Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 1.464
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Tăng tuổi nghỉ hưu: Cơ hội và thách thức
Ngày cập nhật 24/02/2013

Tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng sẽ xem xét để tăng lên tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn Điều 187 Bộ luật Lao động, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Theo đánh giá của một số chuyên gia, tăng tuổi nghỉ hưu có cả cơ hội và thách thức đối với người lao động và các cơ quan liên quan.

Tăng tuổi nghỉ hưu nhưng phải tùy đối tượng

 

Ngày nay, Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế và thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nên điều kiện làm việc được cải thiện nhiều, tuổi thọ bình quân tăng lên. Theo một nghiên cứu của Viện Công nhân-Công đoàn, phụ nữ về hưu ở tuổi 55 như quy định bắt buộc thì có tới 41% trong số đó vẫn đi làm việc và cống hiến; trong đó, có tỷ lệ nhất định nguồn nhân lực có chất lượng cao (mà để có được chất lượng này phải qua một quá trình đào tạo và thời gian dài thực hành, trở thành kinh nghiệm).

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng, hiện nay, tuổi thọ trung bình và kỳ vọng sống của người Việt Nam đang tăng. Xu thế tiếp cận từ nghĩa vụ của lao động nữ đối với sự phát triển bền vững trong điều kiện tận dụng tối đa nguồn nhân lực có chất lượng, bình đẳng giới trong hội nhập quốc tế là hướng tiếp cận cần được quan tâm trong quá trình tham gia xây dựng Nghị định quy định chi tiết Điều 187 của Bộ luật Lao động. Việc nghiên cứu tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ là việc làm cần thiết, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động và thể hiện vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác tham gia quản lý với Nhà nước về chế độ, chính sách.

Tại một buổi tọa đàm về tuổi nghỉ hưu được tổ chức mới đây, TS Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn cho rằng: Việc quy định, tăng hay giảm tuổi nghỉ hưu đối với người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng phụ thuộc nhiều yếu tố như: Tình hình phát triển kinh tế - xã hội; thị trường cung - cầu lao động; tuổi thọ trung bình của người lao động, khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm xã hội; môi trường, điều kiện làm việc và tính chất công việc. Trong đó, môi trường, điều kiện làm việc và tính chất công việc là yếu tố quan trọng nhất để xác định tăng - giảm tuổi nghỉ hưu.

Theo một nghiên cứu về tuổi nghỉ hưu của Viện Công nhân – Công đoàn năm 2011 cho thấy, tỷ lệ áp đảo của lao động trực tiếp hiện nay, đặc biệt là lao động trong khu vực nặng nhọc, độc hại như: Chế biến thủy hải sản, dệt may, cạo mủ cao su đều có mong muốn giảm tuổi nghỉ hưu, vì đến tuổi 55 họ không thể làm được những việc như hiện nay đang làm. Ngược lại, đối với lao động làm hành chính thì đa số mong muốn tuổi nghỉ hưu như hiện tại; còn đa số cán bộ làm công tác quản lý cấp vụ trở lên thì 47% trả lời mong muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu lên 58 – 60 tuổi. Cũng trong nghiên cứu, những người có học vị cao thì không quan tâm lắm đến kéo dài tuổi nghỉ hưu, vì họ cho biết, chưa nghỉ hưu đã rất nhiều nơi mời làm việc... Vì vậy, điều kiện làm việc, môi trường làm việc và tính chất công việc ảnh hưởng lớn đến tuổi nghỉ hưu.

Từ tất cả các yếu tố đó, TS Đặng Quang Điều đề xuất: “Tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong khu vực hành chính sự nghiệp - nơi có môi trường, điều kiện làm việc tốt, công việc không nặng nhọc, độc hại - nên đưa vào đối tượng kéo dài thời gian làm việc mới phù hợp. Tuy nhiên, kéo dài tuổi nghỉ hưu nên chia ra các giai đoạn và mức độ khác nhau phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố khác. Theo kết quả nghiên cứu và điều tra, trước mắt, nên điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với người lao động ở khu vực hành chính sự nghiệp với nam tăng 2 tuổi - lên 62 và nữ tăng 3 tuổi - lên 58 là phù hợp; sau một thời gian nhất định (khoảng 10 năm) tiếp tục điều chỉnh tăng thêm cho phù hợp”.

Đồng tình với TS Đặng Quang Điều, TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) lưu ý, hiện nay, có rất nhiều người trong độ tuổi 50-55 còn rất nhiệt huyết và năng lực tốt. Tuy nhiên, TS. Dương Quốc Trọng cũng tán thành với ý kiến: Quyền được nghỉ hưu của phụ nữ nên là 55 tuổi, còn tùy từng trường hợp cụ thể mà có thể kéo dài thêm hoặc cho nghỉ hưu sớm. Và xu hướng lao động trí óc ngày càng chiếm tỷ lệ cao, mà lao động trí óc thì phụ nữ không hề thua kém nam giới, nên việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cho đối tượng lao động nữ này là hoàn toàn thỏa đáng và những người lao động chân tay thì cần được nghỉ hưu sớm hơn.

Theo báo cáo mới đây của Liên hợp quốc, thống kê 142 quốc gia trên thế giới có số liệu về tuổi nghỉ hưu, thì 51 nước tuổi nghỉ hưu của lao động nữ kém nam giới thông thường là 5 tuổi, trong đó có Việt Nam; còn 91 nước là tuổi nghỉ hưu của nam và nữ là như nhau. Chúng ta thấy, càng những nước phát triển thì kinh tế tri thức ngày càng phát triển, lao động trí óc chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế - xã hội thì tuổi nghỉ hưu của nam và nữ ngày càng gần nhau.

Tạo ra cơ hội, nhưng cũng có thách thức

Tuy nhiên, TS Dương Quốc Trọng lưu ý, khi kéo dài tuổi nghỉ hưu phải tính đến hai yếu tố: Một mặt, tạo điều kiện, cơ hội cho những người đến tuổi nghỉ hưu như trước đây; mặt khác, cũng phải chú ý đến lớp người bước vào độ tuổi lao động vì dân số nước ta cũng đang bước vào giai đoạn dân số vàng. Vì thế, chúng ta cũng đang gặp thách thức kép, đó là dân số nước ta đang già hóa. Số lượng và tỷ lệ người cao tuổi đang tăng lên một cách nhanh chóng. Vì thế, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu là cần thiết nhưng cũng phải chú ý cân đối hài hòa giữa các lợi ích khác nhau.

Cùng với đó, chúng ta phải xác định việc đóng bảo hiểm cùng với thời gian hưởng hưu trí cũng như tuổi thọ trung bình của người dân. Trong những năm qua, tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng lên đáng kể. Trong năm 2010, tuổi thọ trung bình của nguời dân Việt Nam là 73 tuổi, đấy là tính cả tỷ suất tử của trẻ em dưới 1 tuổi, 5 tuổi... Còn một cách tính khác là kỳ vọng sống tính từ tuổi 60, thì tuổi thọ trung bình là 80 – 83 tuổi. Vì thế, nếu về hưu ở tuổi 60 thì nam giới còn được hưởng hưu trí 20 năm nữa, còn nếu về hưu ở 55 tuổi, thì người phụ nữ được hưởng hưu trí 28 năm nữa. Đó là một con số rất dài.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tiền đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam trong 20 năm qua, kể cả tiền lãi chỉ đảm bảo trả lương hưu cho 8 năm. Như vậy, nếu nam giới sống thêm 20 năm kể từ khi nhận sổ hưu, còn nữ giới sống thêm 28 năm thì nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội là rất lớn. Đó là chưa kể đến tỷ lệ giữa người đóng bảo hiểm và người hưởng bảo hiểm đang giảm xuống một cách trầm trọng. Năm 1996, cứ 217 người đóng bảo hiểm mới có 1 người hưởng bảo hiểm; đến năm 2000 thì có 34 người đóng bảo hiểm thì có 1 người hưởng và đến 2011 thì 9,9 người đóng bảo hiểm có 1 người hưởng. Vì vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng là một cách để chúng ta bảo toàn quỹ bảo hiểm xã hội. Nhưng đó mới chỉ là yếu tố đầu ra, còn yếu tố đầu vào của lực lượng lao động là rất lớn, nên phải cân đối hài hòa giữa 2 độ tuổi này.

Phân tích ở khía cạnh khác, TS Đặng Quang Điều cũng nhấn mạnh, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 có thể có tác động, vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng có thách thức. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên thì phụ nữ có cơ hội học tập nâng cao hơn, được đề bạt, thăng tiến, tăng lương…, nhưng cũng phải lưu ý, người phụ nữ làm việc nhiều hơn thì chất lượng cuộc sống sẽ giảm đi…

Để thực hiện chính sách mới về tuổi nghỉ hưu cho nữ giới, TS Đặng Quang Điều đề xuất, chúng ta phải dùng thuật ngữ “quyền nghỉ hưu”. Điều này có nghĩa là việc quy định kéo dài thời gian nghỉ hưu phải phụ thuộc từng người chứ không nên căn cứ vào chức vụ./.


                                                                                                                                        Thu Hà

ĐCSVN
Các tin khác
Xem tin theo ngày