* Ủy ban Kinh tế Quốc hội góp ý sửa đổi Hiến pháp
Ngày 27-2, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Ủy ban đã họp phiên toàn thể lần thứ 7, lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Chương III được xây dựng trên cơ sở lồng ghép, gộp Chương II - Chế độ Kinh tế và Chương III - Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của Hiến pháp hiện hành nhằm thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.
Theo Dự thảo sửa đổi, đường lối, quan điểm phát triển kinh tế của Việt Nam được xác định là: xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
Dự thảo cũng đã sửa đổi, bổ sung các Điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25 của Hiến pháp hiện hành về tính chất, mô hình kinh tế, thể hiện khái quát và cô đọng hơn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với tính chất quy định của Hiến pháp. Dự thảo sửa đổi không quy định cụ thể tên gọi và vai trò của từng thành phần kinh tế.
Vai trò quản lý Nhà nước trong nền kinh tế cũng được Dự thảo sửa đổi, bổ sung thêm nhiều nội dung mới như: Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường, thúc đẩy liên kết vùng, bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng địa phương và tính thống nhất của nền kinh tế.
Cơ bản tán thành với Điều 58 (sửa đổi, bổ sung Điều 18) Dự thảo Hiến pháp, thành viên Ủy ban Kinh tế Thào Hồng Sơn nêu thực tế hiện nay nhiều người dân phải chịu thiệt thòi trong nhiều dự án thu hồi đất, đặc biệt việc xác định giá đất phù hợp với giá thị trường khi thu hồi đất.
Đại biểu kiến nghị ở khoản 3 cần thay đổi cụm từ “bồi thường theo quy định của pháp luật” thành “bồi thường theo giá thị trường” trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất.
Cho ý kiến về Điều 54 Dự thảo Hiến pháp, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đánh giá Dự thảo Hiến pháp đã thể hiện khái quát và cô đọng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần khẳng định trong Điều 54 vai trò của Nhà nước trong việc tạo điều kiện như nhau cho sự phát triển và đóng góp của các thành phần kinh tế.
Theo đại biểu, mặc dù Điều 55 và Điều 56 của Dự thảo cũng đã có đề cập nhưng vẫn chưa thể hiện rõ việc Nhà nước sẽ bảo đảm việc tiếp cận các nguồn lực như nhau để các thành phần kinh tế cùng phát triển. Cũng cùng quan điểm này, có ý kiến đề nghị quy định thêm 1 nội dung tại Điều 54 là Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho từng thành phần kinh tế theo yêu cầu phát triển của đất nước để không có sự “suy bì” trong quá trình vận hành pháp luật.
Góp ý kiến vào Điều 9, có ý kiến đề nghị để tiếp tục khẳng định phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, coi đại đoàn kết dân tộc là động lực nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng và bảo vệ phát triển đất nước nên khoản 3 Điều 9 cần được sửa đổi theo hướng Nhà nước bảo đảm để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hoạt động, chứ không chỉ dừng lại ở quy định “tạo điều kiện.”
Nội dung quy định tại điều 21 của Dự thảo là “Mọi người có quyền sống”, có ý kiến băn khoăn đối với trường hợp người vi phạm pháp luật hình sự mà cần thiết phải áp dụng hình phạt tử hình thì “quyền sống” ở đây nên hiểu như thế nào. Đối với trường hợp vì lý do sức khỏe do đau ốm, bệnh tật, mà họ muốn chấm dứt quyền được sống có được áp dụng không.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về vấn đề vai trò quản lý nhà nước trong nền kinh tế; về vấn đề sở hữu; về hình thức thu hồi đất; làm rõ mối quan hệ giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; trách nhiệm đầu tư của Nhà nước đối với từng lĩnh vực về văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường...
* Đà Nẵng góp hơn 1.000 ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ở thành phố Đà Nẵng trong thời gian vừa qua thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn. Toàn thành phố đã có hơn 1.000 ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Nhiều ý kiến trong các hội nghị cho thấy, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có nhiều điểm mới, tích cực, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Nhiều ý kiến có sức thuyết phục cao, góp phần giúp Ban soạn thảo hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp một cách hợp lý, khoa học. Ngoài việc đề cập nội dung, nhiều ý kiến còn góp ý về từ ngữ và bố cục cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Trong những ý kiến góp ý cho Dự thảo, Luật sư Lê Xuân Hạt thuộc Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng cho biết, Dự thảo đã đưa quyền lợi, nghĩa vụ của công dân từ chương V lên chương II thể hiện sự tiến bộ lớn. Bởi theo ông, bất cứ bản Hiến pháp nào trên thế giới cũng đều đặt quyền con người lên trên, sau chế độ chính trị.
ạc sĩ Nguyễn Hoàng Duy Linh - đại diện Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, Hiến pháp hiện hành cũng như trong Dự thảo Hiến pháp thể hiện rõ quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, theo đó, Nhà nước phải là Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Tuy nhiên, một số quy định trong Dự thảo chưa phù hợp với tinh thần của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cụ thể, tại Chương V, Quốc hội cần bổ sung quyền của Nhân dân cùng với Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, đồng thời quy định thủ tục phúc quyết của nhân dân đối với Dự thảo, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình một cách hiệu quả.
Trong Dự thảo Hiến pháp cần thay đổi theo hướng tăng cường quyền hạn đối với Chủ tịch nước để Chủ tịch nước thực sự là nguyên thủ quốc gia, là người thay mặt cho Nhà nước.
Về quyền quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp và quyền phúc quyết đối với Dự thảo Hiến pháp, theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Duy Linh - Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Hiến pháp của đất nước là một bản khế ước xã hội, trong đó nhân dân trao quyền cho Nhà nước thì quyền Lập Hiến trước hết thuộc về nhân dân, Quốc hội chỉ thay mặt nhân dân thực hiện quyền Lập Hiến. Việc làm Hiếp pháp và sửa đổi Hiến pháp phải do nhân dân quyết định cuối cùng. Sau khi Hiến pháp được thông qua, quyền giám sát tối cao việc thực hiện Hiến pháp phải thuộc về nhân dân, Quốc hội chỉ giám sát việc thực hiện Hiến pháp, không phải là quyền giám sát tối cao.
Vì vậy, cần thiết nên bổ sung vào Dự thảo quyền của nhân dân cùng với Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, đồng thời quy định thủ tục phúc quyết của nhân dân đối với Dự thảo, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình một cách hiệu quả.
Đối với các cơ quan thực hiện quyền Tư pháp, Hiến pháp, ông Lê Ra, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằngn cần xác định vị trí của Viện Kiểm sát Nhân dân cùng với Tòa án Nhân dân là cơ quan thực hiện quyền Tư pháp. Khoản 1 điều 112 Dự thảo cần sửa đổi lại là: “Viện Kiểm sát Nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp”, đồng thời đề nghị khôi phục lại chức năng “kiểm sát việc tuân theo pháp luật về kinh tế - xã hội” của Viện Kiểm sát Nhân dân để bảo đảm cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo như Điều 2 Dự thảo đã quy định...
Tại địa bàn Đà Nẵng, tính đến nay, đã có 7/8 quận huyện; 8/56 phường, xã hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
* Các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Ngày 27-2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên và một số tổ chức chính trị - xã hội góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Nhiều đại biểu tán thành Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tiếp tục khẳng định và thể hiện rõ tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Nội dung Dự thảo được mở rộng, khái quát cao và có tính cô đọng hơn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Theo PGS, TS. Trần Văn Tá (Chủ tịch Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam), Dự thảo lần này có những điểm mới đáng chú ý là: Thứ nhất, lấy người dân làm trung tâm, quyền làm chủ của nhân dân là nội dung xuyên suốt; làm rõ và đề cao quyền con người. Thứ hai, công nhận và xác định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Đây là lần đầu tiên trong Hiến pháp có quy định về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững và cũng là lần đầu tiên quy định về 3 thiết chế hiến định độc lập, bao gồm: Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước - là quy định mới để hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp.
Đề cập một nội dung được rất nhiều người quan tâm là về vai trò của Đảng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, PGS, TS. Trần Văn Tá khẳng định: Không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội đồng thời tán thành bổ sung khoản 2 Điều 4: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ chế và cách thức giám sát của nhân dân, cơ chế và cách thức chịu trách nhiệm trước nhân dân phải được luật định để tránh “khẩu hiệu”, hình thức và không được thực thi trong cuộc sống.
GS, TS, NGND. Nguyễn Lân Dũng cũng nhấn mạnh: Dự thảo đã bổ sung vào Điều 4 hai đoạn hết sức quan trọng. Đó là: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” và “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Theo ông, thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Điều 4 Hiếp pháp sửa đổi, chắc chắn sẽ lấy lại được niềm tin vốn rất lớn lao của nhân dân ta đối với Đảng tiền phong.
GS. Nguyễn Quang Thái (Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế) cho rằng, cần gom mọi điều về Đảng vào Điều 4 và viết thật cẩn trọng, chặt chẽ, làm rõ Đảng lãnh đạo nhưng vẫn trong dân tộc, dưới pháp luật và được toàn dân giám sát. Ông Nguyễn Anh Liên (Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam) đề nghị nhấn mạnh: Vai trò lãnh đạo của Đảng phải đi đôi với trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân đồng thời nhân dân có vai trò đối với Đảng; Đảng gắn bó máu thịt đối với nhân dân.
Về vấn đề quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, PGS, TS. Trần Văn Tá cho rằng, nên giảm thiểu tối đa những quy định hạn chế một số quyền công dân đi kèm cụm từ “theo quy định của pháp luật” hoặc do người có thẩm quyền quyết định bởi quy định như vậy không rõ ràng và dễ bị lạm dụng vi phạm quyền chính đáng của công dân. GS, TS. Nguyễn Lân Dũng đề nghị sửa dòng “theo quy định của pháp luật” bằng nội dung “nếu các quyền tự do đó không đi ngược lại với nguyện vọng và hạnh phúc của nhân dân”, bởi trong thực tế, có không ít hành vi xử lý sai trái, sau đó phải minh oan, phải đền bù và làm mất đi rất nhiều thời gian, tiền bạc của những người vô tội.
Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung trong Hiến pháp điều khoản về “quyền phúc quyết của nhân dân” đối với Hiến pháp và các việc trọng đại của đất nước. Đồng thời, xác lập nguyên tắc các vấn đề trọng đại nhất thiết phải đưa ra cho nhân dân phúc quyết để làm cơ sở xây dựng một đạo luật quy định cụ thể cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền phúc quyết của toàn dân. GS. Nguyễn Quang Thái nêu ý kiến: Để làm ra một bản Hiến pháp thực sự có ý nghĩa lâu dài cần có sự tham gia rộng rãi của nhân dân và phải được nhân dân phúc quyết.
Nhấn mạnh ý kiến về quyền trẻ em, trong đó có trẻ em tàn tật, ông Nguyễn Bá Duyệt (Phó Chủ tịch Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam) cho rằng. vấn đề trẻ em tàn tật không được nêu rõ mà chỉ đề cập chung chung trong các điều khoản về người tàn tật. Mặt khác, vai trò của Nhà nước chưa được thể hiện đầy đủ về vị trí trách nhiệm chính đối với việc bảo đảm quyền trẻ em trong kinh tế thị trường. Ông Nguyễn Bá Duyệt đề nghị Dự thảo cần dành một điều riêng, thể hiện đầy đủ quyền của trẻ em và vai trò của Nhà nước đối với trẻ em, nhất là trẻ em tàn tật bởi đây là nhóm yếu thế trong xã hội.
Góp ý về một trong những thiết chế mới là quy định về Hội đồng Hiến pháp (Điều 120 Dự thảo), nhiều ý kiến cũng cho rằng, Hội đồng Hiến pháp cần được thiết kế là một thiết chế độc quyền, có khả năng tài phán để bảo vệ Hiến pháp một cách chủ động hơn, bảo đảm cho tính độc lập của hoạt động kiểm hiến. Hội đồng Hiến pháp nếu quy định như Dự thảo mới chỉ dừng lại ở việc tư vấn, kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản pháp luật và kiến nghị, yêu cầu các cơ quan xử lý khi có các văn bản quy phạm pháp luật vi hiến. Một số ý kiến đề xuất nghiên cứu lựa chọn mô hình tối ưu hiện nay nhiều quốc gia đã làm là Tòa án Hiến pháp - cơ quan hoàn toàn độc lập, chỉ tuân thủ Hiến pháp, có chức năng quyết đáp như đình chỉ, bác bỏ, hủy bỏ những văn bản quy phạm pháp luật vi hiến và các quyền khác, trong đó có quyền phán xét về những tranh chấp, kiện tụng trong bầu cử và kết quả bầu cử, quyền luận tội các quan chức cấp cao của Nhà nước.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; về bộ máy nhà nước; quyền lực nhà nước; vấn đề an sinh xã hội và ưu đãi người có công; bồi dưỡng thế hệ trẻ. Bên cạnh những góp ý về nội dung là những đề xuất sửa đổi về mặt kỹ thuật lập hiến, quy định rõ, đầy đủ hơn một số điều còn mang tính mơ hồ, thiếu cụ thể, chưa hợp lý, khó vận dụng trong thực tế như: Mọi người có quyền sống (Điều 21); Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế (Điều 50)...
“Phủ nhận Điều 4 trong Hiến pháp là tư tưởng sai lầm”
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nội dung vô cùng quan trọng, sống còn của đất nước, thời gian gần đây có ý kiến phủ nhận Điều 4 này là tư tưởng sai lầm.
Đây là ý kiến chung của các đại biểu khi đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 tại các hội nghị lấy ý kiến do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình và Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra trong ngày 26-2.
Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức, các đại biểu nguyên là lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và các tổ chức đoàn thể đã đóng góp 11 ý kiến bày tỏ sự đồng tình với dự thảo, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; về phương thức thực hiện quyền lực Nhà nước; về vai trò, vị trí, chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.
Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết về lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; những quy định về bảo vệ Tổ quốc; về Quốc hội; Chủ tịch nước; Chính phủ; Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân; chính quyền địa phương...
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, Hoàng Xuân Khuyên nhấn mạnh, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện tính nhân văn, hiện đại, tiếp thu, kế thừa thành tựu các bản Hiến pháp trước đó.
Ông Khuyên cho rằng, ở Lời nói đầu cần biểu đạt rõ hơn Tổ quốc và nhân dân là trên hết, là bất biến. Đảng luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân. Mọi người dân cần phải yêu Tổ quốc, yêu đất nước. Vì vậy, ở Điều 11 trong Dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 13 trong Hiến pháp năm 1992) nói về Tổ quốc: Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm; mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị theo pháp luật, nên đưa lên phần đầu.
Tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, phát biểu tại Hội nghị, nhiều tham luận của đại biểu khẳng định, Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nội dung vô cùng quan trọng, sống còn của đất nước, thời gian gần đây có ý kiến phủ nhận Điều 4 này là tư tưởng sai lầm.
Ông Đồng Văn Khiêm, nguyên Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Thành phố nhận định, không có dân tộc nào dũng cảm bằng dân tộc Việt Nam, nhưng nếu không có sự dẫn dắt của Đảng, dân tộc ta sẽ không đạt được những thành quả trong kháng chiến chống ngoại xâm cũng như xây dựng đất nước, vì vậy, một số người phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng là không phù hợp với lòng dân.
Ông Khiêm nhấn mạnh, một số người cho rằng, Đảng không thể lãnh đạo nhân dân tiếp tục xây dựng đất nước, nhưng với một lịch sử đất nước luôn bị chiến tranh, áp bức, bóc lột, người dân khát khao một đất nước phát triển bình đẳng, bảo đảm công bằng xã hội thì việc tiến lên chủ nghĩa xã hội là con đường đúng đắn, Đảng đã đề ra 4 tiêu chí vươn tới là xây dựng một đất nước với dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Cùng quan điểm này, ông Lê Văn Hoàng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo. Đây là điều vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, ông Hoàng góp ý tại mục 2 của Điều này có nêu: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”, nếu ghi như vậy là rất chung chung, theo ông, nên ghi là “Đảng viên” thay vào chữ Đảng để cụ thể hơn, mỗi đảng viên có trách nhiệm hơn.
Về Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Giáo sư, Bác sĩ Trần Đông A cũng cho biết, ông hoàn toàn nhất trí với điều này. Ông cho rằng, “dứt khoát Việt Nam chỉ nên có một Đảng lãnh đạo, nếu không sẽ rất phức tạp”. Tuy nhiên, tại khoản 2 của Điều 4, Giáo sư, Bác sĩ Trần Đông A cho rằng, thay vì ghi “các tổ chức của Đảng và Đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật” thì nên ghi rõ “vai trò lãnh đạo của Đảng được bảo đảm bằng pháp luật và do luật định”.
Tại Hội nghị, ý kiến nhiều đại biểu cũng đề cập các vấn đề cần thể hiện rõ trong Hiến pháp sửa đổi năm 1992 về vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong giám sát, phản biện các vấn đề kinh tế, xã hội; đề nghị có Luật về giám sát và phản biện ở mọi cấp để giám sát được hoạt động của Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức; cần quy định thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân, nhằm giải quyết tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài thời gian qua…
* “Để Hiến pháp đáp ứng được sự phát triển đất nước”
Tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Hai Bà Trưng - Hà Nội tổ chức ngày 26-2, nhiều đại biểu cùng thống nhất quan điểm, xây dựng bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp theo hướng tiếp tục khẳng định, giữ vững tư tưởng quan trọng được thể hiện trong Hiến pháp năm 1992. Có nghĩa là Hiến pháp mới không phải phủ định mà nâng cao Hiến pháp trước đó, quy định nào ưu việt, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân thì cần giữ nguyên không nên thay đổi.
Các ý kiến cho rằng, về cơ bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã phù hợp với Cương lĩnh chính trị của Đảng thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XI.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bản Dự thảo sửa đổi cũng cần phải nghiên cứu quy định lại một số điều sao cho thể hiện Hiến pháp là bộ luật tối cao, không còn có những điều khoản phải viết “theo luật định” hoặc “theo quy định của pháp luật”, không còn có những điều khoản viết như là sự giải thích.
Còn tại Hội nghị lấy ý kiến tham gia xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 diễn ra sáng cùng ngày ở tỉnh Lai Châu, các đại biểu tham dự Hội nghị đã đóng góp ý kiến điều chỉnh, bổ sung hoặc làm rõ nghĩa thêm vào các chương, điều trong Hiến pháp.
Cụ thể, trong lời nói đầu, các đại biểu đề nghị cần ngắn gọn hơn, bổ sung thêm một số từ và cụm từ cho rõ nghĩa hơn; thêm chức năng, phương thức hoạt động Viện kiểm sát (chương 8); gộp điều 21 và điều 22 thành một điều; hôn nhân và gia đình (Điều 38); tội phản bội Tổ quốc (Điều 47); chức năng, quyền hạn của Công an nhân dân Việt Nam (Điều 72); bảo vệ môi trường (Điều 46); quốc phòng an ninh (Điều 73); tôn giáo (Điều 25); bảo vệ Tổ quốc (Điều 69); lực lượng vũ trang (Điều 73); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 9); quyền sử dụng các công trình văn hóa (Điều 44); quyền dân tộc (Điều 45)…
Tại Hội nghị, có 23 lượt đại biểu tham gia ý kiến vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các ý kiến tham gia với nhiều nội dung, nhiều ý kiến góp ý từng chương, điều của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tất cả các ý kiến đều được tổng hợp để gửi về Trung ương. Sau Hội nghị, các đại biểu tiếp tục tham gia vào bản sửa đổi Hiến pháp gửi đến cơ quan tổng hợp sửa đổi Hiến pháp của tỉnh.
Cùng ngày 26-2, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đối với các nhóm phụ nữ đến từ 6 tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Hơn 70 đại biểu lãnh đạo hội liên hiệp các tỉnh, các nhóm phụ nữ đại diện đội ngũ trí thức, doanh nhân, tôn giáo, lực lượng vũ trang, người dân tộc thiểu số... đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Hội nghị đã tập trung góp ý sâu một số điều, khoản liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới và tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung vào Điều 1, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - hai huyện trực thuộc đơn vị hành chính của thành phố Đà Nẵng và Khánh Hòa, để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Đồng thời, cần đưa Ngày giỗ Tổ (mùng 10 tháng 3) vào Hiến pháp trong Điều 13. Có đại biểu cho rằng, Điều 21 quy định “mọi người có quyền sống” là quá ngắn gọn, cần bổ sung thêm nội dung để bảo đảm dễ hiểu khi áp dụng trong thực tiễn...
Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết, hiện nay các cấp hội phụ nữ tại 63 tỉnh, thành trong cả nước đang lấy ý kiến đóng góp của hội viên sau đó sẽ xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của phụ nữ cả nước.
* Tại Vĩnh Long, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong hệ thống công đoàn nhằm tập hợp ý kiến của các công đoàn viên trong tỉnh vào việc hoàn chỉnh bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này được Ban soạn thảo xây dựng rất công phu; về hình thức được thiết kế theo nguyên tắc ngắn, gọn, cụ thể; cơ bản đọc dễ hiểu, dễ phổ biến, dễ thực hiện và quan trọng là súc tích, rõ ràng, bảo đảm định hướng đủ những thành tố quan trọng và cơ bản nhất với mục đích để “tuổi thọ” của Hiến pháp được lâu dài, ổn định.
Nhiều đại biểu đóng góp về các câu, từ, cụm từ cho từng khoản, các mục, các điều. Trong phần Lời nói đầu, nhiều đại biểu đề nghị nên viết gọn hơn với văn phong và từ ngữ pháp luật, hạn chế dùng văn từ của Nghị quyết, với độ dài từ 200 đến 300 từ; nên thay từ “ta” bằng từ “Việt Nam”.../.