* Sáng 24-6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đại biểu Quốc hội khóa XIII và các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp xúc cử tri quận 1.
Tại buổi tiếp xúc, đại biểu Trần Du Lịch thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội đã báo cáo với cử tri một số kết quả chính của Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII vừa qua. Các cử tri bày tỏ hoan nghênh Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đã làm việc nghiêm túc và hiệu quả, đặc biệt việc lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, việc lấy ý kiến cử tri về các dự án luật như Luật Đất đai, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được cử tri đánh giá cao.
Bên cạnh đó, các cử tri cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc sau Kỳ họp thứ 5, những Nghị quyết được thông qua, những lời hứa của Chính phủ, thành viên Chính phủ có được thực hiện. Cử tri đề nghị cần phải kiểm soát tốt hơn nữa nợ công, thu chi ngân sách hợp lý, phải xây dựng kế hoạch trung hạn phục hồi kinh tế, nhất là phải có giải pháp đột phá về phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, các lĩnh vực quản lý đất đai, bất cập trong chăm sóc cho người nghèo, chế độ tiền lương, chính sách đối với người có công, tình trạng buôn lậu gia tăng, bất cập trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm... được nhiều cử tri tập trung phản ánh.
Phát biểu tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận những ý kiến tâm huyết và đầy trách nhiệm của cử tri. Giải đáp boăn khoăn của cử tri về hiệu lực hiệu quả của các Nghị quyết được thông qua và lời hứa thực hiện của các thành viên Chính phủ có được thực hiện, Chủ tịch nước khẳng định, cử tri có quyền giám sát việc thực hiện này, đặc biệt là trong các kỳ họp tiếp theo, các thành viên đã trả lời chất vấn phải có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội và cử tri. Nếu thành viên nào trả lời không rõ và chưa thỏa mãn, cử tri có quyền chất vấn lại thông qua vai trò của đại biểu Quốc hội.
Về công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí, Chủ tịch nước cho rằng, vừa qua đã kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, bên cạnh đó đang hoàn thiện quy chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc. Đây là cơ sở quan trọng để nhân dân tăng cường giám sát. Chủ tịch nước thừa nhận thực tế việc tổ chức rình rang nhiều lễ hội, lễ khởi công các công trình gây lãng phí, tới đây việc này sẽ được chấn chỉnh.
Đề cập thắc mắc của cử tri về việc thực hiện kê khai tài sản của cán bộ công chức chưa mang lại hiệu quả, Chủ tịch nước cho rằng, giải pháp đã có nhưng thực tế còn có những tồn tại đó là cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm. Bên cạnh đó, cũng có khó khăn khách quan như việc chúng ta hiện vẫn đang thanh toán bằng tiền mặt, chưa qua ngân hàng nên rất khó cho việc kiểm soát thu nhập.
Với tinh thần cầu thị, Chủ tịch nước mong rằng, mỗi cử tri cần phát huy vai trò giám sát, phê phán những điểm gì chưa được để các cán bộ biết và sửa chữa cũng như giúp các cơ quan chức năng xử lý những cán bộ vi phạm. Đảng và Nhà nước luôn lắng nghe ý kiến đóng góp và góp ý của nhân dân. Với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước khẳng định sẽ cùng với các đại biểu nỗ lực hết sức để không phụ lòng tin của cử tri.
* Chiều 24-6, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ đã có buổi gặp gỡ, tiếp xúc với gần 400 cử tri trên địa bàn thành phố.
Tại buổi tiếp xúc, bên cạnh việc đánh giá cao hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ nói riêng và Quốc hội nói chung tại kỳ họp lần này, cử tri ở Cần Thơ cho rằng, một số vị Bộ trưởng trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế trong chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên trong trả lời chất vấn tại Kỳ họp vẫn còn vòng vo, né tránh trách nhiệm và chưa đưa ra được những giải pháp đột phá để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực mình quản lý.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tình trạng lúa trúng mùa, mất giá, khó tiêu thụ vẫn xảy ra, nhất là trong vụ lúa hè thu hiện nay, tuy nhiên ngoài chủ trương thu mua tạm trữ của Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu hơn để giúp nông dân tiêu thụ hết lúa hàng hóa còn tồn đọng nhiều. Đặc biệt, nhiều cử tri nêu lên bức xúc chung về tình trạng quy hoạch tràn lan, kéo dài gây lãng phí đất đai và làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ, đồng chí Lê Hồng Anh đã giải thích, làm rõ số một vấn đề mà cử tri kiến nghị, đồng thời thông tin để cử tri hiểu thêm về tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, chính trị trong nước.
* Tiếp xúc cử tri huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, sau Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, chiều 24-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe, ghi nhận và giải đáp một số vấn đề mà cử tri quan tâm.
Tại buổi làm việc, các cử tri Nguyễn Văn Hoàng (xã Duy Phú), Lê Công Tiến (xã Duy Hòa) kiến nghị Nhà nước cần quan tâm chế độ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với cán bộ nghỉ hưu, người có công, đối tượng chính sách. Giải quyết chế độ chính sách cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin cần khẩn trương, nhất là với những người tham gia kháng chiến, tuổi cao, sức yếu.
Đề cập công tác phòng chống tội phạm, cử tri Nguyễn Trường Lại (xã Duy Tân) nêu vấn đề như: tỷ lệ tội phạm một số địa phương gia tăng, người dân nhận thấy nhưng cơ quan công an lại không biết, như vậy có việc bảo kê, bao che hay không? Bên cạnh đó là trách nhiệm của các cơ quan trước tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại gia tăng.
Cử tri cũng bày tỏ lo lắng khi nông dân phải mua vật tư nông nghiệp, con giống với giá cao nhưng sản phẩm bán ra lại thấp nên không khuyến khích được nông dân gắn bó với mảnh ruộng của mình. Một số cử tri khác cho rằng, việc xây dựng tượng đài chiến thắng Xuyên Thanh (xã Duy Châu) cần được Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư để các thế hệ mai sau ghi nhớ về trận đánh nổi tiếng này trên đất Quảng Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, qua đó góp phần giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương…
Báo cáo với các cử tri huyện Duy Xuyên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam và cá nhân Phó Thủ tướng nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với các vấn đề lớn của đất nước cũng như tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, chế độ chính sách đối với người có công, thanh niên xung phong, thương bệnh binh…
Về các vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng tiếp thu ý kiến của cử tri về thủ tục hành chính công nhận người có công cần đơn giản hóa hơn nữa, nhất là đối với người bị thất lạc giấy tờ để tạo điều kiện cho người có công thực sự được hưởng sự ưu đãi của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến đời sống của người có công có mức sống ít nhất bằng hoặc cao hơn mức bình quân. Phó Thủ tướng mong muốn, mỗi gia đình có công cần nỗ lực vươn lên hơn nữa trong cuộc sống, trở thành tấm gương đối với cộng đồng dân cư và giáo dục con cháu trở thành người có ích cho xã hội.
Phó Thủ tướng cho rằng, các cán bộ cơ sở phải rèn luyện nghiêm túc, phải học hỏi từ dân để gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Với truyền thống anh hùng cách mạng, người dân huyện Duy Xuyên cần tiếp tục thẳng thắn phê phán, chỉ rõ những cán bộ xa dân, quan liêu, hách dịch, vô cảm trước các vấn đề mà người dân bức xúc. Qua đó, cấp có thẩm quyền có những hình thức xem xét xử lý đối với những cán bộ như thế.
Đối với phản ánh của cử tri về tình hình tội phạm mang tính chất “xã hội đen” xuất hiện gần đây ở một số địa phương, Phó Thủ tướng cho biết, công tác phòng, chống tội phạm thời gian qua đạt được những kết quả. Tuy nhiên, cũng xuất hiện một số địa bàn để tình trạng tội phạm lộng hành nhưng địa phương không phát hiện được. Chỉ đến khi lực lượng chức năng của Bộ Công an triệt phá thì địa phương mới biết. Điều này gây nên sự nghi ngờ của nhân dân đối với hiện tượng này, nhất là việc có chuyện bảo kê hay không.
“Nơi nào có tội phạm lộng hành phải ngưng chức từ trưởng công an xã, phường đến quận, huyện để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật và lấy lại niềm tin của nhân dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
* Cũng trong sáng 24-6, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã tiếp xúc cử tri.
Sau khi nghe Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, cử tri Đắk Lắk đánh giá cao chất lượng Kỳ họp, những vấn đề được bàn thảo tại Kỳ họp này cũng là những vấn đề được cử tri quan tâm. Đặc biệt, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn được cử tri rất đồng tình.
Cử tri Đắk Lắk đề nghị Quốc hội nghiên cứu xây dựng Luật về dân tộc để các chính sách dân tộc được nghiêm túc thực hiện thống nhất. Đồng thời kiến nghị đầu tư mạnh mẽ hơn cho khu vực Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng về cơ sở hạ tầng giao thông, tạo điều kiện để thu hút đầu tư thuận lợi hơn.
Riêng vấn đề tạo việc làm, đặc biệt là việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết chính sách cho dân di cư tự do cũng được cử tri kiến nghị tại buổi tiếp xúc. Cử tri Đắk Lắk cũng đề nghị các cơ quan Trung ương sớm có ý kiến về hoạt động của các công ty lâm nghiệp vì hiện nay các đơn vị này đang gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc quản lý bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng cần có quy định thống nhất trong việc in ấn, phát hành hóa đơn đối với các doanh nghiệp thu mua cà phê để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, hưởng lợi bất hợp pháp từ việc mua bán hóa đơn lòng vòng.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng giải đáp những kiến nghị của cử tri và cho rằng, những vấn đề cử tri kiến nghị cũng là những vấn đề Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm và đang nghiên cứu để có chỉ đạo kịp thời trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tới đây triển khai Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân, nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm phải tôn trọng quyền báo cáo, quyền giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm; công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; đề cao trách nhiệm của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh đến trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Việc thực hiện sẽ phải được nhân dân giám sát. Sau khi có kết quả lấy, bỏ phiếu tín nhiệm, Hội đồng nhân phải báo cáo và công khai tới nhân dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có trách nhiệm tập hợp đầy đủ ý kiến của nhân dân về các đại biểu để sao cho việc lấy phiếu, bỏ phiếu được khách quan, công tâm.
* Ngày 24-6, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức tiếp xúc cử tri tại một số quận, huyện. Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri đánh giá cao thành công của Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa với tình trạng tham nhũng, lãng phí.
Tại các điểm tiếp xúc ở các huyện Thanh Trì, Đan Phượng, Quốc Oai, Mê Linh, thị xã Sơn Tây và quận Cầu Giấy, các cử tri bày tỏ vui mừng về những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội trong Kỳ họp vừa qua, nhất là việc Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Cử tri đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn của các đại biểu Quốc hội, thể hiện qua các phiên chất vấn, đi thẳng vào các vấn đề người dân đang quan tâm như chích sách đối với nông nghiệp, nông dân, giá nông sản hay vấn đề lao động việc làm và phát triển du lịch...
Tuy nhiên, cử tri vẫn băn khoăn, bức xúc trước việc đấu tranh, phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả thấp, việc thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước còn rất lớn. Vì vậy, cử tri đề nghị Nhà nước cần có biện pháp đấu tranh quyết liệt, hiệu quả hơn, công khai kết quả xử lý các vụ tham nhũng để người dân được biết.
Bên cạnh đó, cử tri Hà Nội cũng phản ánh, nhiều dự án treo, khu đất "vàng" của thành phố đang bị bỏ hoang, gây lang phí. Cử tri kiến nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, xử lý dứt điểm các dự án bỏ hoang, dự án treo; tập trung xử lý ô nhiễm môi trường, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cũng như tăng cường quản lý các di tích lịch sử văn hóa./.