Theo Bộ Nội vụ, PAR Index là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động CCHC được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, gồm: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; CCHC công và hiện đại hoá nền hành chính với mục tiêu “Xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”.
Theo ông Đinh Duy Hòa - Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ, việc đánh giá theo Bộ chỉ số Par index sẽ giúp nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và tạo ra sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hành chính trong thực hiện nhiệm vụ CCHC. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về CCHC, huy động sự tham gia của người dân, tổ chức vào quá trình đánh giá kết quả CCHC của các cơ quan hành chính. Thông qua việc điều tra, khảo sát, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội có cơ hội thể hiện quan điểm, cảm nhận của mình về chất lượng CCHC, đồng thời “kiểm nghiệm” được mức độ hiểu biết của mình về CCHC, cũng như đánh giá quyết tâm của các bộ, chính quyền địa phương trong thực hiện CCHC.
Hiện, phương pháp xác định Chỉ số CCHC đã được thực hiện thí điểm tại 3 Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương và các tỉnh: Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Tĩnh, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Cần Thơ. Trên cơ sở thí điểm, PAR Index tiếp tục được hoàn thiện cả về cấu trúc và phương pháp xác định theo từng cấp. Riêng thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh không thực hiện thí điểm nhưng được lựa chọn để khảo sát, đánh giá kết quả CCHC cho các Bộ. Trong 7 lĩnh vực đánh giá, Bộ Công Thương có nhiều lĩnh vực đạt chỉ số cao nhất như xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, hiện đại hóa nền hành chính, đổi mới cơ chế quản lý đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập… nhưng lại có chỉ số thấp nhất về chỉ đạo, điều hành CCHC.
Phát biểu tại Lễ công bố, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việc công bố Bộ chỉ số là sự kiện quan trọng, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành, địa phương trong việc nghiên cứu, thử nghiệm thành công bước đầu công cụ đánh giá kết quả CCHC làm cơ sở giúp lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương có cái nhìn khách quan hơn về thực trạng công tác CCHC.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, “sự yếu kém, tồn tại của CCHC không chỉ là do chúng ta chưa có Bộ chỉ số này mà vấn đề cốt lõi ở đây chính là phương pháp, cách làm và con người làm cải cách, đặc biệt là quyết tâm chính trị của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp. Nếu bộ máy của chúng ta còn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác CCHC đối với công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, chưa xác định rõ được những công việc CCHC cụ thể cần phải ưu tiên giải quyết, thì CCHC vẫn chỉ là hình thức, không thực chất và còn tiếp tục giậm chân tại chỗ”.
Theo Phó Thủ tướng: “CCHC là việc khó, nhưng sẽ làm được nếu có quyết tâm chính trị cao, có phương pháp, cách làm đúng và khoa học. Trong thời gian qua, CCHC đã có những bước tiến nhất định, nhưng tiếng kêu của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính, về cơ chế “một cửa”, về thái độ hành vi của đội ngũ cán bộ làm công tác này vẫn còn nhiều…”.
Để triển khai có hiệu quả, đưa Bộ chỉ số này vào cuộc sống, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan truyền thông tập trung làm tốt việc phổ biến, quán triệt sâu sắc trong toàn thể lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống hành chính về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Bộ chỉ số. Qua đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và tăng cường sự tham gia phối hợp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quá trình theo dõi, đánh giá kết quả triển khai CCHC hàng năm của các bộ, các tỉnh. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện các hoạt động để hàng năm xác định và công bố chỉ số của các Bộ, ngành, địa phương, phấn đấu đến quý II/2013 công bố được chỉ số của các Bộ, ngành, địa phương trong năm 2012.
Phó Thủ tướng lưu ý: Trong quá trình triển khai, Bộ Nội vụ cần theo dõi, rút kinh nghiệm và có những điều chỉnh cần thiết nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng chỉ số định lượng và ngày càng hoàn thiện, phù hợp hơn./.