Trong công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành, phổ biến giáo dục pháp luật Luật hôn nhân gia đình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đảm bảo Luật thực sự đi vào cuộc sống, nâng cao sự hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật hôn nhân gia đình của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền và nhân dân.
Trong đó, Ngành Tòa án nhân dân có vai trò quan trọng trong việc tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình; theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, từ ngày năm 2000 đến 2011 Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 875.282 vụ việc về hôn nhân và gia đình, chiếm khoảng 30% tổng số vụ việc dân sự đã thụ lý. Ngành Kiểm sát nhân dân đã đóng vai trò tích cực trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật hôn nhân và gia đình trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình kịp thời, đúng pháp luật… Báo cáo cũng đã đánh giá những mặt được và chưa được của Luật hôn nhân gia đình năm 2000; nêu lên những bất cập hạn chế trong thực tiễn thi hành luật và những nguyên nhân; những vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa được pháp luật quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có tác động tích cực đến việc đề cao vai trò của gia đình, giữ gìn và phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Luật đã góp phần xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ, xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các thành viên trong gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình nhằm xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, Luật Hôn nhân và Gia đình cũng tồn tại nhiều mặt hạn chế như chưa tạo ra cơ chế pháp lý hiệu quả trong điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình vốn có nhiều đặc thù so với các quan hệ dân sự khác. Một số quy định chưa thực sự phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của quan hệ dân sự - quan hệ tư.
Luật thiếu quy định cho phép xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Một số quan hệ về hôn nhân và gia đình phát sinh trong thực tiễn chưa được Luật quy định hoặc quy định không cụ thể, như: nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn; ly thân; mang thai hộ…
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là mang thai hộ và kết hôn của người đồng giới. Theo Luật hiện hành, việc mang thai hộ bị nghiêm cấm đã hạn chế mong muốn có con chính đáng của rất nhiều gia đình hiếm muộn, vô sinh.
Bộ Tư pháp đề xuất, đây là vấn đề thực tiễn, có tính thời sự, do đó cần được nghiên cứu để luật hoá trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi lần này.
Kết hôn giữa những người cùng giới tính cũng là vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm. Trong thời gian qua, nhiều người đồng tính bị kỳ thị, phân biệt đối xử nhưng Luật lại chưa có quy định rõ ràng về bảo vệ quyền của người đồng tính. Nhiều ý kiến cho rằng cần nhìn nhận đồng tính là một xu hướng tự nhiên, không nên ngăn cấm.
Thực tế này đòi hỏi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu một cách nghiêm túc và bài bản về quyền kết hôn của người đồng tính, bảo đảm tính bình đẳng trong thực hiện và bảo vệ quyền con người về hôn nhân và gia đình.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ mục tiêu, quan điểm và những định hướng lớn trong sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Theo Phó Thủ tướng, về cơ bản, những mục tiêu và quan điểm mà Ban soạn thảo Dự án Luật đã đưa ra là hợp lý.
Tuy nhiên, Dự án Luật phải thể hiện được 2 quan điểm rất quan trọng, đó là tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, bình đẳng giới, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi và những người yếu thế khác trong quan hệ hôn nhân và gia đình; thể hiện được các giá trị truyền thống tiến bộ, văn minh của gia đình Việt Nam vừa phù hợp với pháp luật và các giá trị chung về hôn nhân và gia đình của các nước trên thế giới, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, cần rà soát, kế thừa và phát huy các quy định hiện hành và pháp luật về hôn nhân và gia đình qua các thời kỳ phát triển của đất nước; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trong điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình, nhất là những nước có truyền thống gia đình, văn hóa và điều kiện kinh tế-xã hội phù hợp với Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước.
Khi giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình, cần phải xuất phát từ tính chất rất đặc thù, khác biệt của quan hệ xã hội này so với các quan hệ xã hội khác, tăng cường các giải pháp để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ hôn nhân và gia đình theo hướng bảo đảm cho các bên tự do lựa chọn các phương án xử sự cụ thể.