1. Gia đình- môi trường giáo dục - cầu nối cá nhân và xã hội.
“Gia đình là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”[1]. Mỗi con người từ khi lọt lòng mẹ và ngay từ những năm tháng đầu đời đã được hấp thụ tác động của các thành viên trong gia đình, trước hết là cha mẹ. Tất cả những nếp sinh hoạt, tổ chức cuộc sống gia đình dần dần được chuyển hóa trong nhận thức, thái độ và hành vi của trẻ, hay nói cách khác các quan hệ đó đã để lại dấu ấn đậm nét trong thời ấu thơ và cả cuộc đời trong quá trình xã hội hóa cá nhân. Các hành vi ứng xử của cha mẹ sẽ để lại dấu ấn sâu sắc và được cá nhân hình thành một cách tự giác hay tự phát thông qua quá trình tổ chức cuộc sống hoạt động và giao tiếp giữa các thành viên. Đặc biệt, cách giáo dục của cha mẹ là cơ sở quan trọng giúp trẻ phát triển theo những chiều hướng nhất định - định hình nhân cách bởi cha mẹ. Như vậy, những tác động của môi trường gia đình thường được trẻ tiếp nhận một cách chủ động hay thụ động thì bao giờ cũng đặt nền móng cho quá trình phát triển của nhân cách và đặc trưng văn hóa, tổ chức cuộc sống ở mỗi gia đình sẽ để lại dấu ấn riêng đối với mỗi cá nhân.
Gia đình thật sự là tế bào của xã hội. Tế bào khỏe mạnh thì cơ thể cường tráng, phát triển và ngược lại. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”(2). Gia đình và xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau trong sự tổng hòa các nhân tố tác động đến nhân cách. Trong mối quan hệ chặt chẽ đó thì trình độ phát triển ở mức độ nào của xã hội bao giờ cũng ghi dấu ấn đến cách thức tổ chức cuộc sống, tính chất, kết cấu, quan hệ và quy mô phát triển của gia đình cũng như từng thành viên. Thông qua quá trình tổ chức cuộc sống thì mỗi cá nhân chịu sự tác động bởi hệ thống các giá trị, các thiết chế xã hội. Đó cũng chính là quá trình khách thể hóa cá nhân - chuyển hóa những giá trị xã hội thành giá trị của mỗi thành viên trong gia đình. Từ lúc sinh ra cho đến khi kết thúc cuôc đời, mỗi thành viên được nuôi dưỡng, chăm sóc để trở thành công dân của xã hội, phục vụ cho xã hội đồng thời xã hội sẽ tạo điệu kiện tốt nhất để cá nhân phát triển và hoàn thiện. Như vậy, hạnh phúc của mỗi gia đình là tiền đề, điều kiện quan trọng cho sự hình thành, phát triển nhân cách của con người, đồng thời đó cũng chính là thiết chế đầu tiên, cầu nối giữa cá nhân và xã hội. Muốn xây dựng xã hội tốt thì phải chú ý xây dựng gia đình hạnh phúc.
2. Cha mẹ là điểm tựa vững chắc
"Cha mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con…" Không mấy ai không thuộc lời bài hát ấy. Gia đình no ấm, bố mẹ thuận hòa, hạnh phúc là điều kiện, môi trường quan trọng, trực tiếp tạo nên các thế hệ sau có chất lượng cả thể chất lẫn tinh thần, góp phần đắc lực vào chiến lược phát triển nguồn lực con người có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước hiện nay. Do đó, trong mỗi gia đình, cha mẹ chính là điểm tựa tinh thần vững chắc cho các thành viên. Cha mẹ là những người biết chia sẻ, động viên, biết xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, biết giữ được bầu không khí vui vẻ, hạnh phúc thì đó là cơ sở để các thành viên phát triển một cách vững chắc. Ngược lại, cha mẹ bất hòa, phong cách gia trưởng, độc đoán, bầu không khí tâm lý ngột ngạt thì các thành viên dễ nảy sinh mâu thuẫn, xung đột và nhân cách phát triển một cách lệch lạc, không phù hợp với chuẩn mực xã hội. Thực tế cho thấy nếu các em không được cha mẹ động viên, khen thưởng, không được chia sẻ những khó khăn thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển nhân cách, nhất là những năm đầu đời.
Trong mỗi gia đình, sự nghiêm khắc của người cha là quan trọng nhưng phải phù hợp hoàn cảnh, phải dựa trên nền tảng của tình yêu thương và hướng cho con những giá trị tích cực. Ngược lại, sự nghiêm khắc cực đoan trở thành độc đoán, gia trưởng thậm chí tàn bạo, điều này làm cho trẻ xa lánh hoặc lạnh nhạt với gia đình, thậm chí chống đối quyết liệt, dễ trở thành người thụ động, thiếu sáng kiến, mặc cảm, tự ti… Người mẹ bằng tình cảm yêu thương, bằng cử chỉ nhẹ nhàng, dịu dàng, tế nhị, đáp ứng phù hợp các yêu cầu chính đáng của con, chia sẻ, giúp con vượt qua những khó khăn, bế tắc trong cuộc sống. Tất nhiên sự yêu thương đó không phải là nhu nhược, mù quáng. Đây là nghệ thuật làm mẹ.
Cha mẹ luôn làm phong phú đời sống tinh thần, bảo đảm phát triển thể lực khoẻ mạnh của con trẻ, định hướng cho con vào những hoạt động bổ ích, mọi sự cấm đoán hoặc chiều chuộng thái quá đều phản tác dụng giáo dục, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ sau này.
Ngày nay, nền kinh tế thị trường tác động mạnh mẽ, làm biến đổi ít nhiều những giá trị truyền thống. Vấn đề bạo lực, ly hôn, thực dụng, vô cảm… có xu hướng ngày càng tăng ảnh hưởng tiêu cực đến bầu không khí gia đình. Song, vì hạnh phúc gia đình, vì sự tiến bộ của xã hội mà trực tiếp nhất là sự phát triển của mỗi thành viên trong gia đình, chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống; tiếp thu, chọn lọc những giá trị tích cực của thời đại để phấn đấu “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội”[3]. Ngày 28-6-2001 được chọn là Ngày Gia đình Việt Nam, theo Chỉ thị 55/BCT của Bộ Chính trị và Quyết định 72/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các tổ chức đảng, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các cá nhân thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, NXBCTQG, Hà Nội, 2011, tr. 76-77; tr.77. (3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 9, NXB CTQG, H, 1996, tr 523.
Nguyễn Tuấn Sơn,Triệu Kim Luận và Nguyễn Văn Công