Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:

 

 

Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.871.386
Truy câp hiện tại 955
"học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách hồ chí minh"
Tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình và giáo dục gia đình
Ngày cập nhật 28/06/2013
Cũng như mọi người, Bác Hồ rất nâng niu, quý trọng tình cảm gia đình, đây cũng chính là cội nguồn, là cơ sở bền vững của lòng yêu nước, thương dân trong Bác.

 Lịch sử Việt Nam hiếm có một gia đình nào như gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác mồ côi mẹ năm lên 9 tuổi, ở với cha đến năm 19 tuổi thì Người từ biệt cha, ra đi tìm đường cứu nước. Anh trai mất, rồi chị gái mất, Bác cũng không có điều kiện về chịu tang. Trên đường đi chiến dịch Biên giới năm 1950, nhận được tin cụ Khiêm (anh ruột Bác) mất, từ chiến khu Việt Bắc, không về được, Người gửi điện cho Ủy ban kháng chiến Liên khu IV nhờ chuyển cho làng Kim Liên: "Nghe tin anh cả mất lòng tôi rất buồn rầu, vì việc nước nặng nhiều, đường xá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi xin chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người đã hy sinh tình nhà để lo việc nước"(1).  

Ở Bác, những tình cảm lớn, dù sâu sắc, mênh mông đến đâu cũng không che được những tình cảm riêng tư. Bác Hồ của chúng ta cũng phải gắng gỏi vượt lên ngay cả trong những lúc cô đơn, nhớ nhà, nhớ quê hương... Những chiều Việt Bắc, rừng Chiêm Hóa u buồn, sương mù bao phủ, gia đình các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng đều ở quanh Bác nhưng cách nhau đến mấy quả đồi, mấy cánh rừng, các đồng chí phục vụ thấy đôi mắt Bác long lanh ướt nói với các đồng chí xung quanh: Chúng ta, ai cũng đều muốn có một gia đình ấm cúng. Người cách mạng là người giàu tình cảm, mà chính vì giàu tình cảm thì mới đi làm cách mạng, càng làm cách mạng lại càng quý trọng cuộc sống gia đình, chẳng qua vì chưa có điều kiện thuận lợi nên chưa thực hiện được, đành phải chịu đựng mà thôi. Đối với những đồng chí sống gần gũi quanh mình, Bác luôn quan tâm đến gia đình riêng của họ. Trước khi đi công tác xa lâu ngày, Bác không quên nhắc những người phục vụ bố trí thay phiên nhau để có thì giờ về thăm gia đình. Mỗi khi có dịp, Bác đều nhắc những người tham dự cuộc vui lấy phần kẹo về cho vợ con ở nhà.  

Bác Hồ cũng như chúng ta, là con người bình thường, cũng khát vọng yêu thương, cũng mong muốn có một mái ấm gia đình. Nhưng Người trở nên vĩ đại bởi vì Người đã vượt lên trên cái bình thường, hy sinh hạnh phúc của chính mình với mục đích đem lại hạnh phúc bình thường cho mọi người, cho các thế hệ mai sau. Các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng chân tình hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh vì sao Người không lấy vợ, không lập gia đình? Chủ tịch cười, ôn tồn nói: Lúc còn trẻ, mải mê đi làm nhiệm vụ, không có điều kiện lập gia đình, bây giờ già rồi không còn nhu cầu ấy nữa.       

Cả gia đình Bác đã hy sinh cho nhân dân, cho đất nước. Gia đình Bác đã hòa  vào mỗi gia đình người Việt Nam hôm nay và mai sau. Mặc dù Bác không lập gia đình, không có vợ, con nhưng mỗi gia đình Việt Nam như có Bác ở bên, đi theo con đường Người chọn, học tập và làm theo lời Người dạy. Gia đình của Người, sống mãi cùng gia đình Việt Nam, trường tồn cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất quan tâm đến giáo dục gia đình, theo Người: Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách… được hình thành, phát triển và giữ gìn, vun đắp, phát huy trong mỗi gia đình Việt Nam. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng gia đình phải phát triển bền vững. Thông qua giáo dục gia đình, thế hệ trẻ được tiếp thu những tinh hoa văn hóa tốt đẹp, hình thành nhân cách, lối sống, ứng xử… Theo Bác, con người Việt Nam chỉ có thể được trang bị những phẩm chất tốt đẹp nếu có một môi trường xã hội tốt. Môi trường đó trước hết là từ mỗi gia đình, mỗi tế bào của xã hội. Các gia đình chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm của gia đình mình, phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái, cung cấp cho xã hội những công dân có ích.     

Cùng với nhà trường, gia đình tham gia tích cực nhiệm vụ “dạy người, dạy chữ”, tạo ra lực lượng lao động tương lai có chất lượng. Bác nhấn mạnh, gia đình là nơi tiếp thu, giữ gìn và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thông qua các câu chuyện cổ tích, qua các câu ca dao, tục ngữ, cha mẹ, ông bà là những người thầy đầu tiên dạy dỗ, nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tư duy và từng bước giáo dục hình thành nhân cách cho mỗi con người. Qua lao động, qua việc xử lý các mối quan hệ hằng ngày, gia đình đã truyền cho con trẻ những nét đẹp của truyền thống gia đình, dòng họ, truyền thống văn hóa dân tộc. Từ đó, mỗi cá nhân hình thành và bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình cộng đồng, lòng nhân ái, tinh thần tự lực, tự cường, anh hùng trong chiến đấu, chăm chỉ, cần cù trong lao động sản xuất…

Bác Hồ cho rằng, trong giáo dục, nếu thiếu sự giáo dục gia đình hoặc giáo dục gia đình không phù hợp với yêu cầu của xã hội sẽ hạn chế nhiều kết quả giáo dục. Vì vậy, nhà trường, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên. Trong thư ngày 31-10-1955, sau khi căn dặn thầy giáo, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng, Bác viết: “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp đỡ nhà trường giáo dục và khuyến khích các em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”(2). Trong gia đình, cha mẹ là người có ảnh hưởng rất lớn đối với con trẻ, vì vậy, Bác “mong cha mẹ học trò hết sức giúp đỡ nhà trường trong việc giáo dục con em chúng ta cho có kết quả tốt đẹp” (3). Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo dục tháng 6-1957, Bác căn dặn cán bộ đảng ngành này “phải nhất thiết liên hệ mật thiết với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”(4). Theo Bác, trong giáo dục trẻ cần làm cho trẻ biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ làm cho chúng trở nên già cả. Để làm được điều đó, giáo dục gia đình giữ vai trò rất quan trọng. Bác khuyên mọi người trong gia đình phải quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau để mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ văn hóa, thi đua với nhau vươn lên thực hiện tốt nghĩa vụ của mỗi người đối với gia đình và đất nước.

Giáo dục trong gia đình, theo Người là mỗi người nhắc nhở, dạy bảo nhau, các cụ phụ lão thi đua, đốc thúc con cháu tham gia mọi công việc, các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp đỡ người lớn, “vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo”(5). Bác nhắc nhở trong gia đình các bậc cha mẹ phải gương mẫu trước con em, trẻ em hay bắt chước cho nên các thầy giáo, cha mẹ đều phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm. Trong xã hội có nhiều tệ nạn, thị phi thì gia đình chính là thành lũy kiên cố bảo vệ và giúp cho con em mình duy trì được lối sống văn hóa. Cái lý tưởng đầu tiên của con trẻ về chân, thiện, mỹ được hình  thành bởi sự liên lạc giữa con trẻ và bố mẹ. Và chính gia đình là nơi khai sinh ra những ý tưởng đầu tiên của con trẻ về sự tự chủ, vâng lời, về sự thật, sự tha thứ, hình thành lối sống văn hoá tốt đẹp…  

Bác Hồ cho rằng giáo dục gia đình không chỉ bó hẹp trong phạm vi từng gia đình riêng lẻ mà phải mở rộng tác dụng ra làng xã và toàn xã hội, phải chăm lo đến cả con cái những gia đình khác trong đại gia đình của dân tộc ta. Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Thí dụ: những người cùng lao động trong một nhà máy, trong một cơ quan, trong một hợp tác xã… đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình. Rộng rãi nữa là đồng bào cả nước đều là anh em trong một gia đình. Đã là đại gia đình thì sự săn sóc, dạy dỗ cũng không chỉ nhằm làm cho con cháu mình khỏe và ngoan mà phải cố gắng cho tất cả con cháu mình ngoan và khỏe. Chính Bác đã nêu một tấm gương mẫu mực cho các bậc cha mẹ và người lớn về sự quan tâm chăm sóc trẻ thơ, mang lại cho trẻ em hạnh phúc được sống cùng cha mẹ, được hưởng quyền dân chủ, được vui chơi và học hành tiến bộ. Bác rất coi trọng việc giáo dục trẻ em biết kính yêu thầy cô và giúp đỡ cha mẹ. Đêm trung thu đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mặc dù công việc bộn bề, đất nước còn nhiều khó khăn, Bác đã dành thời gian nói chuyện với thiếu nhi, Bác căn dặn: các em nên rèn luyện đức tính thành thật và dũng cảm, ở trường thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết và giúp đỡ cha mẹ, ở xã hội thì tùy sức mình mà tham gia những việc có lợi chung…  

Thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ về tầm quan trọng của gia đình và giáo dục gia đình, ngày 28-6-2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, chọn ngày 28-6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, phát huy vai trò của gia đình và giáo dục gia đình, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày Gia đình Việt Nam là mốc quan trọng để những con người đất Việt hướng về cội nguồn, về những người thân yêu, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, những giá trị văn hoá cao quý của dân tộc. Cho dù có đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để quay về.  

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đang bị phai nhạt; tình trạng ly hôn, bạo hành gia đình gia tăng; chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, hưởng thụ có xu hướng tăng lên… Những hạn chế này đang khiến cho nhiều gia đình Việt có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, nền tảng xã hội thiếu vững chắc. Vì vậy, ngày Gia đình Việt Nam đang trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh, giáo dục, động viên mọi người thể hiện tình thương yêu và trách nhiệm đối với tổ ấm của mình, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với tưong lai của dân tộc.

-------------------------------
(1): Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXBCTQG, H.2011, tr.463.
(2):  Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, sách đã dẫn (Sđd), tr.186.
(3): Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, sđd, tr.427.
(4): Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, sđd, tr.591.
(5): Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, sđd, tr.41.
Lê Văn Diệu, Trường Đại học Nguyễn Huệ

Tạp chí Xây dựng Đảng
Các tin khác
Xem tin theo ngày