Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.696.540
Truy câp hiện tại 4.573
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Quốc hội bổ sung 10 dự án luật vào chương trình toàn khóa
Ngày cập nhật 20/06/2013

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, ngày 18-6, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe báo cáo giải trình tiếp thu và thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội; biểu quyết thông qua Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng…Quốc hội đã bổ sung 10 dự án luật vào chương trình toàn khóa.

* Sáng 18-6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014.
Theo đó, Quốc hội nhất trí bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII 10 dự án luật, pháp lệnh và nghị quyết gồm: Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính; Luật về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Pháp lệnh cảnh sát môi trường; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.
Cũng theo Nghị quyết này, bổ sung vào chương trình thông qua tại Kỳ họp thứ 5 các dự án: Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp;  Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.
Quốc hội cũng nhất trí rút khỏi Chương trình năm 2013 các dự án: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược...
Bổ sung vào Chương trình năm 2013 dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội thông qua 16 dự án luật và trình Quốc hội cho ý kiến 11 dự án luật. Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua 2 dự án pháp lệnh, bao gồm: Pháp lệnh cảnh sát môi trường; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.
* Cũng trong sáng 18-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Cử tri Trần Văn Trung ở TP. Hà Nội cho rằng: Chống lãng phí là không thể chậm trễ vì lãng phí đang diễn ra hằng ngày hằng giờ ở mọi nơi mọi lúc, đơn cử là việc nhiều cơ quan, đơn vị đang sử dụng điện rất lãng phí. Theo cử tri, ngoài những quy định về thực hiện chống lãng phí thì cần nâng cao ý thức của người dân để có thể ngăn chặn được lãng phí. Tuy nhiên, nếu không có quy định cụ thể thì rất khó thực thi hiệu quả Luật Thực hành tiết kiệm và lãng phí về tài sản công.
Cử tri Trần Văn Trung đề nghị: Trong một cơ quan đơn vị phải có những quy định, kiểm tra, đôn đốc chống lãng phí về điện. Người không phải trả tiền thì rất dễ dùng lãng phí. Nhưng nếu họ phải trả tiền thì lại phải tính. Nếu của công cũng như các cụ thường nói là “cha chung không ai khóc” thì cái đó là ý thức của mình. Chính vì thế ta mới phải thực hành vận động, nhưng nếu vận động thuyết phục không được thì phải có những biện pháp mạnh hơn, cứng rắn hơn, bắt buộc.
Cử tri Phạm Văn Thuyn, xã Thái Hồng, huyện Thái Thụy, tại Thái Bình thì cho rằng: Hiện nay, lãng phí trong đầu tư rất rõ nhận thấy. Nhiều công trình được đầu tư nhưng không trọn vẹn, dàn trải. Tiền tỷ được đầu tư nhưng công trình đang trong tình trạng dở dang và chưa biết đến khi nào có thể hoàn thành. Cử tri Phạm Văn Thuyn đề nghị nên bổ sung quy định xử lý các hành vi gây lãng phí công trình và cần có chế tài xử phạt cụ thể đối với người đứng đầu khi để xảy ra lãng phí trong cơ quan, đơn vị mình.
Cử tri Phạm Văn Thuyn cho rằng: Quy định để cho luật chống lãng phí này thực sự đi vào người dân thì trước hết là phải phân rõ vai trò, trách nhiệm của từng cấp có thẩm quyền mà liên quan vấn đề về lãng phí. Người chống lãng phí này là của cấp nào, tất nhiên là phải của toàn dân nhưng phải là cấp nào chu trì thực thi luật này và hiệu quả. Hình thức chế tài xử lý khi các cơ quan doanh nghiệp hoặc kể cả các cơ quan doanh nghiệp của nhà nước quản lý kinh tế nhà nước mà lãng phí thì phải xử lý như thế nào và chế tài thật thỏa đáng.
* Trong phần đầu phiên làm việc toàn thể tại hội trường chiều 18-6, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 87,75% số đại biểu tán thành. Theo đó, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) có 11 chương với 81 điều, quy định rõ về tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; việc tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ; các biện pháp bảo đảm phát triển khoa học và công nghệ; quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
Thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, đa số ý kiến cơ bản tán thành với việc cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng để công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào nền nếp, chặt chẽ, kịp thời động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng: Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành quy định nhiều hình thức khen thưởng cấp Nhà nước dẫn đến sự trùng lắp, chồng chéo, tràn lan trong khâu thực hiện. Việc đề nghị các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước được thực hiện theo quy trình, thủ tục từ cấp cơ sở, phải qua nhiều cơ quan, cấp bậc xem xét, tạo ra thủ tục hành chính rườm rà, khó kiểm soát.
Các đại biểu đề nghị cần xem xét, giảm bớt các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước. Dự thảo Luật mới chỉ sửa đổi, bổ sung một số tiêu chuẩn của các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước mà vẫn giữ nguyên hệ thống các hình thức khen thưởng này.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) và một số đại biểu khác cho rằng, việc bổ sung nội dung “Bảo đảm các nguyên tắc về bình đẳng giới” vào các nguyên tắc khen thưởng của Luật Thi đua, khen thưởng là cần thiết. Tuy nhiên, quy định như trong dự thảo Luật vẫn còn chung chung, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định chi tiết, cụ thể hơn trong các chương, điều về tiêu chuẩn cũng như việc xét khen thưởng đối với nữ giới chứ không chỉ nêu nguyên tắc chung. Như vậy, nguyên tắc bình đẳng giới trong Luật Thi đua, khen thưởng mới bảo đảm được tính toàn diện và thực hiện đúng yêu cầu đã nêu trong Luật Bình đẳng giới.
Một số đại biểu cho rằng, việc quy định hình thức khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể ngoài Nhà nước là cần thiết, góp phần động viên kịp thời một lực lượng lao động không nhỏ đang tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) đề nghị Bộ Nội vụ, Chính phủ cần có Thông tư hướng dẫn cụ thể đối với các cá nhân, tập thể ngoài nhà nước và quy định rõ về tỷ lệ được xét khen thưởng.
Về chu kỳ xét các danh hiệu thi đua khen thưởng, một số đại biểu cho rằng, việc dự thảo quy định tặng Cờ thi đua của Chính phủ lên 3 năm mới được xét một lần; danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động là 5 năm xét một lần; các danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân tăng lên 3 năm xét một lần sẽ không bảo đảm tôn vinh kịp thời, nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến. Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu sửa lại nội dung này.
* Cũng trong chiều 18-6, Quốc hội đã thông qua Luật Khoa học và công nghệ  với hơn 87,75% đại biểu tán thành.
Theo đó, Luật quy định rõ nhiệm vụ của hoạt động khoa học và công nghệ là xây dựng lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; xây dựng luận cứ khoa học cho việc định ra đường lối, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; góp phần xây dựng nền giáo dục tiên tiến, xây dựng con người mới Việt Nam; kế thừa và phát huy giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và đóng góp vào kho tàng văn hóa, khoa học của thế giới.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ các chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ với ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ; áp dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi nhằm phát huy vai trò then chốt và động lực của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Bên cạnh đó, cũng quy định ngày 18-5 hằng năm là Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam…
Theo Chương trình, ngày 19-6, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm; biểu quyết thông qua các Luật: Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai./.

Nguồn:Tạp chí Cộng sản
Các tin khác
Xem tin theo ngày