Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.696.540
Truy câp hiện tại 805
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - bản anh hùng ca bất diệt
Ngày cập nhật 29/04/2013

Hơn bao giờ hết dân tộc ta, đất nước ta, sẽ mãi mãi ghi nhớ sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Bác Hồ kính yêu đã lèo lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao sóng gió của từng giai đoạn lịch sử, để đánh đuổi quân xâm lược, làm nên những chiến công vang dội khắp năm châu. Những trang sử vàng của Tháng Tám mùa thu 1945, của chiến thắng Điện Biện Phủ 1954, của chiến dịch mùa hè đổ lửa 1972 ở Quảng Trị, của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không (12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội), rồi đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975.

Lịch sử giờ đã sang trang, nhưng những trang sử vàng truyền thống oanh liệt, chói lọi của lớp lớp ông, cha đi trước đã làm rạng rỡ cho đất nước ta, dân tộc ta, sẽ mãi mãi trường tồn và xem đó là hành trang cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa 38 năm kể từ ngày thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2013), nhưng cứ đến Tháng Tư lịch sử hàng năm, là các thế hệ dân tộc Việt Nam lại phấn khởi ôn lại những chiến công lừng lẫy, vang dội ngày nào của đất nước ta, dân tộc ta, bởi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, thu giang sơn Việt Nam về một mối.

 

Ngày 21/4, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà.
 

Ngày 26/4, Trần Văn Hương vừa lên thay Nguyễn Văn Thiệu làm "Tổng thống" được mấy hôm đã phải tuyên bố nhường chức cho Dương Văn Minh.
 

Tại Sài Gòn, trung tâm đầu não của Mỹ - ngụy, ngày 26/4 sau khi chọc thủng tuyến phòng thủ từ xa của quân Sài Gòn, năm cánh quân của ta, gồm 4 quân đoàn chủ lực và Đoàn 232 cùng với binh khí đã tập kết đầy đủ tại nơi quy định, hình thành thế trận bao vây Sài Gòn.
 

Cùng ngày 26/4, lúc 17 giờ, quân cách mạng nổ súng bắt đầu cuộc tiến công lớn vào Sài Gòn. Quân ta thuộc năm cánh từ các hướng, có sự phối hợp của lực lượng vũ trang địa phương và sự nổi dậy của quần chúng, được lệnh vượt qua tuyến phòng thủ ngoài của đối phương, tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn.
 

Ngày 28/4 vào lúc 17 giờ, ngay sau khi Dương Văn Minh tuyên bố nhận chức Tổng thống và hô hào binh lính của chúng "bảo vệ lãnh thổ", "không buông vũ khí", quân ta tập kích sân bay Tân Sơn Nhất bằng 5 máy bay A37 thu được của địch. Tiếp đó, pháo binh ta giội bão lửa lên đầu chúng, làm tê liệt mọi hoạt đông trên sân bay, khiến cho cuộc di tản người "liều mạng" của Mỹ phải chuyển sang bằng máy bay lên thẳng.
 

Tiếp đến, ngày 29/4, quân ta tổng công kích trên toàn mặt trận. Tất cả các cánh quân của ta, gồm 15 sư đoàn quân chủ lực, đồng loạt tiến công và chỉ trong một ngày đã đạp vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của quân đội Sài Gòn, ngăn chặn các tiểu đoàn chủ lực của chúng ở Tây Ninh, đồng bằng sông Cửu Long, không cho chúng rút chạy về Sài Gòn, tạo điều kiện cho quân ta tấn công sâu vào nội thành.
 

Ngày 30/4,  lúc 5 giờ 30 phút, quân ta từ bốn hướng đồng loạt đánh vào năm mục tiêu đã lựa chọn: Bộ tổng Tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Dinh Ðộc lập, Tổng nha cảnh sát đô thành, Biệt khu thủ đô.
 

Hướng tây và tây-nam: Sư đoàn 9, Đoàn 232 đánh chiếm khu Nhà Bè, cầu Nhị Thiên Ðường, cầu Chữ Y, Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia, Bộ tư lệnh lục quân, chiếm khu Tân Tạo và khu ra-đa Phú Lâm; Sư đoàn 5 và các trung đoàn 16, 24, 88 độc lập đánh diệt, làm tan rã Sư đoàn 22, giải phóng thị xã Tân An, chi khu Thủ Thừa, chiếm cầu Bình Ðiền, An Lạc, phát triển cùng nhân dân giải phóng quận 5, 6, phối hợp với Sư đoàn 9 chiếm Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia. Bộ đội đặc công phối hợp nhân dân đánh địch, giải phóng quận Tân Bình, quận Bình Chánh và Đặc khu rừng Sác.
 

Hướng tây-bắc: Quân đoàn 3, sau khi đánh chiếm căn cứ Ðồng Dù, Trảng Bàng, diệt Sư đoàn 25 ngụy, tiến công chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh Sư đoàn 5 không quân, Bộ tư lệnh thiết giáp, Bộ tư lệnh quân dù và phối hợp Quân đoàn 1 ở cánh bắc đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy.
 

Hướng bắc: Quân đoàn 1 diệt căn cứ Phú Lợi, phát triển tiến công diệt và làm tan rã Sư đoàn 5 ngụy, giải phóng tỉnh Bình Dương. Binh đoàn thọc sâu Quân đoàn 1 diệt Lữ đoàn 3 kỵ binh tại cầu Bình Triệu, qua ngã tư Phú Nhuận, theo đường Võ Tánh tiến công vào cổng số 2 và 3 phối hợp với Quân đoàn 3 chiếm Bộ tổng tham mưu.
 

Hướng đông: vào lúc 7 giờ, Quân đoàn 4 tiến công chiếm Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy, Bộ tư lệnh Sư đoàn 3 không quân, sân bay Biên Hòa, đánh tan địch ngăn chặn ở Hố Nai, sau đó tiến công sang quận Thủ Ðức, phát triển vào nội đô đánh chiếm Bộ chỉ huy Thủy quân lục chiến, căn cứ Hải quân, Bộ quốc phòng, cảng Bạch Ðằng, Ðài phát thanh.... Khi ấy Sư đoàn 3, Quân khu 5 giải phóng Vũng Tàu, phát triển tiến công chiếm Cần Giờ. Quân đoàn 2 tổ chức vượt sông Sài Gòn tiến công địch, giải phóng quận 9 và Thủ Thiêm. Binh đoàn thọc sâu Quân đoàn 2 do Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203 đảm nhiệm đã vượt cầu xa lộ Ðồng Nai, đánh tan quân địch ngăn chặn, thần tốc tiến về Dinh Ðộc Lập.
 

Đến 10 giờ 45 phút ngày 30/4, các đơn vị của Quân đoàn 2, bằng xe tăng và pháo binh, tiến thẳng vào "Dinh Độc Lập", bắt sống toàn bộ chính quyền trung ương Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Giờ khắc lịch sử đã đến vinh quang của đất nước đã đến, 11h 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
 

Cùng với đại quân của ta tiến thẳng vào Sài Gòn, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh còn lại ở Nam bộ, theo đúng kế hoạch của Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền, với phương châm "xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh" đã nhất tề tiến công và nổi dậy chiếm các căn cứ, quận lỵ, tỉnh lỵ, bức đối phương phải nộp vũ khí đầu hàng. Đến ngày 2/5/1975, lực lượng vũ trang và bộ máy chính quyền của Dương Văn Minh ở Nam bộ và trên khắp miền Nam nước ta đã tan rã hoàn toàn.
 

Tại Bến Tre thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị vào ngày 25/3/1975 “Tổng tấn công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975”, Tỉnh ủy Bến Tre đã chỉ thị cho toàn Đảng bộ, quân và dân Bến Tre xúc tiến công tác chuẩn bị. Và ngày 13/4/1975, toàn bộ lực lượng vũ trang tỉnh chuyển về khu vực Châu Thành tiến hành công tác chuẩn bị chiến đấu tấn công vào thị xã.
 

 

Kế hoạch tấn công vào thị xã bị lộ, ngày 27/4 Ban chỉ đạo quyết định thực hiện phương án mới. Theo phương án này Tiểu đoàn 516, 263 cùng đại đội đặc công về địa bàn Giồng Trôm. Đêm 29/4, Tiểu đoàn 263 và Đại đội đặc công tiến đánh phần chi khu Lương Quới và 3 đồn trên đường 26. Đồng thời, Tiểu đoàn 516 phối hợp cùng Tiểu đoàn 560, 590 của Giồng Trôm tổ chức trận địa phục kích ven đường 26 đánh quân cứu viện tại khu vực Phong Mỹ - Lương Hòa.
 

Sáng 30/4, địch điều 4 tiểu đoàn Bảo an đi giải tỏa. Chiến sự đang giằng co quyết liệt, đến 10 giờ 45 phút, qua làn sóng Đài phát thanh, ta biết được Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng lực lượng cách mạng vô điều kiện, bộ đội ta như được truyền thêm sức mạnh, quân địch hoang mang, rệu rã. Bọn sĩ quan đã không chỉ huy được đám quân đã rã rời này nữa. Các tiểu đoàn Bảo an Tiểu khu bỏ súng chạy.
 

Đêm 30/4, các đơn vị vũ trang của ta từ Lương Quới tiến quân về hướng thị xã theo kế hoạch. Hồi 9 giờ ngày 1/5/1975, Tiểu đoàn 516 cùng lực lượng vũ trang tỉnh tiến vào tiếp quản thị xã trong rừng cờ hoa, biểu ngữ và trong tiếng reo hò của nhân dân nội ngoại ô thị xã.
 

Với tư tưởng "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", trong chiến dịch Hồ Chí Minh  lịch sử quân và dân ta đã huy động một lực lượng lớn hơn bất cứ chiến dịch nào trước đây, bao gồm cả lực lượng vũ trang và chính trị. Kết qủa sau 55 ngày đêm tiến công thần tốc, táo bạo, quân và dân ta đã quét sạch toàn bộ chế độ thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam giành lại độc lập hoàn toàn cho đất nước. Thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân, toàn quân ta, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của đất nước - kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước vững  bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
 

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã thực hiện đầy đủ di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
 

“Đánh cho Mỹ cút
 

Đánh cho ngụy nhào
 

Tiến lên chiến sỹ đồng bào
 

Bắc Nam sum hợp xuân nào vui hơn”
 

Với đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước ta đã được thống nhất trọn vẹn. Lịch sử cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài gần một phần ba thế kỷ đang lùi xa vào quá khứ. Nhưng những giá trị truyền thống và bài học lịch sử của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thì mãi mãi trường tồn và đẹp như bản anh hùng ca bất diệt. Và hơn bao giờ hết các thế hệ dân tộc Việt Nam sẽ mãi luôn ghi nhớ, tự hào về chiến thắng thần kỳ của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, xem đó là niềm tự hào vĩnh cửu của một dân tộc Việt Nam anh hùng, đất nước Việt Nam anh hùng.

Image
Nhân dân Bến Tre mừng giải phóng Thị xã Bến Tre ngày 1/5/1975. (Ảnh Tư liệu)

www.bentre.gov.vn (người viết: Văn Tuyên)
Các tin khác
Xem tin theo ngày