Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.696.540
Truy câp hiện tại 4.694
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Dư luận quốc tế đánh giá cao vấn đề “Xây dựng lòng tin chiến lược” của Việt Nam
Ngày cập nhật 03/06/2013

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu với vai trò khách mời, diễn giả chính của Đối thoại Shangri La.
Ngay sau khi Thủ tướng kết thúc bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 12, hàng loạt hãng tin, website nước ngoài đã có những tin, bài truyền đi thông điệp của Thủ tướng về xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sự kiện Thủ tướng tham dự và phát biểu với vai trò khách mời, diễn giả chính của Đối thoại Shangri-La 12 đã được giới truyền thông quốc tế quan tâm.
Đầu tiên, trang web của Viện nghiên cứu quốc tế (IISS) đã đăng toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng với tiêu đề “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á”. Trong đó nhấn mạnh phát biểu của Thủ tướng cho rằng điều kiện tiên quyết để xây dựng lòng tin chiến lược là phải tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung đã trở thành giá trị của toàn nhân loại.
Tờ Straits Times của Xin-ga-po cũng nhanh chóng đưa những dòng đầu tiên về nội dung bài phát biểu cùng với hình ảnh Thủ tướng đang phát biểu. “Mọi người chúng ta đều hiểu, nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột quân sự, nhìn tổng thể thì sẽ không có kẻ thắng người thua - mà tất cả cùng thua”, Straits Times trích lời Thủ tướng. Tờ Straits Times nhận định diễn đàn an ninh năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng vì những tranh chấp hàng hải trong khu vực.
Trang AsiaOne sau đó đã lấy lại ảnh của Straits Times đồng thời dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, để tăng cường lòng tin trong khu vực, các nước dù là lớn hay nhỏ phải tuân thủ luật pháp quốc tế và nhận thức được trách nhiệm của mình. Trong khi đó, Reuters là một trong những hãng tin trích nguyên văn nhiều câu của Thủ tướng như: “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”. Hay “Chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường”. Vì vậy cần có một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, chứ không phải là một ASEAN mà các quốc gia thành viên “buộc phải lựa chọn đứng về bên này hay bên kia vì lợi ích của riêng mình trong mối quan hệ với các nước lớn”.
Bài của Reuters sau đó cũng được tờ Star Online của Phi-líp-pin và website của kênh truyền hình NBC của Mỹ đăng lại. BBC cũng trích nhiều câu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kỳ vọng về vai trò của Trung Quốc và Mỹ đối với khu vực. “Nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất (tôi xin nhấn mạnh là lớn nhất) đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như của cả khu vực và thế giới”. Thủ tướng tuyên bố “đặc biệt coi trọng vai trò của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và của Mỹ - một cường quốc Thái Bình Dương”.
Trong khi đó, bài của Channelnewsasia nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của biển đối với thương mại toàn cầu. “Theo nhiều dự báo, sẽ có trên 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua Biển Đông”.
Hãng ảnh GettyImage của Hoa Kỳ cũng nhanh chóng cập nhật bức ảnh lớn của Thủ tướng kèm theo chú thích “Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị cấp cao an ninh châu Á Shangri-La, do Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức, tại Xin-ga-po ngày 31-5-2013.
Trước khi Thủ tướng phát biểu, báo chí nước ngoài cũng đã có một số bài viết dự báo những thông điệp chính của Thủ tướng tại Shangri-La. Tờ Manipur Update của Ấn Độ ngày 31-5 đưa tin Thủ tướng Việt Nam sẽ nêu bật chính sách đối ngoại của Việt Nam tại diễn đàn Shangri-La. Đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện quan điểm về những vấn đề an ninh khu vực, bao gồm cả an ninh hàng hải.
Trong bài viết đăng trên tờ Jakarta Post của In-đô-nê-xi-a nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải xây dựng và tăng cường lòng tin chiến lược vì hòa bình, thịnh vượng và hợp tác. Bài báo đề cập việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi cả Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng hợp tác với các nước ASEAN để kiến tạo một cấu trúc khu vực hòa bình, trong đó “lòng tin” là nhân tố chủ chốt. Là cường quốc, Trung Quốc và Hoa Kỳ phải có trách nhiệm đóng góp vào hòa bình của khu vực và trên thế giới. “Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột”, Jakarta Post trích nguyên văn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu.
Tờ The IndianExpress của Ấn Độ cũng đề cập về tầm quan trọng của Hoa Kỳ - một cường quốc Thái Bình Dương - đối với an ninh khu vực. Bài báo dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề này: “Tôi tin rằng các nước trong khu vực đều không phản đối can dự chiến lược của các nước ngoài khu vực nếu sự can dự đó nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển”.
Ở khía cạnh khác, Hãng tin Pháp AFP chọn thông báo chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc Việt Nam sẽ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong nội dung chính bài viết của mình. Bài báo nhấn mạnh nội dung Việt Nam chọn tham gia “các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự”.
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản nói việc Việt Nam sẽ cử các nhân viên quân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Hãng Kyodo cũng đã đề cập đến chính sách quốc phòng của Việt Nam là “hòa bình và tự vệ”, đồng thời nhấn mạnh nội dung: Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác. Việt Nam mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một khi nguyên tắc độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi được cam kết và nghiêm túc thực hiện./.

Nguồn:Tạp chí Cộng sản
Các tin khác
Xem tin theo ngày