Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 1.362
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Ra Gạc Ma, hóa thư gửi đấng sinh thành
Ngày cập nhật 20/04/2013

Một sáng trung tuần tháng 4/2013, tàu HQ 561 dừng lại giữa vùng biển Gạc Ma-Cô Lin (Trường Sa) làm lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh tại “vòng tròn bất tử” 25 năm về trước.

Người phụ nữ ấy sau phút dâng hương nghẹn ngào đã khẽ đọc một lá thư, rồi đốt thả xuống biển. Lá thư chị viết gửi cho cha mình, tại nơi ông đã hy sinh…

 

Chị là Trần Thị Thu Hà, 42 tuổi, công tác tại Phòng Hậu cần (Công an tỉnh Hà Nam). Còn người cha là Trung tá Anh hùng Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, người cùng 63 chiến sĩ khác hy sinh ngày 14/3/1988 trong trận hải chiến năm 1988 trên vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

 

Ra Trường Sa là ước vọng suốt 25 năm qua của chị Hà
Ra Trường Sa là ước vọng suốt 25 năm qua của chị Hà.

Gọi tên cha giữa Trường Sa

Đêm 6/4, khi đoàn cán bộ, viên chức các tỉnh thành trên cả nước tập kết tại cảng Cam Ranh nghỉ ngơi chuẩn bị xuất phát ra Trường Sa nhưng chị Hà không thể chợp mắt. Sau 25 năm từ ngày bố hy sinh, đây là lần đầu tiên chị được ra viếng thăm nơi bố ngã xuống.

Rồi những dòng chữ cứ ào ạt tuôn trào trên trang giấy học trò. “Bố ơi, 25 năm rồi qua nhiều lần mong mỏi nay con mới được đặt chân ra Trường Sa nơi bố và các đồng đội đã nằm xuống vĩnh viễn tận biển xanh. Con gái muốn nói với bố rất nhiều, con mong trời sáng nhanh, mong cho con tàu chạy thật nhanh để được tận mắt nhìn thấy vùng biển bố ngã xuống để được trực tiếp nói chuyện với bố …”.

Phút tưởng niệm cha mình, chị Hà không thể cầm lòng
Phút tưởng niệm cha mình, chị Hà không thể cầm lòng.

Chị Hà nói: “Từ lâu tôi khao khát được ra Trường Sa, nhưng chưa thực hiện được. Năm 2009 có đoàn đi, tôi lại không biết. Năm sau, tôi chậm chân vì đăng ký muộn. Đầu năm 2013, tôi chủ động làm đơn gửi Quân chủng Hải quân xin được ra thăm cha. Sau đó mới biết ở tỉnh nhà cũng tổ chức đoàn đi thăm Trường Sa nên tôi đã gửi đơn đăng ký. Đến đầu tháng Tư này, tên của tôi được nằm trong cả hai danh sách của Quân chủng và đoàn của tỉnh Hà Nam, điểm xuất phát từ Vùng 4 Hải quân, chính là đơn vị cũ của bố tôi”.

Vừa đặt chân đến đơn vị cũ của bố, chị tìm tới Nhà tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma, Trường Sa, Khánh Hòa. Tình cờ, chị gặp Trần Thị Bích Thủy, con gái của liệt sĩ Gạc Ma Trần Văn Phương, người anh hùng được cha mình giao nhiệm vụ quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc trong phút giao tranh khốc liệt tại Gạc Ma 25 năm trước.

Thủy 25 tuổi. “Khi bố tôi và chú Phương hy sinh, tôi đã 17 tuổi, còn Thủy thì đang nằm trong bụng mẹ. Giờ sau 25 năm, hai chị em tình cờ gặp nhau khi cùng vào thắp hương cho cha mình tại Nhà tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma. Giây phút đó như tình máu mủ, chị em ôm chầm nhau mà khóc suốt buổi”.

Trong suốt chuyến hành trình Trường Sa qua 11 đảo và nhà giàn trên tàu HQ 561, tôi luôn bắt gặp vẻ bồn chồn, xúc động trên gương mặt và cử chỉ của chị Hà.

Giờ phút ấy đã đến. Cùng mọi người, chị chuẩn bị vòng hoa, thắp hương, đốt nến và hoa đăng. Giữa vùng biển thiêng, lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ Gạc Ma diễn ra trang nghiêm. Người sĩ quan công an, con gái duy nhất của anh hùng Gạc Ma bật khóc. Chị Hà khóc thật to, gọi tên cha như cô bé 17 tuổi ngày nào nghe tin cha hy sinh.

Lá thư 25 năm trước

Ít ai biết, có một lá thư khác của chị Hà đã ố màu, đang được trang trọng trưng bày tại Bảo tàng quân chủng Hải quân tại Hải Phòng. Lá thư của cô bé Trần Thị Thu Hà viết gửi bố Trần Đức Thông ngày 20/3/1988, tức 7 ngày sau khi người bố hy sinh.

Chị Hà hóa bức thư gửi cho bố.
 ảnh: Việt Hương
Chị Hà hóa bức thư gửi cho bố. ảnh: Việt Hương.

“Bố xa nhớ! Hôm nay là ngày Chủ nhật, con ngồi vào bàn mà sao không học được vì lúc đó là buổi ca nhạc 7g30-8g, toàn hát những bài hát về Trường Sa. Lúc này con không thể nào học được nữa… Hôm vừa qua bố có gửi thư tay cho thầy giáo chủ nhiệm con thì thầy đã nhận được và thầy nói rằng sẽ biên thư cho bố. Bố ạ! Vừa qua tình hình ở đảo căng thẳng lắm phải không bố. Do vậy ở đơn vị chắc bố cũng bận nhiều do vậy cũng phải ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhưng bố ạ, bố cố gắng giữ gìn sức khoẻ…”. Bì thư ghi: Con Thu Hà-Trạm cung ứng than thị xã Phủ Lý - Hà Nam Ninh. Tới thăm Bố: Trần Đức Thông, hòm thư 2C100A Cam Ranh - Phú Khánh.

Người cha đã không bao giờ còn được bóc lá thư của con gái yêu.

Chúng tôi nhỏ lệ mỗi lúc tiếng chị Hà vang lên gọi bố giữa trùng khơi. Những bông hoa được chính tay chị Hà kết thành mang ra Trường Sa tặng bố và đồng đội thân yêu.

“Trường Sa bây giờ không như những gì bố kể với tôi cách đây 25 năm về trước. Trường Sa giờ hiện đại, đầy đủ với màu xanh của biển và rừng cây”.

Thư của chị Trần Thị Thu Hà gửi bố (trích)

Cam Ranh, 2 giờ ngày 6/4/2013

Bố kính yêu!

Con Thu Hà, cầm bút viết thư cho bố ngay tại đơn vị cũ của bố sau 25 năm xa cách.

Bố kính yêu, đã lâu lắm rồi con mới lại được viết thư cho bố đây. Trời sáng con sẽ được ra thăm bố, tâm trạng rối bời khiến con khó lòng chợp mắt nhiều ngày liền.

25 năm qua, con và em, đại gia đình chúng ta luôn sống và làm việc, nghe lời bố làm tốt nghĩa vụ của một người con, một công dân có ý nghĩa. Những gì chúng con đạt được trong cuộc sống xuất phát từ những lời dạy của bố mẹ kính yêu.

Ngày mai, đoàn tàu do những thành viên cùng đơn vị với bố và hàng trăm cán bộ công đoàn viên chức các tỉnh thành trên cả nước, trong đó có con sẽ xuất phát từ Cam Ranh để ra Trường Sa. Con sẽ được ra thăm bố đó…

Kính mong bố và các chiến sĩ đang yên nghỉ cùng bố phù hộ cho chuyến đi thành công của con và cả đoàn. Con hứa với bố là sẽ phấn đấu tốt trong công việc hằng ngày, luôn tuyên truyền về biển đảo và quê hương của chúng ta với lớp trẻ.

Kính chào bố kính yêu!

Con gái: THu Hà

                                                                                                                                  Việt Phương

 

Tiền phong online
Các tin khác
Xem tin theo ngày