ lần thứ 4 của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã diễn ra nhằm thảo luận nhiều nội dung quan trọng như: Xem xét, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường và một số dự án lớn; thẩm tra một số dự án luật. Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường sẽ thảo luận, cho ý kiến về báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về: Tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho khoa học và công nghệ và bảo vệ môi trường năm 2012; dự kiến kế hoạch nhiệm vụ, ngân sách cho 2 lĩnh vực này năm 2013. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ báo cáo tại Ủy ban về tình hình thực hiện các dự án: Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu, Điện hạt nhân Ninh Thuận trong năm 2012, dự kiến kế hoạch năm 2013; tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự án Đường Hồ Chí Minh trong năm 2012; dự kiến kế hoạch năm 2013.
Sáng 20-9, thẩm tra dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tán thành cao việc thể hiện rõ quan điểm đổi mới trong công tác phòng chống thiên tai từ tập trung ứng phó sang quản lý rủi ro thiên tai.
Đa số thành viên Ủy ban đề nghị cần xác định rõ vai trò chủ đạo của Nhà nước, không thể chỉ “hỗ trợ” trong phòng, chống thiên tai như quy định tại khoản 2. Nhất là trong việc xây dựng năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, huy động nguồn lực, tổ chức các hoạt động ứng phó, cứu nạn và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, bồi thường thiệt hại cho người dân tham gia phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ hơn nguyên tắc áp dụng phương châm “4 tại chỗ” để đảm bảo tính khả thi trong tình hình hiện nay, nhất là với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và khi thiên tai xảy ra thường xuyên, quy mô lớn, địa bàn bị chia cắt nghiêm trọng. Nguyên tắc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bộ, ngành, địa phương, quy định tại khoản 4 cũng cần được làm rõ hơn về nội hàm.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Điều 8 của dự thảo Luật về nguồn lực tài chính cho hoạt động phòng, chống thiên tai theo hướng quy định vai trò chủ đạo của ngân sách Nhà nước, có dự toán nhiệm vụ ngân sách cho phòng, chống thiên tai hằng năm và bảo đảm cấp đủ, kịp thời ngân sách Trung ương và địa phương cho nhiệm vụ này, để việc quản lý, sử dụng được chủ động, đúng mục đích và hiệu quả; đồng thời quy định cơ chế giám sát việc sử dụng nguồn ngân sách này.
Liên quan đến chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, một số ý kiến trong Ủy ban đồng tình, dự thảo Luật cần bổ sung một số chính sách như: Đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và người dân; di dời dân vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai đến khu vực an toàn; xử lý rủi ro đối với doanh nghiệp đầu tư vào những nơi có nguy cơ cao... Thậm chí, quy định 1 chương riêng về trách nhiệm, chế độ, chính sách cho các doanh nghiệp khi gặp rủi ro do thiên tai.
Về một số vấn đề cụ thể, nhìn chung các ý kiến cơ bản nhất trí với việc đổi tên gọi của Luật thành Luật phòng, chống thiên tai bởi tên gọi này ngắn gọn, đầy đủ, bảo quát toàn diện các vấn đề trong hoạt động phòng, chống thiên tai đồng thời phản ánh và khái quát được những nét chung nhất về bản chất, phạm vi điều chỉnh và mục đích ban hành Luật. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề nghị rà soát, lược bớt một số loại thiên tai ít xảy ra, phạm vi ảnh hưởng nhỏ, đồng thời nghiên cứu, bổ sung thêm một số loại thiên tai khác...
Đáng chú ý, một số ý kiến đề nghị bên cạnh việc phòng, chống thiên tai, cũng cần quan tâm đến vấn đề “nhân tai” bởi tuy không trực tiếp gây ra thiên tai, nhưng những tác động của con người như phá rừng, đào núi... cũng khiến thiên tai gây hậu quả nặng nề hơn. Từ việc xác định 2 đặc điểm nổi bật của thiên tai là xảy ra trong thời gian ngắn và có sức tàn phá mãnh liệt, có ý kiến cho rằng, dự thảo cần có quy định phù hợp với từng giai đoạn: Trước khi thiên tai xảy ra (các biện pháp phòng); khi thiên tai xảy ra (tập trung vật tư, nhân lực); sau khi xảy ra thiên tai (các biện pháp khắc phục hậu quả, phục hồi môi trường sinh thái). Sau một số thiệt hại đau lòng do hậu quả của thiên tai gần đây như cây đổ trong mưa bão gây chết người, trẻ em tử vong do sụt xuống cống thoát nước..., vấn đề cá nhân, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm khi có những tổn thất về người và tài sản do thiên tai cũng cần được làm rõ hơn. Vai trò chủ chốt của lực lượng vũ trang; trách nhiệm của các cơ quan tiếp nhận, bảo quản, tổ chức phân phối hàng cứu trợ... cũng cần được làm rõ hơn./.
Theo TTXVN Các tin khác
|
|
|