Bệnh viện Trung ương Huế và Đại học Huế có số lượng trí thức có học hàm, học vị cao đông đảo nhất trong toàn tỉnh: năm 2011, trên tổng số 8.658 cán bộ, viên chức và hợp đồng lao động (năm 2008: 4.839 người), có 1.718 người có trình độ đào tạo trên đại học (năm 2008: 1.206 người); có 9 giáo sư, 153 PGS, 498 tiến sỹ (năm 2008 có 01 GS, 112 PGS và 362 tiến sỹ).
Ở thành phố Huế, không kể các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, có 17.895 người có trình độ đào tạo đại học (năm 2008 có 14.626 người), 1.460 người có trình độ đào tạo trên đại học (năm 2008 có 1.242 người). Huyện miền núi A Lưới, với dân số hơn 42.000 người, hiện có 707 người trình độ đào tạo đại học (năm 2008 chỉ có 460 người) và 19 người trình độ đào tạo trên đại học (năm 2008 có 6 người).
Trong những năm qua, đội ngũ trí thức đã có nhiều đóng góp cụ thể, thiết thực đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước, như: có nhiều ý kiến tâm huyết cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Đại hội Đảng các cấp. Trí thức đã tham gia thực hiện, hoặc đóng góp ý kiến, cung cấp các luận cứ khoa học trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhiều vấn đề cụ thể khác, như các đề tài: “Luận cứ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2020 theo hướng phát triển bền vững”, “Điều tra cơ bản tổng hợp có tính định hướng điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên các huyện của Thừa Thiên Huế”, “Nghiên cứu đánh giá các điều kiện phát triển công nghệ cao và đề xuất mô hình khu công nghệ cao tại Thừa Thiên Huế”, “Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về kết quả nghiên cứu tài nguyên khoáng sản có giá trị kinh tế và nước dưới đất ở Thừa Thiên Huế”,… Tham gia tư vấn về xây dựng số công trình lớn phục vụ việc quy hoạch thủy lợi và thuỷ điện của tỉnh;… Nhiều hội viên của Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật tỉnh đã tổ chức thực hiện, tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào hoạt động chuyên môn, sản xuất, đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều cán bộ khoa học đã tích cực tham gia nghiên cứu, có các công trình, các sản phẩm khoa học - công nghệ được ứng dụng trong sản xuất và đời sống, được công nhận ở các cấp.
Với lợi thế có đội ngũ trí thức lớn thứ 3 cả nước hiện nay, là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển chính trị, kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới, Thừa Thiên Huế đang có nhiều thuận lợi và cơ hội lớn trong phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là góp phần quan trọng trong việc khẳng định vị thế của Thừa Thiên Huế là trung tâm khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; là động lực để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48-KL/TW, ngày 25/5/2005 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020.