1. Thông qua Luật Giáo dục Đại học
Chiều 18/6/2012, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giáo dục Đại học với số tán thành 84,57%.
Tư tưởng xuyên suốt của Luật Giáo dục Đại học là trao quyền tự chủ ở mức tối đa phù hợp với năng lực thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.
Luật Giáo dục Đại học sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.
2. Giải thưởng Nhân tài Đất Việt có nhiều nét mới
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng từ năm 2005, đến năm 2012 đã bước vào năm thứ 8. Lĩnh vực xét giải ngày càng được mở rộng, từ lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), đến khoa học tự nhiên, nay là khoa học ứng dụng và y dược.
Năm 2012, lần đầu tiên ban tổ chức dành ra 2 giải thưởng đặc biệt cho các nhóm đăng ký dự thi Giải thưởng CNTT góp phần giải quyết các vấn đề xã hội đang được quan tâm (giáo dục, y tế, giao thông…) và Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo (dành cho các nhóm tác giả có độ tuổi dưới 20, sinh từ năm 1992 trở lên).
3. TW chưa thông qua Đề án về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
Tại hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nhất trí thông qua Nghị quyết "Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Đối với Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", Ban Chấp hành Trung ương cho rằng đây là vấn đề lớn, hệ trọng và phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bàn bạc một cách thấu đáo, cẩn trọng, tạo sự thống nhất cao để ban hành nghị quyết vào một thời điểm thích hợp.
4. Lần đầu tiên, học sinh Việt Nam giành chiến thắng lớn tại hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (ISEF)
Tại Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (ISEF) năm 2012 diễn ra tại Mỹ, đội học sinh Việt Nam đến từ Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã đoạt giải Nhất lĩnh vực Điện và Cơ khí. Đây là lần đầu tiên học sinh Việt Nam giành chiến thắng lớn tại ISEF.
Trước thành tích này của đoàn học sinh Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Các em là những người mở đường cho Việt Nam chúng ta đến với một hoạt động khoa học, giáo dục có ý nghĩa tầm cỡ quốc tế”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho biết, năm học tới, kì thi ISEF Việt Nam sẽ được tổ chức sớm hơn và Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu hình thức động viên, khuyến khích các em.
5. 100% học sinh dự thi Olympic quốc tế đều giành huy chương
Thống kê từ Bộ GD-ĐT cho hay, các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic quốc tế năm 2012 đã đem về tổng cộng 31 huy chương (HC). Điều đặc biệt, tất cả các HS dự thi đều có HC.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, thành tích của các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2012 có sự tiến bộ vượt bậc so với các năm trước. Đây là lần đầu tiên cả 31 học sinh thuộc 6 đội tuyển quốc gia dự thi đều đoạt HC. Đồng thời, chất lượng giải có sự tăng tiến với 5 HC Vàng (năm 2009 là 3, năm 2010 là 2, năm 2011 là 2) và 15 HC Bạc (năm 2009 là 12, năm 2010 là 12, năm 2011 là 5). Đặc biệt, đội tuyển Olympic quốc tế môn Toán học, sau nhiều năm gián đoạn đã trở lại tốp 10 nước mạnh nhất thế giới.
6. Lần đầu tiên đặc cách công nhận giáo sư
PGS. TSKH Phùng Hồ Hải (sinh năm 1970, phó viện trưởng Viện Toán học, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) là người đầu tiên được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ đặc cách công nhận giáo sư khi đang tham gia giảng dạy trong nước. Đây cũng là giáo sư trẻ nhất trong kỳ xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2012.
Trao đổi với báo chí, GS.TSKH Trần Văn Nhung - tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước - cho biết: “Tuy còn thiếu một số tiêu chuẩn, nhưng đây là nhà toán học Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của thế giới, được nhiều trường ĐH, viện nghiên cứu lớn trên thế giới mời đến giảng bài và làm việc. Phùng Hồ Hải cũng là người đã được bầu là viện sĩ trẻ của Viện hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba”.
7. Toàn ngành GD tập trung giải quyết lạm thu và chấm dứt dạy thêm, học thêm trái quy định
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành một số văn bản nhằm quản lý việc dạy thêm, học thêm và hoạt động thu, chi. Hưởng ứng quy định của Bộ GD-ĐT, ngay từ đầu năm học 2012 - 2013, nhiều tỉnh, thành đã chủ động triển khai các giải pháp chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm và thu, chi trái quy định. Năm 2012, các địa phương cũng quyết liệt hơn trong các biện pháp kiểm soát tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định.
8. Bộ GD-ĐT vào cuộc chấn chỉnh “loạn” liên thông liên kết
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, hiện nay việc tổ chức, quản lý đào tạo liên thông, liên kết tại một số đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng không đúng quy định và chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng. Trước tình trạng này, Bộ GD-ĐT đã ra văn bản chỉ đạo yêu cầu các trường ĐH, CĐ chấn chỉnh đào tạo liên thông liên kết. Theo đó, Bộ GD-ĐT các cơ sở giáo dục không tổ chức liên kết đào tạo liên thông để cấp bằng chính quy ngoài cơ sở đào tạo của trường.
9. Trường ngoài công lập “khủng hoảng” vì thiếu nguồn tuyển
Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012, Bộ GD-ĐT đưa ra những thay đổi trong quy chế tuyển sinh nhằm tạo điều kiện cho các trường nhưng thực tế thì ngược lại. Đánh giá những khó khăn của năm nay, GS. TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) cho biết năm nay nhiều trường chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu, thậm chí nhiều trường chỉ tuyển được vài chục thí sinh. Có những trường đầu tư cơ sở vật chất tốt, đội ngũ khá mạnh và chỉ tiêu không nhiều nhưng vẫn tuyển không được. Còn PGS Trần Xuân Nhĩ - phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng nhiều trường không tuyển nổi sinh viên, đang đứng trước nguy cơ “tự chết” nếu không được Bộ GD-ĐT tiếp sức.
Trước tình hình này, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL đã tổ chức 2 buổi hội thảo với đại diện các trường NCL khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam nhằm nghiên cứu các giải pháp kiến nghị lên Bộ GD-ĐT.
10. Xử lý hàng loạt cơ sở giáo dục nước ngoài
Trong năm 2012, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã xử lí nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động trái phép tại lãnh thổ Việt Nam, điển hình là việc Trường Kinh doanh Melior đã bị rút giấy phép hoạt động do vi phạm khi tổ chức tuyển sinh, đào tạo liên kết với nước ngoài trình độ ĐH, CĐ.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị rút giấy phép hoạt động của các cơ sở như: Công ty TNHH Nghiên cứu và Giáo dục Việt Nam (ERC Việt Nam), Viện Quản trị Tài chính (IFA), Công ty TNHH Đào tạo Công nghệ thông tin và Quản trị kinh doanh Singapore (Sibme)…